Phóng Sự

Hoa Tình Thương, nơi những tấm lòng từ ái nở hoa

Sunday, 21/10/2018 - 10:09:14

“Nhưng tiếc là người ta chung đụng với đời, cái tham, sân, si che lấp, nên mới có chiến tranh, ganh đua… Nếu mình sống hạnh phúc được, thì người kế cận mình cũng hạnh phúc, đó là điều mà giáo lý đức Phật dạy. Cũng là điều tôi luôn tâm niệm.”


Logo của Hoa Tình Thương

Bài BĂNG HUYỀN

Con người luôn luôn cần tình thương. Con người sinh ra, lớn lên bằng tình thương của cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo và bà con hàng xóm. Ta mở lòng ra để tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng tình thương trong đời sống hằng ngày thì ta mới có khả năng thương. Một em bé sinh ra, lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, vỗ về, chiều chuộng, săn sóc thì em bé không thể nào có hạnh phúc và khi lớn lên sẽ không biết thương yêu chính mình và người khác.
 

Vợ chồng ông Quảng Minh Hậu- Diệu Hiện (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong tinh thần hiểu và thương những em nhỏ mồ côi, khuyết tật, bị ba mẹ bỏ rơi, những người già yếu bệnh tật không nơi nương tựa đang được cưu mang tại các chùa, các tịnh xá, cơ sở của bên Công giáo, bên Tinh Lành tại Việt Nam, Hội Từ Thiện Hoa Tình Thương do vợ chồng ông Phạm Hữu Châu (pháp danh Quảng Minh Hậu, là thành viên từ những ngày thành lập của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng) đã ra đời và là nơi nhận những số tiền từ những tấm lòng của quý vị ân nhân và cũng là thành viên của Hội, gửi về tận tay những người kém may mắn tại quê nhà, mở ra thật nhiều hi vọng cho những hoàn cảnh thiệt thòi. Hai chữ “Từ Thiện" có được thăng hoa, có được chắp cánh bay lên chính là nhờ công đức không ngừng nghỉ từ những đôi tay, khối óc, tâm huyết và lòng tha nhân của các ân nhân gửi về. Dẫu rằng trong những ân nhân ấy có những vị không thật sự dư giả, giàu có về vật chất, nhưng họ lại rất giàu lòng nhân.

Giải thích ý nghĩa tên gọi Hoa Tình Thương, ông Quảng Minh Hậu cho biết, “Hoa Tình Thương do cô Tuyết Lưu, là thư ký của Hội đặt ra, có ý nghĩa là ai cũng có hoa đẹp trong tâm mình hết. Chỉ là có biết phát triển ra hay không thôi. Người với người tới với nhau bằng tình thương thì còn gì đẹp bằng. Từ khi lập Hội tới giờ, Hoa Tình Thương không tổ chức gây quỹ trong cộng đồng, mà chúng tôi chỉ âm thầm nhận được những đóng góp từ người này giới thiệu người kia.

“Tôi có in những đĩa Phật Pháp gửi đi khắp nơi, trên đĩa có ghi địa chỉ, điện thoại liên lạc của Hội Từ Thiện Hoa Tình Thương. Nhiều vị ở các tiểu bang xa, ở Canada biết đến, đã gửi tiền để đóng góp quỹ từ thiện của Hoa Tình Thương. Các vị có thể không có thì giờ đến chùa săn sóc trẻ mồ côi, giúp đỡ người già neo đơn tại Việt Nam, nhưng thông qua Hoa Tình Thương có thể giúp các vị cùng 400 vị ân nhân trong danh sách của Hội đến 41 nơi bao gồm Chùa, Tịnh Xá, một nơi của bên Công Giáo, một nơi bên Tin Lành đang chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già yếu bằng số tiền quý vị gửi về.”

Mục đích của Hoa Tình Thương

Là nhận những đóng góp của các ân nhân, gửi tiền về Việt Nam hằng tháng, để mua gạo nuôi trẻ mồ côi và người già tại những nơi sinh hoạt tôn giáo của các vị tu hành. Là Hội Từ Thiện có giấy phép hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ, mọi đóng góp của các ân nhân đều nhận được chứng từ báo cáo hằng tháng, nhưng không có giấy trừ thuế. Ông Quảng Minh Hậu giải thích, “Hoa Tình Thương không có xin giấy trừ thuế của chính phủ là vì muốn người nào phát tâm gửi tiền để Hoa Tình Thương gửi về các chùa, các tịnh xá là vì các em mồ côi, khuyết tật, vì những cụ già neo đơn, bệnh tật. Để tình thương của quý vị được tràn đầy hơn, trọn vẹn hơn. Còn nếu mình cho mà còn muốn được trừ thuế, là mình chẻ hai tâm mình ra, vừa muốn giúp người kém may mắn vừa mới được lấy lại từ tiền trừ thuế. Nghĩa là tâm mình vẫn chưa thuần vì người khác, mà có vì mình trong đó. Tôi muốn mình hãy quên mình, mà vì người. Làm được vậy thì khi mình bỏ đời sống này, mình sẽ đi chổ cao thượng hơn.

“Khi Hội Từ Thiện có được giấy phép, thì theo luật của chính phủ Mỹ, mỗi tháng Hội có quyền xài 49 phần trăm số tiền nhận được từ đóng góp của các ân nhân, để phục vụ cho những hoạt động của Hội. Ví dụ như trả lương cho nhân viên, thuê trụ sở. Nhưng Hoa Tình Thương không hề lấy đồng nào của ân nhân để hoạt động. Hoa Tình Thương không có trụ sở, mà chỉ có địa chỉ để các ân nhân liên lạc.
“Đây là văn phòng khai thuế của cô Tuyết Lưu, cô là thư ký của Hoa Ttình Thương, chuyên lo mọi giấy tờ xin giấy phép của chính phủ lập ra hội, báo cáo thuế của Hội với chính phủ. Bà xã của tôi là Phạm Trần Liên (pháp danh Diệu Hiện, thành viên của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng) là phụ tá của tôi. Cả ba chúng tôi đều không có lương. Cá nhân tôi mỗi tháng trích tiền hưu của mình vài trăm đồng, để in ra các báo cáo và tiền tem gửi những báo cáo này đến các vị ân nhân ở xa và tiền xăng đi đến tận nơi các vị ở quanh vùng để nhận tiếp những check, tiền đóng góp của quý vị ân nhân.”

Ông Quảng Minh Hậu nói, “Có một ân nhân ở Florida gọi cho tôi kêu tôi là hội trưởng, tôi nói tôi không phải là hội trưởng, mà ông ấy và các vị ân nhân trong danh sách đều là hội trưởng. Vì ai cũng đều biết rõ hoạt động của Hoa Tình Thương, tiền gửi cho bao nhiêu, tổng kết tháng này còn lại bao nhiêu. Mỗi người đều biết rõ vào mỗi tháng. Mỗi tháng Hoa Tình Thương gửi tiền về 41 nơi, khoảng sáu ngàn mấy gần $7,000 đồng. Bất kỳ ai cho bao nhiêu, dù là $5 đồng hay $200 hoặc nhiều hơn, cũng đều nhận được báo cáo của Hoa Tình Thương gửi về. Quý vị ân nhân nào muốn ghé thăm những nơi được Hoa Tình Thương gửi tiền giúp, đều nhận được địa chỉ những nơi được giúp (trong báo cáo mỗi tháng) và có dịp về Việt Nam, đều có thể đến tận nơi để thăm và tận mắt nhìn thấy những trợ giúp của quý vị.”

Ông Quảng Minh Hậu cho biết vợ chồng ông có đi về Việt Nam, đến thăm những nơi Hoa Tình Thương giúp nhưng không báo cho những nơi này biết. Ông đi thăm các chùa, tịnh xá từ Quảng Trị xuôi về đến miền Nam, tỉnh Sóc Trăng, là những nơi Hoa Tình Thương giúp. Đến thăm rồi, thì mới cho nơi đó biết ông là đại diện của Hoa Tình Thương. Ông nhìn thấy các em tươm tất, được lo cho ăn học… giúp ông có thêm niềm tin.

“Vì 400 ân nhân tin tôi giao tiền để Hoa Tình Thương gửi về giúp, thì những nơi được giúp phải đúng. Nếu không bản thân tôi có tội với các nhà hảo tâm. Tôi luôn ước mong mọi người hãy mở rộng từ tâm, nhưng cũng đừng quá mông lung, phải tìm đúng nơi uy tín để gửi về giúp, thì việc giúp ấy mới hữu ích. Do vậy, Hoa Tình Thương luôn tìm đến những nơi do các vị tu hành mở ra, vì họ đều có tâm hành thiện, làm đúng những gì mà các ân nhân tin tưởng.”




Danh sách các em tại mái ấm chùa Diệu Pháp đã tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm từ sự giúp đỡ của quý vị ân nhân Hội Từ Thiện Hoa Tình Thương.


Tâm tình của người lập ra Hoa Tình Thương

Ông Quảng Minh Hậu cho biết, ông là một thuyền nhân đến Mỹ từ năm 1979. Trước năm 1975, ông từng là giáo viên dạy tiểu học tại tỉnh Vĩnh Long, dạy một thời gian rồi ông vào học trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, xin vô quân đội VNCH, thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh VNCH từ năm 1967. Trước đó ông được miễn đi lính, vì có mẹ già và ba anh trai đang trong quân đội rồi. Nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định gia nhập vào quân đội. Trong quân đội 5 năm, cấp bậc đại úy. Đến năm 1973, ông được biệt phái về dạy tại trường Sư Phạm tại tỉnh Vĩnh Long, dạy cho các sinh viên sẽ trở thành giáo viên dạy tiểu học. Ông dạy môn tâm lý và sinh hoạt cộng đồng, ngoài ra còn phụ trách môn thể thao.

Ông tâm sự, “Dù trong quân đội 5 năm, nhưng may mắn tôi lại không bị thương vong. Đi vượt biên cũng may mắn không có biến cố gì. Đời sống của tôi hầu như rất thuận lợi. Trong đời sống mình, phước đức không có hình tướng, nhưng mà có, tôi nghĩ đây là phước của gia đình tôi. Hồi xưa ba tôi là thầy thuốc. Nhà tôi (ở Vĩnh Long) ở ven đường, người dân quê đi chợ, họ đi xe ngựa không hà, trong những người dân đi ngang nhà tôi hằng ngày, có hai mẹ con, người mẹ bị mù, con trai dẫn mẹ đi ăn xin. Chiều về, nhiều khi trời mưa. Người con dẫn mẹ mình đi. Mẹ tôi có tất cả 7 người con. Dù ở nhà bấy giờ gạo không nhiều, nhưng hôm nào cũng nấu nồi cơm, để lên mâm cho tôi bưng mời hai mẹ con ăn. Lúc đó tôi còn nhỏ, chỉ 7, 8 tuổi, đứng đợi hai mẹ con ăn xong, rồi mang mâm vô. Nhiều khi tôi cảm xúc chảy nước mắt.

“Sau này trưởng thành, tôi biết rằng hình ảnh đó vẫn ở trong tim mình. Nhà nhiều khi hết gạo rồi, vậy mà còn bao nhiêu mẹ cũng lấy ra cho người ta. Mai mình tính sau. Ba tôi là thầy thuốc Bắc, dân nghèo bệnh, cứ ra lấy thuốc uống, ai có tiền thì trả, không có thì cho nợ, đến cuối năm không có ai đến trả nợ, thì ba tôi xóa sổ cho họ. Vì lý do đó mà nhà tôi lúc đó không có giàu có gì.”

Ông nhớ lại, “Hồi trước nhà tôi có hai mẫu đất ở ven bờ sông, ba tôi cho một người làm nghề xẻ cây ở trên đó miễn phí, để trông chừng hai mẫu đất luôn vì gia đình đó còn có mồ mã trên 2 mẫu đất. Mỗi khi có mùa trái cây thì họ đem lại tặng cho gia đình tôi. Khi ba tôi bệnh nặng, có người hỏi mua 2 mẫu đất đó với giá cao, nhưng ba không bán, vì nếu bán cho chủ mới, thì gia đình của người xẻ cây không được tiếp tục ở. Nếu bán đi có tiền chữa bệnh, lần sau bệnh nữa thì cũng mất thôi. Vì cái chết nhất định phải có với thân này. Nên ông đã tặng luôn bằng khoán hai mẫu đất cho gia đình người xẻ cây.

“Sau này học và hiểu đạo Phật, tôi mới thấy với giáo lý đức Phật có giải thích, ông bà tổ tiên mình dù mất đi, nhưng vẫn còn ở lại với mình. Vì mỗi người đều mang gien di truyền của ông bà cha mẹ, nên đâu có mất. Thành ra mình sống hạnh phúc, làm lành, làm thiện, tức là cha mẹ, dòng họ mình cũng đã làm lành làm thiện. Mình đau khổ, ông bà cha mẹ mình cũng đau khổ.

“Điều này để thấy rằng, mọi người hãy hướng đến điều lành, điều thiện thì cả làng đó người thiện không, thì cả làng đó hạnh phúc vô cùng. Cả nước thiện không, thì cả nước hạnh phúc vô cùng. Mà muốn vậy thì nhà lãnh đạo cũng phải thiện chứ. Nói rộng hơn cả thế giới đều thiện thì mọi người sống hòa bình, hạnh phúc, thì hay biết bao.

“Nhưng tiếc là người ta chung đụng với đời, cái tham, sân, si che lấp, nên mới có chiến tranh, ganh đua… Nếu mình sống hạnh phúc được, thì người kế cận mình cũng hạnh phúc, đó là điều mà giáo lý đức Phật dạy. Cũng là điều tôi luôn tâm niệm.”

Nhắc lại cơ duyên lập ra Hoa Tình Thương, ông Quảng Minh Hậu kể, “Năm 1998, tôi ngồi xem world cup với mấy người bạn, tôi nhận được một tài liệu do nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu lần đó về Việt Nam đã chụp hình, ghi lại về một nhạc sĩ khiếm thị Đào Khánh Trường tại Việt Nam đang nhận nuôi 52 em bị khiếm thị trong ngôi nhà nhỏ (mái ấm Bừng Sáng) tại đường Nguyễn Tri Phương quận 10 ở Sài Gòn.

“Nhìn tài liệu này đã gợi nhớ lại hình ảnh người mẹ mù và con trai đi ăn xin từng được mẹ tôi mời cơm trước kia. Vì vậy tôi mới đứng ra quyên tiền từ những người bạn, người quen của mình, tôi góp thêm đủ $400, danh sách đầu tiên lúc đó được khoảng 20 anh em khởi đầu. Thời điểm đó có anh Nguyễn Tấn Sĩ là bạn học tôi, là bác sĩ nha khoa, về Việt Nam. Nên tôi nhờ cầm tiền về bên ấy để trao tận tay cho vị nhạc sĩ khiếm thị Đào Khánh Trường. Anh Tấn Sĩ về bên đó có chụp hình, phỏng vấn vị nhạc sĩ, khi qua lại đây đưa cho tôi xem, để tôi gửi cho các anh em đã góp tiền giúp để thấy đây là người thật, việc thật.”
Tháng kế tiếp ông lại tiếp tục đi gặp bạn bè để kêu gọi họ góp tiền để tiếp tục giúp mái ấm Bừng Sáng. Lúc đó thì anh hai của ông về Việt Nam lo mộ phần ông bà, ông nhờ anh trai cầm tiếp $400 từ đóng góp của ông và bạn bè đem về gởi. Từ từ người này giới thiệu thêm người kia. Cứ đều đặn ông đi nhận tiền để mỗi tháng gửi về. Sau đó mấy tháng sau danh sách những người góp tiền giúp mái ấm Bừng Sáng dài ra, không còn 20 người như lúc đầu nữa.

Ông nói, “Lúc bấy giờ tôi đem ra ngoài chỗ gửi tiền về Việt Nam như Lẹ, khi có hồi báo đã nhận được, tôi in ra và gửi cho các ân nhân đóng góp để biết tiền họ đóng góp đã đi đâu. Mỗi tháng tôi đều in ra danh sách người đóng góp, số tiền đóng từng người bao nhiêu, ghi rõ địa chỉ người nhận, để gửi lại cho từng người đóng góp để họ biết. Khi họ thấy tôi minh bạch, rõ ràng như vậy, họ có niềm tin và tiếp tự đóng góp. Lúc đó số tiền lên đến $1,000 một tháng, chứ không còn $400 nữa. Tôi gửi tiếp tục như vậy trong vòng một năm gửi về giúp nhạc sĩ khiếm thị Đào Khánh Trường để nuôi những em khiếm thị.

“Sau một năm, tôi có người bạn về Việt Nam, tôi nhờ bạn ghé địa chỉ mái ấm Bừng Sáng để xem và tôi không cho bạn tôi biết tôi đã gửi tiền ở đây. Hai vợ chồng bạn tôi khi quay lại cho biết mái ấm Bừng Sáng giờ ngon lành lắm. Lúc đó tôi biết rằng tiền mà tôi và mọi người tin tưởng giao cho tôi gửi về, đã được dùng đúng. Tôi càng có niềm tin việc mình làm. Sau đó tôi cắt bớt tiền gửi mái ấm Bừng Sáng, để gửi tặng cho chùa nuôi mấy cháu mồ côi. Vì tôi có những người bạn, người quen về Việt Nam, ghé thăm các chùa như Pháp Võ ở Nhà Bè, chùa Cẩm Phong ở Gò Dầu (thầy Thích Tịnh Tánh nuôi những người già bệnh tật không nơi nương tựa, người bị tâm thần…), các tịnh xá nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, hoặc Gia đình tình thương Tê-Phan (do ông Piô X Hoàng Văn Bình thành lập vào ngày 10/7/1985) chuyên nuôi trẻ mồ côi. Nên tôi đã chuyển tiền đến những nơi đó.”

Ông Quảng Minh Hậu nói sở dĩ Hoa Tình Thương chọn giúp các em mồ côi, khuyết tật, vì ông và vợ đã từng nhìn thấy trong thời chiến tranh tại Việt Nam, con nít mồ côi nhiều, nên vợ chồng tôi có ước nguyện nuôi mấy cháu mồ côi để dạy nghề cho các em. Năm 1973, khi đi dạy học, một tuần chỉ có 14 tiếng, ngoài giờ dạy ở trường, ngày nghỉ, ông có một tiệm nhỏ chuyên sửa đồ điện. Dự định nhận nuôi các em mồ côi, dạy nghề sửa đồ điện cho mấy em. Nhưng chưa thực hiện thì biến cố 1975 xảy ra.

Ông Quảng Minh Hậu tâm sự, “Cách nay khoảng 10 năm, có một vị gọi hỏi tôi tại sao gửi về giúp người nghèo bên Việt Nam, đây lẽ ra là việc của chính quyền Việt Nam phải làm, chứ không phải là những người Việt ở hải ngoại. Tôi có nói là ông ấy nói đúng. Vì chính quyền không biết lo cho dân, nên mình mới có mặt ở đây. Nếu chính quyền có nghèo mà biết lo cho dân thì tôi cũng không đi bên này, anh cũng không đi bên này. Vì họ chỉ biết lo cho họ và đảng cầm quyền của họ, mình may mắn thoát đi được, là số ít ỏi trong 90 triệu dân trong nước. Vậy thì vì tình người, không lẽ người ra đi quên người ở lại hay sao? Khi mình may mắn hơn, muốn thể hiện tình người, gửi một chút nào đó cho người ở lại. Nếu chỉ vì căm thù chế độ cộng sản mà mình đã rời đi, mình lại không mở từ tâm để giúp người dân kém may mắn, thì mình đã bó hẹp tâm thiện của mình lại.”

Ông bày tỏ ước mong, “Khi lập ra Hoa Tình Thương và kiên trì mỗi tháng thực hiện các báo cáo tài chính để gửi đến các vị ân nhân, tôi chỉ ước mong làm thế nào cho nhiều người phát tâm lành. Mở rộng lòng từ bi. Mỗi người không cần gửi nhiều tiền. Miễn sao tâm mình hướng về điều lành điều thiện, muốn giúp đỡ người khác. Một đồng cũng được, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít. Còn nếu không có tiền, thì trước mỗi bữa ăn, hãy cầu nguyện cho những em nhỏ, những người trong cảnh khổ biết tu tập để thoát cảnh khổ.
“Hoa Tình Thương muốn có ích lợi hai chiều, các cháu mồ côi có gạo ăn, nhiều người phát triển tâm lành của họ. Vì đức Phật dạy ai cũng có tâm lành, tâm thiện, nhưng nhiều khi mình không biết cách khơi gợi để họ phát triển. Trong cuộc đời mà nhiều người hướng theo điều lành, điều thiện thì đời sống mỗi người sẽ dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn.”

Quý vị nào muốn chung tay cùng với Hoa Tình Thương giúp đỡ những người kém may mắn tại quê nhà, xin hãy liên lạc với Hoa Tình Thương, điện thoại của ông Quảng Minh Hậu (714) 791-3515, hoặc thư về 9211 Bolsa Ave. Suite 218, Westminster, CA 92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT