Phóng Sự

Hội Từ Thiện Hồng Bàng và các dự án từ thiện tại Việt Nam (kỳ 1)

Sunday, 28/10/2018 - 03:07:13

“Chúng tôi có chương trình tại Trường Phước Lộc dạy nghề cho những người muốn trở thành người giúp việc nhà, nhận giúp các cô gái ở thôn quê không tiếp tục học lên đại học, đến đây học nghề.




Thiện nguyện viên của Hồng Bàng về dạy Anh Văn tại Việt Nam. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Sứ mạng của Hội Từ Thiện Hồng Bàng là hỗ trợ những người dân nghèo tại các vùng nông thôn tại Việt Nam trong các lãnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và các dịch vụ xã hội. Hội hỗ trợ bằng cách gửi các thiện nguyện viên tại Mỹ, Canada, Úc, Pháp về làm việc tại Việt Nam để chia sẻ các kỹ năng của các thiện nguyện viên. Hội còn tài trợ cho một số dự án từ thiện tại Việt Nam, như trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học bổng cho sinh viên học chuyên ngành trở thành giáo viên dạy chương trình Giáo Dục Đặc Biệt (dạy các em khuyết tật, tự kỷ). Ở cuối bài viết này là địa chỉ để liên lạc với và hỗ trợ cho Hội.
 

Hội Hồng Bàng hỗ trợ cho trường Phước Lộc giúp dạy nghề cho các thiếu nữ sống tại nông thôn. (Hình cung cấp)

Sự ra đời của Hội

Anh Văn Phạm, là một trong những người sáng lập của Hội Từ Thiện Hồng Bàng, và là cựu Hội trưởng của Hội. Anh cho biết, “Hội Từ Thiện Hồng Bàng được thành lập vào năm 1990 do một số anh em trẻ người Mỹ gốc Việt lập ra. Trong thời gian làm thiện nguyện tại trại tị nạn Palawan, tôi và một số anh em người Mỹ gốc Việt quen biết nhau và cùng nhau lập ra Hội với mong muốn sẽ có thêm nhiều người qua các trại tị nạn để giúp đồng bào mình tại các trại tị nạn. Ví dụ như dạy Anh Văn, dạy nghề, giúp đồng bào mình giao tiếp với các cơ quan của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc… giúp có tiếng nói cho những người tị nạn.

“Mục đích ban đầu thành lập Hồng Bàng là chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ các thiện nguyện viên qua giúp tại trại tị nạn, chuẩn bị thông tin, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho các thiện nguyện viên. Nếu cần thì giúp gây quỹ để mua vé máy bay, tiền visa cho các thiện nguyện viên qua làm việc tại trại tị nạn. Thời đó, một vé máy bay khoảng $1,000 đến $1,500.”
 

(Hình cung cấp)

Anh Văn Phạm cho biết lúc đầu mới lập ra Hội đa số các anh em đều đang học đại học, hoặc mới ra trường, nên sự gắn bó với cộng đồng sinh viên rất đông. Nhờ vậy mới có nhiều thiện nguyện viên tham gia sang giúp đồng bào tại trại tị nạn. Vào những năm 1992, 93, 94 là thời điểm Hội Từ Thiện Hồng Bàng có đông thiện nguyên viên nhất, có khoảng 10 thiện nguyện viên làm việc trong một năm tại các trại tị nạn.

Anh Văn Phạm cho biết, “Làm công việc thiện nguyện đòi hỏi cần có thời gian nhiều, một số người gắn bó từ buổi đầu có người về sau lập gia đình, có việc làm… thời gian không cho phép, thành ra đã rời Hội, không tiếp tục gắn bó nữa. Nhưng sau đó có thêm những người mới, tham gia vào Hội. Từ đầu ngày thành lập đến giờ, chúng tôi không có nhân viên nào nhận tiền lương, không có văn phòng. Hiện nay chúng tôi có năm thành viên chủ chốt, chuyên lo mọi hoạt động của Hội, trong đó có tôi và vợ tôi là Huyền Phạm, cũng làm trong ngành giáo dục như tôi và trước đây từng làm thiện nguyện tại trại tị nạn ở Phi Luật Tân khoảng hai, ba năm sau khi cô ấy tốt nghiệp đại học.

“Các thành viên của Hội Hồng Bàng từ đầu đến nay sống rải rác khắp nơi trên nước Mỹ, như vợ chồng tôi sống tại Texas, có người sống tại California, tại Minnesota, một số thiện nguyện viên tại Canada, bên Úc, Pháp, Nhật Bản. Đây cũng có cái khó và cái dễ. Về vấn đề hành chánh thì không nhiều, nhưng mà đồng thời khó khăn là vì không có nhân viên thường trực, thành ra những hoạt động của Hội cũng giới hạn. Hội chúng tôi vẫn chỉ là một Hội rất nhỏ. Chi phí hằng năm cũng chỉ trên dưới 15 ngàn Mỹ kim giúp những chương trình từ thiện tại Việt Nam.”

Kể vài nét về mình, Văn Phạm cho biết, “Gia đình tôi rời Việt Nam năm 1975, khi đó tôi 7 tuổi, ban đầu gia đình tôi đến đảo Guam một năm, sau đó sang Mỹ. Ban đầu gia đình tôi sống tại Florida. Trong thời gian tôi học đại học tại Mỹ, người Việt Nam bỏ nước ra đi rất nhiều. Lúc đó, các trại tị nạn bên Đông Nam Á mở ra nhiều. Tôi nghe về những điều này và muốn đi làm việc thiện nguyện một năm để giúp một chút gì đó cho đồng bào mình. Bấy giờ tôi nghĩ rằng mình may mắn được đến nước Mỹ, có nhiều cơ hội hơn nhiều người. Nếu tôi bị kẹt lại ở lại Việt Nam, chắc tôi sẽ không có nhiều cơ hội được ăn học thành tài. Vì vậy tôi cảm thấy mình cần trả món nợ đó, muốn đưa ra những gì mình học được tại Mỹ để chia sẻ cho những người tị nạn. Nhất là khi xem những hình ảnh những người tị nạn sống trong các trại tị nạn rất thương họ. Tôi đã làm thiện nguyện tại trại tị nạn Palawan 18 tháng.”

Các dự án từ thiện tại VN

Nhắc lại cơ duyên Hội Hồng Bàng gửi thiện nguyện viên về Việt Nam thay vì tiếp tục sang giúp tại các trại tị nạn, anh Văn Phạm nói, “Bắt đầu từ những năm 1995-1998, các trại tị nạn không cho thực hiện những dịch vụ xã hội. Trước kia chúng tôi có thể vô dạy học, dạy nghề, nhưng sau đó các trại tị nạn khuyến khích những người tị nạn quay về lại Việt Nam, chương trình cưỡng bách hồi hương, vì vậy chúng tôi chuyển sang gửi các thiện nguyện viên về giúp đồng bào tại Việt Nam.

“Thời gian đó các thiện nguyện viên của chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn những năm gần đây. Tại Việt Nam, người nào có yếu tố nước ngoài về làm từ thiện không dễ chút nào, mà phải thông qua một tổ chức trong nước. Nên hội Hồng Bàng đã thông qua những hội đoàn trong nước như các chùa, nhà thờ, dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái. Thường thiện nguyện viên của chúng tôi đến Việt Nam đi bằng visa du lịch, ở trong một ngôi nhà nào đó của một hội đoàn trong nước. Thiện nguyện viên phải đăng ký tạm trú với địa phương. Hội Hồng Bàng là Hội Từ Thiện phi chính trị, nhưng những thiện nguyện viên của Hội là người ở Mỹ về, luôn bị chính quyền địa phương nhòm ngó và họ xem các thiện nguyện viên là người ngoài. Chúng tôi phải chấp nhận những chuyện đó. Thêm một chuyện tế nhị là các thiện nguyện viên đến một thời gian rồi đi, nhưng những người dân tại địa phương đó họ phải ở lại, nếu có chuyện gì với chính quyền, thì những người dân ấy phải gánh. Nên chúng tôi rất cẩn thận. Không làm gì liên quan đến chính trị cả. Nên đó cũng là một phần rất gò bó. Vì các thiện nguyện viên quen sống tự do bên này, về làm thiện nguyện viên bên đó tự do không có.”

Anh Văn Phạm cho rằng, đôi khi những thiện nguyện viên đồng ý về làm thiện nguyện tại Việt Nam đã là những người khá đặc biệt rồi, tuy vậy vấn đề khó khăn với các thiện nguyện viên chính là vấn đề tiện nghi vật chất, nhất là yêu cầu của Hội Hồng Bàng với các thiện nguyện viên khi về làm việc tại Việt Nam là phải cùng sống với người dân, ăn uống, sinh hoạt giống như những người dân. Vì vậy khi về những vùng nông thôn xa thành phố, nơi thôn quê có thể có quá nhiều muỗi, những nơi sinh hoạt vệ sinh cá nhân không phù hợp, nên nhiều khi thiện nguyện viên không quen, cũng sẽ khó thích nghi được.
“Về sau này bên Việt Nam cũng có phần nào mở rộng, dễ dàng hơn một chút với các thiện nguyện viên mà Hội Hồng Bàng gửi về, vì thấy các thiện nguyện viên chẳng gây rối gì cho họ. Cơ sở hạ tầng, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt… tại những vùng thôn quê ở Việt Nam cũng đỡ hơn hồi trước.

Anh Văn Phạm giới thiệu những dự án từ thiện đang được Hội thực hiện những năm gần đây, “Các thiện nguyện viên khi về Việt Nam làm việc, chúng tôi hỗ trợ cho họ bao gồm vé máy bay khứ hồi và chi phí sinh hoạt trong một năm, là khoảng $4,000.

“Ngoài chương trình gửi thiện nguyện viên về Việt Nam, chúng tôi còn có chương trình trợ cấp học bổng. Một học bổng cho một em khoảng dưới $100 mỗi năm. Suất học bổng đại học cho sinh viên học để trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt khoảng $500/ 1 năm.

“Hiện tại Hội hỗ trợ tài chính cho 58 học sinh nông thôn nghèo, hiếu học, các em từ 13 đến 17 tuổi theo học các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hỗ trợ tài chính ngăn cản các học sinh bỏ học để giúp tương lai các em tốt hơn, thoát khỏi sự nghèo đói. Các em nhận học bổng được chúng tôi khuyến khích tổ chức thành các nhóm nhỏ để thực hiện các chuyến viếng thăm các em khác đang gặp khó khăn. Những học sinh này học cách nhìn thấy những người đang ở trong tình trạng tệ hơn bản thân và chia xẻ xe đạp, sách và đôi khi là hộp cơm trưa của họ. Nhân viên xã hội là các đối tác của chúng tôi giúp quản lý chương trình này trên khắp Việt Nam.

“Chúng tôi có chương trình tại Trường Phước Lộc dạy nghề cho những người muốn trở thành người giúp việc nhà, nhận giúp các cô gái ở thôn quê không tiếp tục học lên đại học, đến đây học nghề.

“Ngoài ra chúng tôi còn trợ giúp những dự án như nhà ở di cư. Việc mở rộng kinh tế của Việt Nam đã được thúc đẩy bởi những người lao động di cư từ nông thôn đến các khu công nghiệp. Có người dân phải đối mặt với điều kiện sống bình thường, tách biệt khỏi gia đình và môi trường xung quanh quen thuộc, và cách ly xã hội. Để giải quyết những vấn đề này, Hội trợ cấp kinh phí để xây dựng nhà ở an toàn và giá cả phải chăng cho lao động nhập cư trong khu công nghiệp Bình Dương.

“Cơ sở này được khai trương vào tháng 1 năm 2008, có khu nhà ở, một trung tâm giữ trẻ, một trung tâm thư viện, một nhà bếp cộng đồng, và các dịch vụ thiết yếu khác. Dựa trên sự thành công của dự án này, chúng tôi đã cung cấp tiền hạt giống cho những đối tác của Hội Hồng Bàng tại Việt Nam để nghiên cứu khả năng phát triển nhà ở giá rẻ ở các thành phố khác nhau trên khắp miền Trung Việt Nam.
“Dự án ao nước. Tại tỉnh Nam Định, chúng tôi hỗ trợ xây dựng ao nuôi cá. Cá được bán như một phần của dự án tạo thu nhập cho cộng đồng.

“Dự án Mai Hối HIV. Là các dịch vụ cho người nhiễm HIV bị hạn chế, và sự kỳ thị gắn liền với nhiễm trùng là nghiêm trọng, ngăn cản mọi người tìm kiếm các dịch vụ cần thiết. Hồng Bàng đã đóng góp $7,500 cho việc xây dựng nhà tế bào HIV Mai Hoa. Trung tâm này là trung tâm đầu tiên của loại hình này ở Việt Nam và phục vụ bệnh nhân trong giai đoạn cuối cùng của bệnh này. Bệnh nhân nhận được tư vấn và chăm sóc bởi nhân viên toàn thời gian và tình nguyện viên ở nước ngoài là y tá chuyên nghiệp và nhân viên xã hội.

“Dự án bò sữa. Hội Hồng Bàng cung cấp một con bò sữa cho các gia đình tham gia cùng với hướng dẫn kỹ thuật để giúp họ nuôi bò, bán sữa bò, cũng như ngân sách và các quyết định tài chính. Điều kiện để tham gia chương trình này, mỗi gia đình nhận được trợ giúp của chúng tôi sẽ hiến tặng con cái đầu tiên từ con bò của họ sinh ra, cho một gia đình khác trong cộng đồng. Từ năm 2004, Hội Hồng Bàng đã cung cấp hơn $5,000 để hỗ trợ dự án này và đã tạo ra hơn 35 con bò ở các cộng đồng nông thôn.


“Dự án cơ sở đào tạo máy điện toán. Hội Hồng Bàng cung cấp $ 5.000 để cung cấp mười máy tính và máy in cho một cơ sở đào tạo máy tính ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Cơ sở này là một phần của trường trung học địa phương kết hợp một chương trình đọc viết máy điện toán vào chương trình giảng dạy của nó. Các thiện nguyện viên của Hồng Bàng về đây để dạy các khóa học ở đó về các vấn đề cơ bản về mạng internet và HTML.”

Hội Từ Thiện Hồng Bàng, trang web www.hongbang.org, địa chỉ hộp thư để liên lạc Hong Bang, Inc. PO Box 11518, Fort Worth, TX 76110-3051. Email: info@hongbang.org. Overseas Volunteer Program: ovs@hongbang.org.

Đây là Hội Từ Thiện Bất Vụ Lợi có giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ, có giấy miễn trừ thuế cho những ân nhân đóng góp tài chính cho các dự án từ thiện của Hội.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT