Đời Sống Việt

Buổi hòa nhạc ON LIFE/CUỘC ĐỜI: Những tiếng trống

Wednesday, 22/03/2017 - 07:43:52

Rồi, Hoàng Đế Quang Trung cũng nổi tiếng với tiếng trống ra trận và thắng trận mà đến bây giờ chúng ta còn nhắc đến. Tại Viện Bảo Tàng Quang Trung ở Quy Nhơn, vào ngày giờ nhất định người ta có trình diễn màn đánh trống này.

Bài ANVI HOÀNG

ON LIFE/CUỘC ĐỜI bắt đầu bằng những tiếng trống.
Trong lịch sử, tiếng trống có thể được xem như là biểu tượng cho tiếng nói của một cộng đồng. Trống là công cụ phổ biến từ đời xưa của con người và được dùng trong nghi lễ hoặc giao tiếp. Theo nghiên cứu của GS. TS. Keith W. Taylor trong cuốn sách về lịch sử Việt Nam của ông, A History of the Vietnamese, bộ tộc Âu và Lạc đi lại trên sông nước. Họ báo hiệu sự xuất hiện và ra đi của mình bằng tiếng trống. Ngồi trên thuyền, gần tới nơi hẹn gặp, họ đánh lên những tiếng trống báo hiệu. Đây là cái trống tượng trưng cho nền văn minh cổ đại của Việt Nam mà bây giờ, với bằng chứng khảo cổ, mình biết đến như là Trống Đồng Đông Sơn. Trống Đông Sơn được dùng để giao tiếp và trong nghi lễ, không phải là một nhạc cụ để biểu diễn trên sân khấu. Rồi, Hoàng Đế Quang Trung cũng nổi tiếng với tiếng trống ra trận và thắng trận mà đến bây giờ chúng ta còn nhắc đến. Tại Viện Bảo Tàng Quang Trung ở Quy Nhơn, vào ngày giờ nhất định người ta có trình diễn màn đánh trống này.

Tại sao ON LIFE/CUỘC ĐỜI lại bắt đầu bằng tiếng trống? Nhà sáng tác P.Q. Phan, cũng là Giám Đốc của Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật Và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt-VASCAM-cho biết: theo truyền thống xưa, một buổi hòa nhạc thính phòng hoặc giao hưởng là một sự kiện riêng tư dành cho giới quý tộc. Thời buổi ngày nay thì không như thế. Âm nhạc dành cho tất cả mọi người. VASCAM mong muốn đem lại giá trị phục vụ xã hội của âm nhạc bằng cách gắn kết buổi nhạc với cộng đồng và vì vậy bắt đầu bằng tiếng trống là rất thích hợp.

Trống dồn dập hai phút. Và câu chuyện ON LIFE/CUỘC ĐỜI bắt đầu. Trong tiếng nhạc nền của dàn nhạc VASCAM Ensemble, lời mở đầu như những vần thơ ngắn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, khẳng định vị trí của người Mỹ gốc Việt và niềm tự hào về bản thân mình và những thành tựu của mình trên mảnh đất họ đã từ lâu gọi là nhà. Niềm tự hào này dễ dàng được thấy và cảm nhận qua chính âm nhạc của chương trình ON LIFE/CUỘC ĐỜI, một chương trình đa dạng, bao gồm những bài hát nghệ thuật, nhạc giao hưởng, và nhạc opera. P.Q. Phan cho biết ông đã cẩn thận chọn lọc tác phẩm của hai nghệ sĩ gốc Việt là Cung Tiến và Tôn Thất Tiết và của chính mình. Tất cả âm nhạc trong chương trình đều được viết từ sau năm 1980 và tất cả đều phản ánh những tâm tư từ nặng nề khốn khổ cho đến nỗi hân hoan tran trề của những con người gốc Việt trong cuộc sống hiện đại.

Ba bài ca từ chuỗi ca khúc Songs of Solitude của P.Q. Phan là về thân phận con người. Theo ông, Solitude là cô đơn, một trạng thái thiết yếu mà người nào trong chúng ta cũng trải qua, bất kể tuổi tác, giới tính, văn hóa, dân tộc, thời đại... Songs of Solitude phản ánh sự mong nhớ, nỗi buồn, sự cô đơn. Nhưng đối với P.Q. Phan, cô đơn ở đây là một sức mạnh vì mình nắm được định mệnh của mình, và vì vậy âm nhạc phản ánh hy vọng, niềm tự do viên mãn, và niềm tự hào bản thân.

Bài Ca Tự Do và Vang Vang Trời Vào Xuân của Cung Tiến có phần khác so với những ca khúc cũ hơn của ông mà người Việt Nam trước nay vẫn quen thuộc và yêu thích. Cũng theo P.Q. Phan, tình cảm biểu đạt ở hai bài này mang tính đương đại và thích hợp hơn với tâm tình và môi trường sống tại Mỹ của Cung Tiến lúc đó. Chúng ít lãng mạn hơn mà có một phần đa cảm mang chất thực tế. Các bài hát này là nỗi nhớ nhung những kỷ niệm quá khứ ở Việt Nam. Cung Tiến như đã sáng tạo lại mình qua những bài này.

Trung Dzuong dành cho đàn piano solo của Tôn Thất Tiết, một nhà sáng tác nhạc người Pháp gốc Việt, được viết năm 1981 và dành tặng cho tất cả những người Việt Nam vượt biển, cho dù là sống sót hay không còn nữa. Đó là hành trình đầy gian khổ nhưng cũng đầy hy vọng. Do đó âm nhạc phản ánh không chỉ nỗi đau khổ và kinh hoàng mà cao hơn nữa là niềm hy vọng và lòng dũng cảm của con người.

Cò Lả, bài Violin Concertino mới sáng tác năm 2017 của P.Q. Phan cho đàn violin với dàn nhạc, được viết tặng cho Nguyễn Bảo Thi, một thần đồng âm nhạc người Mỹ gốc Việt, nhằm phô trương tài năng của anh. Bản nhạc chiết suất linh hồn từ câu ca Quan Họ quen thuộc của Việt Nam Cò Lả: “Con cò cò bay lả lả bay la. Bay qua ruộng lúa bay vào đồng xanh. Tình tính tang tang tính tình.” Âm nhạc có lúc réo rắt có lúc chập chùng như đôi cánh cò vẫy đập trên không. P.Q. Phan cho biết ông chọn điệu Quan Họ vì lúc nhỏ ông rất thích giai điệu này.

Như mọi người đã biết, Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) được trình diễn mở màn tại trường nhạc Indiana University - Jacobs School of Music vào năm 2014. Lúc đó, hơn 200 người Mỹ gốc Việt khắp nơi, cộng với một người Việt Nam từ trong nước, đã tham dự các buổi diễn trong thời tiết giá lạnh tháng 2 ở thành phố Bloomington. Từ đó, nhiều người Mỹ gốc Việt ở cộng đồng miền Nam California đã mong chờ sự xuất hiện của Lady Thị Kính ở đây, vì họ yêu quý vở opera này. Buổi nhạc ON LIFE/CUỘC ĐỜI tại Musco vào ngày 26 tháng 3 sẽ phần nào thỏa mãn mong ước của họ.

Câu Chuyện Bà Thị Kính là câu chuyện về quá trình thăng hoa của một người đàn bà để trở thành Phật trong lòng quần chúng. Đó là một thông điệp về tình yêu nhân loại, lòng độ lượng và sự hy sinh không giới hạn.
Câu Chuyện Bà Thị Kính nguyên thủy được P.Q. Phan viết cho dàn nhạc 60 người, dàn hợp ca 40 người, 14 vai diễn. Các trích đoạn của Câu Chuyện Bà Thị Kính khi được dựng lại trong buổi nhạc ON LIFE/CUỘC ĐỜI, do kinh phí hạn hẹp của VASCAM--một tổ chức không lợi nhuận mới hơn một tuổi-phần nhạc được P.Q. Phan viết lại cho dàn nhạc nhỏ gồm flute, clarinet, one percussion player tức một người đánh trống, đàn harp, 4 đàn dây (2 violin, viola, cello). P.Q. Phan cho biết dàn nhạc nhỏ này vẫn giữ được màu sắc nguyên thủy của vở opera nhưng một vài chi tiết âm nhạc đặc trưng của ông sẽ mất. Tuy nhiên, phần nhạc cho các vai Thị Kính, Thiện Sĩ, Thị Mầu, bạn của Thị Mầu, Nô, và Tiểu Kính Tâm đều giữ được nét đẹp ban đầu. Tổng cộng, chương trình ON LIFE/CUỘC ĐỜI có sự tham gia của 38 nghệ sĩ chuyên nghiệp: 7 soloists, dàn nhạc 8 người cộng thêm nhạc trưởng, Ban Ngàn Khơi 17 người, 2 họa sĩ, 3 nhà sáng tác nhạc.

Trả lời câu hỏi của báo Viễn Đông: Sự hứng thú mà chương trình ON LIFE/CUỘC ĐỜI sẽ đem lại cho khán giả là gì, P.Q. Phan đã nói: “Một kinh nghiệm đáng tự hào! Đúng thế, đặc điểm chính của buổi hòa nhạc này là: những tình cảm và biểu hiện sâu sắc mà khán giả sẽ cảm nhận trong buổi nhạc được truyền đạt bởi những nhà sáng tác nhạc. Bởi vì họ chính là người đã sống và có trải nghiệm trực tiếp những gì họ diễn đạt trong buổi nhạc, chứ không phải học hỏi những điều đó như một nhà nghiên cứu đứng ở bên ngoài.

Khán giả sẽ có cơ hội hiểu được làm sao chất liệu của âm nhạc truyền thống và câu chuyện có thể hòa quyện trong một loại hình âm nhạc sâu sắc như thế, và chúng được được diễn giải qua một giọng nói đương đại toàn cầu ra sao. Âm nhạc sẽ hút hồn khán giả vì tính mỹ thuật sâu đậm chứ không phải như một điều kỳ lạ (exorticism).”

Hai phút trống và những vần thơ, Songs of Solitude, Bài Ca Tự Do và Vang Vang Trời Vào Xuân, Trung Dzuong, Cò Lả, Câu Chuyện Bà Thị Kính. Thẩm mỹ Việt Nam sâu đậm là vậy. Từ tiếng trống kết nối cộng đồng. Sự cô đơn của một con người đầy tự hào và hân hoan. Cái đa cảm mang chất thực tế của cuộc sống nơi xa lạ. Nỗi đau và niềm hy vọng của một con người khao khát tự do. Một điệu hò của tuổi thơ trong ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Con đường thăng hoa của một người đàn bà Việt Nam thế kỷ 10. Tất cả đều là những nét đẹp ẩn sâu trong một văn hóa, trong một con người. Hãy tìm để thấy. Hãy đến khám phá ON LIFE/CUỘC ĐỜI.

Buổi hòa nhạc On Life/Cuộc Đời
Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017, 4:00 giờ chiều
MUSCO CENTER FOR THE ARTS - ORANGE, CA 92866
Giá vé: $75, $60, $45, $30
Có thể mua vé trên mạng tại: http://muscocenter.org/event/on-life/ 
Hoặc NS Tú Quỳnh và báo Viễn Đông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT