Chuyện Nước Pháp

Một lần qua thị trấn Stuttgart, Đức (kỳ 2)

Monday, 23/04/2018 - 11:27:46

Người Pháp lại không làm thế, họ có thể cho gia tài hoặc đóng góp khi đi lễ, làm đám cưới, đám tang, rửa tội, v.v. Năm 2007, lợi tức hàng năm của nhà thờ lớn ở Pháp lên tới khoảng 500 triệu đồng Âu kim, theo tờ Express.

Bài NGỌC DIỄM

Nơi chúng tôi tạm trú thuộc loại nhà thuê qua hệ thống thương mại tư nhân gốc Hoa Kỳ Airbnb thật khang trang và rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Chỉ có một điểm giáng xuống là sàn gỗ đi trong hành lang nhỏ của phòng kêu rọt rẹt dưới sức nặng của thân người. Vì vậy, tới lui phải nhẹ gót kẻo làm phiền cả trên lẫn dưới, phòng nằm ở tầng thứ tư trong một chung cư sát lề đường. Bên cạnh là một trường học rất lớn có vài cây thuộc loài lá rụng theo mùa vây quanh sân trường. Khi đó, thời tiết đang vào đông, cành cây đều trụi lá và các em nhỏ đều mặc áo choàng quàng khăn ấm cổ kín mít, lưng đeo túi đựng sách vở.

Trường có tên trên bản đồ là Elementary and Werkrealschule Ostheim, từ bậc tiểu học lên trung học với ngôi trường màu ngói đỏ cất theo kiểu cổ điển, kề bên là một cao ốc hiện đại hình tròn, màu trắng. Thật kỳ lạ, vì không có bảng hiệu gì hết gắn trên cao cho du khách biết.

Địa chỉ dễ nhớ, đường Landhausstrabe trên bản đồ Google rất rõ, và xe hơi dù chạy suốt buổi ban đêm mới tới là tới đúng bon. Thật đáng nể phục cho trình độ văn minh thế kỷ thứ XXI, vệ tinh dẫn đường cho xe chuyển động nhanh đi một lèo; ngày xưa tổ tiên chúng ta có ai dám mơ thế này đâu.
 

Trường học rất lớn gồm hai cao ốc kiến trúc cũ và mới sát bên nhau. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Sẵn dịp, chúng ta tìm hiểu những điểm đặc biệt của láng giềng Đức quốc vẫn thường hay được dân Pháp truyền tụng rằng nên theo đó làm gương để bắt chước.

Điều đầu tiên làm căn bản cho nền giáo dục Đức, danh từ Bildung, là sự xây dựng phát triển tính cách độc đáo cá nhân. Đối với trẻ con, phải giáo dục thế nào cho em bé có đặc tính cá nhân riêng tư với tất cả tài năng cần được phát triển đúng mức. Muốn thế, trường học tập cho em thảo luận với các bạn theo từng nhóm hay trong cả lớp để biết học hỏi, chỉ trích đúng đắn, tiến bộ và nghe lời người khác.

So sánh với nước Pháp, thì vào lúc ấy chủ trương nhà nước lại cho rằng phải truyền lại cho các em sự hiểu biết kiến thức. Cái hay bên Đức là tập cho trẻ em biết sống hòa đồng với mọi người và có một tâm lý cân bằng, vững chắc. Điều này rất quan trọng vì vào khoảng 10 tuổi là trẻ em Đức sẽ phải chọn lựa hướng đi của mình khi chúng kết thúc trình độ sơ cấp (Grundschule).

Về cách cho điểm, Pháp ghi từ 0 đến 20, còn Đức cho từ 1 (très bien, ưu điểm, sehr gut) đến 6 (insuffisant, kém, ungenugend). Vốn là một quốc gia hiệp hội cộng hòa (République Fédérale), Đức quốc có nhiều vùng đất rất độc lập gọi là Lander (a có hai chấm bên trên). Đường lối chung do chính phủ đưa ra, bắt buộc đến trường từ 6 đến 18 tuổi nhưng mỗi tỉnh hay vùng có thể chọn lọc các chi tiết khác nhau áp dụng vào nền giáo dục riêng tại chỗ. Vì vậy, Đức không có bộ Giáo Dục, thật đặc biệt “tỉnh chủ.”

Lúc 10 tuổi, các em nhỏ sẽ chọn hướng học tập lớn lên theo bốn cách. Lớp đầu tiên đã là lớp 1 giống Mỹ, cho đến 2, 3, 4 là hết. Cuối lớp 4, các em sẽ chọn hướng đi như sau:

1. theo đường hướng học tập chung chung đến lớp 9
2. theo học nghề ngay tức thì đến lớp 10
3. học thêm tới lớp 12 hay 13 để lên cao hơn nữa với bằng Tú Tài
4. học lớp tổng hợp của ba thứ trên, nếu chưa biết hướng đi nào.
Điểm son của nền giáo dục Đức cho đến hết bậc trung học như trên, theo thiển ý của người viết bài và nó giống y bên nhà năm xưa trước 75, là học xong vào lúc 12 giờ trưa cho đến 3 giờ chiều là stop. Học sinh có nhiều thì giờ làm bài ở nhà, đi chơi thể thao hay tự huấn luyện các hobby thích thú, làm gì mình có thể làm tự do ngoài giờ học ở trường. Vì vậy, họ cho bọn trẻ nghỉ hè chỉ có một tháng rưỡi mà thôi mỗi năm. Còn người Pháp cho nghỉ gấp đôi, tha hồ trẻ con lè phè vì mai mốt sẽ bù đầu học tập kinh khiếp ở đại học và đi làm mút chỉ trong đời sống công dân gương mẫu.

Thế còn lên đại học thì sao? Đa số các tỉnh độc lập ở Đức đều cho bằng Tú tài lúc 19 tuổi, nhưng các nước Âu Châu đều là 18 tuổi nên thủ đô Berlin đã sửa chữa điều này cho theo kịp trình độ nếu sinh viên Đức muốn đi du học. Khoảng 10 tỉnh lớn khác cũng thay đổi như vậy. Sinh viên Đức nói chung, chỉ học nhiều mỗi lục cá nguyệt (sáu tháng) và có thể lấy đủ điểm chứng minh đã xong môn đó. Rồi chọn thêm tùy theo thì giờ rảnh của mình để lấy bằng cấp cao thêm như phó cử nhân, cử nhân, phó tiến sĩ, tiến sĩ giống bên Pháp. Tốt nghiệp bên Vật Lý thì có bằng Diplom, khoa học Nhân Văn thì là Magister, Staatsexam cho bên Luật Khoa, Y Khoa và Sư Phạm. Nghề sư phạm được trả lương cao và quý trọng hơn bên Pháp hiện nay.


Nhà thờ Tin Lành theo Phúc Âm và phần nhì trường học nói trên ở gần nhau. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Từ trên cao nhìn xuống và thông qua cửa sổ, tôi nhìn thấy trường học rộng lớn với nhiều học sinh đi vào, có lúc các em ra chơi đông vui. Con đường nhỏ bên dưới kéo dài đưa tới nhà thờ và xe hơi đậu đầy hai bên lề. Điều này làm tôi nhớ lại, Đức cũng như Pháp có diện tích vài trăm ngàn cây số vuông tương đối chật chội khi xe nhà bành trướng khắp nơi. Về tôn giáo Đức thì sao? Nhà thờ nơi tôi đi qua thật đẹp và còn mới lắm. Gạch đỏ bên ngoài tươi sáng dưới ánh sáng rực rỡ vào một hôm có mặt trời dù mùa đông chưa qua.

Theo tài liệu tìm hiểu, một phần ba dân chúng không theo tôn giáo nào cả, hai phần ba theo đạo Chúa và Tin Lành. Còn lại nhóm thứ tư thiểu số khoảng bốn triệu dân theo đạo Hồi và các đạo khác. Trên nguyên tắc, khoảng 9% tiền thuế lợi tức đóng cho nhà thờ nếu người dân là tín đồ Thiên Chúa giáo, nếu không muốn đóng thì ra khỏi tôn giáo này.

Người Pháp lại không làm thế, họ có thể cho gia tài hoặc đóng góp khi đi lễ, làm đám cưới, đám tang, rửa tội, v.v. Năm 2007, lợi tức hàng năm của nhà thờ lớn ở Pháp lên tới khoảng 500 triệu đồng Âu kim, theo tờ Express.


Nóc cao nhà thờ theo hệ thống Phúc Âm, tên gọi riêng là Lucaskirche. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Nhà thờ Lucaskirche ở đất Bade Wurtemberg, chụp nghiêng về phía hông phải. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Lối vào chính, lúc 10 giờ rưỡi sáng chưa có tín đồ lai vãng. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Tại Pháp, nhà thờ kiểu nói trên, Eglise évangélique - Tin Lành, cải cách từ thế kỷ thứ XVI và giáo sĩ lập gia đình bình thường - đang được lòng lớp tín đồ trẻ trung dưới 30 tuổi. Điều gì đã thu hút họ, đến nỗi một kỹ sư máy tính sẵn sàng đóng góp 10% tiền lương của mình? Và một linh mục cao cấp cho biết ông lãnh khoảng 2,300 Âu kim một tháng cũng như hai đồng nghiệp khác. Đó là sự thay đổi màu sắc bên ngoài tuy tâm hồn kính Chúa Jésus vẫn nguyên vẹn với Phúc Âm của ngài.
Từ khi có trống, kèn, ban nhạc và sự ca hát vui vẻ trong thánh đường thay vào một không khí trang nghiêm duy nhất có mục sư giảng đạo dễ gây buồn chán vì quá êm ru. Nhà thờ mới mẻ Phúc Âm dùng tất cả phương tiện tối tân thế kỷ XXI để giao thiệp với tín đồ, làm cho họ phát triển cá nhân tối đa hiện giờ và tại đây. Một chức sắc cao cấp của nhà thờ phát biểu. Nghe không khác gì thầy Thích Nhất Hạnh đã khuyên nhủ: hiện giờ và tại đây - ici et maintenant.
(Còn tiếp)







Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT