Hôm Nay Ăn Gì

Bánh chuối chiên mùa đông

Sunday, 30/10/2022 - 08:52:19

Đi học về, ngang qua một cái quán nằm bên đường, cảnh heo hút, đìu hiu, tự dưng mùi bánh chuối chiên dậy lên thơm phức, làm sao mà chịu nổi với cái bụng đói đang cồn cào.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

 

Đàn ông con trai mà nhắc kỉ niệm bánh chuối chiên thì hơi nhột, ấy vậy nhưng tôi lại có kỉ niệm quá đậm đà với bánh chuối chiên. Bởi cái thời tôi sinh ra, lớn lên cũng là thời đất nước nghèo đau đớn, nghèo vĩ đại, cái nghèo sống mãi trong sự nghiệp của những đứa trẻ con nhà nghèo như tôi. Và giữa cái nghèo ấy, mùi vị bánh chuối chiên như một thức cứu rỗi của những người mẹ, người chị khéo tay, mà cũng là thức cứu rỗi cho tâm hồn rất dễ tổn thương của thế hệ chúng tôi. Thật đấy, tôi không đùa đâu! Bánh chuối chiên mùa đông, chỉ nhắc qua thôi đã có gì đó rưng rưng, khó tả!

 

Tôi học cấp tiểu học tại một ngôi trường làng khác xã, bởi hồi đó mẹ tôi đi dạy trường này, chở tôi theo đi học luôn một thể. Thực ra, ban đầu tôi được học trường làng gần nhà, thế nhưng cô giáo mầm non lại có thú vui hết sức bệnh hoạn, cô Thắng, tôi nhớ tên cô là vậy, cô chắc cũng không học hành gì nhiều, nhưng nhà có công cách mạng, anh trai của cô là ông Chiến tập kết ngoài Bắc về, quyền lực đầy mình, cô thì đi dạy. Cứ mỗi khi kể chuyện, cô bảo tôi lên đứng trên bục giảng, kể chuyện cha mẹ tôi đã gây nhau ra sao, cha tôi nói gì, mẹ tôi nói gì. Ban đầu tôi không kể, nhưng cô quát tháo, trợn mắt, bắt tôi phải kể, vậy là tôi kể.

 

Mẹ tôi biết chuyện, bà rất giận nhưng cố gắng không tỏ ra khó chịu trước tôi, bà cho tôi vào học mầm non gần trường của bà, trường được dạy bên cạnh một ngôi chùa, cô giáo tôi tên Thủy, tôi nhớ là cô rất đẹp, hiền hậu và nói nhẹ nhàng, từ tốn. Có lẽ, sau biến cố cô Thắng, cô Thủy xuất hiện trong đời tôi như một cô tiên, hay như một bồ tát chẳng hạn, cô khiến tôi ưa đến lớp và thấy các bạn thân thiện, dễ thương, gần gũi… Cũng xin nói thêm, trường mẫu giáo tôi học nằm trong khuôn viên một ngôi chùa cổ, chùa này trước đây nằm bên cạnh dinh trấn Thanh Chiêm, chùa do chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập nên. Trước chùa là khúc sông Chợ Củi, một nhánh sông đã chết, bèo tím chất ngập dòng. Gần chỗ tôi học có nhà thờ Phước Kiều, nơi trước đây ngài Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đều từng tu và truyền giáo, những người đặt nền móng cho tiếng Việt bây giờ.

 

Có thể nói suốt quá trình học mẫu giáo, sau đó sang trường bên cạnh vốn là nền cũ của Dinh trấn Thanh Chiêm thời Chúa Nguyễn, nơi có cây gáo rất dữ, tụi học trò chúng tôi ít đứa nào dám bén mảng. Cây gáo có vị chát, ngọt, trái già gần chín ăn rất ngon cho những đứa học trò nghèo, bụng xệp meo thời đó, nên thi thoảng cũng có đứa liều hái bằng cách ném đá, chứ chẳng đứa nào dám trèo, phần vì cây quá cao, quá lớn, đường kính lên đến hơn ba mét, phần khác dưới nền đất gốc cây gáo là một hố chôn tập thể. Có anh học trò lớn hơn tôi bốn lớp, học lớp năm (thời đó học lớp năm có khi đã 15, 16 tuổi, học sinh hai chế độ mà!), trong giờ lao động, anh xúc đất dưới gốc gáo để đắp khu nhà vệ sinh, xúc một hồi, cái lưỡi xẻng nằm mắc kẹt dưới đất, rút kiểu gì cũng không lên, cả đám xúm lại đào lấy lưỡi xẻng thì phát hiện một cái hộp sọ nằm dưới lưỡi xẻng, đã bị lưỡi xẻng cắm phậm vào gần đứt đôi. Cả bọn nhao nhao hoảng sợ, hãi hùng. Các thầy cô mang nhang ra thắp và cho đắp toàn bộ đất đã gánh đi lên lại chỗ cũ, từ đó ông bảo vệ trường thường xuyên thắp nhang dưới gốc gáo.

 

Phải nói thời tuổi thơ đi học trường làng, cho dù là làng bên hay làng của mình thì cái cảm thức trường làng thật khó phai và đôi khi hãi hùng vì những chuyện tưởng chừng trong truyện. Nhưng cũng vì cái tuổi thơ dữ dội ấy mà bất kì chuyện gì, bất kì hình ảnh hay mùi vị nào đi qua cũng để lại dấu ấn khó phai. Bánh chuối chiên và bánh đậu đen chiên của quán bà Đồng trước trường đã khảm vào trí nhớ của tôi là vậy. Cái cảnh mùa đông nơi quê nghèo, cứ chừng tháng Tư, tháng Năm thì bà mua một ít cá nục về hấp, phơi khô, để dành mùa đông mang ra nướng mà ăn với cơm độn, đó là tiêu chuẩn nhà khá giả, chứ  nhà nghèo thì cơm độn với mắm nêm là quí lắm rồi. Bởi nghèo nên bất kì mùi thức ăn nào cũng gây đói bụng cồn cào. Cứ tưởng tượng gần ba tháng trời mùa đông, chủ yếu cơm khoai lang khô độn hoặc khoai mì lát khô độn, hiếm hoi lắm mới thấy hạt cơm, đọt rau lang luộc và cá nục khô chiên mặn, cứ như vậy mà sáng, trưa, chiều, khi nào bụng đói cồn cào thì ngồi vào bữa ăn, không có bữa nào thừa chút gì trên bàn, đói mà!

 

Trong cái cảnh như vậy mà một buổi trưa hay buổi chiều trời mưa, đi học về, ngang qua một cái quán nằm bên đường, cảnh heo hút, đìu hiu, tự dưng mùi bánh chuối chiên dậy lên thơm phức, làm sao mà chịu nổi với cái bụng đói đang cồn cào. Nhưng cũng chịu thôi, mẹ lặng lẽ chở tôi về, cho đến cuối tháng, lĩnh lương, mẹ mua cho một cái bánh chuối chiên, vậy là cả thiên đường!

 

Mặc dù nhiều loại chuối chiên được nhưng có lẽ vị bánh chuối chiên ngon nhất phải kể đến bánh chiên chuối mốc. Chỉ cần vài trái chuối mốc chín, một ít bột mì. Cho bột mì vào tô, thêm ít nước cho bột sền sệt. Chuối mốc lột vỏ, chẻ thành đôi hoặc ba, tư tùy theo kích thước của trái chuối. Sau đó cho chuối vào tô bột mì, lăn cho bột bám quanh miếng chuối rồi thả vào nồi dầu đang sôi. Chỉ cần chiên một lúc là bánh chuối đã chín, vàng, thơm, giòn rụm bên ngoài mà mềm ngọt bên trong.

 

Một cái bánh chuối chiên có lẽ cũng chẳng có gì phức tạp lắm trong cách làm, bởi thời bây giờ, quý vị có thể mua những gói bột trộn sẵn, pha lẫn giữa nhiều loại bột để bánh chuối chiên thơm hơn, giòn hơn. Hoặc đơn giản, bữa nào có cảm hứng, quý vị chỉ cần chuẩn bị ít bột mì và vài trái chuối là đã có món bánh chuối chiên ngon lành!

 

Chúc quý vị có những ngày vui bên gia đình với những món ăn mang hương vị tuổi thơ!

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT