Người Việt Khắp Nơi

Chuyện một bác thợ may gốc Việt sắp về hưu ở North Carolina

Saturday, 13/04/2019 - 09:21:10

Người bạn của ông Lợi, ông Chu đã rời xưởng dệt may và chuyển đến San Francisco cùng vợ một thời gian trước khi xưởng Waverly Mills đóng cửa. Ông Chu đã mở một nhà hàng, nhưng đã không may từ trần khoảng 10 năm trước đây.


Tiệm may của ông Phạm Văn Lợi nằm khiêm tốn trên đường Main Street, thị xã Laurinburg. (Google Map)

LAURINBURG - Sau 44 năm phục vụ cho thị xã Laurinburg, một ông thợ may gốc Việt sẽ đóng cửa tiệm vĩnh viễn. Đó là ý mở đầu của một bài viết đăng trên báo kinh doanh địa phương Laurinburg Exchange Business của cô ký giả tập sự Jessica Horne trong tháng Tư này.

Bài viết cho biết vào ngày 2 tháng 5 tới đây, ông Phạm Văn Lợi, 71 tuổi, sẽ chính thức đóng cửa tiệm may Lois Tailoring Shop nằm ở số 213 S. Main St.

Nhưng câu chuyện về ông Phạm Văn Lợi còn có nhiều điều đáng để biết hơn nhiều.
Sau chiến tranh Việt Nam năm 1975, ông Phạm đã đến tiểu bang North Carolina theo một chương trình cho phép người Mỹ bảo trợ những người Việt Nam ra khỏi trại tỵ nạn để có một cuộc sống mới. Ông được bảo trợ bởi hai ông David Stone và Jim Coughenour, đồng chủ nhân của tiệm bán quần áo thời trang Barron Mills Clothing Store vào thời điểm đó.

Ông Coughenour đã nghe về chương trình bảo trợ này sau khi người chú của ông, lúc đó làm việc tại đại lý bán xe Ford trong thị trấn, trước đó không lâu đã bảo trợ cho một trong những thợ máy của ông. Coughenour sau đó có ý tưởng bảo trợ cho một người thợ may, người có thể giúp mọi việc quanh cửa tiệm để đổi lấy phòng và cơm nước hàng tháng, trước khi anh ta có thể tự mình lo liệu cuộc sống.
Về phía ông Phạm Văn Lợi, ông đã đưa ra một điều kiện cho người bảo trợ là họ cũng phải bảo trợ luôn một người bạn thân nhất của ông, là ông Trần Côn Chu đi cùng ông, hoặc ông sẽ từ chối lời đề nghị. Và hai ông Stone và Coughenour đã miễn cưỡng đồng ý.

Ông Stone nhớ lại, “Chúng tôi thực sự không muốn làm điều đó bởi vì đó sẽ là một gánh nặng lớn hơn, chúng tôi có hai người thay vì một người, nhưng đó là điều tốt nhất mà chúng tôi từng làm.”
Ông nói thêm rằng tỷ lệ ở lại của người tỵ nạn Việt Nam có xu hướng cao hơn khi có những đồng hương sống bên cạnh. Vì họ sẽ không bị cô đơn và sẽ cảm thấy được gần gũi với văn hóa của họ.
Với sự giúp đỡ của bà Ann McBride và nhà thờ First Presbyterian Church, hai ông Lợi và Chu đã được chăm sóc chu đáo và sớm có chỗ ở riêng.

Từ đó, ông Lợi bắt đầu làm việc tại tiệm Barron Mills Clothing Store và ông Chu làm việc tại Waverly Mills Inc., một nhà máy dệt trong thị trấn.

Hai ông Stone và Coughenour đều nhận thấy điều nổi bật nhất ở ông Lợi là trí nhớ của ông.
Hồi đó, khách hàng sẽ mang quần áo đến và nhấn một tiếng chuông vang lên để báo hiệu cho ông Lợi biết có khách để ra phía trước nhân hàng. Người thợ may gốc Việt này sẽ kiểm tra quần áo cần được sửa và quay trở lại phía sau tiệm, thay vì làm những việc thông thường của thợ may là đánh dấu những nơi cần sửa trên quần áo. Hành động của ông Lợi từng làm cho hai ông Stone và Coughenour rất bối rối. Ông Stone hồi tưởng lại, “Ông Lợi sẽ đi ra và nhìn vào nó (quần áo) và nói OK, rồi trở về phía sau cửa hàng.”

Theo lời kể của ông Coughenour, cho dù đống quần áo ở phía sau cao đến đâu, ông thợ may Phạm Văn Lợi vẫn có thể nhớ chính xác sự thay đổi của từng món đồ cần thiết.

“Trí nhớ của ông ấy thật không thể tin được,” ông Stone nói.
Một điều nữa khiến Stone và Coughenour ngạc nhiên về ông Lợi là việc ông ấy đã nhanh chóng bắt kịp ngôn ngữ như thế nào. Stone nói rằng ông Lợi hiểu hầu hết những lời người khác nói, nhưng gặp khó khăn khi trình bày lại ý kiến của ông.

Sự cảm thông đã là một thử thách ngay từ đầu.
“Thế rồi chúng tôi đã tìm cách gợi chuyện qua việc nói về thức ăn,” ông Stone kể lại về buổi gặp ông Lợi và ông Chu lần đầu tiên tại phi trường. “Họ đã không hiểu chúng tôi, chúng tôi cũng không hiểu họ,” ông Stone kể lại buổi đầu tiên của hai người Việt tiếp xúc với món ăn nhanh của người Mỹ.

“Chúng tôi dừng lại ở một tiệm Hardees hay McDonalds gì đó, tôi không nhớ rõ, nhưng chúng tôi đã mua cho họ một chiếc bánh hamburger. Đó là chiếc bánh hamburger đầu tiên, họ chưa từng ăn, và họ đã không chịu ăn nó,” ông Stone cười khi nhớ lại.

Người bạn của ông Lợi, ông Chu đã rời xưởng dệt may và chuyển đến San Francisco cùng vợ một thời gian trước khi xưởng Waverly Mills đóng cửa. Ông Chu đã mở một nhà hàng, nhưng đã không may từ trần khoảng 10 năm trước đây.

Tuy gặp rào cản ngôn ngữ lúc đầu, sau một thời gian làm tại tiệm Barron Mills Clothing Store, ông Phạm Văn Lợi trở thành một nhân vật nổi tiếng và được tôn trọng trong cộng đồng.
Ông Coughenour nói rằng ông Lợi có nhiều thời gian hơn công việc phải làm, vì vậy hai ông Stone và Coughenour đã giúp ông bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình - và tiệm Lois Tailoring Shop đã ra đời ở gần đó.

Sau khi cố gắng đào tạo và thuê một ai đó để giúp chia sẻ gánh nặng cho công việc kinh doanh, cuối cùng ông Lợi đã tự mình điều hành cửa hàng.

Ông Lợi cho biết ông thường làm việc từ 12 đến 13 giờ một ngày, từ 9 giờ sáng và đóng cửa lúc 10 giờ tối.

Stone và Coughenour mô tả Lợi là một người đàn ông ít nói, với tính cách khiêm tốn, đối xử công bằng với mọi người.

Bất kể người thuộc màu da hay tầng lớp nào, họ đều phải đứng xếp hàng đợi đến phiên mình, ông Stone nói về việc kinh doanh của ông Lợi.

Ông là một người làm việc chăm chỉ và tận tụy, và cũng biết lắng nghe. Một lần kia, sau khi nghe những lời phàn nàn của khách hàng khi họ ngửi thấy mùi khói trên quần áo, ông Phạm Văn Lợi đã quyết định bỏ hút thuốc.

Khi về hưu, ông hy vọng sẽ tận hưởng thời gian được thư giãn và làm một việc mà ông rất thích, đó là đi câu cá vào bất cứ ngày nào.

Coughenour nói rằng sau ngần ấy năm, ông không xem ông Lợi là một cựu nhân viên, mà thật ra là một người bạn, một người có tấm lòng tốt.
Đối với cửa tiệm may của mình, ông Phạm Văn Lợi khuyến khích bất cứ ai cũng có thể sang lại trong vòng 30 ngày.
Mà nếu không có ai sang tiệm, ông sẽ đóng cửa vào ngày 2 tháng 5. Ông sẽ bán hoặc tặng hết mọi thứ trong tiệm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT