Đạo và Đời

Đi tìm chân lý

Tuesday, 10/11/2020 - 08:47:56

Có Kính Chúa thì mới tìm thấy Chân Lý, thấy Chúa là tuyệt đối; có yêu người thì mới chứng minh rằng mình đã tin vào sự hiện hữu của Chúa.


Tượng ba triết gia vĩ đại, từ bên trái là Socrates, Plato và Aristotle. (Readworks.org)

 

Bài CECILIA J. NGUYỄN

Chân Lý (Sincerity, Genuine Truth) hay “Sự Thực Vĩnh Cửu,” “Lý Lẽ Chung Nhất,” “Sự Chân Chính,” “Đường Sống” cho tất cả mọi người không phân biệt da trắng, da vàng, da đen hay da đỏ, là một đề tài phức tạp, khó hiểu nhưng thiết yếu cho Nhân Loại để có thể sống Hạnh Phúc. Nhiều  triết gia đã từng nói: “Chân lý ở bên này dẫy núi Pyrénées khác với Chân Lý ở bên kia dẫy núi.”

Từ khi loài người có trí khôn, biết phân tích và tổng hợp mọi hiện tượng thiên nhiên, biết tìm hiểu quan hệ giữa Người và Vũ Trụ cũng như giữa Người với Người, thì một tiền đề vô cùng phức tạp và thiết yếu đã được đặt ra cho Con Người: Chân Lý là gì? Chân Lý ở đâu? Phương thức nào giúp Con Người với tới Chân Lý? Từ cổ xưa, trên khắp mặt địa cầu, con người đã đua nhau đi tìm Chân Lý. Từ những bộ lạc ăn lông, ở lỗ, đến các dân tộc biết sống tập trung theo một hình thức xã hội, loài người, vì không thể tự lý giải những hiện tượng thiên nhiên khó hiểu, nên đã tự tạo nên những thần tượng để thờ lạy và cho đó là Chân Lý. Tùy theo địa lý, khí hậu mà người thượng cổ, các dân tộc hoang dại tôn thờ những cái gọi là “linh vật,” có thể là cục đá, có thể là Mặt Trời, có thể là một cái thân cây kỳ dị, từ đó, mà những “linh vật” đó hướng dẫn toàn bộ cuộc sống của những người sống chung trong xã hội đó.

Sau thời đại hồng hoang, đến nền văn minh cổ đại nhất của nhân loại là Ai Cập, nơi đã biết biến vàng thành nữ trang, và biết xây những Kim Tự Tháp vĩ đại bằng những phương pháp mà người của thế kỷ 21 cũng không thực hiện được, hình bóng của Chân Lý cũng chưa tỏ rõ, vì người ta còn tin dị đoan quá nhiều. Các giáo sĩ, người có thế lực nhất trong các triều đại, người Ai Cập giảng giải rằng mỗi người có một Bóng và một Linh Hồn. Sau khi chết, các linh hồn lang thang đi tìm chỗ ở mới. Tại một nơi bí ẩn, linh thiêng bên ngoài trái đất, các trái tim của người chết được đem cân với một “sợi lông chân lý,” từ đó, linh hồn mới được phân phối cho một xác mới để trở lại làm người. Vì thế, mà các Pharaohs, Vua Ai Cập, Nữ Hoàng, và một vài quan chức lớn được chôn trong những Pyramids với hy vọng một ngày đó sẽ sống lại.

Như vậy, Chân Lý của người Ai Cập là sự tin tưởng vào thần linh mơ hồ, không có thực. Nhưng vì sự thông minh, hiểu biết đều nằm trong tay những kẻ có sức mạnh nên tất cả những gì mà giới giáo sĩ hay giới quý tộc tưởng tượng rồi phán ra đều là Chân Lý, kẻ nào không tuân theo thì bị tiêu diệt. Và để giữ bí mật cho Chân Lý, tất cả kỹ sư, kiến trúc Sư, nhân công, cai thợ liên hệ đến việc xây Pyramids đều bị chôn cùng với Pyramids.

Trung Hoa vốn gồm 7 nước có văn hóa khác nhau là Tần, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở, Tề, bị Tần Thủy Hoàng thôn tính và sát nhập thành một, đã tạo ra một nền văn minh đặc thù, một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Trung Hoa, cũng giống như ở các nước khác trên thế giới cùng thời đó, Chân Lý là “Mạnh Được, Yếu Thua.” Chân lý ở đây dựa vào những miệng lưỡi của các Thương Thuyết Gia, các mưu sĩ là những người cố vấn cho nhà vua và giới chức quyền thế. Tất cả những điều phán ra từ miệng của các mưu sĩ này đều là Chân Lý. Hoàng Đế thường lắng nghe các mưu sĩ rồi quyết định đâu là Chân Lý cuối cùng.

Từ đó mà chiến tranh xảy ra liên miên giữa nước này với nước khác, bất chấp sinh mạng của con người. Những kẻ có chức, có quyền, có sức mạnh được toàn quyền tàn sát đồng loại của mình mà không bị trừng trị. Mạng sống con người trong các thời Chiến Quốc chỉ nhỉnh hơn con dán, con rệp một chút. Chân Lý hồi đó nằm vừa nằm trong tay của các lãnh đạo vừa lệ thuộc vào những kẻ có võ nghệ, có sức mạnh. Người dân Trung Hoa chỉ biết phục tùng mọi luật lệ của Vua Chúa, quan quyền và của những kẻ có vũ khí, có sức mạnh để sống còn.

Tại Đế Quốc La Mã, một đế quốc đã gần như thống lĩnh thiên hạ, người ta thấy một sinh hoạt vô cùng mâu thuẫn vẫn hiện diện hàng ngày: Tuy văn minh La Mã đã có thể tạo ra những đồ sắt, đồ đồng, vải vóc, khí cụ tinh vi, người ta vẫn cho Chân Lý đến từ các ngẫu tượng. Người La Mã thờ đủ thứ linh tinh, đa số là ảnh hưởng từ người Hy Lạp. Ba vị Thần chính của Roman là Thần Jupiter cai quản đời sống người La Mã, Thần Juno là vợ của Jupiter và là thần trông coi phụ nữ, Thần Minerva là Thần thông minh và nghệ thuật chạm trổ. Ngoài ra còn các Thần phụ cũng ảnh hưởng từ người Greeks như Venus là sản phẩm của Thần Ái Tình Aphrodit, thần Neptune của Biển cả… Dĩ nhiên, người La Mã cũng có thần riêng, như Thần Janus có hai mặt, là con của thần sông Tiber. Điều đáng ngạc nhiên là văn minh La Mã cao như thế mà cũng thờ các “linh vật” như người cổ đại, thấy hiện tượng gì lạ, là vội cho đó là thần, rồi tạc tượng để thờ. Văn Minh La Mã đã để lại dấu ấn mạnh mẽ cho toàn thể nhân loại nhưng về Chân Lý, thì vẫn còn mù mờ, lanh quanh tìm kiếm mà không thấy một điểm chung nhất nào cho người Romans để thật sự kính ngưỡng và tôn thờ. Thực tế, Chân Lý của người La Mã nằm trong ngọn kiếm của các tướng lãnh, của những người có vũ khí. Bất cứ người mang vũ khí nói Trái, Phải, thế nào, thì người dân cũng phải coi đó là Chân Lý.

Nhìn chung, có thể nói toàn thể nhân loại, trước thời Chúa Jesus, rất ít người biết Chân Lý là gì, trừ một số triết gia Hy Lạp. Tại Athens, thủ đô của Hy Lạp, Triết Gia Socrates, người đã hệ thống hóa Triết Học thành một môn học của Châu Âu, đã định nghĩa được Chân Lý từ những kẻ cầm quyền là “Sức Mạnh là Chân Lý,” “Sức Mạnh là Lẽ Phải” (Might is Right.) Nhận xét này rất chính xác cho đến thế kỷ hiện tại, vì chính trong Danh Từ chỉ “hay cái tay” của Người: Vì Tay bên Phải thường mạnh hơn tay Trái, cho nên được gọi là “Tay Phải,” trong khi tay bên kia, tuy không làm gì xấu, nhưng chỉ vì yếu hơn thì bị gọi là “Tay Trái,” tiếng Anh là “Right” (Đúng) và “Left” (đồ bỏ), tiếng Pháp là  “Droit” và “Gauche,” chữ Hán là “Hữu” và “Tả,” tiếng Đức, tiếng Spanish… cũng thế.

Nhận thấy sự bất công này, nếu không chấn chỉnh thì sẽ tồn tại đến muôn đời, nên Socrates đã lên tiếng chống lại quan điểm này, và bị nhà cầm quyền Athens ghét bỏ. Tuy biết là ông có nhiều người ghét, nhưng ông vẫn tiếp tục giảng dạy về Nghệ Thuật (Arts), Văn Chương (Literature) và Phong tục Phổ Thông (Popular Culture) qua các bài giảng về triết lý của ông. Vì Socrates từng là một người lính trận trước khi thành Triết Gia, nên ông không tỏ ra sợ hãi khi dám nói ngược quan điểm của nhà cầm quyền lúc đó coi trọng Chân Lý Của Kẻ Mạnh.

Vì sự trung thực với quan điểm của mình, chống lại quan điểm của nhà cầm quyền, họ đã ra bản án Tử cho ông. Nghe lệnh phải chết, Socrates đòi được uống thuốc độc thay vì bị chém đầu. Ông đã dũng cảm cầm chén thuốc độc uống một hơi cạn rồi đi từng bước trong nhà cho đến khi gục xuống. Khi ông bị tuyên án Tử, người học trò nổi tiếng của ông và cũng là môt triết gia lừng lẫy trong nhiều thế kỷ là Plato, người chủ trương Duy Tâm, đã tìm mọi cách cứu ông, và chứng mình rằng luận điểm của Socrates không có gì là sai, nhưng mọi lý giải của Plato đã bị nhà cầm quyền, những kẻ tôn thờ Chân Lý Của Kẻ Mạnh, bác bỏ. Sau cái chết của Socrates, Plato (còn gọi là Platon), người đã sáng lập trường Triết Học đầu tiên của Âu Châu, hầu như đã mất một thời gian suy nhược, vì thấy rằng con người đã nhầm lẫn khi đi tìm Chân Lý.

Aristotes, một người học trò của Plato, một thiên tài siêu quần trong mọi lãnh vực khoa học: Triết học, Vật Lý Học, Đạo Đức Học, Thi văn, Âm Nhạc, Hùng Biện, Tâm Lý Học, Ngữ Học, Kinh Tế Học, Chính trị và Chính Quyền, đã hy sinh suốt cuộc đời của ông để đi tìm Chân Lý trong vũ trụ. Tuy là học trò của Plato, Aristotes đã chống lại Plato trên phương diện “Hình thức” (Form), khi Plato cho rằng “quả táo để cạnh cuốn sách thì mới biết đó là quả táo,” còn Aristotes lại lý luận khác “hình dáng quả táo như thế vì chính nội dung của quả táo đã là quả táo rồi.” Từ đó, mà hai thầy trò đã đi ra hai ngả tìm Chân Lý, nhưng rất tiếc, các triết gia thiên tài đó vẫn không tìm thấy Chân Lý đích thực cho đến khi Chúa Jesus ra đời.

Sau 33 năm nhập thế, bài giảng của Chúa Jesus đã cho thấy chính Ngài là Chân Lý. “Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Ai theo ta, sẽ không phải chết bao giờ!” Chúa Jesus cũng từng nói: “Ta đến, để làm chứng cho Chân Lý!” Theo Ngài, thì Chân Lý là tuyệt đối, dù muôn ngàn năm cho đến ngày Tận Thế, lời Ngài vẫn là Chân Lý, không bao giờ suy chuyển. Nhìn lại lịch sử thế giới, nhân loại thấy rằng, từ tạo thiên lập địa cho đến ngày này, tất cả mọi sự trên đời đều thay đổi, đều “Có” và “Không,” có “Còn” thì có “Mất,” có “Sinh” thì có “Tử,” có Trẻ thì có Già, nay Khỏe thì mai Yếu,  Đẹp hôm nay chờ Xấu xí ngày mai. Biết bao danh tướng, những nhân vật lừng danh thời trước, đã lần lượt bị chôn vùi trong sự nhục mạ. Đơn giản nhất là Tình Yêu con người cũng không bền vững. Trước khi cưới thì yêu nhau mê mệt, tưởng không lấy được nhau thì sẽ chết, nhưng ở với nhau một thời gian là dần chán nhau. Những kẻ tự tử vì tình vì họ chưa kịp nhìn thấy ngày mà họ sống chung với nhau sẽ chán chường như thế nào. Với Chúa Jesus, cuộc sống trần gian là tạm bợ, chỉ có cuộc sống trên Thiên Đường và Tình Yêu của Thiên Chúa, mới là Vĩnh Cửu, không bao giờ nhạt phai. Chúa Jesus đã cho thấy Chân Lý ở tại lòng thương yêu nhân loại đến mức mà Ngài tự hạ mình xuống, từ Con của Đấng Sáng Tạo, Ngài đã giáng trần làm con một ông thợ mộc, bình thường, nghèo khổ, và chịu phỉ báng bới chính những kẻ mà Cha Ngài đã tạo ra, chịu khinh bỉ, nhục nhã, bị đánh đòn, vác nặng rồi bị đóng đinh trần truồng trên thập giá. Đó mới là Tình Yêu Đích Thực, là Chân Lý. Những kẻ không tin Ngài, hãy tưởng tượng sự đau đớn của một ông Chủ giầu có, đã tạo nên cơ nghiệp cho một số nhân công, rồi bị chính mấy người nhân công đó đánh đập, hành hạ khủng khiếp rồi giết luôn ông Chủ trần truồng trên thập tự, thì mới biết nỗi đau của người bị hại đó, kinh hãi đến chừng nao. Mà đó mới chỉ là một con người bình thường thôi. Còn Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Đấng đã nặn nên loài người, lại hy sinh, giáng trần để bị chính loài người tra tấn và giết hại. Còn Tình Yêu nào cao cả hơn? Còn Chân Lý nào sáng rực hơn? Biển cả mênh mông, Trời cao thăm thẳm, có vật chất nào, Tình Yêu nào sánh bằng Tình Yêu Thiên Chúa, nhất là Tình Yêu ấy vẫn theo dõi từng con người, vẫn ban phát ơn lành cho Loài người phản bội, độc ác, lòng dạ xấu xa không kém gì ma quỷ?

Vậy Chân Lý, theo Chúa Jesus là gì? Chân Lý điều răn của Chúa Jesus chỉ tóm gọn có hai điều: Kính Chúa và Yêu Người.

Có Kính Chúa thì mới tìm thấy Chân Lý, thấy Chúa là tuyệt đối; có yêu người thì mới chứng minh rằng mình đã tin vào sự hiện hữu của Chúa. Vì nguyên lý đơn giản mà cao diệu này, mà những nhà khoa học vĩ đại đã cùng hướng về Chúa. Isaac Newton, nhà khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại đã nói: "Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri.” Johannes Kepler (1571–1630), một trong những nhà thiên văn lớn của thế giới đã viết: “"Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được.” Nicolaus Copernicus (1473–1543), nhà thiên văn học và là người đề xuất thuyết trái đất quay quanh mặt trời giữa vũ trụ bao la (heliocentrism) cũng viết: "Ai có thể sống cận kề với một trật tự hoàn bị nhất và trí năng siêu vượt của Thiên Chúa mà không cảm thấy dâng trào những cảm hứng cao quý? Nào ai không thán phục vị kiến trúc sư của tất cả các công trình này?” 

Pascal, thiên tài về nhiều khoa học, người đã sáng tạo ra chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới đã nói: “Khoa Học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa. Khoa học tinh vi làm cho người ta gần Thiên Chúa!” Thomas A. Edison (1847–1931), người có 1200 bằng sáng chế, gồm phát minh ra máy phát điện, máy quay phim, bóng điện khẳng định: "Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ tất cả các kỹ sư, đặc biệt là người kỹ sư vĩ đại nhất: Thiên Chúa.”  Wernher von Braun (1912–1977), người chế tạo ra hỏa tiễn liên lục địa, và kỹ thuật không gian: "Trên hết mọi sự là vinh quang Thiên Chúa, Đấng mà con người và khoa học khám phá và tìm kiếm mỗi ngày với sự tôn kính thẳm sâu.” Pateur, nhà hóa học, sinh vật học, cha đẻ của Khoa Vi Trùng học, là một người Công Giáo sùng đạo. Ông nói: “Càng nghiên cứu sâu xa, tôi càng kinh ngạc và khâm phục Đấng Sáng Tạo.” Chính Darwin, cha đẻ của Thuyết Tiến Hóa đã nói: "Tôi không bao giờ từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tôi nghĩ thuyết tiến hóa phù hợp với niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi cho rằng bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa đó là ta không thể giải thích hay hiểu được vũ trụ mênh mông vượt xa mọi phép tính toán và không thể giải thích được rằng con người là kết quả của ngẫu nhiên.”

Như thế, chỉ có Chúa là Chân Lý tuyệt đối, Tình Yêu Thiên Chúa là đời đời chung thủy cho đến ngày Ngài dựng lên Trời Mới, Đất Mới cho những ai tin vào Chân Lý nơi Ngài.

(10 tháng 11, năm 2020)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT