Đạo và Đời

Yêu thương và vâng phục

Wednesday, 13/05/2020 - 07:46:32

Theo Phúc Âm của Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã dùng sứ điệp tình yêu để làm nền tảng ...


(Getty Images)

 

Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Theo Phúc Âm của Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã dùng sứ điệp tình yêu để làm nền tảng cho mọi giới luật của Ngài. Đây không chỉ là tình yêu đơn thuần khi hai trái tim rung động, nhưng nó là ngôn ngữ diễn tả tình yêu của Ngài đã hy sinh cho nhân loại. Nếu những ai thực sự mến Chúa yêu người, trước hết phải biết noi gương Chúa và tuân giữ giới luật Ngài truyền dạy, và những ai sống trong yêu thương thì sẽ được Chúa Cha yêu thương họ.

Thông thường nhiều người cho rằng muốn yêu thương, trước hết phải vâng phục. Thực ra đức vâng lời không là điều kiện để yêu thương, nhưng nó là kết quả tất yếu của tình yêu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với các môn đệ của Ngài, “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy.” Tình yêu dành cho Chúa dẫn đến đức vâng lời là tuân giữ các giới luật Ngài truyền dạy. Nếu không có đức vâng lời, thì chưa thể nói đến một tình yêu chân thật. Tình yêu chân chính Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha được thể hiện qua một đời sống vâng phục trọn vẹn, minh chứng bằng chính cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Tình yêu đi trước, vâng phục theo sau, và Chúa hứa với các môn đệ của Ngài là nếu các ông tuân giữ giới luật Ngài truyền dạy, Ngài sẽ ban cho các ông Đấng Phù Trợ khác ở với các ông mãi mãi.

Chúa chuẩn bị ra đi, nhưng vì yêu thương các môn đệ, nên Ngài hứa sẽ trở lại với các ông. Thông thường, việc Chúa trở lại được hiểu là trong ngày tận thế Ngài trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Điều này hoàn toàn chính xác, nhưng chúng ta không thể loại bỏ những lần trở lại khác của Chúa Giêsu. Theo nội dung của đoạn Tin Mừng, Thánh Gioan đã tường thuật lại những lời giáo huấn này của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn. Như vậy ý của Chúa có thể là Ngài trở lại với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại để thêm sức mạnh cho các ông để các ông mạnh dạn tiếp tục sứ vụ được giao phó. Một ý tưởng khác về việc Chúa trở lại là khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ngự trên các ông như một bảo chứng Chúa ở với các ông và Hội Thánh của Ngài cho đến ngày tận thế. Cả ba lần trở lại này đều diễn tả chính xác ý của Chúa, và không phải để cho chúng ta phân tích nên xác định lần nào để chọn một bỏ hai, nhưng cả ba lần đều có liên quan chặt chẽ với nhau.

Chúa trở lại lần thứ nhất sau khi Ngài sống lại để quy tụ các môn đệ. Nếu không các ông đã rời bỏ Giêrusalem và trở về với đời sống trước đây của mình. Sau khi đã quy tụ các ông và minh chứng Ngài đã đánh bại tử thần, các ông tin mạnh mẽ vào Chúa hơn và can đảm ra đi rao truyền Tin Mừng Phục Sinh. Vì biết trước sứ vụ của các ông sẽ gặp nhiều gian nan và bách hại, nên Ngài hứa sẽ ban Đấng Phù Trợ khác, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, để thêm sức mạnh cho các ông. Chính Chúa Giêsu là Đấng Phù Trợ của các Tông Đồ, và sau khi Ngài về trời, Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là “Đấng Phù Trợ khác,” đã ngự xuống trên các ông và ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế. Lần sau cùng Chúa trở lại sẽ là ngày phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ngài sẽ xét xem mỗi người chúng ta đã bày tỏ niềm tin như thế nào trong hai lần Ngài trở lại.

Nhờ vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, Thiên Chúa đã tái tạo chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui thánh thiện, và như các Tông Đồ thuở xưa, chúng ta cần phải sống và loan truyền niềm vui này không chỉ riêng cho những người chưa biết Chúa, nhưng ngay cả những Kitô hữu đang sống quanh chúng ta. Có thể vì một lý do nào đó họ đã mất cả niềm tin và niềm vui, nhưng biết đâu khi gặp gỡ chúng ta, Chúa cho họ vui mừng trở lại. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng không quên ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần hằng che chở và thêm sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận loan truyền Tin Mừng Phục Sinh. Khi ý thức được cả hai lần Chúa đã trở lại, và chúng ta đã nỗ lực đáp trả với trọn vẹn niềm tin của mình, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan, thay vì sợ hãi, trong ngày Chúa phán xét.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT