Du Lịch

Lý Sơn và tín ngưỡng (tiếp theo)

Friday, 04/09/2015 - 11:22:07

Lễ vật cúng thần Nông cũng tùy vào điều kiện kinh tế của người dân, có gì cúng nấy, năm nào làm ăn khá giả thì cúng heo, còn bình thường thì cúng gà, tuy nhiên, những lễ vật chính không được thiếu bao gồm: hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, gạo, muối, vàng mã...

Bài TRẦN CÔNG NHUNG

Lý Sơn là huyện đảo rộng chưa tới 10 km2, gồm hai đảo: đảo Lớn và đảo Bé. Huyện có ba xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé). Như đã biết, đảo lớn với hai xã An Vĩnh và An Hải, ngoài cơ sở tôn giáo được xây dựng qui mô bề thế như Điện Phật Mẫu, Giáo Xứ Lý Sơn cũng là nhà thờ mới xây trong vòng mấy năm nay, một giáo đường khá nguy nga đối với địa phương An Hải.
Theo tài liệu từ Giáo xứ Lý Sơn, trước đây Lý Sơn là một giáo họ thuộc Giáo xứ Châu Ổ, nay được tách ra và trở thành Giáo xứ thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ.

Nhà thờ Lý Sơn (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



Sau năm 75, hầu hết các đình chùa, nhà thờ, nhà nguyện, nói chung là cơ sở tôn giáo đều bị “nhà nước hóa” vì người cộng sản cho tôn giáo là thuốc phiện, đầu độc “nhân dân.”(1) Mất nhà thờ, giáo dân Lý Sơn phải sinh hoạt nay đây mai đó tại các tư gia tín hữu. Sau gần 20 năm van xin, nhà cầm quyền tại Lý Sơn chính thức giao trả nhà thờ cho Họ đạo: lúc 8 giờ 30 phút, ngày 16 tháng 12, 1993. Từ đó cho đến 2011, họ đạo Lý Sơn liên tục được nhiều Linh Mục thay nhau đến lo việc Chúa chăn dắt con chiên.
Ngày 21 tháng 9, 2010, Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và thầy Phêrô Đinh Văn Lượng được Nhà Dòng bổ nhiệm ra đảo. Ngày 8 tháng 7, 2011, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn viết văn thư bổ nhiệm Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt làm Linh mục chánh xứ Giáo xứ Lý Sơn.

                                           Đền thờ Bùi Tá Hán (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Kể từ đó, cha nuôi dưỡng một nguyện ước về một ngôi nhà thờ mới, vì ngôi nhà thờ cũ sau bao biến động “nhân tai” và thiên tai làm cho nhà thờ hư hao mục nát không còn an toàn khi cộng đoàn dâng Thánh lễ trong mùa mưa bão.
Ngày 20/07/2012 Giáo xứ đã khởi công xây dựng nhà thờ mới và đã khánh thành ngày 13/08/2014. Sinh hoạt của giáo dân được thoải mái hơn, màu sắc sống động và ngày càng đông hơn. Nhà thờ Lý Sơn là một trong những hình ảnh nổi bật của huyện đảo tiền tiêu của xứ đảo.

                                        Xương cá Ông (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Bên cạnh giáo xứ Lý Sơn là ngôi đình cổ An Hải. Trái với nét kiến trúc tân kỳ của nhà thờ, đình làng An Hải đặc biệt cổ kính, một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu từ mấy trăm năm nay. Đình An Hải là một trong những di tích cổ nhất ở Lý Sơn: miếu Bùi Ta Hán,(2) miếu Thành Hoàng, miếu Thủy Long và NghĩaTự... Đình thờ bà Thiên Y-A- Na (Pô Inu Nagar, Ponagar) Phật Mẫu Man Nương,(3) Tiền hiền Hậu hiền, Tiền vãng, Hậu vãng. Câu “Tiền hiền khai sáng, Hậu hiền khai cư” ý nhắc nhở việc tri ân của người đời sau đối với đời trước. Cách phối thờ như vậy là sự dung hòa các nét riêng biệt của nền văn hóa Chăm với văn hóa Đại Việt để hình thành nền văn hóa đặc trưng của đình làng ở Lý Sơn.(4)
Trong quá trình phát triển mở mang đất nước, người Việt dựa vào nghề trồng lúa nước để sống còn. Đối với người làm nông, mong ước chính của họ là trông cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tốt tươi.

                                             Miếu cá Ông (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Từ những mong ước bình dị đó, từ lâu trong dân gian đã lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng thần Nông, vị thần mà theo tương truyền là người đầu tiên đã dạy dân trồng lúa, chế ra cày bừa và là người đầu tiên làm Lễ Tịch điền (còn gọi là lễ Thượng điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh.
Người dân Lý Sơn chuyên nghề đánh cá, tuy vậy, nông nghiệp cũng là một nghề quan trọng không kém đã nuôi Lý Sơn qua hàng trăm năm nay. Vì thế, thần Nông là một vị thần trong hệ thống các thần-thánh được cư dân thờ phụng.
Cũng bởi vì ý nghĩa đó mà thần Nông cũng được thờ cúng trong đình làng An Hải. Không những thế, người dân còn xây dựng một ngôi miếu riêng nằm sát bên chân núi thuộc thôn Đồng Hộ, xã An Hải để thờ Thần Nông. Sở dĩ miếu thờ thần Nông được xây dựng ở xã An Hải có lẽ vì số lượng dân cư sống bằng nghề nông ở đây đông hơn hai xã còn lại của huyện đảo.
Lễ cúng thường được tổ chức vào khoảng trung tuần tháng ba âm lịch, trước một ngày so với lễ cúng Thanh minh và tưởng niệm lính Hoàng Sa tại nghĩa tự An Hải. Việc thực hành nghi lễ cúng Thần Nông diễn ra trang nghiêm, với đầy đủ các bước, từ lễ túc yết đến lễ chánh tế, có phân hiến: sơ hiến, á hiến, chung hiến, có đọc văn tế và diễn xướng của chiêng trống và nhạc ngũ âm.
Nét độc đáo của lễ cúng thần Nông nơi đây là bên cạnh lễ cúng thần trong chánh điện, các bô lão còn thực hiện lễ cúng âm hồn, cô hồn tại các ban thờ được đặt bên ngoài miếu với lễ vật cũng đầy đủ giống như trong lễ tế thần trước đó.
Lễ vật cúng thần Nông cũng tùy vào điều kiện kinh tế của người dân, có gì cúng nấy, năm nào làm ăn khá giả thì cúng heo, còn bình thường thì cúng gà, tuy nhiên, những lễ vật chính không được thiếu bao gồm: hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, gạo, muối, vàng mã...
Tục cúng cầu mùa tại miếu Thần Nông(5) đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của cư dân xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa tạ ơn Thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, vừa gửi gắm ước nguyện cầu an cho dân bản, cầu mùa màng tốt tươi cho năm tới, như trong bài văn tế có câu:

                                                         Đình An Hải (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

“Tôn thần bảo phò xã nội nhơn an vật phụ thời vụ phong đăng chi gia huệ giả.”

(Kính Thần tôn quí, xin Ngài độ trì cho dân được bình an, sản vật phong phú, thời vụ phát đạt)
Tín ngưỡng thờ cúng Thần Nông còn góp phần gắn kết những con người có cùng mưu sinh với nhau. Việc thờ cúng thần Nông là nhu cầu chính đáng của người dân, không phải là mê tín, mà thể hiển sự biết ơn tổ tiên: “Cây có cội, nước có nguồn,” “ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Chính những hoạt động này đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy đạo nghĩa dân tộc.
Miếu cá ông ở thôn Đông xã An Vĩnh huyện Lý Sơn, nằm sát bờ biển. Di tích được xây dựng vào thời Minh Mạng, đây là di tích tín ngưỡng quan trọng của vạn chài Lý Sơn. Người Việt có truyền thuyết xem cá ông là hóa thân của mảnh áo Cà Sa của phật bà Quan Âm. Phật bà Quan Âm xé áo Cà Sa thành muôn mảnh thả xuống biển hóa phép thành Cá ông, lấy bộ xương Voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, lại ban phép cho cá bơi lội thật nhanh để kịp cứu những ngư dân lâm nạn. Hiện nay nơi đây và nhiều lăng cá ông trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều bộ xương cá ông rất lớn.

                                            Giáo dân làm lễ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Miếu Thủy Long

Nằm ở thôn tây xã An Hải huyện Lý Sơn. Miếu được xây dựng dưới thời Gia Long, cảnh quan rất đẹp, Miếu nằm sát bờ biển, bên trong thờ nữ thần Thủy Long(6) (con Long Vương) cùng thờ với Bạch Mã Thái Giám và chư vị Ngủ đức. Đây cũng là di tích tín ngưỡng quan trọng của người dân trên đảo Lý Sơn. Thủy Long, Thủy Tề hay Mẫu Thoải đều là tên gọi vị Thần giúp dân trong cuộc mưu sinh, nhất là nghề đi biển. Hàng năm dân Lý Sơn tế lễ Thần Thủy Long vào dịp đầu năm để cầu xin “trời yên biển lặng,” được mùa cá trong năm mới. Đồng thời cũng là lễ tế tất cả hương linh của những hùng bình trong Hải Đội Hoàng Sa đã bỏ mình ngoài biển cả và những vong hồn ngư dân mất tích bao đời nay trong lúc đi biển.
Đến Lý Sơn chúng ta thấy bất cứ Chùa, Đền, Dinh, Miếu nào cũng đều được xây dựng trang nghiêm, theo hướng “Tiền thủy – hậu sơn” mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi. Đó là nét văn hóa đặc biệt của cư dân đảo…



                                                   Tiền Hiền Miếu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Tóm lại, tín ngưỡng cư dân Lý Sơn có phần nặng nề phức tạp (gần như mê tín), nhưng đấy chính là tập tục đặc thù của xứ đảo. Trải qua mấy trăm năm những biến cố, thảm họa trong cuộc sống khiến họ phải chấp nhận phải ứng xử cách riêng để được trọn tình trọn nghĩa với Thần Linh đã giúp họ sống còn, với người thân đã hy sinh cho cuộc sống của họ hôm nay.
Trần Công Nhung
(2015)

(1) Ngày 18 tháng 9 năm 1978, Chính quyền buộc Cha Hành phải rời Lý Sơn vào Châu Ổ. Một số giáo dân bị đưa đi vùng kinh tế mới, một số khác tìm vào miền Nam lập nghiệp. Chính quyền nắm toàn bộ cơ sở của Họ đạo Lý Sơn, nhà thờ thì làm kho chứa lương thực rồi cho tư nhân thuê làm nhà chiếu phim.
(2) Bùi Tá Hán (dân gian quen gọi là Trấn Quận công, Trấn Công, Ông Trấn), sinh năm Bính Thìn - 1496 ở Châu Hoan, nay thuộc tỉnh Nghệ An.
Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, chính trị rối ren, Mạc Đăng Dung nhân đó cướp ngôi, dựng lên nhà Mạc (1527). Sĩ phu nhà Lê nhiều người không chịu thần phục họ Mạc, chiêu tập nghĩa binh, dựng cờ "Phù Lê diệt Mạc". Các lực lượng chống Mạc dần dần quy tập dưới cờ Nguyễn Kim (1468 – 1545), một cựu thần nhà Lê, nổi lên từ Châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa), trong đó có Bùi Tá Hán.
Sau khi nhà Lê được khôi phục (thời Lê Trung Hưng), năm Ất Tỵ (1545), dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được giao nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa Tuyên Quảng Nam (nay là Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) và ông đã thành công nhiệm vụ này. Triều đình phong cho ông chức Đô Tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công, và ông giữ chức nầy cho đến ngày tạ thế (1568). Lăng mộ Bùi Tá Hán hiện nằm tại khu rừng Lăng, làng Thu Phổ (phường Quang Phú - Quảng Ngãi)
(3) Theo truyền thuyết Man Nương là mẹ của tứ Pháp: Pháp vân - Pháp Vũ – Pháp Lôi Pháp – Điện. Bốn pho tượng Tứ Pháp được thờ ở bốn chùa: Dâu, Đậu, Tướng, Dàn ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Làng Mãn Xá lập chùa Phúc Nghiêm thờ Phật Mẫu Man Nương, nên gọi chùa này là chùa Tổ. Hàng năm vào ngày hội chùa Dâu ngày 8 tháng Tư (âm lịch), thì ba làng Đậu, Tướng, Dàn rước tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện về chùa Dâu gặp Pháp Vân rồi bốn chị em về chùa Tổ thăm Mẹ.
(4) Đình làng các nơi trong nước thờ Thành Hoàng, thờ ngài Khai Canh – Khai Cư là chính.
(5) Thần Nông là một trong Tam Hoàng ( Ngũ Đế) thời tiền sử bên Tàu (Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông) Trong đó, Phục Hi và Nữ Oa là thần chồng và thần vợ, được coi là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy. Thần Nông là người đã phát minh ra nghề nông và là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.
(6) Tương tự miếu Bà Giàng Thuận An Huế (bài cũ).

Liên lạc với tác giả qua email: trannhungcong46@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT