Lai Rai Chuyện Đời

Đức Phật quan niệm về cái chết, và sư Minh Tuệ cũng cùng quan niệm trên đường tu tập về đất Phật

Tuesday, 07/01/2025 - 06:19:54

Sư Thích Minh Tuệ đang trên đường tu tập theo 13 hạnh đầu đà của Đức Phật, nhân chuyện này ta hãy tìm hiểu quan niệm về cái chết của Đức Phật

Buddha
Ảnh minh họa (Photo by Alexandre Chambon on Unsplash)

(Đề thi môn Triết kỳ thi tú tài cuối lớp 12 vào năm 1973 là: “Triết gia Henri Bergson có nói: “Triết học và tôn giáo cố gắng trả lời những câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sống để làm gì? Chúng ta sẽ đi về đâu?” Anh (chị) hãy cho biết triết học và tôn giáo trả lời những câu hỏi này khác nhau ra sao?” Những câu hỏi khá giống những câu Đức Phật hỏi cô con gái của người thợ dệt ở Alavi)

Đức Phật đã gọi cái chết là “người thầy vĩ đại nhất” và “bệnh tật là biểu hiện rõ rệt nhất của vô thường”. Nhìn thấy sự mong manh, phù du của kiếp người sẽ gieo vào lòng mỗi người nỗi thương xót vô hạn đối với chúng sinh còn cố bám víu vào cuộc sống ở trần gian này như thể nó sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Nhưng điều quan trọng hơn hết là ý thức về cái chết sẽ giúp cho chúng ta ý thức được sự quý báu của từng phút giây còn sống ở trần gian này.

Ở Sāvatthī (Xá-vệ), vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của xứ Kosala (Câu-xá-lợi) đã nói với Đức Phật: “Thưa Thế Tôn, có ai sinh ra mà không già và chết?”

Đức Phật trả lời: “Này đại vương, không có ai sinh ra mà không già và chết. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp chiến sĩ [khattiya] giàu có, có nhiều tài sản, có nhiều bạc và vàng, có nhiều kho báu và hàng hóa, có nhiều của cải và lúa gạo - bởi họ đã sinh ra nên họ không tránh được già và chết. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp bà-la-môn giàu có, những gia chủ giàu có, có nhiều của cải và lúa gạo - bởi họ đã sinh ra nên họ không tránh được già và chết. Ngay cả những người là bậc A-la-hán, người đã tiêu diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời sống tâm linh, đã làm xong những gì cần phải làm, đã đặt xuống gánh nặng, đã đạt tới mục tiêu của họ, đã tiêu diệt mọi gông cùm trói buộc sự hiện hữu và đã hoàn toàn được giải thoát bằng sự hiểu biết (tri kiến) cuối cùng, ngay cả đối với họ, thân này cũng tan rã, cũng bị tàn hoại.

“Những xe ngựa đẹp của vua chúa rồi cũng hư hao,
Thân này cũng đang hư hoại đi.
Nhưng Giáo pháp thiện lành thì không hư tàn:
Bậc thiện nhân tuyên bố về điều lành như vậy.”

Khi đến vùng Alavi thuyết pháp, Đức Phật đã dạy quán niệm về cái chết: “Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: “Đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, điều cố định là cái chết”. Ai không quán niệm về sự chết sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến và sẽ chết trong nỗi sợ hãi, kinh hoàng như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rẩy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gậy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết”.

Có một cô gái con một người thợ dệt mới 16 tuổi sau khi nghe Phật thuyết pháp xong đã về nhà thực hành quán niệm này suốt ngày đêm. 3 năm sau, Đức Phật thấy nhân duyên của cô sẽ được độ vào dòng thánh nên đã cùng với 500 vị Tỳ-kheo đi đến vùng Ãlavi để độ cho cô. Dân chúng vùng này rất vui mừng khi nghe tin Đức Phật đến, cùng nhau đến lễ Phật, cúng dường rồi nghe giảng pháp. Cô gái ấy cũng rất vui mừng, nhưng cô phải đi đến xưởng dệt trước khi gặp Đức Phật nghe pháp.

Người cha dặn cô là vẫn còn thiếu một mảnh vải nữa, cần phải dệt xong trong ngày nên cô phải quấn chỉ vào thoi cho đầy rồi mang đến gấp cho cha. Cô vâng lời ngồi vào đánh sợi để đem đến cho cha nên không thể nghe pháp.

Hôm đó, theo thông lệ khi thọ trai xong, Đức Phật sẽ thuyết giảng một bài pháp ngắn cho đại chúng nghe. Nhưng thọ trai xong, Đức Phật vẫn ngồi im lặng không nói, cả đại chúng không biết hôm nay có chuyện gì mà không dám hỏi. Mục đích của Đức Phật khi đến vùng này là để độ cho cô gái ấy mà giờ lại không thấy cô trên pháp hội nên ngài đợi.

Bấy giờ, cô đã đánh xong chỉ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi ngang qua tịnh xá, cô đứng lại bên ngoài, nhìn vào chỗ Đức Phật đang ngồi. Đức Phật nhìn thấy cô và cô ngầm hiểu ý là Phật muốn gọi cô vào. Cô liền vào, đến gần nơi Đức Phật ngồi, cung kính đảnh lễ rồi ngồi xuống. Đức Phật hỏi cô:

– Con từ đâu đến?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Phật hỏi:
– Vậy con sẽ đi đâu?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Phật bảo:
– Con không biết sao?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Con biết.

Phật bảo:
– Con biết thật chứ?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Thính chúng trong pháp hội nghe vậy bực mình, thấy khó chịu vô cùng vì nghĩ rằng cô trả lời Đức Phật có vẻ như giỡn chơi, bất kính. Pháp hội xôn xao, định quở trách, hạch tội cô, nhưng Đức Phật biết nên bảo mọi người im lặng. Đức Phật hỏi lại cô:

– Này con! Khi Như Lai hỏi: “Con từ đâu đến?”, vì sao con đáp là con không biết?

Cô mới thưa:
– Bạch Thế tôn! Ngài hẳn là biết con từ nhà đến đây rồi. Nhưng ngài hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế tôn muốn hỏi con là con từ đâu sinh đến đây, vì con không biết con từ đâu sinh ra và đến đây nên con đáp là con không biết.

Đức Phật khen:
– Lành thay!

Đức Phật hỏi tiếp:
– Này con! Còn khi Như Lai hỏi: “Con sẽ đi đến đâu?”, tại sao con đáp là con không biết?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Ngài thấy con cầm giỏ chỉ dệt này thì ngài cũng biết là con đi đến xưởng dệt nhưng ngài vẫn hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế tôn muốn hỏi con sau khi rời khỏi thân này, con sẽ sinh về đâu? Điều đó con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Đức Phật khen ngợi “Lành thay!” lần nữa. Đức Phật lại hỏi tiếp:
– Này con! Vậy khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?” Lúc đó tại sao con lại đáp là con biết?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn, con đáp như thế là vì con biết chắc chắn là con sẽ chết, cho nên con đáp là con biết.

Đức Phật lại khen “Lành thay!” lần nữa và hỏi thêm:
– Này con! Và khi Như Lai hỏi: “Con có biết thật không?”, tại sao lúc đó con đáp là con không biết?

Cô thưa:
– Bạch Thế tôn! Con đáp như thế là bởi điều con biết chắc chắn là con sẽ chết, nhưng mà chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi chiều… Con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Đức Phật lại khen “Lành thay!”, rồi ngài dạy trong đại chúng:
– Các người không hiểu ý câu trả lời của cô bé cho nên mới nổi giận. Người không có tuệ nhãn cũng giống như đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Rồi Đức Phật đọc kệ ngôn:
“Andhabhūto ayaṃ loko,
Tanukettha vipassati;
Sakuṇo jālamuttova,
Appo saggāya gacchati”.
(Đời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng,
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới)

Đức Phật bắt đầu giảng pháp; cuối bài pháp này, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, cô mới đi đến xưởng dệt giữa lúc cha cô đang ngủ. Cô đi tới đưa thoi cho cha. Cha cô giật mình, choàng dậy, kéo khung cửi, đầu khung cửi văng trúng vào ngực cô, khiến cô ngã ra chết, sinh lên cõi trời Đâu-suất. Sau đó, cha cô phát tâm xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Huỳnh Duy Lộc 
(Nguồn: Kinh Pháp cú, Phẩm XIII: Thế gian)

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT