Hôn Nhân, Cuộc Sống

Một trẻ, hai nhà

Friday, 15/03/2019 - 11:20:44

Đối với Josh, em có thể chia sẻ mọi thứ cho người anh em khác cha, khác mẹ của mình, nhưng thứ gì của em phải là của em. Khi đồ đạc của em bị người khác lấy ra dùng, em cảm giác như bị xâm phạm quyền tự do cá nhân.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Cuối cùng thì Eric cũng đã tìm được cuộc sống thoải mái, tư do khi bước chân vào trường đại học, cho dù đó chỉ là một căn phòng nhỏ trong ký túc xá. Gia đình của Eric khá phức tạp: cha mẹ ly dị khi Eric mới 10 tuổi, cha lấy vợ khác, mẹ đi thêm bước nữa. Vì cha mẹ của Eric chia sẻ quyền nuôi dưỡng, nên họ chia nhau thời gian để chăm sóc cho Eric. Em ở với gia đình cha ngày thường, và được mẹ đưa về vào những ngày cuối tuần. Cuộc sống của Eric bắt đầu thay đổi từ khi có tới hai gia đình mới, sống ở hai ngôi nhà khác nhau.

Gia đình pha trộn

Sau khi ly dị, cha mẹ của Eric đều lập gia đình mới. Người mẹ kế và người cha kế của Eric đều có con riêng, và sau đó có con chung với cha mẹ đẻ của Eric. Eric sống với hai gia đình pha trộn: gia đình của cha, gia đình của mẹ, hai nhóm anh chị em khác nhau. Mỗi gia đình lại có một nguyên tắc, cách cư xử khác nhau, thói quen, tính tình khác nhau. Một mình Eric phải cố gắng đáp ứng với những thay đổi của hai gia đình, em cảm thấy rất căng thẳng, nhưng không có cách nào khác là phải chịu đựng những khác nhau đó suốt nhiều năm của thời thơ ấu.

Josh, một cậu bé khác cũng có cha mẹ Josh ly dị. Em sống cùng người cha theo phán quyết của tòa án. Sau đó người cha “đi thêm bước nữa” với một người đàn bà đã có con riêng cùng tuổi và học cùng trường với Josh. Kỳ trại hè năm ngoái, Josh được cha đưa đến trường để cùng đi chung với bạn bè. Sau đó khoảng 30 phút, người mẹ kế mới đưa đứa con riêng của bà ấy đến. Vừa thấy người em đó, Josh òa lên khóc nức nở.
“Em ấy đã mặc chiếc áo sơ mi mà cha tặng cho con trong ngày sinh nhật,” Josh nói trong nước mắt. “Sao bà ấy lại có thể để cho em mặc chiếc áo đó của con chứ!”

Đối với Josh, em có thể chia sẻ mọi thứ cho người anh em khác cha, khác mẹ của mình, nhưng thứ gì của em phải là của em. Khi đồ đạc của em bị người khác lấy ra dùng, em cảm giác như bị xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Trẻ em không muốn xáo trộn nhiều. Không gian của chúng, phải là của chúng. Bất cứ mọi dịch chuyển hoặc thay đổi đều khiến chúng cảm thấy mất an toàn vì như có ai đó đang theo dõi, đụng chạm đến cuộc sống riêng tư. Tiếc thay, nếu sống trong gia đình phức tạp, pha trộn nhiều, trẻ em sẽ khó cân bằng được tâm sinh lý.

Ảnh hưởng tâm lý

Tâm lý con trẻ khi cha mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào và những điều cần biết chính là câu hỏi lớn đang đặt ra ở nhiều cặp vợ chồng khi không biết liệu rằng một khi cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, dẫn tới việc “đường ai nấy đi” sẽ tác động tới các bé như thế nào, nhất là khi chúng đang ở độ tuổi phát triển, khôn lớn, mọi vấn đề phát sinh trong đời sống hằng ngày đều có một sức ảnh hưởng nhất định.
Khi cha mẹ không còn giải pháp nào khác ngoài việc ly dị, ắt hẳn không ai muốn con cái mình sẽ đi theo “vết xe đổ” này. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của chuyên khoa Gia Đình & Người Tiêu Dùng thuộc Đại Học Utah (Hoa Kỳ), những cặp vợ chồng trong đó cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ trước đây đã từng ly dị thì khả năng “lịch sử ly hôn” lặp lại là rất cao, lên đến gấp hai lần. Tỷ lệ này sẽ tăng lên ba lần nếu cả hai vợ chồng đều là con của những gia đình ly dị trước đây.

Nhiều nhất trong số những thay đổi bất thường của trẻ có cha mẹ ly dị, đó là sự thay đổi tính khí, trẻ trở nên hung hăng hơn. Không phải ngẫu nhiên khi sự phát triển tâm sinh lý của bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều cần sự giáo dục mang tính cương nhu tuỳ lúc của cha mẹ (mỗi người giữ một vai trò nghiêm khắc và dỗ dành nhất định). Với những gia đình chỉ còn một cha hoặc một mẹ thì sự kiểm soát, uốn nắn này sẽ trở nên khó khăn hơn. Từ đó dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con cái. Hệ quả dễ thấy là có những bé trở nên hung hăng, hiếu chiến trong khi những trẻ khác có thể rụt rè và tự ti trước cuộc sống.

Cảm giác mất mát, bị ruồng bỏ: Khi cha mẹ ly dị, đứa trẻ buộc phải sống với một trong hai người. Dù ở vào lứa tuổi nào, đứa con cũng sẽ có cảm giác mất mát và thiếu thốn về mặt chăm sóc tinh thần. Tệ hơn, bé có thể cảm thấy bị ruồng bỏ nếu người cha hoặc mẹ còn lại không thường xuyên ghé thăm, hỏi han. Trẻ phải sống với cả hai bên “gia đình cha” và “gia đình mẹ”cũng không kém khổ tâm vì thường phải cam chịu cảnh cô đơn, chịu lụy, và rất hay tủi thân khi thấy cha mình chăm sóc cho người đàn bà khác không phải là mẹ của mình, và một đứa trẻ khác không do mẹ mình sanh ra.

Ảnh hưởng tới việc học hành: Theo thống kê của Hội Nghiên Cứu Trẻ Em Quốc Gia của Mỹ (National Survey of Children) đối với trẻ trong các gia đình ly dị, trung bình 15% trẻ bị ức hiếp ở trường; 13% bé sẽ bỏ học giữa chừng và có đến 60% các trẻ sẽ học hành sa sút so với khả năng học vấn của cha mẹ chúng.
Với nhiều gia đình, sự kiện ly dị có thể kéo theo việc con trẻ phải chuyển chỗ ở hoặc nơi học hành. Nếu bé may mắn không phải chuyển trường và làm quen lại thầy cô, bạn bè mới thì những trêu ghẹo vô ý từ bạn cùng lứa về tình trạng “thiếu cha” hoặc “vắng mẹ” có thể làm trẻ sợ đến trường. Ngoài ra, những môn học cần tham vấn ý kiến từ cha hoặc mẹ như trước đây cũng bị gián đoạn càng làm cho tình hình học hành của con trẻ thêm phần nghiêm trọng.

Giảm thiểu tổn thương cho trẻ

Quả thực, trước quyết định của người lớn, trẻ em cũng chịu những tổn thất tinh thần nhất định.
Để giảm thiểu sự tổn thương này cho con, các bậc phụ huynh vì lý do nào đó phải ly hôn người chồng/vợ của mình, cần hiểu tâm lý để giảm thiểu mọi tổn thương cho con trẻ.
- Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng nói cho con biết rõ tình trạng chia xa của cha mẹ.
- Hỏi ý kiến của con muốn sống với ai và tuyệt đối tôn trọng quyết định ấy.
- Người không trực tiếp nuôi dưỡng con nên thường xuyên ghé thăm và chu cấp đầy đủ.
- Nếu có trách nhiệm chia sẻ quyền nuôi con, người cha/mẹ nên tạo bầu không khí chan hòa trong gia đình, công bằng với tất cả những đứa con, không phân biệt “con anh, con tôi, con chúng ta”.
Hôn nhân là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của một đời người. Trong đó, con cái chính là một trong những điều quan trọng nhất của cả cuộc đời cha mẹ. Vì thế, trước khi đi đến một quyết định liên quan đến cuộc hôn nhân, hãy suy nghĩ đến con trẻ trước tiên, và đừng để trẻ phải chịu nhiều tổn thương về tâm lý khi một mình em phải sống và chịu đựng ở hai gia đình, hai ngôi nhà khác nhau.
(Theo Focusonthefamily.com, và nguồn tổng hợp)

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT