Phóng Sự

Giã từ nhà sách Tú Quỳnh (kỳ 1)

Tuesday, 27/10/2020 - 10:51:22

Vì các sản phẩm tinh thần của Tú Quỳnh đa dạng nên cửa tiệm này như một thế giới văn hóa của ống kính vạn hoa lung linh đầy màu sắc.


Bà Yến chủ nhân Tú Quỳnh (TT Thủy) 

 

Bài TRỊNH THANH THỦY

Tôi đến thăm nhà sách Tú Quỳnh từ sáng sớm thứ Bảy, 18 tháng 10, 2020, cốt để nhìn lại một nơi chốn thân quen của người Việt tị nạn ở Quận Cam, trước khi nó đóng cửa vĩnh viễn. Cơn lốc đại dịch Covid 19 chưa qua mà hậu quả thảm hại đã giáng xuống khắp nơi từ nhân mạng tới tài chánh và bao nhiêu món ăn tinh thần cũng theo đó mà ra đi. Nhà sách Việt ngữ đầu tiên tại Orange County và trên toàn nước Mỹ được thành lập vào năm 1979 là Tú Quỳnh cũng không ngoại lệ.

Tôi dự định đến chia buồn cùng bà Yến, chủ nhân nhà sách, nhưng rốt cuộc lại gặp gỡ được rất nhiều những người bạn thân quen của bà và cả của tôi ở đấy. Trải qua 41 năm thăng trầm, chốn này đã là nơi quy tụ các độc giả, tác giả, khán, thính giả, nhà xuất bản, bầu show âm nhạc và rất nhiều văn nghệ sĩ. Có thể nói đây là một địa điểm văn hóa lịch sử của người Việt tại Little Saigon và toàn thể người Việt hải ngoại trên thế giới.

 


Trước cửa tiệm sách Tú Quỳnh (TT Thủy)

 

 

Vừa tới trước cửa tiệm, tôi nhận ra mình đã không lẻ loi. Người đưa tiễn rất đông, đến tự bao giờ và đang xếp hàng vào tiệm mua sách ủng hộ. Các đài truyền hình, báo chí, truyền thông cũng có mặt. Chỉ một thoáng, người nào cũng ôm từng chồng, từng chồng sách, báo mang về. Tuy bà Yến-Tú Quỳnh có bạn bè và người thân đến giúp bán sách, bà vẫn bận rộn tíu tít.

Cô Oanh, con gái bà đã phụ mẹ trả lời các câu hỏi phỏng vấn của truyền thông và cho biết lý do chính của việc đóng cửa do tiền nhà quá cao, thu nhập thất bát, cả nhà cố duy trì cửa tiệm nhưng không nổi, đành phải chia tay cùng mọi người. Trong thời thịnh nhất, tiệm đã sở hữu đến ba cửa tiệm liền nhau, sau giảm còn hai, rồi một và cuối cùng phải giã từ chữ nghĩa và âm nhạc, nghệ thuật.

 


Khách đang dạo quanh và lựa chọn (TT Thủy)

 

Thi sĩ Thành Tôn nói thầm với tôi, ông đến để chia tay và rưng rưng nước mắt, khiến tôi chợt bồi hồi. Tuy nhiên tôi chợt nghĩ, sao không giấu buồn riêng, xông pha đi phỏng vấn từng người để gom cảm xúc của những người muốn chia sẻ về một nơi và ghi xuống?

Đến lúc hỏi han và trò chuyện cùng mọi người, tôi vui vô hạn vì biết mình có duyên được tiếp xúc với những “con mọt sách” không hẹn mà vô tình đã có mặt ở nơi này. Tôi ngạc nhiên vì họ vô cùng thú vị. Họ thuộc mọi thành phần, mọi thế hệ, đủ các sở thích, tài năng cũng như trí tuệ. Từ các bác lớn tuổi thế hệ di dân thứ nhất, đến một rưỡi, rồi hai. Các em sinh ra ở Việt Nam sau 75 và cả các em sinh ra ở đây cũng tìm đến. Vì các sản phẩm tinh thần của Tú Quỳnh đa dạng nên cửa tiệm này như một thế giới văn hoá của ống kính vạn hoa lung linh đầy màu sắc.

 


Đem từng chồng sách ra quầy thu tiền (TT Thủy)

 

Tôi thấy một bác trai luống tuổi ôm chồng sách phần lớn là sách biên khảo đi chen chúc giữa những hàng sách đông người mà không ngại vi khuẩn Covid-19, tôi liền xin bác chia sẻ cảm nghĩ.

- Bác ơi! bác chọn mua nhiều sách biên khảo là loại sách rất kén người đọc và mua. Những loại sách này sẽ trở nên hiếm quý khi cửa tiệm này đóng và không còn xuất bản nữa. Xin bác cho biết cảm tưởng của bác nhé.

-Tôi nghĩ trong lúc cuối đời, nên chọn những sách hay đáng đọc thì hãy đọc vì mình không còn nhiều thì giờ nữa trong cõi đời này. Một mai sẽ ra đi về nơi vĩnh cửu, cũng có gì để hoài niệm tốt. Cuộc đời của tôi trong quá khứ đã làm được nhiều việc mà tôi rất bằng lòng với việc làm tốt của chính mình.

Bác Liên năm nay đã 91 tuổi. Tôi chúc bác nhiều sức khoẻ.

 


Phụ nữ, nón lá và sách (TT Thủy)

 

Một chị gái tay ôm khệ nệ những cuốn sách nhạc Việt kể cả Piano. Tôi hỏi chị mua nhiều thế, chắc chị yêu nhạc và biết đánh dương cầm. Chị nói.

- Tôi mua nhiều vì tôi đang cần và nhân dịp sách giảm giá nên mua ủng hộ. Tôi biết cửa tiệm này từ lâu khi nó còn là ba căn. Tôi thấy cũng buồn, vì nó là kỷ niệm gắn bó với tôi trong suốt quãng đời cư ngụ tại Quận Cam này.

Một cô dẫn theo một bé gái khoảng 13, 14 tuổi đang lựa mua nhiều sách dịch thuật khi được tôi hỏi cảm tưởng, cô thố lộ.

- Em thấy hơi bị buồn khi tiệm đóng cửa. Sách Việt ở đây đã khó kiếm mà muốn kiếm một nơi có đủ các loại sách như ở đây thật khó. Vả lại em thích đọc sách cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Thường những loại sách này em đã nghe và đọc bằng tiếng Anh rồi. Em vào đây mua sách dịch để xem họ dịch có khác với bản tiếng Anh không? có sâu xa và chiều sâu của bản dịch hay đến cỡ nào. Đồng thời em cũng muốn thử xem mình hiểu tới đâu, người dịch sách có dịch bóng bảy, phong phú và chuyên sâu hơn không? Em thích đọc sách nhất là loại sách nói về tâm linh, huyền bí.

Em cho biết tên Huyền và sinh sau năm 75 ở Việt Nam.

 


Thi sĩ Thành Tôn (TT Thủy)

 

Thi sĩ Thành Tôn đến từ sớm nhưng ông cứ đứng ngoài cửa tiệm không vào mà chỉ nhìn người đi và đến như để ghi sâu hình ảnh biệt ly này mãi mãi trong tim. Chú tâm sự.

- Tôi qua Mỹ và đến đây vào ngày 15 tháng 1 năm 1997. Hôm sau tôi đã có mặt nơi này rồi. Nhờ địa điểm này mà tôi tìm lại và liên lạc được các người bạn văn học nghệ thuật cũ như nhà văn Mai Thảo chẳng hạn (khi ấy ông yếu lắm rồi). Tôi có người bạn còn nhỏ tuổi kể hồi mới qua đây ngày nào cô ấy cũng có mặt tại Tú Quỳnh, vì cô xem đây như nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn xưa vậy. Rất thú vị. Cô vào tìm sách đọc, ôn lại ngày cũ, thỉnh thoảng còn đọc “cọp” cho vui nữa. Bà chủ chả nói gì, đọc thì đọc, mua thì mua, giông giống như ông Hùng Trương của nhà sách Khai Trí ngày xưa. Nếu ai có sách mang tới gởi bán thì bà trả tiền ngay lập tức không phải như các cửa tiệm khác. Thường thì bà trả khoảng từ 35%-50% và tùy loại. Bán không hết thì lời ăn, lỗ chịu.

Tôi thêm, nếu một tác giả không nổi tiếng thì sao chú?

- Thì mua ít thôi, họ chuyên môn họ biết sách nào bán được, sách nào không. Theo tôi biết, hồi tôi mới qua năm 1997, một đầu sách in khoảng 1 ngàn cuốn, bà bán hết. Có nhiều quyển, in 3 ngàn cuốn, bà bán cũng hết, có khi còn in hai, ba lần. Bây giờ in 200 cuốn, bán không hết. Có khi in 50 cuốn mà 5 cuốn cũng không ai mua. Người đọc còn quá ít, thường là người lớn tuổi, lớp trẻ thì không đọc hoặc đọc rất ít.

Giáo Sư Trần Huy Bích mới hồi phục sau một căn bệnh, cũng có mặt ở đây say sưa phóng mắt lên các kệ sách.

- Tôi đến đây từ rất sớm khoảng năm 82-83 và mua rất nhiều sách, phần lớn là sách nghiên cứu. Có một thời gian tôi làm việc cho một hệ thống thư viện của Cali và đến đây chọn sách để mua cho thư viện và mua cho cá nhân tôi nữa.

 


Jimmy Nhựt Hà và GS Trần Huy Bích (TT Thủy)

 

Ngoài sách báo, Tú Quỳnh còn là một trung tâm đại diện phát hành băng nhạc của nhiều ca sĩ. Tú Quỳnh từng cộng tác với Thúy Nga Paris, trung tâm Giáng Ngọc cũng như làm nhạc tuyển chủ đề cho Tú Quỳnh. Nhân lúc ca sĩ Jimmy Nhựt Hà đang phỏng vấn bà Yến Tú Quỳnh cho đài TV mà anh làm chủ, tôi xin em cho ý kiến.

- Show hả chị? Hồi đó, lâu rồi, em có làm show cho cô chú Sơn Ca-Bùi Thiện và đã đến đây nhờ cô Tú Quỳnh phân phối vé dùm vì nhiều năm trở lại đây nơi này bán vé ca nhạc nổi tiếng ở Quận Cam. Cá nhân em thường có mặt chỗ này để coi sách hay lục lọi những CD nào đang cần, muốn mà không có hay để giết thì giờ. Em rất buồn vì các nơi làm văn hoá thế này bị đóng cửa hay chết từ từ rất uổng. 5,10 năm nữa sẽ như thế nào? Buồn quá. Mặc dù đời sống ngày nay mọi thứ đều “online” nhưng em vẫn thích cầm sách để đọc và yêu cái thú vào Tú Quỳnh để đọc “cọp,” “đọc ké” hoặc lục lọi băng đĩa. Nói một cách tích cực, nhịp sống mới “online” hay Youtube ngày nay đã thay thế mọi sinh hoạt tinh thần của con người. Một CD hay tác phẩm mới chỉ cần bỏ lên mạng thì các nơi trên thế giới đều nghe, xem được. Bằng chứng là các lịch view của người xem. Nhưng nó lại giết chết giá trị về tinh thần của các sản phẩm vì trên mạng phần nhiều là coi free. Điều này ảnh hưởng đến sự sống còn của tác giả, hậu quả là họ không thể sống chuyên nghiệp hay sẽ chết đói. Em mong người xem nên giúp đỡ bằng cách đóng góp vào các tài khoản của tác giả để nuôi nấng và giúp đỡ tinh thần họ phần nào để họ còn tiếp tục phục vụ cộng đồng trong tương lai.
*

Để đáp lại lòng thương mến của các khách hàng thân quen, nhà sách Tú Quỳnh sẽ mở cửa vào hai ngày cuối tuần mỗi thứ Bảy và Chủ Nhật cho đến hết tháng 12 trước khi đóng cửa vĩnh viễn. Giờ mở cửa từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Kính mời.
*

(Xin đón xem phần 2 của phóng sự “Giã từ nhà sách Tú Quỳnh”)

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT