Chuyện Nước Pháp

Hương Tết muộn trẻ trung Mậu Tuất vào cuối đông (kỳ 1)

Monday, 19/03/2018 - 09:52:34

Sân khấu là một bục lớn trẻ con leo tới leo lui được và trống không. Trong phòng có mấy dãy bàn dài phủ khăn hồng hay trắng bằng giấy với đĩa và dao nĩa cũng như ly bằng chất dẻo dùng xong cho vào thùng rác. Ghế nhựa ngồi êm và có màu đen.

Bài NGỌC DIỄM

Chúng tôi đến lâu đài mang tên Charmois, đi ngang qua cư xá sinh viên cùng tên. Cao ốc lúc sắp về đêm đèn được thắp lên khắp nơi, bức ảnh chụp được rõ ràng không cần dùng flash nhờ ánh sáng thiên nhiên. Thưởng Xuân Mậu Tuất năm nay trễ hơn lịch chính thức đến gần ba tuần lễ. Đó là ngày cuối tuần thứ Bảy, 10 tháng Ba dương lịch. Gọi là Tết trẻ trung, vì do hội sinh viên VN tại Pháp tổ chức; và sắp đến mùa Xuân trên đất Pháp. Băng giá, tuyết trắng rơi đầy, sương mù thỉnh thoảng bao trùm nhiều vùng đất thấp khi người di chuyển đường xa... đã lùi vào dĩ vãng năm nay. Một hơi thở phào kiểu Tây (ouf !) nhẹ nhõm cả người.


Cư xá sinh viên Charmois, gồm vài trăm phòng trọ, lúc chiều tối.  (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thế rồi, vừa băng qua khỏi xi-tê, chúng tôi đến ngay trang trại cũ ngày xưa và trông thấy lâu đài Charmois và dinh thự lớn có gian phòng tổ chức đêm gala ăn Tết Việt Nam. Vì sao các sinh viên lại chọn nơi đây làm chỗ ăn Tết đã từ nhiều năm nay?

Lâu đài Charmois được xây cất từ thế kỷ thứ 18 bởi họa sĩ Charles-Joseph Gilles, trải qua bao thăng trầm lịch sử kể cả lúc bị trưng dụng cho ba đạo quân Pháp, Đức và Hoa Kỳ vào thế chiến thứ Hai. Năm 1945, chuồng ngựa nơi đây được dùng làm nơi cho tù nhân binh sĩ Đức ở tạm. Hiện nay, chính quyền địa phương mua lại lâu đài này và tu bổ khang trang với mục đích tổ chức văn hóa tiêu biểu phục vụ dân chúng.
Lâu đài không có phòng rộng đón tiếp hơn 100 người, nên hội sinh viên phải lấy phòng khác. Tất cả thuộc về dinh thự Charmois, gốc gác từ cây charme là một loại cây bàng trồng trong diện tích 15 mẫu tây tổng cộng của nơi này.


Một màn nhảy sôi động với quốc phục áo dài mừng Xuân từ Youtube. Chai nước suối trong ảnh, thương hiệu Cristaline trong veo như thủy tinh đứng cạnh bên thực đơn và ly đĩa bằng nhựa trắng. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Sinh viên đã chọn nơi này vì giá cả vừa phải cho cả hai tỉnh lớn gộp lại của miền Đại Đông nước Pháp. Căn phòng mang tên ông Michel Dinet, vị Hội Trưởng của Hội Đồng Thành Phố cao cấp đã từ trần vì tai nạn xe cộ. Để tưởng niệm ông, một người đại diện chính quyền giúp việc lâu năm trong Hội Đồng và có thành tích tốt đẹp cho quốc gia, căn phòng được đặt tên như thế. Tục lệ này thông thường ở Pháp cũng như trên thế giới dành cho danh nhân có công với quốc gia lúc họ qua đời.

Nơi có phòng chọn thuộc về trang trại cũ xưa, cũng thuộc mảnh đất có lâu đài Charmois. Nó chứa được 220 người với diện tích 340 thước vuông, nhưng đêm ấy con số chỉ lên đến khoảng 150, theo ban tổ chức cho biết trước.

Sân khấu là một bục lớn trẻ con leo tới leo lui được và trống không. Trong phòng có mấy dãy bàn dài phủ khăn hồng hay trắng bằng giấy với đĩa và dao nĩa cũng như ly bằng chất dẻo dùng xong cho vào thùng rác. Ghế nhựa ngồi êm và có màu đen.



Năm mới Việt Nam, viết theo kiểu chữ đặc biệt bằng tiếng Pháp. (Ngọc Diễm/Viễn Đông).

Chiếc bàn dài chính giữa phòng sẽ dùng làm nơi bày biện thức ăn kiểu buffet cho khách mời. Lúc chúng tôi đến hãy còn thưa thớt người, giờ đón tiếp bắt đầu từ sáu rưỡi chiều. Mùa lạnh gần như đã lên đến cực điểm trong tuần lễ trước đó, nên đêm thứ Bảy này thật lý tưởng để ăn Tết muộn. Có còn hơn không.

Ngày xưa kia, sinh viên Việt Nam Cộng Hòa đón Xuân cùng với các nước khác, không đủ phương tiện để có thể tổ chức độc lập như ngày nay; cũng chẳng mang danh nghĩa gì. Khi tôi có dịp trò chuyện với người Pháp, đa số không hề biết Việt Nam có hai phe Quốc-Cộng choảng nhau chí tử. Nhờ không có chính trị nơi đây nên không khí hoàn toàn thuộc về quốc gia Cộng Hòa Pháp, thật đặc biệt. Không thấy một lá cờ đỏ sao vàng hay cờ vàng ba sọc đỏ!

Tôi có cảm tưởng mình sống trong lòng Việt Nam hoàn toàn. Quanh tôi là đồng hương, có bạn bè Pháp đến hưởng ứng hay vài cặp Pháp-Việt đề huề. Mấy người bạn cũ khi xưa cùng đi du học, gặp lại tay bắt mặt mừng, tóc trên đầu hoa râm. Chúng tôi chỉ nói chuyện con cái học hành đến đâu, làm việc ở tỉnh nào. Đứa đi về quê cha đất tổ dù sinh bên Pháp, đứa từ quê nhà qua đây ở luôn lập nghiệp theo vợ hay chồng có quốc tịch địa phương. Trẻ con chạy chơi tung tăng, trèo lên sân khấu là bục nhựa đen thấp chũm, mặc áo dài trông thật dễ thương.




Lâu đài Charmois, loại nhỏ nhưng trông đã bề thế lắm rồi.  (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Dinh thự chứa phòng tổ chức buổi Gala Tết Mậu Tuất 2018. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Chiếc bàn giữa phòng có khăn giấy xếp hình đóa sen. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Nơi cuối phòng, bục đen là sân khấu, chính giữa để lối đi lên rộng rãi (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Tấm phông trắng được gắn mấy chùm bong bóng xanh đỏ vui mắt, có hình gốc mai vươn ra treo đầy lồng đèn. Chính giữa là vòng tròn đỏ viết mấy chữ trắng “Nouvel An Vietnamien” 2018 cầu kỳ kiểu cọ, nhìn mãi mới đọc ra là thế. Trong tiết mục quảng cáo các sự kiện văn hóa sẽ tới, đã có tin nhỏ này. Chúng tôi thì biết được nhờ tiệm bán thức ăn Việt Nam, chủ nhân quen đã lâu tại địa phương. Cậu sinh viên trẻ đón chúng tôi đưa đến bàn, cho biết có hai thứ thức ăn chay-mặn tươi ngon và giải thích rõ thêm về nước uống. Thì ra, rút kinh nghiệm mấy năm trước, năm nay chỉ có những chai nước suối mát lạnh để trên bàn tiệc kèm theo thực đơn. Ai muốn uống nước ngọt trái cây hay rượu vang đỏ hoặc bia ngon thì phải mua thêm. Ông xã nhà tôi thế là tha hồ chạy kiếm bia về nhậu, đồ khui không có trên bàn mình ngồi, đành khoanh tay chờ. Một cậu nhỏ đi ngang bị kéo lại, cậu ta phải dông tuốt đến cửa vào mới tìm ra mang lại cho khách.

Trong khi chờ đợi mọi người đến đông đủ, một nữ sinh viên ngồi nơi chiếc bàn nhỏ bên cánh phải sân khấu dùng máy điện toán phóng lên màn ảnh lớn giữa phòng dựa trên tường hình ảnh đón Xuân bên nhà. Thôi thì đủ cả, các thứ hoa mai đào lan cúc trúc, các thứ mứt và bánh trái ngày Tết. Người người vui vầy quanh nhau tới lui nơi siêu thị hay chùa chiền. Thật nhiều lúc chiếu qua cảnh múa hát vui vẻ. Một sô nhảy tưng bừng với các cô gái mặc áo dài mà múa hát thật nhạc Rốc hiện đại khiến tôi nhìn mãi không chán! Có ai ngờ ngày nay văn nghệ bên nhà tiến bước không thua gì thế giới. Chẳng những người Việt bên Mỹ có dàn vũ nữ vũ nam cấp bậc quốc tế đã lâu rồi, bây giờ ở Sài Gòn nào kém. (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT