Hôn Nhân, Cuộc Sống

Hàn gắn hôn nhân

Friday, 23/11/2018 - 08:39:12

Nếu bạn phải lặp lại điệp khúc này thì hãy cứ làm đi. Nhưng hãy nói với người bạn đời của mình về việc bạn cảm thấy như thế nào về công việc quá tải của mình, chứ đừng đem ra so sánh với công việc của họ.

(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Hôn nhân là mối quan hệ luôn thay đổi giữa hai người, là một cuộc hành trình rất khó khăn. Những đam mê và cảm xúc ban đầu có thể phai nhạt theo thời gian nếu không được nuôi dưỡng. Cuộc sống vợ chồng trên thực tế đầy tranh chấp, cãi vã, đặc biệt khi phải đối mặt với những căng thẳng phát sinh từ vấn đề tài chính, nhu cầu công việc hay nuôi dạy con cái. Và nếu một ngày nào đó, những bất đồng trong gia đình không thể cứu vãn được, hôn nhân rất dẫn đến đổ vỡ. Nhưng có cách nào để cứu vãn những cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm không?

Cứu vãn kịp thời

Câu chuyện dưới đây của cô Joanna Schroeder ở Anh là một ví dụ và cũng là kinh nghiệm cứu vãn cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ.

Tôi đã từng nhìn thấy người chồng của mình đeo túi lên vai, bước ra khỏi cửa nhà để rời bỏ cuộc sống hôn nhân của chúng tôi. Nhưng thực ra chúng tôi đã cùng bước ra khỏi cánh cửa đó, một cách đầy bức xúc, từ nhiều năm trước khi giây phút Ivan bước ra khỏi cửa.

Joanna Schroeder kể, lần đầu tiên gặp Ivan - chồng của cô hiện nay - cô đã nhìn thấy được một bức tranh về gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan trong đôi mắt của chàng thanh niên này. Khi quen nhau, Joanna từng nghĩ Ivan quá hoàn hảo so với cô ấy, vì vậy cô ấy đã không nhận lời đi chơi với anh ta trong suốt gần một tháng. Thế nhưng, khi họ hẹn hò, Joanna đã yêu Ivan ngay. Họ chuyển đến sống cùng nhau và sau đó làm đám cưới, rồi có con với nhau.

Thế rồi, khi lấy nhau, họ đối phó trước những khoản vay. Ivan thất nghiệp, những khoản nợ chồng chất. Những cuộc cãi vã bắt đầu, những đêm mất ngủ, rồi chuyện học hành, nuôi dạy con cái và những thứ mệt mỏi khác len lỏi vào đời sống thường nhật, khiến cuộc hôn nhân của họ đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Joanna chia sẻ, “Cả hai chúng tôi đều không có kỹ năng hôn nhân thực sự, trong khi mọi căng thẳng cuộc sống đồ dồn lên cuộc sống. Đến năm thứ 6, cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự là địa ngục, và chúng tôi đối xử rất tệ với nhau. Mọi quyết định chọn lựa sai lầm liên tiếp xảy ra cho đến khi chúng tôi quyết định chia tay. Chúng tôi thậm chí đã nói với người thân và bạn bè về quyết định này.” Họ ly thân một thời gian.
Những đứa con ở với Joanna một tuần, ở với Ivan một tuần. Nhưng mỗi lần Ivan đến đón con đi chơi đều hỏi cô, “Em có muốn đi cùng không?” Lúc đầu, cô không đồng ý vì còn nghĩ về những lần cãi cọ. Nhưng khi xe của Ivan lăn bánh, cô lại hối tiếc.

Một lần, Ivan lại hỏi câu hỏi cũ. Joanna gật đầu. Cô lên xe và ngồi vào vị trí ưa thích của mình - ghế phụ bên cạnh chồng. Những đứa con reo lên vì vui sướng được đi cùng mẹ và cha. Ivan cười thật tươi và mở những bản nhạc mà Joanna yêu thích. “Tự dưng tôi cảm thấy tiếc vì đã từng có suy nghĩ ly hôn, Joanna nói, nên chúng tôi cùng ngồi lại nói chuyện và một thời gian ngắn sau thì thay đổi quyết định. Chúng tôi đã kịp thời cứu vãn cuộc sống hôn nhân sắp đổ vỡ.

Hiểu biết, bao dung, tùy duyên

Phật dạy rằng không phải oan gia thì sẽ không gặp nhau và vợ chồng chính là oan gia từ kiếp trước của nhau. Bát đũa còn có lúc xô, vì thế hôn nhân gia đình không phải khi nào cũng êm đẹp, cũng có những lúc xảy ra bất hòa. Để tránh đi đến một quyết định sai lầm, Phật đã dạy cách hàn gắn hôn nhân.

Theo đó, hôn nhân cần phải có sự hiểu biết. Hiểu để bao dung, hiểu để tùy duyên, biết để nhường nhịn, biết để chân thành. Vợ chồng không thể quá so đo được mất, hơn thua. Hôn nhân không phải cuộc chiến để xem ai giành chiến thắng, ai thu được lợi nhiều. Vì thế mà hiểu biết rất quan trọng, giữ chừng mực trong lời nói, hành động của đôi bên. Vợ chồng như bao mối quan hệ trên đời, có hợp có tan, có gặp gỡ, có chia ly, người trọn đời bên nhau, kẻ chỉ là bèo nước gặp gỡ. Nhưng Phật dạy rằng tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối, không nên dễ dàng buông bỏ. Cải thiện quan hệ vợ chồng, cùng nhau hòa hảo, sống vui trọn kiếp, ấy mới là cái đích hướng đến.

Làm người không ai là không có khuyết điểm. Phật dạy, muốn chân chính hiểu một người hãy nhìn vào khuyết điểm của người đó. Cũng như, khi yêu một người, khi lấy một người hãy nhìn thẳng vào khiếm khuyết của họ. Có vậy mới tiếp nhận người đó hoàn toàn. Nhìn ra khuyết điểm không phải để chỉ trích mà là để bao dung. Không phải thỏa hiệp mà là dung hòa. Đó là nền tảng của mối quan hệ lâu dài, nền tảng của hôn nhân hạnh phúc.

Dù tốn công sức, hãy cố gắng

Nếu hôn nhân của bạn đang trong thời kỳ khó khăn, đừng đánh mất hy vọng. Có nhiều cách giúp bạn và người phối ngẫu nhớ lại lý do vì sao hai người yêu nhau để có thể làm lại từ đầu.

Trước tiên, hãy tránh giao tiếp với những người bạn không muốn bạn giữ hôn nhân. Trừ khi chồng/vợ bạn là người vũ phu, và nếu bạn cam kết muốn hàn gắn mối quan hệ của mình, bạn không thể để một người nói xấu về người bạn đời của bạn như, “Anh ấy/Cô ấy không tốt cho bạn đâu. Bỏ phứt đi cho rồi.”

Họ mới là người đáng bỏ. Hãy cố gắng xây dựng quan hệ với những người nhìn thấy những điểm tốt ở bạn đời của bạn và hãy học hỏi ở những cặp vợ chồng hạnh phúc và thành đạt.

Hôn nhân không phải cuộc chiến để xem ai giành chiến thắng. Vì thế hãy chấm dứt việc tranh cãi ai làm việc nặng hơn. Một nhà tâm lý hôn nhân từng nói, “Cuộc chiến trong đời sống hôn nhân là cuộc chiến vô nghĩa. Ở đó không có người chiến thắng mà chỉ toàn người thua cuộc. Cả hai bạn đều làm việc vất vả. Vì vậy, chấm dứt cãi vã.”

Nếu bạn phải lặp lại điệp khúc này thì hãy cứ làm đi. Nhưng hãy nói với người bạn đời của mình về việc bạn cảm thấy như thế nào về công việc quá tải của mình, chứ đừng đem ra so sánh với công việc của họ.

Cuộc hôn nhân khó bền vững nếu vợ và chồng có những sở thích khác nhau và ít có thời gian bên nhau. Một người vợ kể, “Chồng tôi là người đam mê chụp hình, anh hay cùng nhóm bạn tìm những cảnh đẹp để chụp hình và chia sẻ kinh nghiệm. Họ gặp nhau vào những cuối tuần là chính. Tôi thì thích tìm hiểu thông tin trên online nên có thể ngồi hàng giờ trước computer. Nhiều khi những ngày cuối tuần, tôi và con cái đi xem phim và ăn uống cùng nhau, mà ít khi có mặt chồng. Rồi các cuộc cãi vã xảy ra, ai cũng hực bội. Cuộc sống của chúng tôi trở nên xa cách. May mắn thay, chúng tôi đã kịp nhìn lại và quyết định bỏ bớt thời gian riêng tư mà ở gần bên nhau nhiều hơn. Chúng tôi lấy ngày nghỉ, hoặc cuối tuần để đi du lịch với bọn trẻ. Và vì vậy, chúng tôi có thể bỏ sau lưng bất kỳ những cơn tức giận, bực bội.”

Những cặp vợ chồng lấy nhau lâu năm thường quên mất những lời nói ngọt ngào. Điều này dường như là sự hiển nhiên, nhưng lại đòi hỏi một sự cố gắng lớn. Tiến sĩ John Gottman tư vấn rằng các cuộc hôn nhân hạnh phúc thường có tỉ lệ là 5 cuộc trò chuyện hạnh phúc/một cuộc trò chuyện... không ra gì. Vì vậy hãy nói những điều ngọt ngào.

Mọi cuộc hôn nhân đều khác nhau và các cách hàn gắn cũng sẽ khác nhau. Chắc chắn, hàn gắn một mối quan hệ tốn rất nhiều công sức. Nhưng mọi nỗ lực đều mang lại nhiều giá trị hơn cả những gì bạn mong đợi. Vì thế hãy cố gắng và đừng bỏ bất cứ một cơ hội nào, bạn nhé.
(Theo Comospolitan, Psychologytoday.com, Divorce.isu.edu.)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT