Hôn Nhân, Cuộc Sống

Cưới lầm người

Friday, 02/11/2018 - 08:00:34

Với tỷ lệ ly dị cao như hiện nay, dường như có quá nhiều người mắc sai lầm nghiêm trọng khi chọn bạn đời. Aish.com đã đưa ra các khuyến cáo bạn nên tránh để không “chọn lầm người” khi kết hôn.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Ngôi sao điện ảnh Micke Rooney từng phải đi tám lần đò và may mắn đậu lại ở lần đò thứ tám với nữ ca sĩ Jan Chamberlin. Mickey Rooney nói, “Hôn nhân giống như chơi bóng chày, khi có một người (quả bóng) đến, bạn không muốn để họ ra đi." Nghe có vẻ như ông là một người tốt trong quan hệ hôn nhân, cho đến lúc mọi người vỡ lẽ khi biết rằng cuộc hôn nhân ngắn nhất của Rooney kéo dài chưa đầy một năm.

Nhưng đó chưa đáng nể so với một người nắm giữ kỷ lục thế giới khi có đến 29 cuộc hôn nhân. Đó là Glynn Demoss Wolfe. Ông từng phát biểu, “Hôn nhân giống như sưu tập tem vậy. Bạn tiếp tục tìm kiếm thì sẽ thấy được một con tem rất quý.”

Thậm chí, nhiều người còn so sánh việc tìm một người bạn đời giống hệt như tìm cây kim trong đống cỏ, đồng nghĩa với việc trên thế giới này chỉ có một người làm cho bạn hạnh phúc. Chính vì thế, những người trải qua hơn một lần lập gia đình thường nói rằng họ đã chọn và cưới lầm người.

Nguyên nhân “cưới lầm người”

Daniel và Linda là bạn học phổ thông. Vì chơi với nhau quá thân, nên cả hai đều biết rõ về nhau, cả về tính tốt lẫn tật xấu. Daniel tốt bụng nhưng nóng tính. Linda giỏi giang nhưng rất biếng nhác việc nhà. Mười năm sau khi quen nhau, họ quyết định kết hôn, nhưng mới về chung sống với nhau được chưa đầy một năm, họ ly dị. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao cuộc hôn nhân của họ ngắn ngủi đến thế? Cả hai đều nói vì hy vọng người ấy thay đổi sau khi kết hôn. Nhưng khi về sống chung rồi thì “tính nào tật nấy.”

Cưới vì mong người kia thay đổi là một sai lầm kinh điển. Quy tắc vàng là nếu bạn không thể có hạnh phúc với “người ấy” trong hiện tại thì đừng kết hôn. Bởi thực tế, nếu hôn nhân có thể khiến người ấy thay đổi, là theo cách tệ hơn. Vì vậy, nếu bạn chịu đựng được tính cách, tư tưởng, thói quen, vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp... của người ấy ngay trong hiện tại thì hãy quyết định kết hôn với họ.
Hãy cẩn thận với các hội chứng "Tôi đang yêu.” Bên cạnh sự hấp dẫn của “người ấy,” bạn đã xem xét tính cách của người này?

Người ta thường gắn kết với nhau vì ba điều: Tính cách hợp nhau, lợi ích chung nhau và cùng mục đích. Hãy bảo đảm rằng bạn và người ấy liên kết với nhau ở mức độ sâu sắc nhất: chung mục tiêu trong cuộc sống. Sau kết hôn, hai người sẽ phát triển cùng nhau hoặc riêng biệt với nhau. Để tránh sự riêng biệt, bạn phải chỉ ra mình đang sống vì cái gì ngay khi còn đang độc thân, rồi tìm một người có chung chí hướng như bạn. Định nghĩa đúng đắn nhất của từ “bạn đời” chính là chung quan điểm về cuộc sống, từ đó có chung các ưu tiên, giá trị và mục tiêu trong cuộc đời.

Gần gũi trước khi có cam kết hôn nhân thường khiến bạn khó tìm hiểu đầy đủ và trung thực hết những vấn đề quan trọng. Sự gắn bó cơ thể thường che mờ suy nghĩ, trí tuệ, từ đó bạn sẽ không có được những quyết định tốt.

Một nguyên nhân khác dẫn đến “cưới lầm người” là khi bạn chọn người không mang lại cho bạn cảm giác an toàn. Hãy tự hỏi bản thân, “Mình có cảm thấy bình an và thoải mái với con người này? Mình có được là chính mình, thể hiện đúng bản thân khi ở bên người ấy?" Khía cạnh khác của cảm giác an toàn là bạn không cảm thấy người ấy đang tìm cách kiểm soát bạn. Hành vi kiểm soát chính là một dấu hiệu của sự lạm dụng. Hãy cẩn thận với một người luôn cố gắng thay đổi bạn vì lợi ích của người đó.

Dùng hôn nhân để chạy trốn hiện tại cũng có khi bị “lầm.” Nếu một mình, bạn không hạnh phúc thì kết hôn, bạn cũng không hạnh phúc. Hôn nhân không giải quyết được các vấn đề cảm xúc, tâm lý, riêng tư. Nếu có, hôn nhân chỉ khiến mọi thứ thêm trầm trọng. Nếu bạn không hài lòng với bản thân và cuộc sống của mình, bạn nên thay đổi ngay khi còn độc thân. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và người bạn đời tương lai sẽ cảm ơn bạn.

Một hôn nhân thành công

Khi bạn độc thân, bạn trải nghiệm một loạt các sự hài lòng từ thấp đến cao. Khi bạn kết hôn, phạm vi đó có càng trở nên rộng hơn vì bây giờ bạn đã có thêm một người ở chung một nhà. Sự thỏa mãn, hoặc bất mãn, có thể sẽ xảy ra nhiều hơn trong những năm bạn còn độc thân.

Nếu bạn mong đợi cuộc hôn nhân sẽ cải thiện cuộc sống khi cùng với người bạn đời, bạn có thể sẽ thất vọng khi mức độ hài lòng của bạn ngày càng giảm xuống. Nhưng nếu bạn cảm nhận ý nghĩa của cuộc hôn nhân, mục đích của cuộc sống gia đình, và muốn chia sẻ chúng trong một cam kết trọn đời, sự hài lòng của bạn có thể sẽ được gia tăng.

Chúng ta có xu hướng lấp đầy những khoảng trống liên quan đến người chúng ta yêu thương. Giả định trong thời gian tìm hiểu nhau, anh ấy sẵn sàng ngồi và lắng nghe cảm xúc của nhau về cuộc sống, anh ấy sẽ thể hiện mối quan tâm tương tự sau khi kết hôn. Nếu không tìm được tiếng nói chung, có thể họ đã tìm sai người.

Tiến sĩ James Dobson truyền tải một thông điệp tương tự trong cuốn sách của mình, “Tình yêu của một cặp đôi không được xác định bởi mức cao và thấp, mà phụ thuộc vào sự cam kết về ý chí của họ. Thành công của một cuộc hôn nhân là hai người luôn giữ cho ngọn lửa nóng bất kể hoàn cảnh nào."

Hãy là người đúng

Trong cuộc sống hiện nay, tỉ lệ ly dị ngày càng cao. Tại Hoa Kỳ, đích đến của hơn một nửa số cuộc hôn nhân (53%) là... ly hôn. Tính ra trung bình cứ 6 giây đồng hồ lại có một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ nộp đơn ly hôn. Thậm chí, đối với những người kết hôn đến lần thứ 3 ở đây, tỷ lệ ly hôn còn lên tới 73%. Những tiểu bang dẫn đầu ở Hoa Kỳ về tỷ lệ ly hôn là Nevada, Maine, Oklahoma, Oregon và Verrmont.

Với tỷ lệ ly dị cao như hiện nay, dường như có quá nhiều người mắc sai lầm nghiêm trọng khi chọn bạn đời. Aish.com đã đưa ra các khuyến cáo bạn nên tránh để không “chọn lầm người” khi kết hôn.

1. Hôn nhân không phải là tìm đúng người mang đến niềm vui còn thiếu trong cuộc đời bạn: Nếu bạn bước vào một cuộc hôn nhân và mong đợi người bạn đời sẽ lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời bạn, hoặc là người sẽ mang đến cho bạn hạnh phúc mà bạn có quyền được hưởng, bạn sẽ cảm thấy rất thất vọng. Hôn nhân là một bước hoàn toàn cần thiết cho một mối quan hệ yêu đương. Đó không phải là tìm người bạn đời để hoàn thiện bạn, mà là học cách hài lòng, mở mang để nhìn thấy cách mà bạn có thể đóng góp vào hạnh phúc hôn nhân mà cả hai đang trải qua.

2. Hôn nhân không phải để trở thành trung tâm của người khác: Hôn nhân không phải là việc bạn đời có thể làm gì cho cả hai mà là những gì cả hai có thể mang đến cho hôn nhân. Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, sẽ rất hữu ích để nhìn ra chúng ta đã làm gì để cho cuộc xung đột đó diễn ra, và tự nhận thức rằng làm cách nào để tránh mang đến những cuộc xung đột như thế. Hôn nhân không phải như trong một cuộc boxing, nơi cả hai bất chấp mọi thứ để ý kiến của mình được lắng nghe. Hãy hình dung cả hai là một đội, làm việc cùng nhau để xây dựng một cuộc hôn nhân vững bền như bạn đã từng mong muốn, ước ao.

3. Hôn nhân là sự lựa chọn không chỉ nên dựa vào cảm xúc: Dựa trên cảm xúc là một sự mạo hiểm. Đôi khi chúng ta sẽ không cảm nhận được sự yêu thương từ người bạn đời. Tuy nhiên, nếu chọn bạn đời thông qua những lăng kính khác nhau và thay vào đó việc xem xét làm thể nào để chúng ta có thể đóng vai trò trong việc giúp một mối quan hệ trở nên tốt hơn, bạn có thể sẽ bất ngờ trước những điều mà bạn có thể làm cho cuộc hôn nhân của mình.

Nếu bạn mong đợi người bạn cưới sẽ mang đến hạnh phúc và mãn nguyện mà không quan tâm đến vai trò của chính bạn cho một cuộc hôn nhân, bạn sẽ thấy việc nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài là hết sức khó khăn. Vì vậy, thay vì tự hỏi liệu mình đã cưới đúng người hay chưa thì hãy tự trở thành “người đúng” trong cuộc hôn nhân và chứng kiến vẻ đẹp, thành quả mà nó mang đến cho cuộc hôn nhân của bạn.
(Focusonthefamily, Theasianparent, Aish.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT