Hôn Nhân, Cuộc Sống

Bị bắt nạt thời @

Friday, 01/02/2019 - 09:00:13

Caleb, 16 tuổi, đã từng phải tự “chiến đấu” khi bị bắt nạt ở trường trong một khoảng thời gian dài. Khi đoán được chuyện gì đó đã xảy ra với con mình, cha mẹ em hỏi, “Chuyện gì đang diễn ra vậy? Cha mẹ có thể giúp được gì cho con?”


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Kelly về nhà từ trường. Lẳng lặng vào phòng, không nói không rằng với mẹ một câu. Ai hỏi, em cũng không nói. Cho đến một ngày, gia đình em nhận được phone của cô giáo, than phiền về học lực của Kelly giảm sút hẳn. Đến lúc này, cả nhà mới tá hỏa.

Bị tra tấn tinh thần

Tối hôm trước khi mẹ em đi gặp cô giáo, Kelly nói với mẹ, “Mẹ, ai cũng ghét con, phải không?” Mẹ em rất ngạc nhiên, hỏi vì sao. Kelly tâm sự, “Gần đây, cứ mỗi lần con đến mở tủ đựng đồ vật ở trường là có ai đó giựt tóc, kéo tay con. Khi quay lại con không thấy ai hết, nhưng ngay sau đó trong phone của con có tin nhắn Là tao đó. Rồi con cũng nhận được nhiều tin nhắn lạ, những tin nhắn khiến con hoảng loạn, đại loại như Mày là kẻ thua cuộc, Đồ độc ác, Mày đáng bị trừng phạt, không còn ai thương mày nữa. Trên trang Facebook của con cũng nhận được những lời đe dọa. Con sợ lắm mẹ ơi.”

Con trẻ bị bắt nạt thời hiện tại không còn giống như cách đây 20 năm. Thậm chí, kiểu bắt nạt bây giờ cũng khác xa cách đây 5 năm, có nghĩa trẻ con không bị bắt nạt về thể chất như đánh, cấu, véo,... mà là bị bắt nạt về tinh thần, bị tra tấn thần kinh.

Thời hiện tại, khi chuông reo tan giờ học, trẻ em rời khỏi trường, nhưng chúng lại có một môi trường mới khác, bằng cánh cửa đi vào một thế giới ngay trong túi áo của chúng. Một thế giới ảo trên các thiết bị điện tử hiện đại như smart phone, iPad,...

Năm 2018, Pew Research phát hành một báo cáo có tiêu đề "Teens, Social Media & Technology" (Vị thành niên, Mạng Truyền thông xã hội, Công nghệ). Theo đó, ngày nay, có tới 95% thanh thiếu niên có thể truy cập vào các trang mạng online. Tuy nhiên, chỉ có 31% trong số họ cảm thấy rằng phương tiện truyền thông xã hội có ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của họ. Số đông còn lại cho rằng chính mạng truyền thông xã hội gây tác động tiêu cực, đây cũng là phương tiện mà các em bị bắt nạt, hoặc bị rao rêu những tin đồn không tốt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Đừng hoảng sợ

Trên thực tế, có không ít trường hợp trẻ bị bắt nạt, và tâm sự với bố mẹ, thì chính họ lại bị hoảng sợ thay vì các em, hoặc thậm chí có trẻ kể lại rằng, “Tôi đã nói với bố mẹ, nhưng họ chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mà thôi.”

Vậy, các bậc phụ huynh có thể làm gì để giúp các trẻ em tuổi thanh thiếu niên (teenager) khi chúng bị bắt nạt không? Câu trả lời là có.

Thật khó để không rơi vào hoảng sợ khi bạn nghe con kể về những gì hết sức khủng khiếp mà con phải chịu đựng, bởi với lứa tuổi của các em, tuổi vị thanh niên, dưới cặp mắt của cha mẹ là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới.” Tuy nhiên, lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh, là khi nghe con bạn tiết lộ những gì đã xảy ra, hãy hít thở sâu và đừng hoảng sợ.

Khi con bạn bị bắt nạt, chúng không cần người bảo vệ luôn đi kè kè theo chúng, bởi điều này bất khả thi. Thay vào đó, các em sẽ cần một người sẵn sàng để ý những gì chúng đang trải qua, lắng nghe, và cho chúng những lời khuyên.

Là cha mẹ, bạn cần phải là người như thế: bình tĩnh và lắng nghe. Bạn cũng cần tránh các phản ứng bằng cách dùng những lời nói như “Thôi, mặc kệ chúng, con ạ,” hoặc hỏi ngược “Con đã làm gì để chúng gây sự với con như vậy?” Thay vào đó, hãy khởi đầu bằng sự đồng cảm. Điều đó có nghĩa là tạo ra một không khí trò chuyện thoải mái nhất để con trẻ cảm thấy trải lòng với bạn.

Khi nghe con tâm sự, bạn có thể nói,“Con à, hiện tại cha/mẹ chưa biết phải giải quyết chuyện này ra sao, nhưng cha/mẹ rất vui vì con đã chia sẻ. Cha/mẹ hiểu cảm giác của con lúc này, nhưng con không cô đơn, bởi vì cha/mẹ sẽ cùng con giải quyết tận gốc để không còn những chuyện như vậy xảy ra với con nữa. Cám ơn những lời tâm sự của con."

Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi và tự tin

Bị bắt nạt thường dẫn đến sự cô lập, làm tổn thương các kỹ năng xã hội của người trẻ tuổi. Và một khi các kỹ năng xã hội gặp vấn đề, chúng sẽ lâm vào thế bị cô lập. Đó là cái vòng lẩn quẩn.

Đứa trẻ nào cũng có tài năng riêng, hoặc có thể làm việc gì đó giúp ích cho người khác. Bạn hãy tận dụng hết những lợi thế, tài năng, kỹ năng, khả năng của con để giúp chúng vượt qua nỗi sợ hãi và tìm lại sự tự tin trong cuộc sống.

Kelly có tài hội họa. Em vẽ rất đẹp và từng được giải thưởng ở trường. Sau lần bị “tra tấn thần kinh” bằng những lời lẽ thâm độc, chế diễu, đe dọa trên phone, Facebook, cha mẹ đã đồng hành cùng em, khiến em không còn sợ hãi nữa. Ngoài giờ học, em bắt đầu vẽ lại và gửi tranh bán. Bức tranh của em được mua ngay sau đó. Số tiền bán tranh, em đóng góp cho hội từ thiện giúp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Kelly cảm thấy tự tin hẳn lên bởi bằng chính tài năng của mình, em đã làm được một việc hữu ích. Điều này giúp em vượt qua được sự sợ hãi khi bị bắt nạt.

Caleb, 16 tuổi, đã từng phải tự “chiến đấu” khi bị bắt nạt ở trường trong một khoảng thời gian dài. Khi đoán được chuyện gì đó đã xảy ra với con mình, cha mẹ em hỏi, “Chuyện gì đang diễn ra vậy? Cha mẹ có thể giúp được gì cho con?”

Lúc đầu, câu trả lời của Caleb là, “Con tự làm được, không ai có thể giúp gì cho con đâu.” Nhưng cha mẹ em tiếp tục gợi hỏi, lắng nghe và cuối cùng phát hiện em đang bị các bạn trong lớp thường dùng những lời lẽ nhẫn tâm để trêu chọc em. Không chỉ một bạn, mà nhiều bạn hè nhau gửi tin nhắn vào cell phone, và trên các trang cá nhân của em. Việc này lập đi lập lại khiến tinh thần của em đôi lúc bị hoảng loạn. Đến lúc không chịu nổi, em đã cầu xin cha mẹ, “Làm ơn đừng bắt con đến trường ấy nữa.”
Một tuần sau, cha mẹ ghi danh cho Caleb ở một trường khác với một nhóm bạn bè cùng nhà thờ. Và ở đây, Caleb không còn bị bắt nạt nữa. Trong trường hợp này, tình bạn là yếu tố rất quan trọng. Tình bạn là một pháo đài bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt.
Trong thời hiện đại, đặc biệt trên đất nước mà trẻ em là số 1, việc trẻ bị bắt nạt bằng thể chất để lại dấu vết trên thân thể là khó xảy ra; nhưng trẻ bị bắt nạt, chế diễu trên các mạng xã hội sẽ tác động và ảnh hưởng rộng hơn, mạnh hơn. Chính vì thế, ngoài nhà trường, chính cha mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi khi bị bắt nạt, để được hưởng những tháng ngày tươi đẹp, ngây thơ trong sáng của lứa tuổi học trò.
(Theo Focusonthefamily.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT