Phóng Sự

Ngôi Nhà Tâm Linh Của Người Việt Tại Quận Cam (kỳ 39)

Sunday, 27/05/2018 - 11:05:04

Bà nói, “Đi sinh hoạt mỗi tuần như vậy rất hay. Vì mình là người thường mà, có rất nhiều tật xấu, luôn phải được nhắc nhở hoài để đừng quên, phải tu sửa hoài, chứ không thể muốn tốt là tốt ngay được.”

Bài BĂNG HUYỀN

Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh (phần 2)
 
Cũng như hầu hết các thành viên của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh (GĐNSTL), bà Đinh Lễ (là một trong những thành viên gắn bó với GĐNSTL sau vài tháng GĐ được lập ra) luôn thuộc nằm lòng bài học căn bản về tâm linh mà ông Lâm Thành (đảm nhận vai trò cố vấn, hướng dẫn của GĐNSTL) đã hướng dẫn.
 

Bà Đinh Lễ (tay cầm micro) trong buổi sinh hoạt tối thứ Ba hằng tuần với Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Bài học đó chính là, “Đời sống tinh thần, tâm linh của con người được hình thành và phát triển như hình ảnh một Cây Tâm Linh trong đó Gốc và Rể chính là Tâm linh Gia Tiên, Thân chính là Đạo Hiếu, toàn bộ Hoa Trái Lá Cành là các Tôn giáo và Tín ngưỡng.

“Cuộc sống nhiều biến động, con người nhiều khi phải chịu nhiều sự tác động ngoại cảnh dẫn đến quên luôn Gốc Rể của bản thân, chỉ tập trung lo chăm sóc Hoa Trái Lá Cành, nếu không kịp thời tỉnh ngộ quay về chăm sóc Gốc Rể, thực hành Đạo Hiếu thì Cây Tâm Linh sẽ bị khô héo.”
 

Các thành viên GĐNSTL trong buổi tiệc mừng sinh nhật 8 tuổi vào tháng 8 năm 2017. (Hình cung cấp)

Câu chuyện của bà Đinh Lễ

Bà Đinh Lễ kể, “Một trong những bài học tôi thấy rất hiệu nghiệm với mình là anh Lâm Thành luôn dạy chúng tôi hãy xây dựng công đức mỗi ngày, khi năm xui tháng hạn đến, việc không may vẫn phải đến mình không thể tránh khỏi, nhưng nhờ mình tích công đức thì việc không may sẽ được giảm bớt. Tôi nghĩ tôi mà không tu học với GĐNSTL suốt mấy năm qua, có lẽ cả nhà tôi chết cháy rồi.

“Cách nay vài năm, vào buổi tối, hàng rào cây của nhà tôi bị bốc cháy, do ông xả tôi để mấy bóng đèn neon cũ dựng hàng rào cây, mùa hè do trời nóng quá, đến đêm nó phừng cháy hàng rào, mà phòng ngủ của vợ chồng tôi sát với hàng rào. Lúc đó là 2 giờ 30 sáng, có một cô ở apartment đối diện, chạy bộ ngang qua, thấy lửa bốc cháy, đã gọi 911. Khi cảnh sát đến đập cửa phòng ngủ, vợ chồng và hai con tôi ngủ say chẳng biết gì hết.

“Cô ấy có khai với cảnh sát viết report, hằng ngày 5 giờ sáng cô mới chạy bộ, thường chỉ chạy ngoài đường cái lớn, chưa bao giờ chạy con đường nhỏ này một lần nào hết. Nhưng hôm xảy ra chuyện, 2 giờ 30 sáng cô ngủ không được, nên quyết định chạy bộ. Cô nghĩ nếu giờ khuya chạy ra đường lớn sợ bị bắt cóc, nên chạy con đường nhỏ không có xe ra vô. Chạy đến nhà tôi, thấy khói bốc lên, cô liền gọi 911. Nếu không có cô phát hiện, thì lửa cháy đến, hai vợ chồng tôi chắc tiêu rồi. Phòng hai con gái của tôi cũng cùng dãy nhưng ở trên lầu chắc cũng tiêu luôn.”

Bà Đinh Lễ khẳng định, “Tôi tin là đấng Thiêng Liêng đã khiến cho cô ấy chạy bộ vào đường đó để cứu vợ chồng tôi. Nhiều người không chứng nghiệm được sự mầu nhiệm của đấng Thiêng Liêng, sẽ bán tín bán nghi, còn tôi đã chứng kiến nhiều lần đến với gia đình tôi rồi, nên tôi càng tin nhiều hơn và luôn cố gắng tu sửa bản thân mình để tích công đức. Anh Thành luôn hướng dẫn chúng tôi khi cầu xin đấng Thiêng Liêng điều gì thì hãy hứa sẽ gắng sửa tánh xấu của mình thay vì là cúng gà, xôi...

“Vì tính tình của mình rất quan trọng. Nếu vì tính xấu của mình làm cho người phối ngẫu, anh chị em, ba mẹ mình không vui thì mình sẽ không có nhiều công đức. Công đức lớn nhất là làm cho những người xung quanh mình được vui, sửa tánh tình để mọi người xung quanh mình được vui. Lời hứa đó là mầu nhiệm nhất.”

Tâm Linh và Phước Đức

Bài học về “Tâm linh và Phước - Đức” của Lâm Ngọc (là bút hiệu của vợ chồng ông Lâm Thành và bà Ngọc Lan) được phổ biến cho các thành viên của GĐNSTL, có giải thích rõ, “Tất cả những việc chúng ta làm đều do sự điều khiển của tâm mà ra. Vậy nên một việc làm được kể là tốt khi được xuất phát từ một tâm tốt, và ngược lại. Tuy nhiên tâm tốt không thôi vẫn chưa đủ, cần phải có trí huệ và dũng cảm nữa. Ví dụ như một người bác sĩ đã cố gắng hết sức mà vẫn không cứu được bịnh nhân và một tên tội phạm giết người cướp của.

“Tuy cả hai đều có kết quả như nhau: người bịnh nhân và nạn nhân bị cướp đều mất mạng, nhưng vì người bác sĩ có lòng cứu người, nên dù không cứu được nạn nhân nhưng đó là việc làm tốt. Còn tên cướp là do tâm cố ý giết người cướp của nên sẽ có nghiệp xấu. Vì vậy dù rằng hai hành động có cùng kết quả giống nhau nhưng sẽ có hệ quả xấu hay tốt thì còn phải coi theo tâm của người làm lúc đó.

“Chính vì vậy một điều rất quan trọng chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng khi làm phước thì phải làm với tất cả tấm lòng, với dụng ý giúp người, thì sẽ được tạo được công đức. Còn nếu giúp người chỉ với lòng mưu cầu lợi ích cá nhân là ta đã mang sự ích kỷ vào việc làm công đức. Ích kỷ là một dạng của sự tham lam; khi đã có lòng tham là chúng ta sẽ không bao giờ tạo được công đức tốt. Khi làm công đức đúng cách, chúng ta sẽ giảm thiểu được tánh kiêu ngạo và lòng tham lam.”

Theo tác giả Lâm Ngọc, “Phước và Đức là hai bài học lớn các đấng Thiêng Liêng sắp xếp để con người học các bài học về bi trí và dũng. Có phước chúng ta sẽ có đời sống vật chất đầy đủ, có đức chúng ta sẽ có cuộc sống thanh thản, được mọi người kính trọng. Vì vậy mọi người ai ai cũng cố gắng để có được phước đức.
“Khi làm phước, chúng ta giúp đỡ người khác, khi lập công bồi đức, chính là tự sửa mình, nhưng đồng thời cũng chính là tự giúp chính mình thăng tiến tâm linh, mở rộng lòng yêu thương người, vị tha và loại bỏ được tham, sân, si cùng tánh kiêu căng.

“Tóm lại, khi làm công đức, dù là bố thí, tài thí hay pháp thí, chúng ta nên ghi nhớ những điều như sau: Phải làm với trình độ tâm có đủ Bi Trí Dũng (Bác ái, Minh triết, Ý chí). Làm công đức với mục đích giúp người chứ không vì lòng riêng tư hay kiêu ngạo, thông cảm với nỗi khổ của người khác với sự sáng suốt để có thể giúp đúng đối tượng cần sự giúp đỡ, tránh phải giúp lầm người mà mang họa vào thân. Phải giúp đỡ người trong gia đình trước rồi mới tới người ngoài. Làm phước với khả năng và trong giới hạn của mình chứ không nên làm chuyện ngoài tầm tay của chúng ta. Đặc biệt nếu không thể đi đến cùng và không biết được kết quả của việc mình làm thì tốt hơn hết là không nên làm để tránh bị hao tổn phước đức.

“Đến đây có lẽ chúng ta đã có câu trả lời tại sao có người cả đời chuyên làm việc phước thiện nhưng lại luôn gặp những xui xẻo, bất trắc.”

Nhắc lại những thay đổi mỗi ngày mỗi tốt hơn qua việc tu tâm sửa tính tình kể từ khi trở thành thành viên của GĐNSTL, bà Đinh Lễ chia sẻ, “Tính tôi hồi trước nóng lắm, vì qua Mỹ trước chồng, nghĩ là mình thành công trong việc làm ra tiền (là chủ tiệm nail), nghĩ là mình làm việc cực khổ kiếm tiền cho gia đình, nên khi chồng làm gì mình không ưng, thường không mềm mại với chồng, hay ăn hiếp chồng. Anh thì tự ái, nên hai vợ chồng đối chọi với nhau hoài. Khi vào GĐNSTL, tôi học được bài học về nhẫn nhịn, tha thứ, hòa đồng, tôi áp dụng vào đời sống của mình.

“Một trong những bài học mà anh Thành hướng dẫn tôi còn nhớ là đừng bao giờ nhìn lỗi của người ta, mà hãy nhìn lỗi của mình, chấp nhận những gì xấu của người ta, riêng mình có tính xấu gì gắng sửa đi thì mình dễ sống hơn. Vì vậy cái gì chồng không làm thì tôi tự làm. Hồi trước nhiều khi hai vợ chồng giận nhau, hai tháng vẫn chưa hòa lại.

Còn từ khi vào GĐNSTL thì hai vợ chồng có giận nhau thì chưa qua một đêm. Nếu cả hai giận, tôi cố gắng nhịn lại, sau đó làm hòa trước. Dần dần chồng thấy tính tôi hiền hòa, anh cũng sửa đổi tính tình tốt hơn, cưng chiều tôi hơn. Từ đó đến nay vợ chồng tôi không còn những cuộc cải vã nữa. Tôi rất thích những bài học anh Thành chia sẻ cho chúng tôi vào mỗi tối thứ Ba, nên tôi đi hoài là vậy.”
Được sự hướng dẫn tận tình của ông Lâm Thành, bà Ngọc Lan, không chỉ riêng bà Đinh Lễ, tất cả các thành viên của GĐNSTL đều thuộc nằm lòng những quy định thực hành của mình khi trở thành thành viên của GĐNSTL, vốn lấy nền đạo Tâm linh Gia tiên làm gốc, đó chính là,

“Luôn luôn bày tỏ hiếu đạo với cha mẹ, ông bà
Khi còn nhỏ: Luôn kính trọng, thương yêu và vâng lời cha mẹ
Khi trưởng thành: Luôn thăm hỏi, săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ
Không làm điều gì làm cha mẹ xấu hổ (nói láo, ăn cắp, say rượu, tà dâm, giết người…)
Luôn nhường nhịn, hòa thuận với anh chị em
Không tự cao kiêu ngạo, xem thường người khác
Không phán xét người khác một cách chủ quan
Luôn khoan dung, độ lượng, tha thứ với mọi người chung quanh
Làm tròn bổn phận và trách nhiệm với người phối ngẫu
Luôn làm cho người phối ngẫu hạnh phúc
Thương yêu, nuôi dạy con cháu nên người
Chu toàn đối với tứ thân phụ mẫu, nội ngoại
Luôn có mặt trong các dịp đoàn tụ gia đình (Tết, giỗ kỵ…)
Làm tròn bổn phận công dân, góp phần xây dựng quê hương đất nước
Chấp hành luật pháp, sống đạo đức gương mẫu
Sẵn sàng giúp đỡ mọi người
Không phê phán các tín ngưỡng, tôn giáo.”
Và một số quy tắc đạo đức căn bản, gồm có,
“Luôn tu tâm sửa tánh
Không làm những điều trái đạo lý
Luôn giữ Thân - khẩu - ý trong sạch.”

Bà Đinh Lễ nói bà rất quý vợ chồng ông Lâm Thành, bà Ngọc Lan đã soạn những bài giảng rất hay, không chỉ giúp bản thân bà mà với những người thân, bạn bè của bà, khi xảy ra tương tự như bài học mà bà đã được học, bà sẽ dùng để an ủi người khác, giúp được người ta vượt qua những bế tắc.

Chính vì hiểu được những điều quý giá trong việc tu dưỡng để thăng tiến tâm linh nên bà Đinh Lễ dù sống ở vùng San Diego, mỗi tối thứ Ba hằng tuần lái xe lên sinh hoạt với GĐNSTL nếu không bị kẹt xe khoảng 1 tiếng 15 phút, đến 1 tiếng 30 phút, còn kẹt xe có thể hơn 2 tiếng hơn, nhưng bà vẫn kiên trì chở theo cô con gái nhỏ của mình đi tu học với GĐ, khi đó hai con vẫn còn học tiểu học, nay hai con gái đã vào trung học.


Các thành viên GĐNSTL hóa trang trong tiệc Halloween. (Hình cung cấp)

Bà nói, “Đi sinh hoạt mỗi tuần như vậy rất hay. Vì mình là người thường mà, có rất nhiều tật xấu, luôn phải được nhắc nhở hoài để đừng quên, phải tu sửa hoài, chứ không thể muốn tốt là tốt ngay được.”

Kể lại mối duyên trở thành thành viên của GĐNSTL, bà Đinh Lễ cho biết con gái lớn của bà là con dâu của ca sĩ Trang Thanh Lan (cựu tổng thư ký GĐNSTL), nên cả hai vợ chồng con gái đều là thành viên GĐNSTL, đã giới thiệu bà vào.

“Vì muốn vào GĐNSTL, phải có người trong GĐ giới thiệu, thì mới vào được, chứ không phải mở rộng cho tất cả mọi người. Ngày đầu tiên tôi cũng muốn đi thử cho biết, tôi còn nhớ khi đó đề tài anh Thành chia sẻ với các thành viên là về vấn đề tôn giáo, không nên kỳ thị tôn giáo. Cái hay của bài nói chuyện là anh nêu lên những nét hay nhất của từng tôn giáo để giới thiệu, để mỗi người tùy theo tôn giáo mình đang theo đều thấy hợp tình hợp lý.

“Nhờ bài nói chuyện đầu tiên này hay quá, nên tôi đi đều đặn luôn, chỉ trừ khi bệnh hoạn, hay phải đi Việt Nam thăm ba, hoặc có chuyện đột xuất gì đó mới không đi thôi, thường thì tôi không vắng buổi nào. Khi vào GĐNSTL tôi thấy các thành viên trong GĐ thương yêu nhau, dù có những người là ngôi sao nổi tiếng, có nhiều fan hâm mộ, nhưng khi vào sinh hoạt trong GĐ, ai ai cũng hạ bản ngã của mình xuống, xem nhau như người thân, bình đẳng như nhau. Tôi quý GĐ này ở chỗ đó. Dù đó là ngôi sao hay là người bình thường như tôi, đều xem trọng như nhau, quý mến nhau rất chân tình. Ở Mỹ này tôi không có ba má anh chị em, nên xem GĐNSTL là gia đình thứ hai của tôi.

“Khi mình có mái gia đình như GĐNSTL, mình gặp chuyện gì không như ý xảy đến, mình không bị chơ vơ, sẽ có biết bao bàn tay trong GĐ giơ ra để giúp mình. Ví dụ các thành viên trong GĐ có ai cần dọn nhà, chỉ cần thông báo là có các thành viên khác mang thùng đến đựng đồ, chuyển đồ đi giùm. Giúp rất nhiệt tình chứ không phải giúp cho có. Có ai bệnh nằm bệnh viện, các thành viên đến thăm, cùng cầu nguyện cho người đó.


Các thành viên GĐNSTL chụp lưu niệm trong ngày lễ rước Thần Tài vào dịp tết Nguyên Đán. (Hình cung cấp)

“Không chỉ gặp gỡ nhau hằng tuần, ca sĩ Trizzie Phương Trinh, hội trưởng GĐNSTL còn tổ chức cho các thành viên đi chơi xa ba ngày vào dịp hè, để các thành viên có con đưa đi cùng, tăng thêm tình thân giữa mọi người trong GĐ. Dịp lễ Halloween thì tổ chức tiệc hóa trang, phát giải thưởng là tiền mặt cho ai hóa trang đạt các giải 1, 2, 3... Dịp giáng sinh thì có tiệc giáng sinh. Tết thì lễ cúng Thần Tài. Cúng tổ Nghệ Thuật. Tiệc sinh nhật hằng năm của GĐ vào tháng 8.”    


Các thành viên của GĐNSTL cùng ăn tối với nhau tại trụ sở của GĐNSTL. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Bà Đinh Lễ khen GĐNSTL được tổ chức rất quy cũ. GĐ có ban ẩm thực, có ban vệ sinh, ban trật tự. Mỗi khi tổ chức tiệc tùng, hoặc những hôm sinh hoạt hằng tuần, thì người trưởng ban trật tự lo giữ trật tự, những ai có mang con nhỏ đến, sẽ canh không cho các em chạy lung tung, ảnh hưởng đến sinh hoạt tu học. Trưởng ban vệ sinh thì phân công người dọn dẹp nơi sinh hoạt, dọn rác.


Các thành viên GĐNSTL hóa trang trong tiệc Halloween. (Hình cung cấp)

Về thức ăn cho mỗi tối thứ Ba, thì được trưởng ban ẩm thực chia ra mỗi nhóm gồm sáu người, cứ mỗi tuần mỗi nhóm sẽ lo phần ẩm thực đem thức ăn đến cho các thành viên cùng ăn tối. Vì thành viên của GĐ hơn 100 người, nên lâu lắm mới quay lại tới phiên mình đóng góp phần ẩm thực cho các thành viên.


Các thành viên GĐNSTL chụp lưu niệm trong ngày lễ rước Thần Tài vào dịp tết Nguyên Đán. (Hình cung cấp)

“Như tôi một năm chỉ đóng góp hai lần. Vì ở xa, tôi không nấu ăn, mà đưa tiền cho con gái lớn sống ở quận Cam đặt thức ăn, đem lại cho mọi người dùng. Một nhóm sáu, bảy người thì mỗi người trong nhóm của tuần đó chỉ cần mang một món ăn. Mỗi thứ Ba như vậy chúng tôi được ăn tối rất ngon, có sáu, bảy món ăn. Có người dù không phải trong nhóm ẩm thực tuần đó, nhưng có tài nấu chè, hoặc làm bánh, trái cây vườn nhà thì đem lên đóng góp để bữa ăn tối thêm phong phú.”


Các thành viên GĐNSTL chụp lưu niệm đi picnic vào dịp hè. (Hình cung cấp)

Bà Đinh Lễ nói, “Tôi mong những ai đọc được lời chia sẻ của tôi, muốn thăng tiến tâm linh để được an lạc trong đời sống, có nhiều phước đức, thì hãy cầu nguyện đấng mà quý vị đang tôn thờ, hãy hứa sửa đổi tánh tình. Vì ai cũng có tật xấu hết, không nóng tính thì cũng tham lam, hay ích kỷ… gắng sửa tánh xấu đang có, còn nếu không theo đạo nào thì hãy cầu nguyện với đấng Thiêng Liêng, hoặc ông bà tổ tiên của mình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hiếu thảo với cha mẹ lúc cha mẹ còn sống, vợ chồng thì thuận hòa, anh chị em thì đùm bọc nhau, ra đường thì giúp người này, tôn trọng người kia, giúp được gì trong khả năng của mình thì giúp. Quan trọng nhất vẫn là phải đối đãi tốt với người thân của mình. Chứ không nên chỉ tốt với người ngoài, còn người thân của mình thì mình đối đãi không ra gì.”
(Còn tiếp)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT