Hôn Nhân, Cuộc Sống

Cha mẹ mệt mỏi vì trẻ hay đeo bám

Friday, 21/12/2018 - 07:48:25

“Dù có bà ngoại, nhưng mình là người chăm bé từ nhỏ, nên Timmy bám mình lắm. Cưng thì cưng thật, nhưng cu cậu theo quá, nên chẳng làm ăn được gì cả. Nhiều lúc thật là bực mình,” Hương tâm sự.


Nhiều đứa trẻ có tính đeo bám, tìm kiếm sự an toàn, sự bảo vệ, và sự an ủi từ người chăm sóc gần gũi nhất với chúng. (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Hương Trần có một nhóm bạn cùng sở thích hay gặp nhau để chuyện trò sau giờ làm việc. Từ ngày lập gia đình và cu Timmy ra đời, Hương thường phải từ chối đi chơi cùng các bạn. Không phải do chồng “cấm,” mà là cậu con trai không chịu rời cô nửa bước.

“Dù có bà ngoại, nhưng mình là người chăm bé từ nhỏ, nên Timmy bám mình lắm. Cưng thì cưng thật, nhưng cu cậu theo quá, nên chẳng làm ăn được gì cả. Nhiều lúc thật là bực mình,” Hương tâm sự.
Mặc dù một vài trẻ có vẻ khá tự tin và tự lập từ nhỏ, nhiều đứa trẻ khác lại có tính đeo bám, tìm kiếm sự an toàn, sự bảo vệ, và sự an ủi từ người chăm sóc gần gũi nhất với chúng. Bám cha/mẹ là đặc điểm tự nhiên của các bé vì mẹ luôn là người gần gũi và chăm sóc bé nhiều nhất. Tuy nhiên, những lúc trong người khỏe và vui thì không sao, nhiều khi mệt mỏi trong người, công việc ở sở làm đi cùng về nhà, khiến không ít bà mẹ khó chịu với bé, khi bị bé bám chặt mà không cho làm việc gì.

Một trạng thái phát triển lành mạnh

Các nhà tâm lý học đưa ra nguyên nhân của sự đeo bám của trẻ, là vì càng lớn trẻ càng học hỏi và hiểu biết rằng chúng đang bị tách rời khỏi bạn, chúng sẽ có cảm giác cô đơn và không được bảo vệ. Trẻ bám lấy bạn là vì chúng muốn được an ủi, muốn luôn có một người nào đó bên cạnh trong thế giới rộng lớn và đáng sợ này.

Vì thế, các bậc cha mẹ cần chấp nhận tính đeo bám như là trạng thái phát triển lành mạnh của trẻ. Trẻ em phải trải qua giai đoạn này vào thời điểm cũng như theo mức độ khác nhau, nhưng đây là quá trình hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng. Không nên phản kháng, lo âu, hoặc trừng phạt con của bạn vì tính cách này; bạn sẽ chỉ khiến cho đứa trẻ yếu đuối cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi.

Tìm hiểu nguyên nhân

Tuy là một trạng thái phát triển bình thường của trẻ, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu nguyên nhân khiến con bạn thiếu tự tin đến nỗi phải luôn đeo bám cha mẹ như thế.

Bạn sẽ nhận thấy một vài hoàn cảnh nhất định khiến con của bạn lo lắng hoặc khó chịu. Bạn nên cố gắng xác định vấn đề khiến trẻ cư xử một cách lo âu. Qua đó, bạn có thể dự đoán chính xác thời điểm khi con của mình trở nên đeo bám nhiều nhất. Ví dụ, có phải trong một vài tình huống cụ thể nào đó khiến con của bạn căng thẳng cùng cực? Bé giao tiếp với những đứa trẻ khác như thế náo? Bé gặp khó khăn gì khi ở trường không? Bạn nên tìm hiểu xem liệu bạn có thể xác định nguyên nhân phổ biến, và trò chuyện với giáo viên hoặc người chăm sóc khác để xem liệu trẻ có thể quản lý tình huống này khi bạn không có mặt hay không.
Một vài phụ huynh chiều con, bảo vệ con mình quá mức, khiến chúng trở nên hụt hẫng khi thoát khỏi vòng tay che chở của cha mẹ. Bạn cần phải thư giãn đôi chút trước khi con của bạn có thể cảm thấy thoải mái trong việc khẳng định sự tự lập của mình.

Dạy con mạnh mẽ, tự lập

Bạn hãy cố gắng khuyến khích tính tự lập của trẻ bằng cách cho chúng biết chúng mạnh mẽ và dũng cảm như thế nào, và bằng cách khích lệ chúng thử qua điều mới mẻ. Miễn là trẻ được an toàn, bạn hãy cho phép chúng bước xa khỏi bạn đôi chút trong công viên hoặc thư viện và chơi đùa cùng mọi đứa trẻ khác.
Tuy nhiên, tình trạng đeo bám của trẻ có thể trở nên trầm trọng hơn nếu cha mẹ không biết nguyên nhân để giúp bé thoát khỏi tình trạng này.

Biết Timmy nhút nhát, gần đây, Hương hay đưa con ra công viên chơi, để con tập làm quen với các bạn. Dần dần, cậu bé bớt căng thẳng, chạy chơi với các bạn mà không cần có mẹ túc trực bên mình. Tuy nhiên, với Larry – một cô bé cũng hay bám mẹ là Linh, bạn của Hương, lại khác. Một lần Linh cho Larry ra công viên lúc có đông người, Lary một mực không chịu xuống, mà ngồi lỳ trên xe. Thấy vậy, Linh rất bực bội và bắt ép con. Tối hôm đó, Larry phát sốt, và từ đó không muốn ra công viên nữa. Cô đã la mắng Lary rất nhiều, nhưng sau đó khi tìm hiểu và biết nguyên nhân khiến Larry luôn bám lấy mẹ, là do Larry sợ nơi đông người. Từ đó, Linh chọn những lúc công viên vắng người để đưa con ra chơi.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng nếu sự đeo bám của trẻ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu con của bạn cảm thấy lo lắng tột độ và tình trạng này kéo dài hơn một vài tháng, và nếu nó đang can thiệp vào cuộc sống hằng ngày của trẻ hoặc khiến trẻ không thể đạt đến cột mốc phát triển bình thường, bạn nên nhờ bác sĩ khoa nhi tiến hành đánh giá. Có thể lũ trẻ nhà bạn đang gặp phải tình trạng lo âu xã hội hoặc rối loạn phát triển xã hội khác gây ảnh hưởng đến khả năng tự lập của chúng.

Đôi khi bạn cũng nên ít bảo thủ hơn đôi chút. Bạn nên cho phép trẻ có quyền tự do và tự lập mỗi khi phù hợp. Bạn cần phải vượt qua nỗi sợ của chính mình trước khi con của bạn có thể thực hiện điều tương tự.
Hãy cho phép trẻ dần dần thích nghi với sự tự lập, bằng cách cho trẻ chơi đùa một mình. Thay vì lên kế hoạch cho toàn bộ một ngày hoạt động của trẻ hoặc cố gắng tương tác với chúng thường xuyên, bạn nên để chúng được tự mình chơi đùa trong một khoảng thời gian ngắn. Lũ trẻ nhà bạn có thể thích xem sách, xếp hình, hoặc chơi búp bê. Nếu con của bạn đang trong độ tuổi tập đi, chúng có khả năng chơi một mình trong một vài phút, nhưng khi chúng 4 hoặc 5 tuổi, chúng sẽ dành nhiều hơn một giờ với trò chơi tưởng tượng.

Thêm tình yêu thương và sự quan tâm

Theo các nhà tâm lý học, trẻ em nhận được nhiều tình yêu thương dưới dạng tình cảm thể chất có xu hướng sở hữu sự gắn kết thân mật hơn với người chăm sóc của mình, và điều này sẽ hình thành cảm giác an toàn cũng như sự yên tâm cho chúng. Biện pháp này cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ, kỹ năng xã hội, và sự tự tin ở bản thân, đây là mọi yếu tố giúp con của bạn cảm thấy vững vàng hơn trong thế giới, và sẽ ít trở nên đeo bám bạn hơn trong tình huống lạ lẫm.

Trẻ em có tính bám mẹ/cha thường cảm thấy an toàn và tự lập hơn nếu chúng biết rõ rằng cha mẹ chúng luôn có mặt bên chúng. Bạn nên dành thời gian cho con của mình mỗi ngày, loại bỏ mọi tác nhân gây xao nhãng - không TV, không điện thoại, hoặc đồ điện tử khác. Lắng nghe trẻ, và tập trung vào trẻ 100%.
Cố gắng đi đến thư viện, công viên, hoặc chơi đùa tại sân sau nhà bạn. Hạ mình xuống mức độ của trẻ và chơi đùa cùng trẻ, tuân theo ý trẻ cũng như hướng dẫn của trẻ.

Mỗi khi trẻ chơi một mình hoặc bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, bạn nên dành cho trẻ nhiều lời khen và sự hào hứng. Điều này làm cho con bạn biết rõ rằng bạn nhìn nhận và cảm kích nỗ lực của chúng.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên hình thành thói quen khen ngợi quá nhiều, vì hành động này có thể gây phản tác dụng đối với đứa trẻ lo lắng và không chắc chắn. Ví dụ, bạn có thể khen ngợi sự can đảm hoặc sự sẵn sàng của các bé trong việc thử qua những hoạt động mới lạ, thay vì nhấn mạnh quá mức về kết quả cuối cùng. Bạn nên cho con của bạn biết rằng phải chấp nhận rủi ro để thực hiện một việc làm nào đó là điều đáng ngưỡng mộ.

Hãy kiên nhẫn với con của bạn trong giai đoạn này. Mọi đứa trẻ đều khác nhau. Tính đeo bám là giai đoạn bình thường, và nó sẽ biến mất theo thời gian riêng của trẻ.
(Theo Sharecare.com, Kellymom.com, Healthychiledren.org)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT