Đời Sống Việt

Ngôi Nhà Ba Thế Hệ

Cao Thu Cúc/Viễn Đông Wednesday, 13/03/2013 - 08:13:02

Thiên nhiên giá lạnh hoang vu, nếu chết ở đây linh hồn của tôi sẽ bơ vơ, bị vùi dập trong chốn lạnh lẽo hoang vắng này, tôi sẽ bị chôn vùi vào một nơi tôi không hề quen biết, một tấc đất một ngọn cỏ cũng không quen... Và tôi chợt nhớ đến ngôi nhà ba thế hệ ấm cúng của Việt Nam.

Cao Thu Cúc/Viễn Đông

Những ngày nằm trên giường bịnh trong ngôi nhà vắng lặng của con trai ở Texas, nhìn ra bầu trời cũng vắng lặng, con đường trước nhà cũng không một bóng người qua lại, tôi thấy buồn thê lương. Ban đêm nhìn ra cửa sổ, bầu trời lặng lẽ mênh mông. Một nỗi buồn não nuột úp chụp lấy tôi, và tôi thấy nhớ Việt Nam kinh khủng. Tôi thấy nhớ con trai của tôi ở Việt Nam, nhớ người chị thân yêu, nhớ người thân và bạn bè. Nhớ khung cảnh Việt Nam quen thuộc, nhớ cuộc sống thân mật của con người Việt Nam hiền lành giản dị. Nỗi nhớ da diết cuốn hút tôi và trong đêm tối, tôi có cảm giác, Việt Nam là một nơi xa sâu hun hút mà tôi không bao giờ còn với tới được. Tôi kinh hoàng và tôi kinh hãi. Hai ngày tôi vẫn nằm liệt giường, sốt li bì. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ: Nếu tôi chết ở đây thì sao nhỉ? Thiên nhiên giá lạnh hoang vu, nếu chết ở đây linh hồn của tôi sẽ bơ vơ, bị vùi dập trong chốn lạnh lẽo hoang vắng này, tôi sẽ bị chôn vùi vào một nơi tôi không hề quen biết, một tấc đất một ngọn cỏ cũng không quen... Và tôi chợt nhớ đến ngôi nhà ba thế hệ ấm cúng của Việt Nam.

Thay đổi
Cuộc sống gia đình Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 đến nay đã hoàn toàn thay đổi. Đất nước không còn chiến tranh, kinh tế phát triển, sự hội nhập với toàn cầu, tất cả những yếu tố đó đã làm thay đổi xã hội Việt Nam. Giới trẻ càng ngày càng tỏ ra có nhiều năng lực, có tinh thần tự lập, yêu cuộc sống tự do, khi lập gia đình họ tự động mua nhà ở riêng, hưởng một cuộc sống tự do riêng tư, đẩy người già vào cảnh cô đơn. Rồi những khu nhà dành cho người già theo mô hình các nước tiên tiến bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên tục lệ người con trưởng ở với cha mẹ vẫn còn, hoặc có những đứa con không có khả năng ra ở riêng, nên vẫn còn có những gia đình ba thế hệ ở chung.

Ba thế hệ ở chung
Có ông bà nội hoặc ngoại ở trong nhà, đôi vợ chồng trẻ yên tâm đi làm, người già ở nhà có thú vui chăm sóc nhà cửa, trồng hoa tưới cây, giữ ngôi nhà sạch đẹp, và khi vợ chồng trẻ có con nhỏ thì ông bà trở thành vị cứu tinh trong thời buổi mà tìm một người giúp việc giữ trẻ em trong nhà trở thành câu chuyện của 1001 đêm. Người già có nhiều kinh nghiệm giúp nuôi dạy con nhỏ hữu hiệu hơn. Khi đứa nhỏ lớn lên, buổi sáng ông sung sướng dẫn cháu đi học, buổi chiều bà hãnh diện đi đón cháu về. Người già nhờ vậy mà không thấy mình bị bỏ rơi, không phải trở thành kẻ vô dụng, không có mặc cảm mình là kẻ ăn bám gia đình, một kẻ đã bị xã hội đào thải...
Nhìn hình ảnh một trẻ một già vui vẻ quấn quýt bên nhau, ta như thấy được cả ý nghĩa của vòng tròn sự sống: tre già măng mọc; lá vàng rụng, lá xanh đâm chồi. Cái vòng tròn sinh tử thật ấm áp và tròn đầy. Ta sinh ra trong ngôi nhà ấy, sống với con và cháu một cuộc đời hữu ích, và khi chết đi cũng được nằm trong vòng tay êm ấm của con cháu trước khi nhập vào thế giới của tổ tiên. Một cuộc sống ấm cúng và quen thuộc, không cô đơn và khi chết cũng không có gì phải sợ. Cuộc sống và cái chết như đã hòa nhập vào nhau, cái chết như đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống, bắt nguồn từ quan niệm sống chết là lẽ thường, sống gởi thác về, cõi chết cũng là một cõi sống được tiếp nối ở một hình thái khác, ở một nơi khác..., một cách tự nhiên. Và ngôi nhà ba thế hệ có thể xem như là một cái nôi hồng của sự sống chết …

Giấc mơ Mỹ quốc
Giọng đẫm nước mắt, tôi kêu lên: Tôi phải trở về! Tôi phải trở về!
Nhưng tôi không trở về được. Tôi đến nước Mỹ như một giấc mơ mà bao người Việt Nam hiện nay mơ ước: Cho con du học Mỹ, học xong ở lại kiếm việc làm và bảo lãnh cha mẹ qua định cư. Tôi đến Mỹ vài tháng nay và tôi phải ở lại đây vì vài lý do, dù trong lòng tôi rất muốn trở về. Nước Mỹ là một nơi dành cho giới trẻ học hành và làm việc. Tôi ở đây giống như một con người chờ đợi những ngày cuối cùng của đời mình. Tôi có thể làm gì được khi tôi đã sắp qua tuổi 70? Tôi chờ đợi ngày mà tôi già nua kiệt quệ để được đưa vào khu nhà nghỉ của người già, hoặc bịnh viện dành cho người già, sống chung với những khuôn mặt già nua ngơ ngác bịnh hoạn? Tôi đã vào đó một lần thăm bạn và những khuôn mặt vô hồn già cỗi đó đã ám ảnh tôi suốt bao tháng qua, cứ nghĩ đến là tôi vô cùng kinh hãi! Nếu không phải vì ngày tàn hãi hùng đó thì tôi qua đây làm gì? Tôi đã bị bứng khỏi đất sống, và qua đây bơ vơ. Tôi phải làm gì đây?
Tôi lại phải bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới, một quan niệm sống chết mới cho phù hợp với cuộc sống hoàn toàn mới ở đây. Bởi vì người ta sống không chỉ với một mái nhà và một ổ bánh mì là đủ. Sống là phải bắt rể, cắm sâu, như con cá bơi lội trong dòng sông, dòng sông cuộc đời, dòng sông văn hóa.

Trở lại San Jose.
Tôi ngồi trong phòng trọ, cửa sổ rộng mở, trước mặt là một dãy núi vòng cung mờ ảo trong sương mù buổi sáng, che phủ những căn nhà bạc triệu đô la, ngôi trường Evergreen College cũng ở đó. Mỗi ngày tôi đều ngồi bên cửa sổ, mắt chăm chú nhìn những căn nhà, những con đường, những đồi cỏ vàng..., hiện dần lên khi sương mù đã tan và mặt trời bắt đầu tỏa ánh nắng ấm áp khắp nơi. Phải, ngôi trường đó có thể là nơi giúp tôi bắt đầu cuộc đời mới ở đây, nơi tôi có thể lại bắt đầu tìm kiếm học hỏi như tôi đã từng làm suốt gần 70 năm sống ở Việt Nam. Tôi sẽ tìm kiếm một mảnh đất sống, một con đường để đi trong quãng đời ngắn ngủi còn lại, nếu tôi muốn đứng dậy làm người, nếu tôi muốn tiếp tục sống mà không phải vùi mặt xuống đất, với một câu nói lúc nào cũng vang lên trong đầu: tôi là kẻ thất bại, tôi là kẻ thất bại!
Không phải là vấn đề cơm ăn áo mặc, nhưng là vấn đề cứu rỗi linh hồn. Tôi phải tìm xem tôi sẽ phải thay đổi như thế nào sau khi đã bỏ quê hương thật, con người thật của mình, một con người đã hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng đạo lý truyền thống Việt Nam, để đến ở trên một đất nước có một nền văn hóa hoàn toàn khác lạ.
Thời gian ơi, xin hãy chầm chậm trôi.

San Jose - Tháng 9/2011

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT