Vấn Đề Hôm Nay

Chiến tranh Ukraine: Nga suy tàn, Tàu suy thoái, Mỹ thắng lợi

Thursday, 22/12/2022 - 11:57:58

Chiến tranh Ukraine làm Nga hứng đòn trừng phạt của Âu Mỹ, kinh tế Nga suy sụp, công nghệ cao của Nga liệt bại vì hàng loạt...


Mỹ bây giờ lên mặt quá, hai đứa mình tính sao đây? Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Tàu Tập Cận Bình đang đứng chụp hình lưu niệm tại Bắc Kinh ngày 4 tháng 2, 2022, nhân dịp Trung Cộng tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông. Đến cuối tháng Hai, Nga xâm lăng Ukraine với hy vọng được Trung Cộng ủng hộ. (Alexei Druzhinin/ Sputnik/ AFP via Getty Images) 

 

Bài VI ANH

Chiến tranh Ukraine làm Nga hứng đòn trừng phạt của Âu Mỹ, kinh tế Nga suy sụp, công nghệ cao của Nga liệt bại vì hàng loạt trừng phạt, cấm vận của Mỹ và đồng minh. Mỹ hóa giải trò bá đạo, gian ác của Putin mưu toan hại Liên Âu khủng hoảng khí đốt. Nhưng Putin vô tình tạo một món quà giúp cho Mỹ: Mỹ cứu nguy Liên Âu, làm hai bờ Đại Tây Dương xích lại gần qua chiến dịch Mỹ cung ứng khí đốt hóa lỏng cho 27 nước Liên Âu. 

Mỹ được lòng Liên Âu và hưởng lợi tiền bán lên cao do Putin tạo khan hiếm, giá lên cao. Liên Âu tin tưởng thêm Mỹ. NATO Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương được Mỹ tăng thêm 100,000 quân Mỹ, tăng thêm thế lực Mỹ và NATO. Đồng thời tăng cường chánh nghĩa và sức mạnh Liên Âu trong việc ủng hộ chánh nghĩa bảo vệ cuộc chiến tranh chống Putin hậu CS xâm lược Ukraine, theo chủ trương của Mỹ.

Trung Cộng người khổng lồ chân đất sét cũng bị văng miểng vì mua khí đốt xăng dầu của Putin mà Mỹ cấm và một số khó khăn nội bộ làm kinh tế suy thoái, liệt bại. 

Thời sự và sự kiện tình hình chiến tranh Putin xâm lược Ukraine chỉ rõ. Châu Âu điêu đứng vì mất 155 tỷ mét khối khí đốt vì cái đòn gian ác của Nga. Nga không bán khí đốt cho Liên Âu. Liên Âu mất tương đương 40% nhu cầu tiêu thụ trong năm của toàn khối. Liên Âu chạy lung tung tìm mua.

Mỹ ra tay cứu khổn phò nguy cho Liên Âu. Mỹ cứu viện liền và thắng lợi lớn. Mỹ xuất cảng qua Liên Âu khí hóa lỏng LNG mà Mỹ là nước sản xuất nhiều nhứt thế giới nhờ tìm ra phương pháp khai thác qua đá phiến. Tính đến tháng 9/2022, Mỹ xuất cảng sang Châu Âu tăng 60% và gần ba-phần-tư sản xuất của Mỹ là để bán cho Liên Hiệp Châu Âu.

Trả lời RFI của Pháp, Philippe Sébille Lopez, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị, thuộc cơ quan tư vấn Géopolia, Pháp, nhìn nhận chiến tranh Ukraine là một cơ hội bằng vàng cho các nhà sản xuất ở Mỹ. Chuyên gia này nói rõ, “Hoa Kỳ luôn có tiềm năng khai thác khí đốt rất lớn, mà chủ yếu là khí đá phiến. Mỹ đang dòm ngó để thay thế vào chỗ trống của Nga, bởi từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Moscow không còn muốn bán khí đốt cho Châu Âu, mà bản thân Bruxelles cũng không muốn để Moscow dùng dầu khí như một vũ khí để bắt chẹt Liên Âu.”

Về kinh tế Nga thua nặng trước những đợt trừng phạt hàng loạt liên tiếp của Tây phương do Mỹ vận động và chủ động. Tính đến ngày 15/12/2022 sau gần 10 tháng chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu ban hành tổng cộng 9 đợt trừng phạt Nga. 

Ngay từ khi Vladimir Putin đưa quân xâm lăng nước láng giềng sát cạnh, Hoa Kỳ và Liên Âu đã ban hành nhiều biện pháp mạnh với mục đích duy nhất: cắt nguồn thu nhập của Moscow qua đó ngăn cản Nga tài trợ cỗ máy chiến tranh. Phương Tây đã khai trừ Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga; cấm vận than đá, dầu hỏa của Nga, cấm xuất cảng cho Nga công nghệ cao và trang thiết bị có thể phục vụ các mục tiêu quân sự.

Nhưng Nga vẫn có được một điểm tựa khá tốt là Trung Cộng và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ. Hai quốc gia Châu Á này đã phần nào thay thế vào chỗ trống của Châu Âu để mua dầu khí của Nga với giá rẻ và thậm chí là một phần trong số ấy đã được dành để bán lại cho Châu Âu. 

Kinh tế Nga vẫn liệt bại. Theo phân tích của Serguei Alexachenko, cựu phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nga, sau đợt trừng phạt đầu tiên hồi tháng 3/2022, lạm phát đã tăng gần 20% nhưng rồi ba tháng sau đó đã rơi xuống còn 10%. Mãi lực của dân Nga giảm mạnh, xuống 2 số âm -10%. 

Tiếp theo là Trung Cộng bị văng miểng, kinh tế bên bờ vực thẳm. Chủ Tịch Tập cận Bình né Putin người mà trước Chiến Tranh Ukraine, Chủ Tịch Bình gọi Putin cựu sĩ quan cấp tá của KGB Liên xô là người “bạn không giới hạn.” 

Câu hỏi của các chuyên gia quốc tế, rằng với tỷ lệ chưa đến 3% được dự báo, liệu Trung Cộng có còn là đầu máy tăng trưởng của thế giới nữa hay không? Năm 2022 là một năm đầy biến động trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc. Evergrande, Shimao hay Sunak là 3 trong số 6 đại công ty bất động sản Trung Cộng bị khai trừ khỏi bảng niêm yết giá trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Các tập đoàn tên tuổi trong ngành lần lượt tuyên bố vỡ nợ. 

Hàng trăm ngàn người làm cuộc cách mạng, ngừng đóng tiền cho các chủ nợ cho tới khi nào được trao nhà. Cuối tháng 11/2022, Bắc Kinh ra lệnh cho các ngân hàng bơm thêm hơn 160 tỷ đô la hỗ trợ ngành địa ốc. Tại một quốc gia mà 70% tài sản của các hộ gia đình là căn nhà, hơn nữa ngành xây dựng và các chi nhánh liên quan (vật liệu xây dựng …) và giao dịch địa ốc, trang trí nội thất …. chiếm đến gần 30% GDP, hiện tượng thị trường bất động sản “đổ giàn” như ở Hoa Kỳ hồi 2007-2008 sẽ là một tai họa.

Nhật báo tài chính Asia Nikkei hôm 7/12/2022 báo động nợ công của Trung Cộng hiện cao hơn gấp ba lần so với GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Một phần lớn trong số đó là nợ của các chính quyền địa phương: Ba năm qua số này đã mất đi nguồn thu nhập lớn do các dự án xây dựng bị đóng băng, cùng lúc thì các chính quyền địa phương đã phải đài thọ các phí tổn về thuốc men và nhất là các chiến dịch xét nghiệm hầu như hàng ngày cho hàng chục triệu dân. Tính ra từ cuối 2019, Trung Quốc đã chi ra một số tiền tương đương với ngân sách quốc phòng của cả nước chỉ để thực hiện các đợt xét nghiệm Covid trên diện rộng.

Không chỉ có thế. Trung Cộng đã buồn vì nạn mưa rào, lại đau vì nổi ào ào gió đông. Sau gần đúng ba năm xuất hiện tại Vũ Hán, siêu vi SARS-Cov-2 vẫn chưa buông tha Trung Cộng. Một số nghiên cứu gần đây nhất dự phóng sẽ có từ 1 đến 1 triệu rưỡi người tử vong và khủng hoảng y tế sẽ kéo dài ít nhất là đến tháng 3-4/2023. 

Trung Cộng vẫn còn căng trên mặt trận thương mại với Mỹ. Về đối ngoại, trong hai năm qua, quan hệ giữa Bắc Kinh với Hoa Thịnh Đốn không mấy được cải thiện. Mãi đến thượng đỉnh APEC đầu tháng 11/2022, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden mới trực tiếp bắt tay nhau lần đầu từ khi ông Biden bước vào Tòa Bạch Ốc. 

Tương tự như người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ nhắm vào Trung Quốc. Cuộc đọ sức về công nghệ cao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có khuynh hướng gia tăng cường độ. Ngày 7/10/2022, Phòng Công Nghiệp và An Ninh (BIS), thuộc Bộ Thương Mại Mỹ, đã công bố danh sách được cập nhật các biện pháp nhằm “kiểm soát các hoạt động xuất cảng” có liên hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và quyền lợi của Hoa Kỳ. Gần đây hơn, hôm 15/12/2022, bộ Thương Mại Mỹ đang chuẩn bị đưa thêm hơn 30 công ty của Trung Quốc vào “sổ đen” để ngăn cản những con chim đầu đàn trong ngành công nghệ bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc tiếp cận với công nghệ sử dụng thiết bị của Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT