Tiêu Thụ

Dịch vụ loan modification: Cây gậy theo sau… người mù!

Saturday, 31/07/2010 - 07:02:25

Chính vì vậy bạn mới mau mắn trả ngay 3.000 Mỹ kim lệ phí cho một văn phòng làm Loan Modification ở phố Bolsa, mong họ có cách điều đình giảm tiền ...

Eric Trần/ViễnĐông

Hôm nay xin tiếp tục câu chuyện có thật của người bạn Eric, chắc không mấy xa lạ với tình cảnh của nhiều người chúng ta trong lúc này: Gia đình bạn gặp cảnh khốn khó, tiền lương giảm sút, không đủ sức trả nợ hàng tháng cho nhà băng, vợ chồng con cái đứng trước viễn ảnh đen tối: Nhà bị xiết! Đi thuê nhà! Nhưng tìm đâu cho ra một nơi ở với giá phải chăng cho gia đình 4 người? Hơn nữa, lâu nay sống trong gian nhà mình làm chủ, với bao nhiêu tiền bạc và mồ hôi nước mắt đổ vào đây, mong biến nó thành một “home sweet home”, chỉ cần nghĩ tới lúc phải bỏ nó ra đi là đã nghẹn ngào rớt nước mắt.



Chính vì vậy bạn mới mau mắn trả ngay 3.000 Mỹ kim lệ phí cho một văn phòng làm Loan Modification ở phố Bolsa, mong họ có cách điều đình giảm tiền Mortgage hàng tháng theo chương trình của Tổng Thống Obama. Sáu tháng hồ sơ trong tay họ, gia đình bạn như ngồi trên đống lửa. Lạ một điều là đã thuê một văn phòng “luật sư” đại diện mình, mà phía nhà băng vẫn liên tục gọi điện thoại đến nhắc nhở  nợ nần, hoặc phải làm giấy này giấy kia để bổ túc hồ sơ. Bạn gọi cho văn phòng luật sư thì họ chẳng biết gì. Hóa ra họ chỉ nhận những giấy tờ của mình rồi chuyển tới ngân hàng bằng máy Fax hoặc email. Nếu chỉ có vậy thì chắc bạn không cần nhờ họ.


Những cây gậy đi sau… người mù

Điều mà bạn cần nơi họ là khả năng và kinh nghiệm để thương lượng với chủ nợ, chứ không phải đơn giản cái công việc máy móc là chuyển giấy tờ. Điều bạn chờ đợi là mong thấy họ đi trước bạn, và nói với bạn phải làm gì. Giống như người học trò đi theo thầy, một người mù đi sau cây gậy! Nhưng sự thể đã diễn tiến ngược lại. Bạn chuyển giấy tờ cho họ, để họ gửi lên nhà băng. Nhà băng gọi cho bạn về giấy tờ cần bổ túc, rồi bạn lại báo cho văn phòng họ biết như vậy. Để họ có dữ kiện ghi vào biên bản làm việc như sau: “hôm nay, đã tiếp xúc với khách hàng và nói với khách hàng là nhà băng cần thêm giấy tờ …”.  Biên bản của họ chỉ có những dòng đại ý như thế.

Tệ hơn nữa, khi bạn đã nhận được giấy thông báo của nhà băng là “bác đơn xin giảm nợ tiền nhà” (Loan Modification Request Denied) rồi, mà văn phòng dịch vụ vẫn chưa hay biết gì. Gọi lên thăm hỏi thì họ nói rằng nhà băng…. đang cứu xét! Họ dặn bạn chờ vài ngày nữa để họ liên lạc xem có cần gì không? Thật là những lời nói dối trơ trẽn! Mấy hôm sau bạn lại gọi lên xem họ có làm gì chưa, thì được trả lời: Chưa, nhưng sẽ tiếp xúc nhà băng.

Đến khi đó bạn buộc lòng phải nói cho họ biết: Hồ sơ đã bị bác, và giấy từ chối đã được ký từ mấy ngày trước. Đó là tình cảnh “Cây  gậy đi sau người mù”: Bạn muốn có người chỉ đường, nhưng người chỉ đường luôn luôn đi sau bạn. Bạn đã ngã xuống hố rồi, mà người chỉ đường không hay biết.


Những cam kết không thời hạn

Đến lúc này thì bạn không còn tín nhiệm nữa. Bạn nghĩ rằng có thể đòi tiền lại theo lời cam kết ban đầu. Nhưng xem lại lời cam kết thì được biết như sau: “Làm đơn một lần không được chúng tôi sẽ làm lại, xin lại cho đến khi được thì thôi. Xin không được sẽ hoàn tiền lại!”. Một lời cam kết như vậy thực là… hết ý! Khách hàng nào nghe chẳng vừa lòng. Nhưng bây giờ bạn mới thấy rằng mình ở vào một tư thế hoàn toàn bất lợi: Cho dù họ làm việc không hiệu quả, làm việc chiếu lệ, hoặc thậm chí không làm việc, đưa đến sự từ chối của nhà băng, bạn vẫn phải tiếp tục đi với họ… Cho đến bao giờ? Đến khi nào họ không muốn làm việc với bạn nữa? Điều này chắc không bao giờ tự miệng họ nói ra. Luôn luôn họ nói là đang làm việc để khỏi phải trả lại tiền. Cho đến lúc bạn nản quá, phải đi kiếm một văn phòng khác, thì đó là lỗi tại bạn. Hoặc cho đến khi nhà bạn bị kéo là hết chuyện, hạ màn!

Những cam kết vô thời hạn kiểu này hoàn toàn bất lợi cho khách hàng. Nhưng bạn không thể khám phá ra cái “mánh” ấy cho đến khi … quá trễ. Bằng chứng là mặc dầu đã biết họ làm việc không hiệu quả, và hồ sơ đã bị từ chối, bạn vẫn phải bấm bụng đi tiếp với họ trong giai đoạn 2 – làm lại hồ sơ. Chỉ vì tiếc… 3.000 Mỹ kim lệ phí đã nộp, chứ thực lòng không còn hy vọng gì nữa.

Thêm 3 tháng chờ đợi! Dĩ nhiên, với cung cách làm việc như thế đơn xin của bạn lại bị từ chối lần thứ hai. Nhưng nhà của bạn chưa bị kéo, thì câu chuyện chưa hết, cuộc trường chinh thống khổ của bạn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, chúng ta có thể rút được một kinh nghiệm ngay ở chỗ này: Bất cứ một hợp đồng nào cũng vậy, luôn luôn phải kèm theo điều kiện thời gian. Bằng không, đó chỉ là những thứ hơp đồng “dỏm” của những kẻ làm ăn không đứng đắn. Người bạn của Eric làm được gì trong bước kế tiếp, Eric xin kể hầu các bạn vào lần sau.


Eric Trần

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT