Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 28)

Sunday, 11/03/2018 - 09:39:43

Nhưng giáo pháp của Phật dù có tốt đẹp cao siêu đến đâu, nếu người Phật tử không thực hành sẽ không được lợi ích thiết thực. Vì vậy việc học phải đi đôi với hành.

Bài BĂNG HUYỀN

Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng (phần 2)

Ý nghĩa của lạy Phật, niệm Phật
Nếu hỏi ý nghĩa của việc lễ bái Phật là gì, hầu hết các Phật tử đều biết rằng, lễ bái Phật không phải vì cầu mong được Phật ban ân, cầu xin Phật tha tội, mà vì kính trọng Ngài. Ngài là đấng đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Là một bậc đạo sư, một đấng giàu lòng từ bi, đã tìm ra phương pháp giúp cho mọi chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lễ bái Phật là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhớ ơn Phật, cũng là cách nguyện sẽ theo gương Ngài mà tu hành để có trí tuệ nhìn thấy rõ sự vô thường, vô ngã của nhân sinh. Biết phân biệt đúng sai, phải trái, thật giả để không bị ngũ dục làm mê mờ. Nguyện noi gương Ngài để tu sửa thân tâm, chứ không phải để cầu tài, cầu lộc.

Kính lạy Phật, Bồ tát, các bậc tôn túc còn là cách để người Phật tử dẹp bỏ được tính tự cao tự đắc vốn là một tính xấu làm tiêu mòn công đức của mỗi người.

Ba cái lạy của người Phật tử khi lễ bái Phật, tượng trưng cho lạy tạ ba ngôi quý báu Tam Bảo: Phật, Pháp (Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật), và Tăng (Các vị xuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu hành giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh).

Ba ngôi Tam Bảo này có năng lực dẫn dắt con người thoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi.
Ngoài ý nghĩa lạy ba ngôi quý báu Tam Bảo, ba cái lạy còn mang ý nghĩa lạy ba ngôi quý báu bên trong mỗi Phật tử và trong mỗi chúng sinh. Vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt (Phật tánh), đồng một pháp tánh từ bi và bình đẳng (Pháp tánh), và đồng một đức tánh thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tánh).


Cư sĩ Quảng Thân Anh tay cầm chiếc lá bồ đề, là phần thưởng từ thầy Thích Tánh Tuệ tặng cô trong khóa tu do GĐTS Sợi Nắng tổ chức, khi cô trả lời đúng câu hỏi thầy đặt ra cho các Phật tử ý nghĩa của niệm Phật là gì. (Hình cung cấp)

Vì hiểu rõ ý nghĩa những điều trên, nên với cư sĩ Quảng Thân Anh, là thành viên trong ban Thông Tin và là thủ quỹ của Gia Đình Thiền Sinh (GĐTS) Sợi Nắng đã luôn thực hành mỗi ngày. Mỗi sáng trước khi đi làm, cô dậy từ 5 giờ sáng, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, sám hối đã trở thành một thói quen, đem lại năng lượng tốt cho cô trước khi đến sở làm.


Cư sĩ Diệu Lan (tay cầm micro) trong khóa tu do thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn, GĐTS Sợi Nắng tổ chức tại tu viện Đại Bi (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô nói, “Ngày xưa tôi cứ nhầm tưởng đạo Phật là đạo bi quan, cả ngày cứ lạy Phật, đọc kinh, gõ mỏ, mà kinh đọc lên thì tôi chẳng hiểu gì (Vì phần lớn là tiếng Phạn, từ Hán Việt rất nhiều). Nhưng sau khi vào GĐTS Sợi Nắng và được nghe những chia sẻ của sư cô Thanh Diệu Mai và những người bạn đạo, lời dạy của Sư ông Thích Tịnh Từ, tôi thấy những thời khóa mà mình tu như vậy giúp chuyển hóa từ bên trong con người mình rất nhiều. Mỗi khi mình niệm Phật sẽ giúp tâm mình tịnh lại, an lại, trừ đi những vọng tưởng, thì sẽ không làm những điều bậy. Vì càng nhìn ra ngoài nhiều, mình càng bám víu và có những hành động không kiểm soát nổi, sẽ dễ tạo nghiệp.”

Cư sĩ Quảng Thân Anh kể, “Trước khi tôi tin Phật pháp, thì tôi là một tín đồ Tin Lành, đã làm lễ Bap-tem. Hồi trước tôi cho ba đứa con của tôi đi học Việt Ngữ bên Hội Thánh Tin Lành, khi đó tôi thấy những tín hữu của Tin Lành rất dễ thương, tôi rất thích hát nhạc Thánh Ca, nên đã trở thành tín đồ Tin Lành. Sau một thời gian sinh hoạt bên đạo Tin Lành, tôi chuyển sang đạo Phật vì thấy đạo Phật giúp tôi hiểu sâu về con người của tôi hơn. Bên Tin Lành thì thường nhân danh Chúa, luôn tôn thờ Chúa, đi làm các việc thiện nguyện, đi hát Thánh ca. Dù hiện nay tôi vẫn luôn kính Chúa, nhưng sau một thời gian tham gia hết các sinh hoạt bên Tin Lành, tôi thấy không đủ để chuyển hóa tâm khổ của mình. Vì là con người, lúc nào cũng có cái khổ hết. Chỉ khi hiểu rõ Phật pháp đã giúp chuyển hóa tâm mình càng ngày càng an lạc hơn.”

Cư sĩ Quảng Thân Anh cho biết vào năm 2003, cô đã quy y Tam Bảo với thầy Hằng Trường của Hội Từ Bi Phụng Sự, được thầy cho pháp danh Thân Anh. Một thời gian sau cô hay qua tu học với GĐTS Sợi Nắng, vì có những người bạn gần nhà là thành viên của Sợi Nắng, rủ cô cùng đi tu học chung cho vui. Vào Sợi Nắng, cô thấy được thực tập về chánh niệm rất nhiều, nên cô gắn bó với GĐTS Sợi Nắng luôn. Sau khi vào Sợi Nắng, cô được Sư ông Thích Tịnh Từ viện chủ tu viện Kim Sơn (lập ra GĐTS Sợi Nắng) đặt cho cô pháp danh Quảng Thân Anh. Dù là một trong những thành viên trẻ nồng cốt của GĐTS Sợi Nắng, nhưng cô vẫn là thiện nguyện viên của Hội Từ Bi Phụng Sự. “Tôi nghĩ mình giúp được gì thì giúp, dù vẫn tu học bên Sợi Nắng nhiều hơn, nhưng bên thầy Hằng Trường khi nào có đại lễ thì tôi có mặt để phụ giúp trong vai trò là thiện nguyện viên.”

Cư sĩ Quảng Thân Anh chia sẻ, “Ngày tôi mới vào tu học với GĐTS Sợi Nắng, tôi hoàn toàn không biết gì về chánh niệm, không biết tụng kinh, cũng không biết bất cứ một kinh điển gì hết. Khi tôi vào Sợi Nắng thì có sư cô Thanh Diệu Mai. Trước khi xuất gia trở thành Sư cô, cô cũng là một Phật tử như tôi, sinh hoạt với Sợi Nắng từ buổi đầu mới lập ra và là người trưởng nhóm của Sợi Nắng. Sư cô Thanh Diệu Mai có sự tu tập rất nghiêm mật và rất chánh niệm. Sư cô khi đó chưa đi tu, chỉ là Phật tử, nhưng rất thuần thành. Sư cô đã dạy cho tôi trên sự thuần thành của Sư cô. Sư cô chỉ cho tôi nào là tụng kinh làm sao, gõ mỏ như thế nào, tại sao mình phải tụng kinh, lạy Phật, sám hối đều được Sư cô giảng giải rất kỹ. Nhờ Sư cô hướng dẫn kỹ, giúp tôi có kiến thức Phật pháp rất vững. Tôi mới hiểu rằng tất cả những việc như tụng kinh, gõ mỏ, lạy Phật... đều có lý do, tôi thấy rất chính đáng, nên tôi đã làm theo. Qua bao nhiêu năm thực hành và chiêm nghiệm, tôi mới cảm thấy rằng lời nói của Sư cô hướng dẫn tôi rất đúng, cho tôi năng lượng tự thân rất mạnh, ai nói gì thì không bị lung lay. Vì mình hiểu rõ gốc rễ việc mình làm.”

Chánh niệm là gì?

Theo cư sĩ Quảng Thân Anh, chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta.

Chánh niệm còn có nghĩa là nhớ đúng, nghĩ đúng, là giai đoạn thứ bảy trong Bát Chánh đạo. Nhìn vào hay quán vào thân tâm để luôn tỉnh thức. Là trái tim của Thiền quán.

Thường thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường, chưa có sự tu tập, rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức. Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức. Và từ đó ta mới có thể thật sự sống, và có thể xử dụng được hết mọi khả năng của ý thức cũng như trong tiềm thức của mình.
Khi mình biết quay vào trong và tự quán sát mình sâu sắc, bằng những phương pháp có hệ thống rõ ràng, mình có thể sống một cuộc đời hòa hợp hơn, hạnh phúc hơn và với nhiều tuệ giác hơn. Nó cũng sẽ đem lại cho mình một cái nhìn mới về thế giới chung quanh.

Sức mạnh của chánh niệm nằm ở chỗ mình biết thực hành và áp dụng nó mọi lúc, mọi nơi trong đời sống.
Đối với cư sĩ Quảng Thân Anh, chính nhờ chánh niệm đã giúp cô đằm tính lại, giảm đi những stress từ công việc (là kỹ sư của công ty IBM) và là mẹ đơn thân hơn 14 năm qua, chăm lo cho ba con nay đã trưởng thành đều ăn học thành tài, ngoan ngoãn.

Cô tâm sự, “Có được chánh niệm là nhờ GĐTS Sợi Nắng giúp cho tôi, Sư cô Thanh Diệu Mai, Sư ông Thích Tịnh Từ, các bạn đạo… đã chỉ cho tôi con đường để tôi đi. Nếu không có bạn đạo, không họp nhau lại tu học mỗi tháng như vậy, thì một thời gian mình chơi với những người bạn đời, mình sẽ quên, không tu nữa. Nhờ có sự tu tập đều đặn như vậy, có sự thanh tịnh trong đó, chánh niệm trong đó, có sự chia sẻ giữa các bạn đạo với nhau, mình học được rất nhiều, thay vì mình chỉ ngồi đọc kinh điển một mình mà thôi.”

Cư sĩ Diệu Lan là thành viên gắn bó với GĐTS Sợi Nắng từ nhiều năm trước thì cho rằng, mỗi tháng các thành viên của GĐTS Sợi Nắng gặp nhau một, hai lần trong tháng đều đặn như vậy là quý lắm rồi, không ít đâu. Vì các thành viên của Sợi Nắng còn có thêm những sinh hoạt tu học khác ngoài sinh hoạt với Sợi Nắng. Ví dụ có những vị thầy khác tổ chức Hoằng Pháp tại những chùa hay các đạo tràng khác, thành viên trong Sợi Nắng thông báo cho nhau biết, đi dự những nơi tu học này.


Cư sĩ Quảng Thân Anh (bên trái) trong khóa tu do thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn, GĐTS Sợi Nắng tổ chức tại tu viện Đại Bi. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bà nói, “Đi nghe Pháp nhiều thầy như vậy, mình học được từ các thầy khác nhau, vì mỗi thầy có cách giảng khác nhau. Mình học Phật Pháp thì bao la lắm, nên không hạn chế vị thầy nào. Nhưng vị thầy chính của Sợi Nắng vẫn là Sư ông Thích Tịnh Từ viện chủ của tu viện Kim Sơn. Sợi Nắng còn thường hay tổ chức những chuyến đi tu học xa, vào dịp tết Nguyên Đán, hoặc lâu lâu Tu viện Kim Sơn có tổ chức những sự kiện như lễ xuất gia, tiệc chay gây quỹ, khóa tu tại tu viện Kim Sơn… thì Sợi Nắng thông báo cho các thành viên, ai đi được thì đi. Ngoài buổi Tụng giới hằng tháng, Sợi Nắng còn có mở ra những khóa tu khi có Sư ông và tăng đoàn xuống đây, hoặc tổ chức khóa tu thường là tại tu viện Đại Bi và nhiều nơi khác vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ Nhật. Chương trình tu học vào buổi sáng thường là tụng kinh, nghe Pháp, đi thiền hành, ăn trưa với nhau, buổi chiều thì có Pháp đàm, chia sẻ việc tu học mình nhận được gì, các thành viên luân phiên nhau bày tỏ cảm nghĩ về Phật Pháp.”

Cư sĩ Diệu Lan cho biết, “Không phải tôi là người trong nhóm rồi khen, mà thật sự khi đi dự nhiều đạo tràng, tôi thấy đạo tràng GĐTS Sợi Nắng có các anh chị em rất hòa hợp với nhau, không có bon chen, kèn cựa, đánh giá nhau ở bề ngoài. Nên khi vào sinh hoạt với đạo tràng Sợi Nắng, mình an lạc lắm. Sư ông Thích Tịnh Từ rất nghiêm khắc, nên học dưới hạnh của sư ông, mình rất lợi lạc. Ngoài sinh hoạt tu học, GĐTS Sợi Nắng còn rất tốt trong công tác xã hội. Trong nhóm có ai bệnh, thì đi thăm, gia đình ai có thân nhân mất, thì Sợi Nắng đến hộ niệm, dự lễ tang… nói chung những sinh hoạt như Quan Hôn Tang Tế đều có tham gia. Ngoài ra khi nơi nào cần giúp về vật chất như giúp người bị thiên tai bão lụt... hay phụ giúp làm công quả thì các thành viên Sợi Nắng luôn có mặt trợ giúp hết lòng.”

Bà nói, khuyên thì bà không dám khuyên, bà chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm tu học từ cá nhân bà và chồng mình, bà nghĩ mỗi Phật tử cần có một đạo tràng hay một ngôi chùa nào đó để đến sinh hoạt thường xuyên. “Mình phải có vị thầy tâm linh có đạo đức và thân giáo tốt…để hướng dẫn cho mình. Mình nên nghiên cứu học hỏi pháp Phật thường xuyên. Đi nghe pháp rất lợi lạc, để hiểu sâu về Phật pháp. Có những sinh hoạt tâm linh như vậy tôi thấy có ích lắm. Nhất là đối với những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu như vợ chồng tôi. Mình đọc kinh, nghe pháp, ngồi thiền… giúp thân tâm an lạc, tránh được nhiều bệnh lắm. Như bệnh già, bệnh lẫn. Có bạn tu cùng đi sinh hoạt, mở mang trí huệ của mình. Còn những người trẻ, sống ở xứ Mỹ có quá nhiều căng thẳng, nếu mình có đời sống tâm linh, biết thiền, giúp tâm bình an hơn, quân bình được tâm thân trước những căng thẳng ngoài đời.”

Cũng theo cư sĩ Diệu Lan, người Phật tử đã quy y Tam bảo (có pháp danh) là nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu học. Không học giáo pháp của Phật thì không biết được con đường mình đi. Muốn hiểu rõ Phật pháp, người Phật tử phải thường xuyên đọc tụng kinh điển hoặc nghe các quý thầy giảng pháp, cùng học với các bạn đạo. Học Phật pháp giúp Phật tử tinh tấn đạt đến chỗ Chân, Thiện, Mỹ, giúp mở rộng lòng thương, vị tha. Thực hành cái đẹp, cái hay vô tận của bốn chữ: Từ, Bi, Hỷ, Xả, đã có sẵn bên trong của mỗi người mà Đức Phật thường hay nhắc. Học Phật pháp giúp người Phật tử có đạo đức, nhân cách cao thượng. Mỗi lần học là mỗi lần người Phật tử thêm sáng trí, thêm tinh tấn, thêm vững niềm tin trên con đường tu học của mình. Do vậy, người Phật tử phải thường xuyên trau dồi Phật pháp, thâm nhập kinh tạng, trí huệ sẽ mở rộng, sáng suốt.

Nhưng giáo pháp của Phật dù có tốt đẹp cao siêu đến đâu, nếu người Phật tử không thực hành sẽ không được lợi ích thiết thực. Vì vậy việc học phải đi đôi với hành.

Cư sĩ Diệu Lan bày tỏ, “Không phải vì là Phật tử rồi tôi khen đạo Phật, nhưng tôi thấy những người hiểu biết và bắt đầu bước vào đạo Phật, là có phước báu lớn lắm. Vì đạo Phật không chỉ là tôn giáo, mà còn cho mình một triết lý sống nữa. Nếu tu tập được triết lý sống của đạo Phật, mình sẽ được nhiều an lạc thân tâm. Tôi thấy mình có phước lắm mới được làm người, biết Phật Pháp và tôi cũng nguyện nếu có kiếp sau, cũng sẽ tiếp tục biết Phật Pháp để tu học tiếp.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT