Bình Luận

Y sĩ tiền tuyến

Wednesday, 22/04/2020 - 11:02:49

Họ không lập lại câu hỏi mà họ đã tự hỏi từ hai tháng nay, “Nếu mình chết vì bị truyền nhiễm, con sống với ai?”

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Nửa thế kỷ trước, trong vai trò giám khảo một cuộc thi viết phóng sự quân đội, tôi chấm tác phẩm Y Sĩ Tiền Tuyến là bài viết sinh động nhất. Tác giả là một đại úy bác sĩ phục vụ tại sư đoàn Nhảy Dù: bác sĩ Lê Văn Châu, bút hiệu Trang Châu.

Năm nay có lẽ anh cũng đã ngoài 80; và dĩ nhiên tôi không trẻ hơn anh. Trong tuổi cuối đời, tôi lại được đọc một câu chuyện nữa về Y Sĩ Tiền Tuyến; nhưng lần này người thầy thuốc đang sống chết trên trận tuyến hơi lớn tuổi hơn Trang Châu nửa thế kỷ trước -ngày anh còn là một bác sĩ mũ đỏ, áo hoa, và rất hào hoa.

Anh bác sĩ tiền tuyến lần này là người Mỹ, tên anh là Adam Hill, 37 tuổi; vợ anh là cô cán sự y tế Neena Budhraja lớn hơn anh 2 tuổi. Vợ chồng cùng phục vụ tại E.R. -emergency room - phòng cấp cứu của bệnh viện Elmhurst Hospital Center trong hạt Queens của thành phố Nữu Ước- tiền đồn y tế năm nay.

Sau nhiều giờ làm việc chung, họ cảm phục tinh thần hy sinh, xúc động trước những cử chỉ xót thương người bệnh của nhau, rồi đi đến chỗ yêu nhau, cử hành đám cưới, và chung sống với nhau, từ 3 năm nay, từ cái thủa mà Nữu Ước còn bình yên, chưa trở thành tiền đồn chứng kiến nhiều cư dân Nữu Ước gục ngã, nhiều y sĩ, y tá hy sinh tính mạng để làm tròn bổn phận người chiến sĩ y tế.

Cô Budhraja là người gốc Ấn; một năm sau ngày cưới, họ có một cậu con trai và đặt tên đứa bé là Nolan; giờ này đứa bé 18 tháng là niềm ưu tư của họ.

Phóng viên Jesse Drucker “khám phá” ra nỗi lo ray rứt của họ; anh kể lại là những chiến sĩ y tế không được trang bị mặt nạ -như người lính VNCH ngày xưa, chiến đấu chống Cộng mà súng thiếu đạn- vợ chồng cô Budhraja -sau bữa ăn chiều, ngồi lo lắng nhìn con.

Họ không lập lại câu hỏi mà họ đã tự hỏi từ hai tháng nay, “Nếu mình chết vì bị truyền nhiễm, nó sống với ai?” Họ sợ câu hỏi đó, sợ phải trả lời.

Có lần cô Budhraja bảo chồng phải thay chữ “nếu” bằng chữ “ngày nào” cho đúng với hoàn cảnh của họ; cô bảo chữ “nếu” không chính xác, vì hàng ngày vợ chồng cô sống bên những người bị vướng vi khuẫn Corona, thì việc truyền nhiễm chỉ là vấn đề thời gian; câu hỏi đúng họ cần tự đặt cho họ là ngày nào, lúc nào họ gục xuống.

Dĩ nhiên Hill hiểu nỗi lo sợ của vợ, anh còn biết chính xác con số những chiến sĩ đang ngã gục trong nhiệm vụ săn sóc bệnh nhân, anh còn hiểu cuộc chiến đang bất lợi vì y học chưa tìm ra cách giết con vi khuẩn Corona, mà chỉ trị những triệu chứng nghẹt thở, nóng lạnh của bệnh nhân. Anh đọc trên Facebook phản ứng của những người đồng nghiệp với vợ chồng anh -cái nghiệp công nhân y tế trong một trận đại dịch; một cặp vợ chồng đã gửi con cho thân nhân nuôi dưỡng; một bác sĩ đã thuyên chuyển ra khỏi Nữu Ước, một bác sĩ khác mướn phòng trong khách sạn ở tạm, để tránh lây lan cho gia đình.

Adam Hill và Neena Budhraja không trốn đi đâu cả; Nolan là đứa bé khó nuôi, lọt lòng mẹ nó cân chưa đầy 2 pounds; vợ chồng cực khổ nuôi đứa bé, và tình họ thương con trở thành lớn lao hơn những bậc cha, mẹ của những đứa trẻ mạnh khỏe, bình thường.

Có lần Neena đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, nhưng ngay sau đó cô lại tự trách mình; cô ý thức được là Adam không bỏ chạy. Thật ra cô cũng không muốn bỏ rơi tất cả mọi người -đồng nghiệp và bệnh nhân.

Cô cán sự y tế nói với anh phóng viên, "Bỏ chạy là buông bỏ tất cả, một quyết định không đơn giản tí nào."

Tuần trước một bác sĩ đồng nghiệp của Adam tại Elmhurst chết vì bị truyền nhiễm, anh không nói gì với vợ; tuần sau đó, Neena trực phiên Chủ Nhật, cũng nhận được tin một cô y tá chết sau một tuần nhập viện vì bị con vi khuẩn corona tấn công.

 

Cặp vợ chồng Adam, Neena (NY Times)




và bé Nolan đi dạo công viên (NY Times)

 

Neena bảo chồng, "Con gái chỉ mới vào đại học. Chỉ tâm sự với em là chỉ sợ đem con vi khuẩn về nhà, lây lan cho nó." Cô không kể thêm là trong ngày trực của cô, thêm một cô y tá nữa và một bệnh nhân cũng qua đời.

Adam lẳng lặng đón nhận những tin không vui hàng ngày. Gốc gác của anh là người vùng Nam Illinois; đứa em trai của anh là một người lính Thủy Quân Lục Chiến, cậu này đang phục vụ tại Afghanistan; Adam thường nghĩ mình cũng chỉ là một người lính, như cậu TQLC, em ruột của anh. Anh không bỏ chạy trước tử thần địch thủ; anh ở lại với bệnh nhân, như em anh, vẫn quanh quẩn phục vụ tại Trung Đông, hết Iraq đến Afghanistan.

Neena -người gốc Ấn, nhưng chào đời tại Mỹ- tốt nghiệp City College of New York, rồi theo học lớp cán sự y tế. Hai vợ chồng thành hôn năm 2017. Cô gọi cuộc sống của vợ chồng cô trong phòng cấp cứu là “đoán trước điều không thể tiên đoán.”

Điều không thể tiên đoán mà vợ chồng cô Neena tự hỏi từ 2 tháng nay, “Nếu mình chết vì bị truyền nhiễm, nó sống với ai?” không phải là “điều không thể tiên đoán.”

Đó là điều họ không muốn tiên đoán, không muốn đặt ra, và không dám trả lời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT