Hôm Nay Ăn Gì

Mứt gừng ngày Tết, một chút hương vị quê nhà

Monday, 25/01/2021 - 08:54:47

Hồi những năm 1980, phải nói rằng cả năm trời, muốn ăn ngon chỉ chờ tới ngày Tết, họa hoằng có ngày đám giỗ.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Hồi những năm 1980, phải nói rằng cả năm trời, muốn ăn ngon chỉ chờ tới ngày Tết, họa hoằng có ngày đám giỗ. Nhưng đám giỗ thì hiếm lắm, chỉ nhà giàu, nhà khá giả mới có đám giỗ mời khách, mới có ram chiên, mì gà, thịt heo luộc, bánh chưng, bánh giò và xôi đậu xanh, xôi ngọt. Phần lớn cả năm trông chờ vào Tết. Với con nít, Tết đến chủ yếu là bánh kẹo và mứt, mà nói tới mứt thì có mứt bí đao, mứt dừa và mứt gừng. Thời đó, nói không ngoa thì 90% con nít biết ăn mứt gừng, những ai ở độ tuổi 6X, 7X chắc còn nhớ chuyện này. Mứt gừng như một thức quà an ủi con nít mấy ngày Tết. Vì sao?

Vì thời kinh tế khó khăn, Tết đến, nhà nông phải chờ ông tổ trưởng tổ sản xuất mổ một con heo, chia thành từng phần nhỏ trong lá chuối, tùy công điểm của mỗi gia đình mà chia, có nhà được chừng một ký thịt, nửa ký xương, vài lạng lòng, có nhà được nửa ký thịt, không có lòng và vài cục xương. Cái thời miếng ăn to và đè bẹp mọi thứ, cả lòng tự trọng và danh dự, người ta liếc nhau, lườm nguýt nhau chỉ vì phần thịt người này nhỉnh hơn người kia một chút (bởi người có phần thịt nhỉnh đã đi cửa sau, nhờ quen biết với ông tổ trưởng…). Cái thời mà công chức, giáo viên phải dậy từ 3 giờ sáng để ra cửa hàng lương thực xếp hàng nhờ nhận phần theo tem phiếu, ông thuế vụ như ông vua, bà lương thực như bà hoàng. Thời đói kém vĩ đại, người ta luồn cúi, nịnh nọt nhau để có miếng ăn.

Tôi nhớ như in hình ảnh bà lương thực (bà này hiện giờ còn sống, đang bán thịt heo ngoài chợ) nói giọng Bắc, đầy uy quyền. Mẹ tôi lúc đó là một giáo viên, dậy lúc 4 giờ sáng, rủ tôi cùng đi ra xếp hàng chờ nhận thịt Tết. Hồi đó tôi nhỏ xíu, nhưng vì mẹ sợ ma, mà đường làng quanh co, đi ngang qua mấy bụi tre nổi tiếng ma bởi thời chiến tranh, đây là nơi có không biết bao nhiêu người chết vì bom mìn, đạn lạc… Những ngày đầu sau 1975, nhiều đêm người ta nhìn thấy cả đoàn người vận đồ trắng chong đèn đi trên ngọn tre… Mẹ tôi sợ lắm nhưng vì miếng ăn ngày Tết mà đánh liều chở tôi đi, ngang qua mấy bụi tre, mẹ tôi lâm râm niệm Phật, còn tôi thì ôm ghì lấy lưng mẹ, dụi mặt vào lưng mẹ.

Cũng may, mẹ con tôi nhát gan nên không phải thấy gì (người ta nói rằng người cõi âm có lòng bi mẫn, chỉ nhát những người nào liều mạng, nói năng bổ bả, hỗn xược chứ không nhát người hiền, người nhát gan…). Lúc mẹ con tôi ra tới kho lương thực thì trời bắt đầu tản sáng, mẹ tôi vào nộp sổ, người đã khá đông, bà lương thực nhìn mẹ tôi từ đầu tới chân rồi phán, “Chị này đi trễ quá, giờ người ta đã chồng đầy sổ rồi, về đi, mai tới!”

Mẹ tôi lẳng lặng cầm sổ quay về. Lúc mẹ tôi đi ra cửa, bà này gọi lại, hỏi mẹ tôi có bán sổ không, bán bớt cho bà một tháng thịt, bà sẽ cho nhận ngay thịt hôm nay.

Mẹ tôi giải thích là nhà ăn không đủ thịt nên không thể bán, mặt bà ta sầm lại, xám xịt, nói như quát, “Chị về đi!”

Lúc này mẹ tôi nổi nóng (xin nói thêm, mẹ tôi là dân nhà võ, nếu so các đai bây giờ, không chừng bà phải là võ sư hạng nặng. Thời trước 1975, bà là đệ tử ruột của võ sư Hồ Cưu, một cao thủ võ lâm của xứ Quảng, thuộc võ đường Long Xà…), bà hỏi, “Chị cũng là người làm ăn lương nhà nước giống tui, sao chị có vẻ hung hăng?”

Nghe vậy, bà này hung tợn hơn, “Nè, tôi cắt lương thực bà bây giờ, bà dám hỗn với tôi à!”

Mẹ tôi cười, “Tôi thách chị cắt lương thực của tôi đó. Ngày mai giờ này tôi lại ra nhận, hôm nay xem như tôn trọng chị tôi về, mai tôi ra. Chị chờ đó!”

Nói xong, mẹ tôi tiến sát lại bàn thịt, nắm con dao nhọn đâm phộp xuống bàn gỗ, con dao cắm sâu xuống bàn, lúc này mặt bà lương thực tái mét, có người xì xầm, “Bà này dân nhà võ, tui biết bả…”


(Tom/ Viễn Đông)

Không biết có phải nhờ hù dọa hay không mà hôm sau, mẹ tôi ra nhận thịt thì được ưu tiên nhận trước. Trên đường về, mẹ thở dài, vừa đạp xe mệt mỏi vừa dặn tôi, “Con nhớ học hành cho tử tế, có bằng cấp hay không thì không quan trọng nhưng phải có chiêu thức, thời buổi bây giờ khổ lắm, con thấy đó, muốn có miếng thịt do mồ hôi nước mắt của mình làm ra, cũng phải hung hăng với người ta. Nhục lắm con à!”

Kể để thấy cái thời khó khăn và để có miếng ăn, người ta phải đánh đổi, chịu đựng ra sao. Bởi miếng ăn quí đến mức khó tưởng dđược nên mọi miếng ăn đều để lại dấn ấn, thậm chí để vết bầm trong não trạng, ký ức. Và không dễ gì có miếng ăn cho ngon đối với con nít, cho dù cha mẹ có thương con đến mấy. Ở thành phố thì sao không rõ chứ ở quê, nhất là vùng nghèo khổ, vùng có nhiều cán bộ cộng sản như chỗ tôi, thì Tết tới, chỉ cần vài cán bộ tới chúc Tết thì chắc chắn người lớn, con nít phải nhịn thèm. Vì khi cán bộ tới thì có rượu ngon hay thức ăn ngon gì cũng phải mang ra mời, giống như đút lót vậy, không muốn mời thì cũng phải mời.

Mà ngày thường thì tình cảm cán bộ với dân chẳng khác gì chó sói với nai tơ, nên ngày Tết, sói thăm nhà nai, nai càng phải dịu dàng. Khốn nỗi là có đồ ăn ngon mà mời cán bộ thì coi như xong, thay vì chúc ba câu rồi, đi, đằng này cán bộ ngồi lì, nhấm nháp cho hết dĩa thức ăn, thậm chí còn chờ chủ nhà mang ra thêm. Bởi vậy, chỉ cần chừng bốn, năm cán bộ ghé chúc Tết thì khổ! Và mứt gừng là thứ cuối cùng người ta đụng đến, bởi ở quê, nhà nào cũng có trồng vạt gừng để làm mứt, nó không hiếm, nên con nít được hưởng.

Không hiểu sao miếng mứt gừng đối với tôi lại thần tiên đến vậy, từ mùi thơm cho đến ký ức về nó. Tôi nhớ bà tôi có trồng một vạt gừng nhỏ, gần chỗ ảng nước. Chừng tháng tám âm lịch thì bà bắt đầu nhen mụt gừng, tức lấy gừng ủ với cát ướt cho nó nảy chồi và việc trồng gừng chẳng khác gì trồng hoa, đầu tiên là ủ giá thể gồm lá cây mục, phân chuồng, vỏ trấu, mùn cưa và một ít tro bếp.

Ủ được vài tuần thì bắt đầu làm đất, trồng gừng. Sau khi trồng, lại phủ thêm một lớp lúa lép với lá tre lên bề mặt cho đất im. Trồng gừng không ai tưới nước, nhưng gừng lên có lá xanh thì phải tưới nước thật nhiều, thời gian tưới kéo dài trong một tháng, cho đến khi gừng bắt rễ vào đất thì ngưng tưới, vì lúc này tưới củ gừng sẽ xốp và không cho nhiều hương vị.

Đến tháng chạp, chỉ cần ra đào củ gừng, rửa sạch, gọt vỏ và xắt lát mỏng, sau đó cho lên nồi luộc, nước luộc gừng thì pha thành nước ấm để tắm cho thông khí huyết, gừng luộc xong rửa lại bằng nước lã, để cho ráo (gọi là xả cay).

Xả gừng xong thì trộn với đường cát, tỉ lệ 50/50, tức một ký gừng trộn một ký đường. Trộn đều, để qua một đêm thì bắc lên bếp mà sênh. Trong lúc sênh, để lửa nhỏ vừa, đến khi nào thấy nặng tay thì mở nhỏ lửa hơn nữa, đợi đường bắt đầu kết tinh lại thì tắt lửa một chút và đảo đũa liên tục trong vài phút để đường kết tinh nhiều hơn và có màu trắng đẹp. Mứt gừng sênh khô thì để nguội, cất vào hũ dùng dần, còn nếu quý vị thích mứt gừng có độ giòn thì có thể mang đi phơi dưới nắng vừa một buổi rồi cất vào hũ.


(Tom/ Viễn Đông)

Dịp Tết, ăn uống nhiều thực phẩm có hàm lượng đạm cao, chỉ cần vài lát mứt gừng, nhấm nháp, uống thêm cốc trà thì ấm bụng, giúp tiêu hóa khỏe và đỡ phải lo đau bụng. Mứt gừng, món dân dã nhưng lại hết sức cần thiết và gần gũi với người Việt. Món này dễ chế biến, quí vị nên tự làm, tuy mứt có hơi xấu hơn về mặt hình thức nhưng lại an toàn, không bị tẩy trắng nhìn đẹp mắt nhưng độc như mứt “gia công hàng loạt”.
Kính chúc quí vị ngon miệng và thấy ấm áp với mứt gừng, trà thơm!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT