Hôm Nay Ăn Gì

Gỏi su mùa đất dậy

Monday, 14/12/2020 - 07:31:04

Trong tất cả các món rau, riêng bắp cải (còn gọi bắp su), gồm bắp cải xanh, bắp cải trắng và bắp cải tím đều là những món có vị ngọt đặc biệt, thanh tao và mát dịu.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Bài TOM
Trong tất cả các món rau, riêng bắp cải (còn gọi bắp su), gồm bắp cải xanh, bắp cải trắng và bắp cải tím đều là những món có vị ngọt đặc biệt, thanh tao và mát dịu. Su cũng là loại rau có thể biến tấu thành nhiều món “sang chảnh” nhất. Mùa đông, sau mưa bão, thiên tai, dịch họa, mọi thứ trở nên tiêu điều, xơ xác. Thế nhưng ông trời có luật bù trừ riêng, dường như mọi cái cây cắm xuống đất, gieo cái hạt đều nảy mầm một cách mạnh mẽ phi thường, nhanh chóng trưởng thành. Do khí dương đã hình thành, do phù sa để lại sau lũ lụt, do đất ngủ đã đủ ngấm và phục hồi sức khỏe. Có thể nói rằng món gỏi su vào mùa này là một món đặc biệt ngon và bổ!

Cũng xin nói thêm, cây rau, búi củ, nắm quả có tốt hay không, lành tính ra sao và bổ dưỡng ra sao, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tác động của con người như bón phân, bơm thuốc, kích thích tăng trưởng… chỉ mang lại độc tố nguy hại. Một cái cây tự nhiên, chí ít trong lúc này, sau khi đất ngủ đông vài tháng, bừng tỉnh với đầy đủ sức khỏe và nuôi cây khỏe mạnh, không cần bơm chất kích thích sinh trưởng, không cần dùng biện pháp hóa học để tác động vào chu kỳ sinh trưởng… Thì cây mới khỏe và tràn trề năng lượng. Có lẽ nhờ vậy, bất kì cây rau nào sinh sôi từ cuối đông sang xuân đều có hàm lượng bổ dưỡng và ngon, ngọt gấp nhiều lần những mùa khác.

Đặc biệt, mùa đông, sau mưa bão, thiên tai, dường như trồng cây chẳng còn lo lắng sâu bọ. Cái cây cắm xuống đất, đợi vài ngày mưa phùn, tự đâm chồi, nảy lộc, hạt giống vãi xuống đất, thậm chí không cần lên vồng, lên luống, vài ngày sau tự nảy mầm mà lớn. Nhờ vậy mà người miền Trung nói riêng và hình như cả nguyên một dải đất hình chữ S này nói chung, thậm chí nguyên cả địa cầu này, cứ sang tiết sắp xuân, người ta gieo trồng hoa màu, rau củ quả để đón Tết. Và có thể, đến Tết, rau củ quả bán không chạy, thậm chí không bán được, người ta vẫn trồng.

Chữ “trồng” vào mùa này như một thứ động lực nội tại, nó thôi thúc người ta từ nội tâm, người ta không thể ngồi yên sau mấy tháng dài mưa gió, phải trồng cái cây gì đó, phải vỡ đất, phải tái thiết vườn tược, phải làm cho vườn tược trở nên xanh tươi, điều đó như một sự tái thiết cuộc sống và hàm chứa một sự cứu chuộc sâu xa của linh hồn, khi mà tâm hồn con người hòa quyện với thiên nhiên, sông núi, đất đai và cả quá khứ, hiện tại, tương lai hiển hiện trong từng sát na nào đó, khó tả, khó nói… Trồng, cái cây cũng muốn mọc, còn con người cũng muốn trồng, cho dù chỉ là trồng để xanh, như chính tâm hồn mình xanh trở lại sau bao ngày vàng vọt, héo hắt…

Có lẽ, mọi sinh lực mà mẹ đất dành lại được trong giấc ngủ đông đã truyền sang cho cây cỏ, một bắp su trồng vào mùa này, không cần tưới phân, cũng chẳng cần phải lo sâu bọ, mà nếu lỡ có vài con sâu thì cũng không sao, bởi mùa này chỉ có sâu keo, loài sâu lành tính, khác với mùa hè hay mùa thu toàn sâu lông, sâu gây ngứa.


(Tom/ Viễn Đông)

 



Mùa này là mùa của người trồng cây lành tính, trồng cây như là thiền, nếu sợ cây yếu quá thì bỏ một chút phân bón lót sau khi vỡ đất, lên luống, trường hợp không vở đất thì cứ vãi hạt giống lên nền phù sa mà chờ mưa phùn. Chỉ những kẻ ham hố, muốn tăng vụ, muốn làm cho mặt đất quay mòng mòng vì tăng hai vụ, ba vụ thu hoạch trong hai tháng ngắn ngủi thì mới dùng đến phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng. Nhưng rất dễ nhận biết, một bắp su, nếu không có bón phân hóa học, chỉ tưới bánh dầu ngâm hoặc phân chuồng hoai, thì bắp su mẩy, căng mọng, cánh lá dày và sắc tố đậm đà, khi ăn, vị ngọt thấm ra đầu lưỡi. Ngược lại, bắp su dùng chất kích thích thì to lớn nhưng nhẹ ký và nhợt nhạt, khi ăn thấy lạt, vô vị.

Hơn nữa, su là thứ chậm hấp thụ từ bên ngoài lá nên trước khi ăn, chỉ cần ngâm một chút nước muối loãng, nếu có chất hóa học, quan sát bên trên mặt nước ngâm có một lớp màng mỏng tựa như dầu, gặp vậy thì nên bỏ. Ngược lại, su bỏ vào nước muối loãng ngâm mười phút, mười lăm phút mà nước vẫn trong veo, không đổi màu, không nổi váng, lá su không bị úng thì đó chính hiệu là bắp su mang tinh túy đất trời, mang cái tự nhiên nhất của mùa màng, thổ nhưỡng trong nó.

Su xắt nhỏ, thật mỏng, thành từng sợi, ngâm qua nước muối loãng hoặc nước chanh, dấm loãng, sau chừng mười phút đến mười lăm phút thì có thể vớt ra, trộn gỏi. Gỏi rất đơn giản, có thể trộn với tôm, có thể trộn với thịt, hoặc bò khô xé nhỏ, sang hơn nữa thì nai khô xé nhỏ… Sau khi cho thịt hoặc tôm vào su, cho thêm chén nước mắm chanh, ớt, đường, tỏi pha loãng vào, trộn đều và cho thêm chút đậu phụng rang giã dập nữa, trộn nhẹ tay, thêm vài cọng rau mùi như rau húng quế, rau bạc hà lên trên. Như vậy đã có một dĩa gỏi su ngon tuyệt cú mèo, vừa thanh, ngọt, thơm, bổ dưỡng, phục hồi dương khí.

Gỏi su có thể ăn với bánh tráng nướng, nhâm nhi lúc uống rượu, uống bia, thậm chí có thể ăn với cơm. Nhìn chung là ngon và thú vị!

Xin cầu chúc quí vị có một bữa ăn ngon, vui vẻ và ấm áp!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT