Hôn Nhân, Cuộc Sống

“Mẹ, con muốn chết”

Friday, 05/04/2019 - 07:17:59

Tiffany Tran, 12 tuổi, là một cô bé xinh xắn, dễ gần gũi, năng động, giỏi bơi lội. Tiffany học giỏi và được thầy cô, bạn bè quý mến. Nhưng từ cuối năm học vừa qua


(Getty Images)

 

Bài ĐOAN TRANG

Tiffany Tran, 12 tuổi, là một cô bé xinh xắn, dễ gần gũi, năng động, giỏi bơi lội. Tiffany học giỏi và được thầy cô, bạn bè quý mến. Nhưng từ cuối năm học vừa qua, em có nhiều thay đổi về tính khí. Lúc đầu, em thiếu tập trung khi ăn uống cùng gia đình, thay vì chính em là người cười nói nhiều nhất. Khi được hỏi, em chỉ lắc đầu. Sau đó em từ chối đi bơi cùng cha và cậu em trai, hoặc những lần đi dã ngoại cùng gia đình với lý do: mệt, nhức đầu, đau bụng. Một đêm, cả nhà phát hoảng khi nghe tiếng la rất lớn trong phòng em. Những lần như vậy, khi được hỏi, em đều nói, “Con ok, bố mẹ đừng lo.”

Nhưng những biểu hiện khác thường của Tiffany kéo dài và ngày càng thêm trầm trọng khiến cha mẹ của em hết sức lo lắng. Tuy nhiên, họ vẫn mong con mình nhanh chóng thay đổi khi vào năm học mới. Cho đến một ngày nọ, khi thấy con ở trong phòng khá lâu, người mẹ mở cửa bước vào thì thấy Tiffany đang cầm một lọ thuốc giảm đau, và một chai nước lớn bên cạnh, em nói, “Mẹ, con muốn chết.”

Tiffany là trường hợp may mắn được người thân phát hiện sớm, trước khi em làm chuyện nông nổi. Sau đó, cha mẹ em đã đưa em đi gặp bác sĩ gia đình, rồi được chuyển sang gặp chuyên gia tâm lý. Em được chẩn đoán mắc bệnh rối lọan cảm xúc.

Những hành đông gây hiểu lầm

Cảm giác buồn chán là chuyện bình thường trong cuộc sống mà hầu như ai cũng có. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ hoặc một thanh thiếu niên cảm thấy buồn chán thường xuyên, quá nhiều, hoặc quá lâu, em ấy có thể mắc chứng bệnh rối loạn cảm xúc, hay còn gọi là trầm cảm.

Trẻ em có thể khó nhận biết và mô tả về cảm xúc và cảm giác của chúng, nhưng có thể biểu hiện cảm xúc của mình qua hành động. Đôi khi các bậc cha mẹ hay người lớn hiểu lầm những hành động là không vâng lời hoặc thích thể hiện. Tuy nhiên, đó có thể là các dấu hiệu của chứng trầm cảm.

Một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm là: Thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi hoặc tự ti.

Ít quan tâm hơn tới các hoạt động mà trước đây các em đã từng vui thích; Thiếu sinh lực và sự nhiệt tình, và thường xuyên cảm thấy chán nản; Khó tập trung chú ý; Có những thay đổi đáng kể về khẩu vị hoặc cân nặng; Xa lánh những người lớn hoặc giao tiếp kém; Thường xuyên nghĩ tới cái chết, gây tổn hại cho bản thân, hoặc tự tử; Thường xuyên cảm thấy khó chịu trong cơ thể, thí dụ như đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng, hoặc mệt mỏi; Có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn; Bật khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân; Thường xuyên nghỉ học hoặc có kết quả học tập kém; Nghiện rượu và ma túy.

Bệnh trầm cảm do di truyền?

Bệnh trầm cảm di truyền trong gia đình, qua đó cho thấy khả năng dễ mắc bệnh về mặt sinh học có thể là do di truyền. Các yếu tố khác, có thể là tâm trạng căng thẳng ở nhà, trường học hoặc sở làm, và các biến cố căng thẳng trong cuộc sống như chấn thương, mất mát, hoặc bệnh mãn tính. Riêng đối với trẻ em, người ta đã tìm ra một số nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ, trong đó có những nguyên nhân chính như:

Quan hệ trong gia đình: Vợ chồng ly dị, con cái có thể bị trầm cảm. Lúc này trẻ sẽ hụt hẫng và có suy nghĩ cha mẹ phải chia tay nhau chính là do mình gây ra. Trước khi ly dị, cha mẹ các em cần có cuộc sống ly thân một thời gian. Lúc đó, các em sẽ sống với một trong hai người. Do thiếu vắng tình cảm của gia đình, trẻ cũng dễ bị hụt hẫng và bị ảnh hưởng về tinh thần.

Mất mát người thân hay thú cưng: Trẻ em thường lo lắng và cảm thấy mình có lỗi khi xảy ra mất mát người thân, hay thú cưng trong gia đình. Nếu không được giải thích, thông tin, chia sẻ cho nhau, trẻ giữ mãi suy nghĩ ấy, và dễ dàng mắc bệnh lúc nào mà không hay biết. Ở trường, nếu trẻ bị bạn bè bắt nạt, hoặc bị áp lực trong việc học tập cũng có thể bị trầm cảm.

Trong gia đình mà cả hai vợ chồng đều đi làm, sẽ không có nhiều thời gian với con cái. Trẻ cũng có những “chuyện khó nói” của trẻ, nếu cha mẹ không quan tâm hỏi han, trẻ sẽ nghĩ mình bị bỏ rơi. Ngược lại, một số cha mẹ hay theo dõi gắt gao chuyện học hành, đặt ra mục tiêu học tập quá cao, và khi các em không đạt được thì tức giận, la mắng, thậm chí đưa ra các hình phạt. Làm như vậy cũng khiến cho trẻ bị căng thẳng thần kinh.

Cũng có trường hợp gia đình chuyển nhà, chuyển trường một cách đột ngột nhưng các em không được biết, sẽ làm cho các em lầm tưởng rằng vì học dở nên em bị chuyển trường. Đa phần thì cha mẹ tự quyết định và áp đặt cho trẻ, không hỏi xem thái độ, ý kiến là em có đồng ý, có muốn đi hay không. Trong trường hợp này, em bị tổn thương về tinh than vì nghĩ mình không được cha mẹ tôn trọng.

Cuối cùng, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ảnh hưởng theo.

Bệnh trầm cảm có thể chữa được

Theo các chuyên gia về căn bệnh này, cảm giác trầm cảm của các em là rất thật. Không thể nói các em “cứ vui vẻ lên” là chữa được bệnh cho trẻ. Trẻ bị trầm cảm cần được điều trị, và nếu được điều trị đúng cách, bệnh của các em có thể chữa khỏi được.

Về vấn đề trị liệu tâm lý, nghiên cứu cho thấy liệu pháp giao tiếp hoặc hành vi nhận thức rất hữu ích cho những người mắc bệnh trầm cảm. Hai liệu pháp này giúp trẻ chú trọng tới các mối quan hệ cá nhân gây trở ngại cho các em và các suy nghĩ tiêu cực thường liên quan tới bệnh trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác có thể là trị liệu tâm lý cho gia đình và trị liệu theo nhóm.

Trước tiên, nếu trẻ có biểu hiện khác thường, hãy điều chỉnh mối quan hệ gia đình. Cha mẹ nên quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Lắng nghe con nói, chú ý những thay đổi bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời. Nên đưa con tham gia các hoạt động bên ngoài. Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều, nhất là những hoạt động ngoài trời khi cả nhà cùng tham gia.

Cho các em ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin, vì dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến trẻ tập trung học, tinh thần hưng phấn hơn. Đặc biệt, không tạo cho trẻ nhiều áp lực, thường xuyên dẫn bé đi chơi vào ngày cuối tuần. Đừng đưa ra hình phạt, mà hãy đồng cảm, động viên khi các con học chưa tốt.

Đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ. Thông thường, khi thấy con có chuyện buồn, các bậc cha mẹ sẽ hỏi, nhưng nếu trẻ không chịu nói, cha mẹ cũng cho qua, không hỏi han, quan sát gì nữa. Đừng nên làm như thế mà hãy cố gắng hỏi đến khi trẻ chịu chia sẻ. Có làm như vậy thì mới mong lần sau trẻ tiếp tục chia sẻ nỗi lo với cha mẹ.

Chú ý đến mối quan hệ ở trường của trẻ (với thầy cô và bạn bè). Có một số trường hợp trẻ rất sợ cô giáo, không muốn đi học nhưng cha mẹ lại phớt lờ việc này, và cho rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Xin đừng thờ ơ với điều này, hãy tìm hiểu để giải quyết vấn đề.

Cùng với việc điều chỉnh các hành vi gia đình và quan tâm đến con nhiều hơn, điều cần làm sớm nhất là hỏi ý kiến bác sĩ gia đình, yêu cầu khám sức khỏe toàn diện cho con, và cho bác sĩ biết về những hành vi của trẻ khiến bạn lo ngại. Nếu cần thiết, hãy yêu cầu bác sĩ gia đình chuyển gặp bác sĩ chuyên khoa.

Nhưng điều quan trọng đối với phụ huynh có trẻ bị trầm cảm là ở ngay chính bản thân họ. Lời khuyên của các chuyên gia là cha mẹ nên tạo cho mình một tâm hồn thoải mái, khỏe mạnh để giúp trẻ khỏi bệnh, vì điều trị trầm cảm cho trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì của cha mẹ.
(Baltimorecity.md.networkofcare.org, Focusonthefamily.com)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT