Bình Luận

Yếu tố thiên thời

Monday, 24/10/2016 - 09:49:57

Hai tân nghị viên Hội Đồng Thành Phố - cô Yau và anh Leung- là thành phần sinh viên tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình đó. Họ đem cái hùng khí biểu tình đòi Hồng Kông độc lập vào đến ngưỡng cửa tòa đô chính Hồng Kông để rồi đứng lại đó, không vào bên trong nghị trường được để đưa đấu tranh cao thêm một nấc nữa; họ chọn vai trò lãnh tụ xách động cao trào “Hồng Kông độc lập,” hy sinh cơ may đem tiếng nói đấu tranh của quần chúng lên một nấc cao hơn là những cuộc xuống đường.

bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Luận cho chính xác, thì “thiên thời” không phải là thuận lòng trời như nhiều người thường nói, mà là đúng lúc; bất cứ việc gì được thực hiện đúng lúc cũng dễ dàng hơn, xuôi chèo, mát mái hơn.

Thiên thời -làm đúng lúc- phối hợp với địa lợi -làm đúng chỗ; và nhân hòa -nhiều người cùng chung sức làm không chỉ là ba yếu tố quan trọng trên địa hạt chiến lược thôi, mà còn có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác; thí dụ: cầu hôn với người đẹp trong lúc nàng đang cãi nhau với bà hàng xóm là không hiểu yếu tố thiên thời; hoặc để lộ chủ trương chống Trung Cộng trong lúc vừa đắc cử, chưa làm xong mọi thủ tục để trở thành nghị viên đô thành Hồng Kông, là coi thường yếu tố thiên thời.

Bài báo này thảo luận về thái độ hấp tấp, coi nhẹ yếu tố thiên thời, của ba công dân Hồng Kông, vừa đắc cử nghị viên thành phố Hồng Kông và đang bị chính quyền thân Trung Cộng tìm cách ngăn chặn không cho họ tuyên thệ để trở thành ba tân nghị viên trong tổng số 70 nghị viên của Hội Đồng Thành Phố.

Hai trong ba người vừa đắc cử còn rất trẻ, cậu Sixtus Leung và cô Yau Wai-ching -thuộc phong trào Youngspiration- đã cố tình phá đám lễ tuyên thệ của họ hôm thứ Ba 18 tháng Mười 2016.

                                                                        Cậu Sixtus Leung

                                           Cô Yau Wai-ching được giới truyền thông phỏng vấn

Anh Leung, chủ tịch sáng lập đảng Youngspiration (Nguyện Vọng Trẻ) là một trong ba ứng cử viên đắc cử với chủ trương tách rời Hồng Kông ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng; trong lễ tuyên thệ nhậm chức, Leung choàng lên mình khẩu hiệu “Hong Kong is not China,” và tuyên thệ sẽ tận tụy trung thành với dân tộc Hồng Kông, đáng lý anh phải nói “dân tộc Trung Hoa.”

Khoác lên vai chưa đủ, anh còn đọc lớn khẩu hiệu “Hong Kong is not China.”

Leung cố tình đọc chữ China trại ra thành âm Shina -một danh từ mang tính chất phỉ báng mà người Nhật dùng để nói về người Tầu, hay nước Tầu trong thời Thế Chiến Thứ Nhì.

Cô Yau -đảng viên Nguyện Vọng Trẻ- cũng tuyên thệ trung thành với dân tộc Hồng Kông; cô gọi người Trung Hoa là “Peoples Ref-cking of Shina.”

Người mới thứ ba đắc cử là tiến sĩ Edward Yiu; lời tuyên thệ của ông tuần trước cũng bị loại bỏ vì ông hứa hẹn đấu tranh cho một cuộc phổ thông đầu phiếu chân chính.

Hội Đồng Đô Thành Hồng Kông để tiến sĩ Yiu tuyên thệ xong, rồi toàn thể nghị viên bước ra, bỏ phòng họp để phản đối chữ Shina do cô Yau và anh Leung cố tình sử dụng để nhục mạ người Hoa, và để khẳng định người Hồng Kông là một sắc tộc khác, không phải người Hoa.

Thống Đốc Hồng Kông Leung Chun-ying cũng lên tiếng chỉ trích việc hai đảng viên Nguyện Vọng Trẻ nhục mạ người Hoa; ông Leung cũng xin tòa Tối Cao Hồng Kông phân xử việc Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố cho phép hai đảng viên Nguyện Vọng Trẻ - Yau, Leung- được tuyên thệ lần thứ nhì, và xin tòa ban hành án lệnh ngăn cấm không cho hai người này nhậm chức.

Tòa khước từ việc ban hành án lệnh cấm nhậm chức, nhưng thuận việc phân xử về quyền của Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố cho cô Yau và cậu Leung tái tuyên thệ.


 Tiến sĩ Edward Yiu

 
Thống đốc Leung Chun-ying

Cuộc vận động tách rời Hồng Kông ra khỏi Trung Quốc đã diễn ra từ hai năm trước với phong trào “Dù Vàng Xuống Đường” do sinh viên và giới trí thức khởi xướng. Sinh viên chiếm xa lộ và các mạch lưu thông chính trong thành phố, tạo 79 ngày tê liệt -từ 9/28/2014 đến 12/15/2014- cho mọi sinh hoạt của Hồng Kông.

             Cuộc biểu tình “dù vàng” (và dù đủ mọi mầu) khiến mọi sinh hoạt của Hồng Kông ngừng đứng.

Hai tân nghị viên Hội Đồng Thành Phố - cô Yau và anh Leung- là thành phần sinh viên tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình đó. Họ đem cái hùng khí biểu tình đòi Hồng Kông độc lập vào đến ngưỡng cửa tòa đô chính Hồng Kông để rồi đứng lại đó, không vào bên trong nghị trường được để đưa đấu tranh cao thêm một nấc nữa; họ chọn vai trò lãnh tụ xách động cao trào “Hồng Kông độc lập,” hy sinh cơ may đem tiếng nói đấu tranh của quần chúng lên một nấc cao hơn là những cuộc xuống đường.

Trở lại cái định nghĩa “thiên thời là đúng lúc; bất cứ việc gì được thực hiện đúng lúc cũng dễ dàng hơn, xuôi chèo, mát mái hơn,” để trách họ bỏ mất thiên thời, đem cái lợi thế thắng cử trở thành một nghị viên Hội Đồng Thành Phố Hồng Kông, đánh đổi lấy một phút “chửi” Shina cho đã miệng.

Họ không ý thức được là suốt bốn, năm chục năm còn lại trong cuộc đời của họ, họ cũng không hoàn thành được việc đòi “độc lập” cho Hồng Kông, vì nền độc lập đó chỉ là ước mơ của đảng Nguyện Vọng Trẻ, một ước mơ mở mắt không bao giờ thực hiện được.

 
Hồng Kông độc lập chỉ là ước mơ của đảng Nguyện Vọng Trẻ

Có thể kê ra hàng trăm chướng ngại trên con đường “Hồng Kông độc lập”; thí dụ: trong tổng số 7.2 triệu cư dân Hồng Kông, 90% là người gốc Hoa; 70% lượng nước họ tiêu dùng do Trung Hoa Lục Địa cung cấp, thực phẩm cũng vậy. Một nửa thương vụ của Hồng Kông là buôn bán với Trung Hoa, đa số cơ sở thương mại, kỹ nghệ là tài sản của người Hoa; ấy là chưa kể đến 6,000 binh sĩ của Quân Đội Giải Phóng đang trấn đóng tại Hồng Kông.
Sở dĩ cuộc sống chính trị của người Hồng Kông dễ thở hơn người Hoa nội địa là nhờ tình trạng luật pháp được thể hiện qua “Hong Kongs Basic Law,” (luật pháp căn bản của Hồng Kông), do nhà cầm quyền thuộc địa người Anh để lại ngày họ trao trả Hồng Kông cho Trung Cộng.

Luật thuộc địa cho phép công dân Hồng Kông được tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhờ có tự do ngôn luận, anh Chan Ho-tin, một thanh niên Hồng Kông 25 tuổi, chủ tịch sáng lập đảng Hong Kong National Party (đảng Quốc Gia Hồng Kông) mới nói được câu bất hủ, “Chủ quyền của Hồng Kông không tùy thuộc Tập Cận Bình, cũng không do đảng cộng sản Trung Hoa, không do thống đốc Hồng Kông quyết định, mà chủ quyền đó là của công dân Hồng Kông.”

                                                                        Chan Ho-Tin

Chan Ho-Tin nói đúng -đúng nguyện vọng của cử tri Hồng Kông, và đúng mức, đúng lúc để không bị chính quyền Hồng Kông thân Trung Cộng gạt ra ngoài Hội Đồng Thành Phố; anh chủ trương một cuộc cách mạng thầm lặng, thực hiện bằng tiếng nói nghị trường. Anh hiểu yếu tố thiên thời hơn cậu Sixtus Leung và cô Yau Wai-ching, mặc dù Leung cũng bằng tuổi anh: 25.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT