Địa Ốc

Lắng nghe là một yếu tố để thành công

Monday, 28/03/2022 - 06:22:22

Tốt nghiệp đại học Cal State Fullerton về ngành báo chí, tôi học thêm về địa ốc, lấy bằng broker. Sau đó, tôi được...

Bài KIỀU MỸ DUYÊN



Thiên nhiên đã ban cho chúng ta một cái miệng và hai cái tai để chúng ta biết rằng: cần phải nghe nhiều hơn nói.


Tốt nghiệp đại học Cal State Fullerton về ngành báo chí, tôi học thêm về địa ốc, lấy bằng broker. Sau đó, tôi được một công ty trong 10 công ty lớn của Mỹ huấn luyện để trở thành chuyên viên địa ốc. Mỗi ngày học 8 giờ đồng hồ, tối về nhà còn làm bài. Một trong những bài học để đến thành công là phải biết lắng nghe: "Good listening is the key to be successful."

Giáo sư của chúng tôi rất nghiêm, bà cho biết không có người nào nói nhiều mà thành công ở xã hội này. Đó là một bài học về tâm lý, bài học này tôi đã học gần 40 năm rồi mà mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ như mới học ngày hôm qua.

Khi được trúng tuyển vào làm Đại Bồi Thẩm Đoàn, chúng tôi cũng được huấn luyện phải biết lắng nghe, nghe nhiều hơn nói. Chúng tôi chất vấn những tình nghi tội phạm rất ngắn, và lắng nghe họ trả lời. Người tình nghi tội phạm nào nói nhiều bao giờ cũng lộ ra sơ hở của họ.

Người nói nhiều, nói mãi, nói không ngừng nghỉ, bao giờ cũng lộ ra cái dốt của họ. Bác sĩ tâm lý nghe người nào nói nhiều thì biết ngay họ bệnh gì? Làm thế nào để chữa bệnh cho những người có bệnh này? Ở Mỹ có bác sĩ tâm lý học, phân tâm học nhiều lắm, nhất là trong mùa dịch Covid-19 này, bệnh nhân nhiều lắm. Nhưng nhiều người bị bệnh mà không biết mình có bệnh, có người thường xuyên nói lẩm bẩm một mình, không cần ai nghe, cũng không để ý ai bên cạnh, cứ nói, nói hoài, mệt nghỉ, rồi nói tiếp.

Phòng mạch của các bác sĩ chữa tâm lý, tâm thần nhiều lắm. Các phòng mạch này rất đông bệnh nhân đến khám.

Tình cờ gặp một bác sĩ phân tâm học, tôi hỏi:

- Trong mùa dịch Covid-19, người nào cũng mập, cũng lên cân, sao cháu gầy quá vậy?

Bác sĩ trung niên trả lời:

- Bệnh nhân nhiều quá. Lý do vì dịch cúm họ không đi ra ngoài, ở nhà mãi sinh ra bệnh, bệnh tâm thần chưa tới độ nặng, chưa cần phải đi nhà thương, nhưng bệnh nhiều lắm, cô ơi!
Gặp một luật sư chuyên môn về ly dị, luật sư nói:

- Hai năm nay cháu bận quá cô ơi, không có thì giờ đưa mẹ cháu đến thăm cô. Cháu đang tuyển thêm nhân viên.

Tôi hỏi:

- Sao mà bận dữ vậy cháu?

- Vì khách hàng nhiều quá, đa số thân chủ đưa đơn ly dị.

- Vậy mà cô tưởng rằng trong lúc dịch cúm người ta thương nhau hơn, thông cảm nhau hơn, lo lắng cho nhau, chăm sóc lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau chứ?

Ly dị không có tài sản dễ dàng thôi, còn ly dị có tài sản, có cơ sở thương mại sẽ có sự tranh chấp, đương nhiên sẽ mất thì giờ nhiều hơn.

Trong gia đình có người phối ngẫu nói nhiều quá, nói từ giờ này sang giờ khác, người nghe nghe mãi, mệt óc quá cũng phải đến ly dị mà thôi. Nói nhiều, nói không ngừng nghỉ cũng là cái bệnh. Nhưng than ôi, người bệnh không biết mình có bệnh, bệnh cô đơn. Khổ cho người nào ở trong nhà có người mắc bệnh nói nhiều. Nếu người bệnh biết mình bệnh thì nên đi bác sĩ, bác sĩ sẽ phân tích về bệnh của mình. Người bệnh cần nói, để giải tỏa sự phẫn uất gì đó trong lòng mình thì nên ra ngoài công viên, hay ra vườn, nói với cây cỏ, với gió, với mây, xong rồi vào nhà để tâm bình yên, đừng để cho người xung quanh phải khổ sở vì mình.

Tôi đã gặp nhiều người bị bệnh nói nhiều, hay lẩm bẩm nói một mình, mình nói mình nghe không cần để ý đến ai, nói những đề tài không cần thiết. Tôi nhớ trước khi chúng tôi thành lập công ty riêng, chúng tôi đi làm cho một công ty lớn của Mỹ, mỗi lần bà quản lý thấy nhiều người nói lớn thì bà viết giấy cảnh cáo: "Giữ yên lặng để người xung quanh làm việc!" Chỉ cần bà manager viết giấy thông báo, không cần đến luật sư của công ty ra thông báo thì mọi người hay nói nhiều im ngay.



Hãy học cách lắng nghe người khác.


Người sức khỏe tốt rất thương và tội nghiệp cho người bệnh, nhưng người bị bệnh có thể chữa khỏi bệnh, chỉ cần đến bác sĩ chữa bệnh, rồi từ từ sẽ khỏi bệnh mà thôi.

Tôi nhớ thầy của chúng tôi là giáo sư Trần Bích Lân, tức là thi sĩ Nguyên Sa, thầy dạy về tâm lý học, thầy nói:

- Thế giới này có 20% người bị bệnh tâm lý, nhưng không nặng đến đập phá nên không bị bắt vào nhà thương điên. Tuy nhiên, nếu biết mình bệnh, nên đi chữa bệnh, từ từ sẽ khỏi thôi.

Hơn nửa thế kỷ rồi, chúng tôi còn nhớ lời của thầy nói về bệnh tâm thần này.

Nếu người bệnh đau tay chân, gãy tay, gãy chân hay nhức đầu, đau răng thì biết đi chữa bệnh ngay, nhưng người bệnh nói nhiều không thấy bệnh của mình, không chịu đi chữa bệnh thì sao?

Gia đình, bằng hữu của người bệnh phải biết người thân của mình đang mắc bệnh nên khuyên họ đi chữa bệnh, đừng để bệnh nặng quá thì phiền lắm.

Bệnh tâm thần thì nhiều lắm, nhiều kiểu khác nhau, có nhiều người chỉ thấy những cái xấu của người khác, chê người này, chê người khác, con mắt chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không thấy ưu điểm của mọi người, đó cũng là bệnh. Bệnh tự kiêu, tự đại chỉ có ta là giỏi, không ai giỏi hơn ta, chê người khác chỉ chê sau lưng của họ, không dám nói trước mặt. Chuyện 1 nói ra thành 10, cũng là bệnh mà không biết mình có bệnh. Bệnh tự kiêu, tự đại cũng nhiều lắm, cứ tưởng mình giỏi nhưng thật ra bị uất ức trong người phải tìm cách giải tỏa bằng cách nói xấu người khác. Thật ra người nào giỏi không cần nói ra, thiên hạ cũng biết. Triệu phú, tỷ phú đi xe cũ kỹ, rẻ tiền, ăn mặc giản dị, trong túi không có đồng nào (nhưng có thẻ tín dụng), thiên hạ cũng biết. Người giỏi và giàu thì khiêm tốn, ít nói, không khoe khoang, làm việc và làm việc. Không biết độc giả thích người nào, thích người nói ít hay người nói nhiều, lẩm bẩm suốt ngày làm điếc tai thiên hạ?



Hai mắt để nhìn nhiều hơn, hai tai để nghe nhiều hơn, nhưng một miệng để nói ít lại.


Tôi còn nhớ mấy năm về trước có một đồng hương chiều chiều khi tan sở thường đến văn phòng của chúng tôi xin báo. Có báo trong tay ông ra trước cửa văn phòng ngồi đọc báo. Tôi thấy là lạ, sao có người có nhà mà tan sở không về nhà. Một hôm, tôi hỏi:

- Tan sở sao anh không về nhà?

Đồng hương này trả lời:

- Chiều nào tan sở tôi cũng đi lang thang như thế này, đợi vợ tôi ngủ rồi tôi mới về nhà, vì bà ấy nói nhiều quá, điếc lỗ tai, nên đợi bà ấy ngủ, tôi lặng lẽ về nhà.

Tôi nói:

- Sao anh không nói bà ấy đừng nói nhiều?

- Nói hoài cũng vậy, bà ấy bị bệnh tâm thần. Tôi đã từng chở bà ấy đến bác sĩ, bác sĩ cũng nói như thế, nhưng bà ấy không chịu chữa bệnh, không nghe lời khuyên của bác sĩ.

- Sao anh không tìm việc cho vợ anh làm, làm việc sẽ hết bệnh tâm thần.

- Chị ruột của bà ấy có tiệm tạp hóa. Vợ tôi ra tiệm làm việc, nói nhiều quá mất khách hàng, nên chị của bà ấy cho nghỉ. Nghỉ ở nhà, bà ấy nói nhiều hơn, bệnh trầm trọng hơn, tôi khổ quá!

Mỗi người trong chúng ta có nỗi khổ riêng, nghe nhiều quá cũng khổ, nói nhiều quá làm phiền người xung quanh, tốt nhất mình hãy thương mọi người, thấy người nào có bệnh nên hướng dẫn họ đi bác sĩ.



Góc hài hước: Trị bệnh nói nhiều!

Bệnh nào cũng là bệnh, bệnh mắt, đau chân, nhức vai, đau bao tử, cảm cúm, nhức đầu, tất cả các bệnh đều chữa được. Nếu quan tâm đến sức khỏe của người xung quanh thì hãy thương họ và hướng dẫn họ đúng cách. Tình thương giữa người với người vô cùng quan trọng, chỉ có tình thương mới nói cho nhau nghe, chỉ có tình thương mới hoán cải được con người.

Tình thương vô cùng quan trọng, đứa trẻ chưa biết lý luận nhưng ai thương nó, nó biết ngay. Con ếch, con tôm sắp bị cắt cổ thì chúng cũng có linh cảm. Quý vị nào vào nhà hàng thường gọi tôm hùm, người bồi bàn cầm con tôm hùm đưa cho khách xem và hỏi khách có bằng lòng với con tôm hùm đó hay không? Quý vị cứ nhìn vào con mắt của con tôm, quý vị sẽ thấy mắt của nó ươn ướt vì nó cảm nhận được rằng nó sẽ bị cắt cổ, bị chặt tay, chặt chân và sẽ bị ăn thịt.

Con người cũng vậy, cũng có cảm nhận, ai thương ai ghét mình thì biết ngay, đâu có đợi nghe người khác nói thương hay ghét mình, cho nên tốt nhất đừng làm phiền lòng người khác.



Tình thương chữa lành tổn thương.

Chỉ có tình thương mới đem hòa bình cho thế giới, chỉ có lòng thương yêu bớt hận thù, và người bị bệnh nói nhiều cũng phải vì lý do gì đó, sự uất ức dồn nén trong đầu, trong tim, v.v. Để giải tỏa sự buồn phiền, uất hận, đau đớn, họ trút ra qua việc nói, nói và nói liên tu bất tận. Chúng ta nên thương người nói nhiều và người bị bệnh, đừng ghét họ tội nghiệp, họ cũng đâu biết họ đang bệnh cần chạy chữa. Họ cần bác sĩ nhưng họ không đến bác sĩ vì đâu có ai chỉ dẫn họ phải đến bác sĩ. Họ nói nhiều vì bị bệnh, rồi mọi người xa lánh họ, ngay người nhà cũng khó chịu và từ bỏ, càng ngày bệnh của họ càng nặng thêm.

Hy vọng người bệnh được chữa bệnh. Người nói nhiều cũng là người bệnh, giống như bệnh ăn cắp vặt, bệnh càng ngày càng tăng, đến một lúc nào đó thì hết thuốc chữa.

Xin Thượng Đế thương xót người bệnh, cho họ thức tỉnh, họ biết họ có bệnh và đi chữa bệnh, để cho chính họ có đời sống hạnh phúc và những người xung quanh sống vui vẻ với họ.
Orange County, 28/3/2022
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT