Tin Việt Nam

Mùa săn cá mòi ngược sông ở Thanh Chương, Nghệ An

Wednesday, 19/04/2023 - 12:35:33

Cá mòi ngược con nước vào mùa sinh sản, cũng là dịp người dân vạn chài dọc sông Lam tất bật với công việc đánh bắt. Mùa cá mòi, dân vạn chài gần như thức thâu đêm suốt sáng…

Đánh cá mòi (Tienphong.vn)

Cá mòi là tên gọi của một số loài cá trong họ Cá mú (Gobiidae), phân bố khắp các vùng biển và nước lợ trên thế giới. Các loài cá mòi thường có kích thước nhỏ, thường chỉ từ vài cm đến khoảng 30 cm, có hình dáng thon, thấp và dẹt, thường có màu sắc xám, nâu hoặc xanh lá cây nhạt.

Các loài cá mòi thường sống ở các vùng nước ven bờ, nơi có đá, cát hoặc bùn, và chúng thường ẩn nấp trong các hốc đá hoặc cát, hoặc trốn vào các bụi rong để tránh sự săn bắt của các loài động vật khác. Chúng là loài cá ưa bùn và chúng thường sống dưới đáy biển, nhưng cũng có một số loài sống ở đầm lầy và các con sông nông.

Các loài cá mòi là một phần quan trọng của hệ sinh thái vùng biển, chúng là nguồn thực phẩm cho nhiều loài động vật khác và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự cân bằng sinh thái của vùng biển. Ngoài ra, các loài cá mòi còn được nuôi trong ao nuôi để cung cấp cho thực phẩm.

Đánh cá mòi (Tienphong.vn)

Trắng đêm săn lộc trời

Khi màn đêm bắt đầu buông, bến đò Hạ Long, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An đông vui và nhộn nhịp hơn hẳn. Những chiếc thuyền nhấp nháy đèn, dập dờ trôi theo từng nhịp sóng sông Lam để săn lộc trời - cá mòi. Chuẩn bị xong đồ nghề, ông Nguyễn Viết Tín (SN 1965, trú xóm 1 xã Thanh Hà) dùng đôi chân thuần thục di chuyển chiếc thuyền ra xa. Ông bảo: “Không ai rõ cá mòi xuất hiện ở sông Lam từ bao giờ nhưng mỗi năm cá ngược nguồn mỗi khác. Có năm cá mòi về ít nhưng cá to và béo. Cũng có năm cá về nhiều nhưng rất gầy. Kinh nghiệm, năm nào có cá về nhiều thì năm đó có lụt to”.

Người đàn ông U60 này cho biết, cá mòi rất tinh, thường di chuyển cách mặt sông ở độ sâu 3-5m vào ban ngày và sát mép nước vào ban đêm. Để bắt được loại cá này cần phải có lưới chuyên dụng, gọi là lưới mòi. Lưới mòi có mắt lưới to, dày 3 lớp. “Loại lưới này chỉ dùng để đánh bắt cá mòi lớn, còn con nhỏ lọt lưới sẽ là “của để dành” cho mùa đánh bắt năm sau. Cá mòi phải đánh vào ban đêm, hoặc lúc mưa nước sông đục ngầu phù sa mới hiệu quả. Nếu ban ngày hoặc mùa nước sông trong, cá dễ dàng nhìn thấy lưới sẽ… né nên khó đánh bắt”, ông Tín chia sẻ.

Đôi tay gầy guộc nhẹ nhàng thả lưới xuống sông. Sau đó, ông Tín chèo thuyền vòng quanh điểm thả lưới rồi dùng mái chèo gõ mạnh lên mạn thuyền để gây ra tiếng ồn làm đàn cá mòi giật mình chạy tán loạn và mắc vào lưới. Khoảng 15 phút sau, ông Tín thu lưới về, hớn hở khoe mẻ cá mòi nặng trịch. Những con cá mòi dài độ 10-15cm, nặng khoảng 50-80gam, vảy li ti, lóng lánh như bạc, mắt trong veo. Gỡ cá đến đâu, ông cho ngay vào thùng xốp có nước đá lạnh. Ông giải thích: “Cá mòi có đặc tính là chỉ cần gỡ ra khỏi lưới là chết ngay. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn phải chuẩn bị một thùng xốp đựng đá đi kèm để bảo quản cá. Khi thương lái đến cân, mới mang cá ra”.

Cách đó không xa, anh Trần Văn Nghiêm (SN 1988, trú xã Thanh Hà) cũng đang tất bật gỡ những con cá mòi sau mẻ lưới vừa giăng. “Thường thì nghề sông nước chủ yếu đánh bắt vào ban đêm, từ 20h đến 4h sáng hôm sau. Riêng vụ cá mòi, chúng tôi thả lưới từ chiều, sang đêm cho tận sáng. Vì mùa đánh bắt cá mòi rất ngắn nên ai nấy đều tranh thủ bám sông để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Mỗi ngày, tôi buông lưới 3-5 lần thu về khoảng 25kg cá mòi, với giá bán tại bến dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg (tuỳ kích cỡ), cũng cho thu nhập tốt”, anh Nghiêm nói.

Đời ông, đời cha rồi nay đến lượt bản thân anh Nghiêm “nối nghiệp” chài lưới. Cuộc mưu sinh trên dòng Lam Giang hết ngày này sang tháng khác, hết mùa nắng đến mùa bão lũ đầy vất vả, nhọc nhằn. Công việc túc tắc cũng đủ sống và nuôi 4 đứa con ăn học. “Năm nay, lượng cá mòi ngược sông ít hơn mọi năm song cá to hơn, béo hơn và bán được giá hơn. Dù chỉ kéo dài khoảng một tháng, song mỗi vụ cá mòi, mỗi nhà có thể kiếm được hơn chục triệu đồng. Đối với một nghề bấp bênh như chài lưới thì đây là một nguồn thu nhập không nhỏ để trang trải cuộc sống”, anh Nghiêm bộc bạch.

Thay phiên nhau đánh cá

Cá mòi quanh năm sống ở biển, đến khi lập Xuân, thời tiết ấm lên (khoảng cuối tháng Hai âm lịch) thì chúng bơi ngược dòng nước các cửa sông đẻ trứng. Trứng nở, cá mòi con cứng cáp lại xuôi dòng ra biển, bắt đầu vòng đời mới. Khi trưởng thành, chúng lại ngược sông thực hiện chu kỳ sinh đẻ. Mùa cá mòi ngược sông tìm nơi sinh sản cũng là lúc cư dân vạn chài vào vụ đánh bắt. Mùa đánh bắt cá mòi chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng (từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Tư âm lịch) nhưng lại là thời điểm người dân làng chài có thu nhập khá nhất trong năm. Chính vì vậy, người dân đều chuẩn bị kĩ và tập trung để thả lưới.

Là loại cá “đặc sản”, thơm ngon, bổ dưỡng và chỉ xuất hiện một thời điểm ngắn trong năm nên cá mòi rất được ưa chuộng. Ngư dân đánh bắt được chừng nào, thương lái thu mua hết chừng đó. Cá mòi được chế biến với nhiều món khác nhau như: chả cá mòi, cá mòi nướng trui, cá mòi rán...

Cá mòi sau khi đánh bắt sẽ được các thương lái đón mua tại bến, nhiều hộ dân cũng tự mình đưa ra các chợ quê để bán. “Hằng ngày, cứ khoảng 5h sáng, chúng tôi ra các bến sông để thu mua cá mòi của bà con, sau đó đem ra chợ để bán hoặc nhập cho các nhà hàng. Giá cả sẽ tùy theo kích cỡ to hay nhỏ. Cá mòi có thể chế biến được nhiều món khác nhau thơm ngon, bổ dưỡng nên rất được ưa chuộng”, chị Phạm Thị Hương, một thương lái ở huyện Thanh Chương cho hay.

Ông Nguyễn Viết Tỵ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hà chia sẻ, cá mòi từ cửa biển ngược dòng Lam, lên tận mạn Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương... Càng ngược nguồn, hấp thụ nhiều phù sa, thịt cá càng dai, thơm, béo.

“Làng vạn chài Hạ Long ở Thanh Hà có gần 20 hộ chuyên đánh bắt cá trên sông Lam. Mùa cá mòi, hầu như người dân trong làng ở hẳn trên bến, thay phiên nhau thả lưới. Để duy trì, nhân giống đàn cá mòi, người dân ở đây đã tự thỏa thuận thay phiên nhau đánh cá mòi. Nhà này thu lưới về thì nhà kia buông lưới. Trung bình, mỗi thuyền ra sông từ 4-5 lần. Trong vụ cá mòi, trừ một khoảng thời gian nhất định, các thuyền sẽ không đánh bắt, để cá sinh sản xong mới thả lưới. Tất cả tuân thủ việc khai thác thủ công như thả lưới, giăng lưới đăng để bắt, tuyệt đối không dùng kích điện, dùng chất nổ trong khai thác”, ông Tỵ cho hay.

Theo người dân địa phương, do ngược dòng vào sông Lam sinh sản nên đa phần đều là cá mòi có trứng. Trứng cá mòi ăn rất bùi và thơm, giàu dinh dưỡng. Cá mòi có nhiều cách chế biến, nhưng cá mòi rán giòn vẫn là hấp dẫn nhất. Sau khi được làm sạch, dùng dao khía những đường song song trên thân cá, tẩm thêm chút nghệ bột, muối, đem rán giòn. Khi cá chín vàng, có thể ăn cả thịt và xương, thịt thơm, bùi, ngậy. Ngoài rán, cá mòi có thể nấu với dọc mùng, canh dưa, chỉ cần thêm chút gia vị là món canh đã thơm lừng, hấp dẫn. Cá mòi cũng có thể kho với chuối xanh, kho gừng, nghệ đều kích thích khẩu vị.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT