Chân Dung Việt Nam

Cuối năm nghe thợ hồ kể chuyện

Thursday, 05/01/2023 - 11:05:42

Hầu hết với các ngành nghề tại Việt Nam, cuối năm là dịp vui nhất, bởi lúc này có tiền thưởng Tết, tháng lương thứ 13...


Nghề nào cũng có hiểm nguy, thợ hồ sợ phải thi công những công trình gần đường dây điện thế này. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài NGUYÊN QUANG

Hầu hết với các ngành nghề tại Việt Nam, cuối năm là dịp vui nhất, bởi lúc này có tiền thưởng Tết, tháng lương thứ 13 và quà Tết các loại từ bánh kẹo, mứt, hạt dưa cho đến áo quần, xe đạp, xe máy… Thế nhưng, đối với người thợ hồ, tức thợ xây, dịp cuối năm có vẻ eo sèo nhất, trường hợp nào thấy cuối năm vui, ắt đó là trường hợp hiếm hoi và không chừng cái cuối năm vui ấy cũng duy nhất hoặc đôi ba lần trong đời là cùng. Bởi với người thợ hồ, dường như đời sống ngày càng chồng chất nỗi niềm với cơm áo gạo tiền.


Từ cái nghề có thiên lương cho đến cái nghề của rỗi nghề


Anh Lời, một thợ hồ ở Đại Lộc, Quảng Nam, chia sẻ, “Cái nghề này tưởng vui mà bạc bẽo lắm, cứ đến gần Tết là thấy buồn à.”


Cuối năm bên cội mai già... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh làm nghề này đã bao năm và theo anh thì do đâu mà gần Tết là thấy buồn?”

“Thấy buồn vì thời của nghề hình như cũng đã xưa. Tức là thời xưa, thợ nề, tức thợ hồ không có nhiều dụng cụ, cũng không có nhiều kĩ thuật hỗ trợ như bây giờ, hồi đó thậm chí đổ bê tông bằng cốt tre, nhưng mức độ chỉn chu và yêu nghề của người xưa thì khỏi biết, khác với bây giờ.”

“Xin anh nói thêm và rõ hơn về vấn đề cái khác của thợ xưa và thợ bây giờ?”

“Nghề thợ xây bây giờ khác xa so với nghề thợ xây của những năm trước 1980, xa hơn là trước 1975, hầu hết thợ 1980 cũng là thợ của thời 1975 cả thôi, họ có lửa nghề, có tổ nghề và sống chết với nghề, nó khác xa với thợ bây giờ, thợ xưa tôi luyện tay nghề, tôi luyện đạo đức và có lời nguyền với tổ nghề, họ coi trọng danh dự của người thợ, khi đi làm, họ có thể làm không cần nhận đồng nào nếu chủ nhà quá nghèo nhưng biết thương thợ, biết quí trọng thợ. Còn thợ bây giờ, đôi khi họ giống những cái máy chém, vì họ chỉ tôi luyện tiểu xảo và tôi luyện thêm tính gian giảo, thực tế là vậy!”


Nơi sắm đồ Tết của lao động nghèo... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Thời kinh tế thị trường, nếu lãng mạn như vậy thì lấy gì mà sống hở anh Lời?”

“Không, tôi đâu có nói cứ phải lãng mạn như vậy, nhưng người thợ phải có lương tâm, phải coi trọng nghề nghiệp và phải có lòng tự trọng, danh dự. Còn bây giờ, anh nhìn đi, toàn bộ các công trình đều bị rút ruột, ngay cả bệnh viện mà nó cũng ăn cắp sắt thép, độn tre và đổ bê tông, tôi nói đâu cho xa, chính cái bệnh viện huyện này, bị rút ruột không tương tiếc, từ thằng chủ thầu cho đến thằng thợ, rồi thằng phụ hồ đều ăn cắp sắt thép, độn tre vào. Nó cứ đút lót cho thằng giám sát công trình, cho đi nhậu, gái gú, cho thằng này kiểm tra chất lượng trước khi đổ bê tông, để thấy tốt thì cho làm, nhưng khi thằng này đi thì trời đất ơi, cả đám xông vào rút, cứ như cướp giữa ban ngày vậy. Hỏi anh, công trình có hàng ngàn người ra vào và điều trị trong tương lai mà nó độn tre thì có phải là giết người không?”

“Tòa Thánh Tây Ninh và một số công trình tôn giáo dùng bê tông cốt tre, nó vẫn giữ được độ bền rất lâu đó anh, anh có nghĩ vậy không?”

“Vấn đề tôi nói là người thợ và cả nhà thầu đều tự biến họ thành kẻ cắp, thậm chí thành kẻ trộm. Còn tre ngày xưa độn trong các công trình là tre ngâm, tức là tre giả, người ta đốn hạ và ngâm dưới ao bùn suốt ba tháng, có khi ngâm cả vài năm nữa kia, sau đó vớt lên và xử lý để xây dựng, tre này không bị mối mọt nếu cho vào môi trường kín. Các cốt tre ở Tòa Thánh Tây Ninh đều vậy, và một số công trình tôn giáo khác, nó cũng vậy. Còn tre độn bây giờ là thứ tre chặt bậy bạ đâu đó bên đường để lấp chỗ trống, tre non, tre khô cũng có, cứ miễn sao nó có để thế chỗ, để chịu tải khu vực đó cho đến ngày bàn giao công trình là được. Nhưng nói cho cùng, nếu độn tre được thì người ta đã thiết kế độn tre rồi. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là đạo đức của người làm nghề ấy!”


Thợ hồ lâu năm cũng phải thốt lên về tính cẩu thả, bất cẩn của thợ hồ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Dịp cuối năm trở nên buồn đối với nghề thợ hồ có phải vì nguyên nhân này không anh?”

“Đúng là phần lớn do nguyên nhân này, nhưng không hoàn toàn, vấn đề xã hội cũng nhức nhối lắm. Vì xã hội ngày càng trở nên bát nháo, cái người làm nghề họ bát nháo và thực dụng, cả một guồng máy xã hội trở nên tào lao, người làm nghề không nhìn ra đâu là danh dự của mình, cuối cùng thì đến nay, thú thực là nhắc tới thợ hồ, người ta chỉ thấy mấy nét đặc trưng như cẩu thả, tham lam, thực dụng và vô văn hóa, nói năng bô bã, tục tĩu… Nhìn chung, nghề thợ hồ như vậy nên chẳng có ai xem đây là cái nghề, họ chỉ chụp giật qua ngày rỗi là chính, nếu may mắn thì phỉnh phờ kiếm cái nhà làm thầu, rồi cũng vá víu, chụp giật. Chính vì vậy mà xã hội coi nghề thợ hồ rất rẻ, và cho đến lúc này, nghề thợ hồ bạc bẽo lắm. Tết thấy các nghề khác người ta được thưởng, tặng, tự dưng mình cũng tủi thân, mặc dù chẳng là bao nhiêu nhưng nó thể hiện giá trị nghề nghiệp lắm!”


Tết ảm đạm và thiếu hụt



Tết chỉ đủ đầy với giới quan chức, dân buôn... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Tình trạng ba năm dài dịch giã và tất cả mọi ngành nghề bị vướng dịch, thu nhập bấp bênh, không đủ sức trụ được qua mùa khốn khó là tình trạng chung của xã hội, tuy nhiên, với người thợ xây dựng, tức thợ hồ, dường như câu chuyện trở nên éo le hơn, như lời của anh Tài, một thợ hồ tại Đà Nẵng, chia sẻ, “Mọi năm khá hơn, năm nay khó quá!”


“Khó như thế nào vậy anh, anh có thể nói thêm được không?”

“Thì mọi năm giờ này mình có nhiều công trình để làm, bám công trình đến ngày cận Tết kia, còn năm nay không có công trình, thợ thất nghiệp nhiều lắm, đó là chưa nói đến các nhóm thợ từ Sài Gòn về quê sau dịch, giờ họ cũng tìm việc, thất nghiệp đầy rẫy ra đó, Tết tới nơi mà kiếm việc từng ngày như vậy thì đói.”



Tết về mang thêm nỗi lo và nỗi buồn đến với giới lao động. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Hình như đói vốn là tình hình chung phải không anh?”

“Tôi thì thấy cũng không chung mấy đâu, nhà quan chức, nhà buôn cũng sống bình thường, chỉ có nông dân và thợ là đói thôi. Rứa mới hay, tức là người trồng ra hột lúa, lương thực và người xây ra căn nhà thì đói, lạnh, chứ còn lại cũng không mấy đói. Mà nhà quan bây giờ họ sống sung sướng lắm chứ, chỉ có thợ thầy là đói thôi, năm nay giáo viên với công nhân là đói sặc máu đấy!”

“Xin lỗi, tôi tò mò chút, anh làm nghề hồ được bao nhiêu năm rồi ạ?”

“Tôi là nghề này được ngót nghét ba chục năm, tức khi bỏ học là đi phụ hồ, cầm bay, bàn kéo sau khi phụ ba năm, lúc đó mới chính thức đi làm thợ, được thầy truyền thụ cho nghề mà sống.”


Ai cũng mong làm thầu, nhận khoán công trình, chữ đức của thợ hồ ngày càng khó kiếm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Tôi lại tò mò nữa rồi, thường thì nghề hồ có bí kíp nào mà chỉ có ông thầy truyền thụ cho để tự không anh?”

“Thì hầu hết các ông thầy dạy học trò khéo tay, biết tiết kiệm hồ, biết làm sạch sẽ, biết chạy những đường chỉ cơ bản và biết sàm cửa nhà. Nhưng bây giờ người ta dùng cửa có khung ngoại nhiều nên chỉ cần bỏ khung ngoại vào khi xây là đủ. Còn ngày xưa dùng thước nước để cân độ cao, bây giờ người ta dùng máy bắn. Khổ nỗi ngày xưa người ta làm thủ công, bằng mắt thường mà chính xác, còn mấy ông thợ bây giờ dùng máy móc nghe ghê lắm mà thực ra bắn chả chính xác, bởi phần đông không biết xài máy, mang máy đi lòe người ta là chính, cũng do dốt mà ra nữa, khổ lắm.”

“Nghề không dạy nghề được hả anh?”

“Nghề dạy nghề được chứ, khổ nỗi bây giờ mới nứt mắt ra là người ta đã nghĩ đến chuyện to tát, muốn nhận công trình, muốn làm ông thầu khoán, muốn bợ bạc của người ta, thậm chí mới đi làm vài ngày thì bắt đầu léng phéng đủ chuyện. Nói tới cẩu thả, thợ hồ hình như người ta có thù hận gì với đời sống vệ sinh thì phải!”


Mơ gì một đôi giày mới cho con... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Nghĩa là sao, tôi vẫn chưa được hiểu?”

“Thì đã nói thợ hồ, khi nó làm, nhà anh có cái ca múc nước mà không lo giữ lấy thì nó cũng dùng để múc hồ dầu, thậm chí nồi nấu cơm nhà anh, anh bỏ hớ hênh nó cũng mang ra làm hồ. Nó tự cho nó cái đặc quyền sống cẩu thả và dùng đồ của chủ nhà tùy tiện. Đây là điểm rất yếu kém của thợ hồ Việt Nam. Mà đâu riêng gì thợ hồ, người lao động Việt Nam sang làm cho nước ngoài cũng đủ các trò bậy bạ, từ ăn cắp vặt cho đến ở mất vệ sinh, rồi gây rối trật tự công cộng.. phải nói là không thiếu thứ gì.”

“Tết này gia đình anh ăn Tết ra sao?”

“Thì cũng cho qua ngày đoạn tháng vậy thôi. Năm nay khó khăn, cho đến bây giờ mà tôi vẫn còn phải đi cày để kiếm tiền tiêu Tết và cầu Trời khấn Phật chủ nhà họ đừng có để nợ công, vì theo tháng dương lịch thì cuối tháng họ mới trả tiền công, mà chờ họ trễ như vậy thì mình đợi ra Giêng mới có tiền mà ăn Tết. Làm vậy chứ cũng loi lắng đủ điều” 


''Cái nghề tưởng vui mà đến Tết bạc bẽo lắm...'' (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 


Tết, ảm đạm và thiếu hụt... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Các con anh lớn chưa, chúng có còn đòi áo Tết?”

“Ui chà, dân lao động mà đòi áo Tết cái gì, tình hình riêng nhưng cũng là tình hình chung của lao động nghèo chúng tôi thôi, Tết nhứt chi chứ!”

Chỉ còn ngót nghét nửa tháng nữa là trời đất chuyển sang một năm mới, mùa xuân, cái lạnh cũng sẽ bớt đi. Thế nhưng với tình hình hiện tại, chẳng biết cái lạnh của người nghèo còn kéo đến bao lâu?!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT