Đời Sống Việt

Gương kia trên trần: Quan niệm về cái đẹp đàn bà của người Nam Hàn

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 12/12/2012 - 11:47:17

Trường càng giàu gương càng to và càng đẹp. Những tấm gương này rõ ràng là vật trang trí và là một biểu hiện của sự giàu có.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tất nhiên quan niệm về cái đẹp ở mỗi nền văn hóa đều khác nhau. Rất nhiều khi là không thể hiểu được đối với người ngoài. Đi du lịch là một dịp cho người ta chứng kiến những sự khác biệt như thế, để từ đó hiểu người ta, và để biết quý những gì mình có.

Gương soi
Dùng gương để trang trí nội thất là chuyện không lạ. Điều lạ là người ta có thể tìm thấy nhiều gương soi hơn mức bình thường ở các trường đại học ở Seoul. Gương trên trần nhà, gương quanh cột trụ. Và đặc biệt là những tấm gương lớn thật đẹp đặt ở những vị trí “chiến lược” trong các tòa nhà. Trường càng giàu gương càng to và càng đẹp. Những tấm gương này rõ ràng là vật trang trí và là một biểu hiện của sự giàu có.


Một tiệm bán mỹ phẩm trong trường đại học - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Đồng thời, người ta bước vào trường, người ta đi từ phòng này qua phòng khác, người ta đi lên lầu, xuống lầu – chỗ nào cũng có gương để soi. Người ta không những soi gương mà còn có thể quan sát cử chỉ của mình và người khác qua gương để rồi điều chỉnh hoặc bình luận. Soi gương để chỉnh áo quần, khăn mũ, để lúc nào mình cũng nhìn cho đàng hoàng thì là tốt thôi. Một ẩn ý khác của những tấm gương này lại là: bề ngoài là điều vô cùng quan trọng. Mà đối tượng gương nhắm tới trước hết là đàn bà. Những tấm gương như những lời nhắc nhở rằng đàn bà lúc nào cũng phải ăn mặc chỉnh tề và cư xử đúng mực như xã hội mong đợi họ. Gợi ý này được làm rõ hơn nữa với sự có mặt của cửa hàng mỹ phẩm ngay trong khuôn viên trường đại học.

Mỹ phẩm cho người chết?

Trường đại học không phải là nơi người ta tìm đến để mua các sản phẩm xa xỉ. Trước giờ tôi chưa từng nghe tới một cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm nằm ngay trong khuôn viên trường đại học. Thế nên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cửa hàng như thế ở Seoul. Kiểm lại tất cả những gì mắt thấy tai nghe ở đây, quả là chuyện này không phải lạ.
Ở Nam Hàn, đàn bà da càng trắng càng được xem là quý phái. Vì vậy họ dùng rất nhiều mỹ phẩm để tạo ra làn da như thế. Do đó việc dùng mỹ phẩm là điều hầu như không thể thiếu đối với đàn bà Nam Hàn. Để tạo điều kiện cho họ làm đẹp mọi lúc mọi nơi, để làm vừa mắt người khác – ở đây ý nói đàn ông, cửa hàng mỹ phẩm được đặt ngay trong trường luôn cho tiện. Còn xung quanh trường đại học dành cho đàn bà như Ehwa Womans University thì khỏi nói: cả trăm cửa hàng như thế nằm dọc các con đường.
Bản thân chuyện làm đẹp không phải là xấu gì, nhưng một cửa hàng bán mỹ phẩm trong trường học có thể gởi đến một thông điệp sai lầm cho các chị em bạn gái: rằng, sắc đẹp của một người đàn bà là điều quan trọng hơn bất cứ khả năng nào khác ở họ.


Một trong những tấm gương thật lớn trong trường nhạc - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Mà làn da trắng người ta cho là đẹp không phải là trắng hồng đầy sức sống đâu. Ngược lại, trắng nhợt nhạt kia. Do đó đi đâu cũng gặp những người đàn bà đánh phấn đầy mặt, làm cho da trắng nhợt như da người chết. Nhìn phát sợ luôn. Cũng may ở Việt Nam mình không chuộng điều này!

Trời lạnh mặc trời, đầm ta ta mặc
Cũng vẫn cái chuyện đàn bà Nam Hàn phải ăn mặc đẹp đẽ mọi lúc mọi nơi. Cuối mùa thu đầu mùa đông ở đây trời đã lạnh lắm rồi. 40 độ F (7 độ C) mà cảm thấy như 32 độ F (0 độ C) vậy. Bình thường mặc quần jean đi ra ngoài đường còn run. Thế mà vào lúc thời tiết không 30 thì cũng 40 như thế, các chị em Nam Hàn người nào người nấy chỉ mặc bít tất dài (stocking), với đầm hoặc quần short thật ngắn, ngắn trên đầu gối cả tất. Rõ ràng là họ chịu lạnh rất giỏi. Hoặc là họ đã quen sống với áp lực phải ăn mặc đúng điệu 24/24 rồi nên cứ là đàn bà hợp thời thì phải mặc đầm thôi. Ý nghĩ này thật là không lành mạnh. Nghe thôi cũng thấy khổ rồi.


Họ không lạnh, hay họ cố tình không quan tâm đến cái lạnh? - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Thế mới nói, so với các chị em láng giềng ở Việt Nam, đàn bà Nam Hàn không được “tự do” bằng. Quan niệm chung vô cùng phổ biến trong xã hội Nam Hàn là đòi hỏi đàn bà sống trong khuôn khổ người mẹ, người vợ thật nghiêm ngặt với những trách nhiệm, hành vi cư xử, cách ăn mặc nhất định. Xã hội từ trên xuống dưới cũng được xếp đặt để uốn nắn người đàn bà vào những khuôn nếp này. Theo thống kê, chỉ có khoảng 60% đàn bà Nam Hàn ở độ tuổi 25-64 là đi làm.
Khi quan sát sự giao tiếp giữa đàn ông và đàn bà ở đây, người ta không khỏi cảm thấy vị trí công dân hạng hai của đàn bà Nam Hàn. Điều này phản ảnh một trong những điều mâu thuẫn sâu sắc của xã hội Nam Hàn: trong khi nền kinh tế của đất nước họ vẫn tiếp tục phát triển cực nhanh cùng với sự du nhập của các khái niệm tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, tư duy về cuộc sống, xã hội của họ lại ì ạch đằng sau, tạo ra sự hoang mang trong giới trẻ về vấn đề ý thức cá nhân, về bản sắc dân tộc. Lớp người trẻ đi học ở Mỹ và đã vững vàng trong công việc ở Nam Hàn hy vọng rằng khoảng cách giữa ý thức và thực tế vật chất này sẽ được rút ngắn lại trong tương lai gần. Chúng ta hãy chờ xem.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT