Pháp Luật

Làm sao để biết mình là nhân viên hay người thầu độc lập?

Friday, 09/05/2014 - 12:04:02

Trong bài viết trước đây, tôi có phân biệt sự khác biệt giữa một nhân viên chính thức và một người làm theo hợp đồng, còn gọi là người thầu độc lập. Vì luật pháp đòi hỏi các chủ nhân phải trao cho nhân viên một số quyền lợi, có rất nhiều người cố ý phạm pháp, mướn người làm theo dạng người thầu độc lập trên giấy để giảm chi phí

LS Diệp Thế Lân

Câu Chuyện Luật Pháp
 
Trong bài viết trước đây, tôi có phân biệt sự khác biệt giữa một nhân viên chính thức và một người làm theo hợp đồng, còn gọi là người thầu độc lập. Vì luật pháp đòi hỏi các chủ nhân phải trao cho nhân viên một số quyền lợi, có rất nhiều người cố ý phạm pháp, mướn người làm theo dạng người thầu độc lập trên giấy để giảm chi phí và trốn trách nhiệm, trong khi đó thì vẫn đối xử với họ như là một nhân viên chính thức, tức không có quyền tự chủ. Làm như vậy là một hình thức trốn thuế, vì mọi chủ nhân đều có trách nhiệm đóng tiền vào một số quỹ của chính phủ cho nhân viên của mình. Còn người thầu thì không.

Thế thì vấn đề đặt ra là làm sao biết mình là một người thầu độc lập đúng nghĩa hay là một người thầu đã bị khai không đúng dạng và đáng lẽ phải được đối xử như là người nhân viên chính thức với đầy đủ quyền lợi?

Những yếu tố quyết định

Thật ra, luật pháp đến nay vẫn chưa thống nhất về định nghĩa của người thầu độc lập. Thay vì dựa vào định nghĩa rõ ràng, luật pháp sẽ nhìn vào nhiều yếu tố khác nhau để đánh giá cái quan hệ giữa người làm và chủ nhân để có quyết định. Cho nên mình có phải là người thầu đúng nghĩa hay không sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp. Vấn đề lại càng phức tạp hơn vì có nhiều cơ quan trong chính quyền Mỹ quan tâm đến cách đối xử với người thầu độc lập vì các lý do khác nhau. Ví dụ, Sở Thuế quan tâm vì muốn điều tra các vụ trốn thuế. Sở Lao Động quan tâm vì muốn bảo vệ quyền lợi của người lao động. Mỗi cơ quan sẽ ưu tiên cho các yếu tố khác nhau, nhưng nói chung, mọi cơ quan sẽ chú ý vào các yếu tố sau đây:

-Người làm có làm trong một nghề khác biệt với người chủ không?

-Việc của người làm có phải là loại việc thông thường của người chủ không?

-Người làm hay người chủ là người cung cấp dụng cụ cần có và nơi làm việc?

-Sự đầu tư của người làm vào các dụng cụ cần thiết

-Công việc của người làm có đòi hỏi một kiến thức đặc biệt không?

-Công việc thuộc nghề gì và thông thường việc ấy sẽ làm dưới sự quản lý của chủ hay là người làm được tự do?

-Cơ hội làm lời hay chịu lỗ vì khả năng của chính người lao động

-Thời gian mà người làm phải phục vụ cho người chủ

-Quan hệ làm việc giữa người làm và người chủ có lâu dài và thường xuyên không?

-Cách người làm nhận tiền – theo giờ hay theo việc?

-Hai người làm và người chủ tự nghĩ quan hệ giữa họ là gì

Liệt kê như thế để cho thấy là việc xác định đúng dạng làm việc của một người không phải là việc đơn giản. Người quyết định sẽ phải cân nhắc từng yếu tố trên để xem sự thật nằm ở đâu.

Thế nhưng, tất cả những yếu tố này đều nhằm một mục đích là giúp cho sở thuế xác định người chủ có khả năng quản lý và điều khiển người làm đến mức độ nào. Nếu người chủ có toàn quyền kiểm soát và sai bảo người làm, thì phần nhiều là người làm ấy là một nhân viên chính thức. Đã là một nhân viên chính thức thì phải hưởng ít nhất là mức lương tối thiểu, mà hiện nay tại Cali là $8/giờ. Hơn nữa, chủ có trách nhiệm trả phần nửa tiền An Ninh Xã Hội cho nhân viên và phải đóng tiền vào các quỹ bảo hiểm thất nghiệp (unemployment insurance), quỹ bồi thường cho người lao động (workers' compensation), và riêng tại Cali, vào quỹ bảo hiểm mất năng lực của tiểu bang (State Disability Insurance). Ngược lại, nếu người làm có toàn quyền tự chủ, tự giác, thì phần nhiều người ấy không phải là nhân viên, nhưng là một người thầu độc lập. Một người thầu độc lập dưới luật pháp được xem là một cơ sở thương mại, cho nên chẳng được luật bảo vệ cho cái gì. Nếu có quyền lợi thì người thầu độc lập phải tự thương lượng.

Những thí dụ

-Một ví dụ đơn giản: Một tiệm phở mướn thợ đến sửa máy lạnh của tiệm. Ngành bán phở và ngành sửa máy lạnh không liên hệ với nhau. Người thợ sẽ phải tự mua và dùng dụng cụ chuyên nghề của mình, chứ tiệm phở không có trách nhiệm cung cấp. Và quan trọng hơn hết, tiệm phở không có quyền kiểm soát hay sai bảo người thợ. Người thợ có quyền quyết định giờ sẽ đến, giờ sẽ về, giá cả tiệm sẽ phải trả, và cũng có quyền gởi đại diện đến làm thay thế mình, miễn sao người ấy làm xong việc đã giao hẹn với tiệm phở. Để làm ăn kiếm sống, chắc chắn là người thợ này sẽ phải tìm sửa nhiều máy lạnh ở nhiều tiệm, văn phòng, và nhà khác nhau. Vì thế, người thợ là một cơ sở kinh doanh và có quyền tự chủ. Tiệm phở là thân chủ của người thợ, chứ không phải là chủ nhân.

-Một ví dụ phức tạp hơn: Một tiệm làm móng mướn thợ. Tại các nơi cung cấp dịch vụ thế này, người thợ có thể là nhân viên chính thức hoặc là một người thầu độc lập. Phải nhìn kỹ vào các yếu tố trên mới phân biệt được. Nếu là nhân viên thì người thợ phải chịu sự kiểm soát của người chủ. Người chủ sẽ có quyền quy định giờ giấc làm việc và sai người thợ làm các việc bên lề như quét nhà hay giặt khăn. Thợ muốn ngày nghỉ là phải xin phép. Đồng thời, một nhân viên phải hưởng các quyền lợi theo luật quy định, và khi đến tiệm ngồi không vì không có khách để phục vụ, vẫn phải được trả lương tối thiểu là $8/giờ, cho dù đã giao hẹn với nhau trước là chỉ ăn lương theo lối “chia phần”, ăn tiền theo số khách đã phục vụ. Nếu có nhiều khách để chia phần thì tốt, nhưng nếu không có khách, nhân viên vẫn phải hưởng lương tối thiểu.

Ngoài ra, trong ngành móng và tóc, cũng có cái lối làm việc “mướn ghế” của tiệm. Tức cô A có thể mở tiệm và có dư ghế. Cho nên thay vì mướn thêm thợ làm nhân viên, cô A có thể cho cô B mướn nơi làm việc để làm thêm một chút tiền hàng tháng. Trong trường hợp này, cô B không phải là nhân viên của cô A, nhưng chính cô B là một “tiệm riêng” và có lẽ sẽ có khách của riêng mình. Vì tự chủ, cô B muốn vào làm giờ nào thì vào, không muốn làm thì thôi, miễn sao trả tiền mướn ghế đến cô A như đúng giao hẹn hàng tháng. Cô B có thể bay nhảy và mướn ghế ở nhiều tiệm khác nhau, mỗi tuần làm ở mỗi tiệm hai ba ngày.

Hai trường hợp này rất khác và rõ nét. Thế nhưng người Việt mình thường xuyên nhập hai lối này thành một, mướn người làm theo dạng người thầu độc lập để khỏi phải cung cấp quyền lợi, đồng thời sai bảo và điều khiển người làm như là một nhân viên chính thức, không cho họ quyền tự chủ. Không riêng gì người thợ móng hay thợ tóc bị, mà ngay cả người làm cho nhà hàng, văn phòng bác sĩ, hãng xây cất, và các công ty điện tử cũng bị khai sai dạng.

Nên biết, nếuchủ nhân của mình đã khai mình là một người thầu độc lập nhưng lại đối xử với mình là một nhân viên, luật pháp cho chúng ta đi ngược lại thời gian ba hoặc bốn năm và đòi lại tất cả các quyền lợi mình đã thiếu mất trong thời gian ấy, từ số tiền lương (nếu mình đã không hưởng được mức lương tối thiểu), đến số tiền đáng lẽ phải được đóng vào các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, mất năng lực, bồi thường người lao động, và An Ninh Xã Hội của mình.

Mình có bị chủ đối xử sai hay không thì tự mình biết. Việc lên tiếng phản đối, làm đơn khiếu nại sẽ làm cho nhiều người rất ngại. Nhưng theo tôi thì mất lòng người vẫn hơn là mất quyền lợi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT