Phóng Sự

Hội thảo giúp cựu chiến binh và người tị nạn thấu hiểu nhau hơn

Thursday, 11/04/2019 - 06:58:05

Chiều thứ Bảy, ngày 20 tháng 4, tại trường nhạc Pacific Conservatory, Orange sẽ diễn ra một chương trình đặc biệt, vào cử tự do, do hội bất vụ lợi War Survivors Institute kết hợp cùng với hội bất vụ lợi Pacific Foundation for the Arts.

Hai diễn giả của chương trình, Giáo sư Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và cựu phi công lái máy bay trực thăng John Goosman. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy, ngày 20 tháng 4, 2019, tại trường nhạc Pacific Conservatory, địa chỉ 1311 E. Katella Ave, Orange sẽ diễn ra một chương trình đặc biệt, vào cử tự do, do hội bất vụ lợi War Survivors Institute kết hợp cùng với hội bất vụ lợi Pacific Foundation for the Arts đồng tổ chức. Chương trình sẽ có hai diễn giả đều sống tại Quận Cam, Giáo Sư / Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, một người tị nạn Việt Nam đã có nhiều đóng góp về nhiếp ảnh, âm nhạc làm rạng danh cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, và ông John Goosman là một cựu chiến binh, phi công lái máy bay trực thăng từng tham chiến và lưu lại ở Việt Nam từ năm 1970 đến 1971.
Chương trình sẽ có phần chiếu trích đoạn tiêu biểu của hai phim tài liệu, có âm nhạc Mỹ- Việt, có phần diễn thuyết của hai diễn giả cựu phi công lái máy bay trực thăng John Goosman và GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Một trong hai phim được chọn để chiếu trích đoạn trong chương trình sẽ là “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật” do Vietnam Film Club thực hiện. Phim này có phần phỏng vấn 22 nhân vật Việt Nam và ngoại quốc nhận định về sự nghiệp 65 năm đóng góp cho Đất Nước Việt Nam của GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong lãnh vực giáo dục, nhiếp ảnh và âm nhạc. Và phim thứ hai là “In the Shadow of the Blade,” được sản xuất năm 2004, đạo diễn bởi Patrick và Cheryl Fries. Phim đã giành được giải thưởng trong ngành điện ảnh và với cộng đồng cựu chiến binh Việt Nam, gồm đại hội điện ảnh WorldFest-Houston "Phim hay nhất" và "Phim tài liệu vàng" và giải thưởng phim tài liệu xuất sắc của cựu tổng thống Mỹ. Phim kể về chiếc trực thăng UH-1 Iroquois, nổi tiếng vì được sử dụng nhiều trong cuộc chiến Việt Nam, thường được biết dưới tên là Huey. Nó được phục hồi trên chuyến bay đoàn tụ các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam và gia đình người tử nạn với chiếc máy bay mang tính biểu tượng ba thập niên sau chiến tranh về người Mỹ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Sau phần chiếu trích đoạn hai phim sẽ có phần trò chuyện trước các khán giả tham dự của GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và cựu chiến binh John Goosman.



Giáo sư Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, cô Kim Lê và cựu phi công lái máy bay trực thăng John Goosman. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Chia sẻ của thành viên Ban tổ chức và hai diễn giả

Cô Kim Lê, là con gái của GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, là President and CEO của Hội bất vụ lợi Pacific Foundation for the Arts, và chủ nhân của trường nhạc Pacific Conservatory, đồng tổ chức chương trình này. Hội bất vụ lợi chuyên giúp trẻ em và người lớn thăng tiến về nghệ thuật. Hội có tổ chức những buổi trình diễn để khuyến khích và thúc đẩy sự hiểu biết và cộng tác với nhau.

Cô Kim Lê cho biết, “Vì cùng chung mục đích với Hội War Survivors Institute, nên chúng tôi cùng cộng tác với nhau thực hiện chương trình vào ngày 20 tháng Tư sắp tới. Ngoài tính chất làm quen với các khán giả, nó sẽ được mở rộng thành một chương trình lớn hơn, quy mô hơn, tại địa điểm rộng hơn vào tháng 10 năm nay. Qua buổi đầu tiên, chúng tôi muốn cộng đồng Việt Nam biết tới nhiều hơn để tạo sự cảm thông và hiểu biết giữa người Việt và người Mỹ. Có thể đây chỉ là những bước đầu để có những bước tiếp theo.”

Chương trình sẽ có âm nhạc Việt- Mỹ. Âm nhạc Việt sẽ có một vài sáng tác của GS Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa. Sẽ có ẩm thực Mỹ, Việt.

Bé Hugo Hiếu Nguyễn, 12 tuổi, là học trò học đàn piano và học sáng tác của GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa sẽ chơi piano và hát một ca khúc của Lê Văn Khoa và một bài nhạc không lời đàn piano do em sáng tác. Theo GS Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, khi nghe tác phẩm này của em Hugo Hiếu Nguyễn khiến ông rất xúc động và ngạc nhiên, vì đề tài em sáng tác cho piano là viết về người thương binh. Em sinh ra tại Mỹ, nhưng những ảnh hưởng về người lính vẫn có trong đầu, vẫn có những ý nghĩ về cuộc chiến tại Việt Nam. Bởi nếu không có cuộc chiến Việt Nam, có lẽ em cũng không có mặt tại đây. Dù em lớn lên ở xứ này, nhưng tâm hồn và văn hóa vẫn gắn liền với quê hương, dân tộc của mình.

Giáo sư Lê Văn Khoa chia sẻ, “War Survivors Institute là một tổ chức giúp những người sống sót sau cuộc chiến, các cựu chiến binh tham gia trong các cuộc chiến, không riêng gì tại Việt Nam. Hội do bác sĩ tâm lý Michael Hollifield lập ra khoảng hơn hai năm nay, với mong muốn giúp đỡ những cựu quân nhân, những người lính về vấn đề tinh thần. Hôm diễn ra chương trình sẽ có ông chủ trì buổi hội thảo. Riêng cá nhân tôi, tôi thấy mình cũng nên tích cực đóng góp vào công việc làm của Hội War Survivors Institute. Cùng hợp lực nhau làm việc. Vì nếu mình chỉ đứng ở ngoài mà phán đoán thì nó cũng không có lợi lắm. Bằng cách tiếp tay vào để cùng làm việc. Tôi nhắm vào khía cạnh của người Mỹ gốc Việt nhiều hơn, vì tôi là một người Việt Nam. Mình cũng ráng tìm hiểu để có thể đóng góp, để kêu gọi, để có lợi cho những cựu chiến binh Việt Nam chúng ta và người tị nạn Việt Nam chúng ta.”



Hai diễn giả của chương trình, Giáo sư Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và cựu phi công lái máy bay trực thăng John Goosman. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Ông John Goosman cho biết, ông là thiện nguyện viên của War Survivors Institute. “Hội của chúng tôi chú trọng về vấn đề tâm lý của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Bác sĩ Michael Hollifield đã thấy nhiều cựu chiến binh trải qua khủng hoảng sau những cuộc chiến, sự khủng khiếp chiến tranh hiện ra không phải chỉ có cuộc chiến tại Việt Nam, mà với bất cứ cuộc chiến nào. Bác sĩ Michael Hollifield lập ra Hội là để giúp những cựu chiến binh có thể vượt qua những ám ảnh để không bị chìm đắm trong rượu, thuốc an thần, và rồi tự sát. Hội muốn giúp những cựu chiến binh cách thích ứng ra sao khi quay về lại xã hội Mỹ, để có cuộc sống an hòa hơn, khỏe mạnh hơn. Gần đây tôi biết ông Lê Văn Khoa, có xem phim tài liệu về ông Lê Văn Khoa, tôi rất thán phục sự đóng góp cực lực của ông Khoa tại Hoa Kỳ. Mục đích của chương trình là đưa vấn đề văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đến với các thành viên của Hội War Survivors Institute nói riêng và với mọi người nói chung, để chúng ta thông hiểu nhau hơn, và có thể tránh được những thảm họa của chiến tranh.”

Nói về tình cảm dành cho những người tị nạn gốc Việt, ông John Goosman bày tỏ, “Vào thời gian trước, có một người bạn cùng chiến đoàn của tôi bị mất chôn cất tại Nghĩa Trang Quốc Gia ở Washington, DC. Tôi cùng với một người bạn bay qua đấy, chúng tôi có thuê khách sạn ở mấy ngày để lo tang lễ, khi mọi việc xong, chúng tôi trả tiền phòng để rời đi, thì ở đó cho biết họ không tính tiền. Ông Võ Ân là quản lý của khách sạn nơi chúng tôi ở, có nói với chúng tôi, các ông là khách danh dự của khách sạn, chúng tôi chỉ muốn đền đáp phần nào những đóng góp, những hy sinh của các ông với dân tộc Việt Nam. Lời nói đó đã làm thay đổi toàn diện những suy nghĩ của tôi về người Việt tại Mỹ. Thành ra tôi cũng muốn làm một việc gì đó với một dân tộc phải chịu hy sinh quá nhiều và có lòng cao thượng. Tôi không phải là chính trị gia, nên không nặng về chính trị.

“Khi đến Việt Nam năm 1970, tôi vẫn còn trẻ, mới 18 tuổi, chưa thể gọi là thành nhân được. Nhiệm vụ của tôi làm sao giúp đỡ người lính trở về an toàn. Thành ra khi đến Việt Nam, tôi cũng không rõ về cuộc chiến, nhưng khi về lại Mỹ sau một năm ở Việt Nam và sau này tôi thấy có nhiều người Việt Nam ở đây, một vinh dự của tôi khi gặp cô Kim (cô là bạn thân và học cùng học chung trường college với con gái tôi), trong 20 năm tôi thấy được sự đóng góp của cô trên đất Mỹ và gần đây gặp ông Khoa, tôi lại càng thấy sự gần gũi của cá nhân tôi đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ.

“Tôi nhìn thấy những chính trị gia Hoa Kỳ đã quay lưng hẳn lại đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Sau 1975 có những trại cải tạo ở Việt Nam và những sự giết người tàn sát, đó là những điều rất ghê gớm, Tôi nghĩ việc quay lưng lại của các chính trị gia Hoa Kỳ cũng là một hình thức diệt chủng khi nhìn rộng ra với thế giới. Mong muốn công việc của Hội tiếp tục trong tương lai và thông qua Pacific Foudation for the Arts, chúng tôi sẽ phổ biến ý tưởng này rộng rãi hơn đặc biệt là đến với những người trẻ để tránh được những khủng hoảng trong tương lai. Mình làm sao để thông hiểu nhau, thông cảm với nhau, để tránh những chuyện khủng khiếp sẽ xảy ra.”

Ông John Goosman chia sẻ thêm, “Tôi muốn nói với những người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là với thế hệ sinh đẻ tại Mỹ, gia đình và phụ huynh của các bạn đã trải qua những sự đau đớn, khủng khiếp để có mặt ở Mỹ và bây giờ các bạn đã có mặt ở đây thì hãy tôn vinh văn hóa của mình để đóng góp cho nước Mỹ. Hiện nay có nhiều người Việt trong quân đội Mỹ và họ phục vụ trong quân đội đầy kiêu hãnh. Bài nói chuyện của tôi trong chương trình sẽ không dài lắm, vì có phần phim tài liệu kèm theo, tôi sẽ nói về đội trực thăng và công việc của người lính chiến Mỹ và những người bị ảnh hưởng từ đó chẳng riêng Việt Nam mà cả Hoa Kỳ, và chúng tôi cố đưa những điểm chính mà từ đó chúng ta thấy được thảm họa của chiến tranh và sự khủng khiếp của nó như thế nào ở trong tâm trí những người đã trãi qua những chuyện đó.
“Bài ông Khoa diễn thuyết chắc cũng nằm trong bối cảnh đó, không dài và cũng có phim tài liệu kèm theo. Công việc của chúng tôi cùng hợp tác công việc của ông Khoa và cô Kim, để đưa đến sự hiểu biết nhiều hơn giữa các dân tộc, không riêng gì trong cuộc chiến Việt Nam mà còn trãi rộng ra trong những cuộc chiến khác mà chúng ta đã gặp phải.”

Chia sẻ cảm xúc khi nhớ lại thời điểm tháng 4 năm 1975 và tháng 4 năm 2019, ông Lê Văn Khoa cho biết, “Tôi là người Việt Nam đến đây đã 44 năm, thì cảm nghĩ và nỗi lo bây giờ sánh với năm 1975 có khác nhau. Lúc bấy giờ mình hoàn toàn không biết sẽ đi đâu, không biết việc gì sẽ xảy ra. Bây giờ mình biết mình đang ở Hoa Kỳ. Đối với tôi, tôi không quên quê hương Việt Nam, trong tất cả việc làm của tôi, nhất là trong âm nhạc, tôi luôn nối kết văn hóa Việt để hòa nhập vào với thế giới.”

Ông John Goosman là một thành viên của đội trực thăng, đến Việt Nam năm 1970, nhiệm vụ chủ yếu của ông trong vùng không phận khu vực Phúc Vinh, Sông Bé, Tây Ninh, Núi Bà Đen. Ông là thành viên trong đội trực thăng tuần tiểu trên đường mòn Hồ Chí Minh, yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngăn chặn sự tiếp tế của cộng sản tiến về miền Nam theo đường Cambodia.

Ông John Goosman chia sẻ, “Thời gian tôi ở Việt Nam không lâu lắm. Chỉ một năm. Tôi không thấy nhiều thảm khốc chiến tranh, cũng không hiểu nhiều về văn hóa, con người Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi cũng bị khủng hoảng từ cuộc chiến Việt Nam, nhưng không nặng lắm. Khi xem phim tài liệu về ông Lê Văn Khoa, giúp tôi thấy được nhiều hơn về Việt Nam, hiểu Việt Nam rõ ràng hơn qua những hình ảnh ông Lê Văn Khoa chụp. Tôi thấy trong đó nỗi hãi sợ chiến tranh trong lòng con người dù là lớn hay nhỏ. Tôi cảm được điều đó qua hình ông Lê Văn Khoa chụp. Đặc biệt là bản giao hưởng 1975 của ông Lê Văn Khoa được đưa vào phim, bài nhạc rất hay, rất vĩ đại, rất cảm động.

“Về ám ảnh khủng khiếp của chiến tranh, không phải chỉ có cuộc chiến Việt Nam mới có. Tôi có gặp một cựu chiến binh Mỹ cũng trải qua sự khủng khiếp từ cuộc chiến. Tôi cũng có gặp một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt Nam, họ đều có những ám ảnh về cuộc chiến. Bất kỳ cuộc chiến nào cũng gieo cho người lính nỗi khủng khiếp. Khi cuộc chiến ở miền Nam đã ngã ngũ vào năm 1975. Bấy giờ tôi vẫn còn trẻ, tôi chẳng quan tâm lắm, tôi chỉ lo học, đi làm kiếm sống. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ các chính trị gia Hoa Kỳ đã quay lưng lại miền Nam Việt Nam. Theo tôi, chiến tranh không thể để những chính trị gia điều khiển cuộc chiến, tôi cũng muốn Hoa Kỳ không thể là một cảnh sát của thế giới. Nếu cần gì, tiếp tay ai thì phải làm cho tận tình, làm xong rồi rút đi. Bởi vì người dân chịu khốn khổ rất nhiều, người ngoài đâu có thể thấu hiểu hết được.”

Ông John Goosman nói, “Quý vị đến dự chương trình sẽ giúp thông hiểu nhau hơn và mình nên có sự tôn trọng đối với những người đối diện mình. Người Việt Nam đã trải qua những đau đớn, bây giờ những người Việt có mặt ở đây, họ muốn lo lắng cho gia đình, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Những người đến dự, những cựu chiến binh đến dự, nên nhìn nhau trên quan điểm đối diện giữa con người với con người. Nếu là người Mỹ nên đến để thấy sự phát triển của người Việt Nam tại Mỹ và sự đóng góp của người Việt Nam trong xã hội Mỹ như thế nào. Đó là điều tôi hy vọng các quý vị hãy đến dự chương trình này.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT