Du Lịch

Hagia Sophia, kiệt tác kiến trúc của Thổ Nhĩ Kỳ

Tuesday, 31/07/2018 - 07:42:45

Về kiến trúc, bảo tàng Hagia Sophia là công trình điển hình cho kiến trúc Byzantine với mái vòm lớn, mặt bằng hình chữ nhật; lối vào từ hướng Tây, bàn thờ hướng Đông; bề ngoài giản dị, bên trong tinh xảo; cùng các họa tiết Mosaic mô tả lại các Thánh tích…


Viện bảo tàng Hagia Sophia.

ISTANBUL - Được xây dựng vào thế kỷ 6, Hagia Sophia là tinh hoa kiến trúc của Thổ Nhĩ Kỳ, với lịch sử thăng trầm suốt hơn 1,500 năm tồn tại. Địa điểm thu hút du khách này là nhà thờ Thiên Chúa giáo trong 900 năm, trước khi trở thành đền thờ Hồi giáo vào năm 1453. 



Giáo đường Blue Mosque, công trình chịu ảnh hưởng kiến trúc của Hagia Sophia.

Bảo tàng Hagia Sophia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã từng nhà thờ Chính Thống Giáo lớn nhất thế giới trong vòng 900 năm (537 -1453) và là công trình kiến trúc quan trọng nhất Đế quốc Đông La Mã, với quy mô khổng lồ và sức ảnh hưởng lâu dài đến các kiến trúc sau này của thời Ottoman và cả thời Phục Hưng.

Tranh ghép mosaic thời Chính Thống giáo.

Hagia Sophia ban đầu là một nhà thờ khi được người La Mã xây dựng năm 360. Nhà thờ hiện nay được xây dựng lại dưới thời hoàng đế Justinian I, vương triều Byzantine, năm 532, sau 2 lần bị quân phiến loạn phá hủy. Tiếp đó, tòa nhà trở thành thánh đường Công giáo La Mã sau cuộc thập tự chinh thứ tư năm 1453. Sự sụp đổ của Byzantine sau khi đế chế Ottoman xâm lược năm 1453 đã biến Hagia Sophia thành giáo đường Hồi giáo. Năm 1923, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời, dưới sự quyết định của Tổng Thống Mustafa Kemal Ataturk, Hagia Sophia trở thành viện bảo tàng của thành phố Istanbul từ năm 1935 đến nay.

Về kiến trúc, bảo tàng Hagia Sophia là công trình điển hình cho kiến trúc Byzantine với mái vòm lớn, mặt bằng hình chữ nhật; lối vào từ hướng Tây, bàn thờ hướng Đông; bề ngoài giản dị, bên trong tinh xảo; cùng các họa tiết Mosaic mô tả lại các Thánh tích…

Biểu tượng của Hồi giáo bên trong bảo tàng.



Đặc điểm ấn tượng nhất của Thánh đường là mái vòm chính điện. Mái vòm đường kính 31 mét đặt trên một dãy 40 cửa sổ và mở rộng sang hai bên bằng hai vòm khuyết nhỏ hơn, và tiếp tục được mở rộng bằng ba vòm nhỏ hơn nữa. Toàn bộ kiến trúc được chống đỡ bằng các cột cẩm thạch chồng lên nhau, hướng mắt người lên đỉnh vòm, tạo ra cảm giác vô hạn về không gian. Cho đến nay cấu trúc của mái vòm Hagia Sophia vẫn là đề tài hấp dẫn của các sử gia, kiến trúc sư và kỹ sư bởi sự sáng tạo của người xưa.


Sảnh chính của bảo tàng.

Điểm đặc biệt thứ hai của Hagia Sophia là phong cách trang trí Mosaic (tranh khảm ghép) có mặt khắp nơi tại Thánh đường. Các bức tranh Mosaic tại đây vẽ lại Đức mẹ Maria, Chúa Jesus, các vị thánh, thiên thần, các vị Hoàng đế và Hoàng hậu. Phần còn lại của Thánh đường được khảm bằng các họa tiết hình học phức tạp.
Một phần quan trọng của bảo tàng Hagia Sophia chính là những kiến trúc Hồi giáo được xây dựng sau khi đế chế Ottoman chiếm Constantinople. Điểm quan trọng nhất chính là 4 cột minaret xây dựng quanh giáo đường qua từng đời Sultan. Tại vị trí của bàn thờ trong thời kỳ Chính Thống Giáo, người ta thay bằng một mihrab (khoảng trống trên tường, quay về Mecca, chỉ hướng cúi lạy cho các tín đồ Hồi giáo). Ngoài ra còn có minbar (nơi giảng đạo của giáo sĩ), hai bình tẩy uế cỡ lớn bằng cẩm thạch mang về từ Pergamon. Phía bên ngoài, các kiến trúc sư của Ottoman đã thêm vào hai minaret ở phía Tây công trình, một đài phun nước (sadirvan) dùng trong lễ rửa tội, và xây lăng mộ cho các Sultan Murad III và Mehmed III ở bên cạnh giáo đường.


Mái vòm lớn nằm trên 40 cửa sổ.

Mặc dù trải qua rất nhiều lần bị tàn phá, chỉnh sửa về kiến trúc, bảo tàng Hagia Sophia vẫn mang một vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ và là bằng chứng cho tài hoa của những thiên tài kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử. Hagia Sophia còn gây ảnh hưởng cho nhiều công trình sau này của đế chế Ottoman, như Giáo đường Xanh (Blue Mosque) và Giáo đường Sultan Mehmed tại Istanbul.

Bảo tàng Hagia Sophia thường đóng cửa vào thứ Hai, và mở cửa tất cả các ngày còn lại trong tuần. Vào mùa đông, bảo tàng đóng cửa vào 5 giờ chiều, sớm hơn 2 tiếng so với mùa hè. Giá vé vào cửa hiện nay là 40 lira Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng $11 Mỹ kim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT