Thế Giới

Ý: Núi lửa phun trào khiến 10 người bị thương

Thursday, 16/03/2017 - 07:59:37

Do lịch sử hoạt động, núi Etna được Liên Hợp Quốc gọi là Núi lửa thập kỷ. Vào tháng 6, 2013, ngọi núi này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.



CATANIA – Mười người đã bị thương sau một vụ nổ dữ dội vào hôm thứ Năm, khi dung nham phun trào từ núi lửa Etna tại Sicily, Ý, chạm vào lớp tuyết mùa đông. Một chuyên gia về núi lửa cho biết, đây là một vụ nổ hơi nước, xảy ra khi dòng dung nham chảy trên mặt tuyết, tạo ra những bọc hơi nước áp suất cao. Những người bị thương bao gồm các nhà khoa học, du khách, và một nhóm nhân viên quay phim thời sự cho đài BBC. Các nạn nhân được đưa vào bệnh viện địa phương và không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Núi lửa Etna đã phun trào từ nhiều ngày qua, thổi ra nhiều đám khói và tro bụi, nhưng chưa gây trở ngại cho cuộc sống của người địa phương. Etna là núi lửa hoạt động mạnh nhất tại châu Âu. Sau khi ngủ yên trong một vài năm, núi lửa này phun trào trở lại vào tháng 2, khởi đầu từ miệng núi lửa ở phía đông nam, sau đó lan đến khu vực có tên là Belvedere, nơi đang bị tuyết phủ.
Núi lửa Etna nằm ở phía đông đảo Sicily, thuộc thành phố Catania. Núi lửa này nằm trên điểm tiếp xúc giữa 2 mảng lục địa châu Phi và châu Âu, và là núi lửa đang hoạt động cao nhất tại châu Âu. Do các vùng đất xung quanh núi lửa rất màu mỡ nên hoạt động nông nghiệp rất phát triển tại đây, với các vườn nho và vườn cây ăn trái trải dài trên sườn dốc gần chân núi và vùng đồng bằng Catania ở phía nam. Do lịch sử hoạt động, núi Etna được Liên Hợp Quốc gọi là Núi lửa thập kỷ. Vào tháng 6, 2013, ngọi núi này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.

Hải tặc Somalia thả tàu chở dầu
MOGADISHU – Hải tặc Somalia, những kẻ đã bắt cóc tàu chở dầu cắm cờ Comoros vào đầu tuần này, đã thả con tàu cùng thủy thủ đoàn mà không đòi hỏi điều kiện gì, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Năm. Theo lời viên chức an ninh Somali, nhóm hải tặc đã thả tàu dầu cùng thủy thủ đoàn gồm 8 người Sri Lanka. Con tàu hiện đang chạy đến cảng Bossaso, một cảng thương mại lớn trong khu vực.
Con tàu bị bắt cóc vào hôm thứ Hai vừa qua. Việc phóng thích tàu diễn ra sau cuộc đàm phán giữa các thủ lãnh địa phương, nhà chức trách, và đại diện nhóm hải tặc. Các tay hải tặc không bị bắt, và được thả cho rời đi một cách an toàn, sau khi họ phóng thích tàu dầu. Lực lượng hải quân bang Puntland từng đụng độ với nhóm hải tặc vào sáng thứ Năm, sau khi các tay hải tặc nổ súng. Tuy nhiên, không có ai bị thương trong sự việc.
Vụ bắt cóc tàu dầu Aris 13 là vụ bắt cóc tàu thương mại lớn đầu tiên tại Somalia kể từ năm 2012. Lực lượng chống hải tặc đa quốc gia đã liên tục tuần tra vùng biển gần Somali trong thời gian qua, giúp giảm bớt nạn hải tặc.

Phi Luật Tân: Có người muốn luận tội tổng thống
MANILA – Một nhà lập pháp Philippines đã nộp đơn yêu cầu luận tội Tổng Thống Rodrigo Duterte vào hôm thứ Năm, vì đã gây ra hàng ngàn cái chết trong chiến dịch chống ma túy và tham nhũng. Tuy nhiên, yêu cầu này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, do các liên minh của ông Duterte hiện đang chiếm đa số áp đảo tại Quốc Hội.
Dân Biểu Gary Alejano gởi đơn kiện lên Hạ Viện, cáo buộc ông Duterte vi phạm Hiến Pháp, tham nhũng, phản bội lòng tin của dân chúng, và dấu diếm số tiền gởi ngân hàng khổng lồ. Dù các phe đối lập không có đủ số người để luận tội ông Duterte, nhưng Alejano nói rằng cần phải chặn đứng “các tội ác và các hành động quá đáng” của tổng thống. Đơn yêu cầu luận tội cần phải có sự ủng hộ của 1 phần 3 của Hạ Viện, với hơn 290 thành viên, mới có thể được gởi lên Thượng Viện xem xét. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 260 thành viên Hạ Viện Philippines đều thuộc nhóm ủng hộ ông Duterte.
Chủ tịch Hạ Viện Pantaleon Alvarez, một đồng minh của ông Duterte, gọi yêu cầu luận tội là “hành động ngu xuẩn,” và chỉ dựa trên những thông tin thêu dệt. Ngoài ra, phát ngôn viên của phủ tổng thống cũng gọi việc này là một nỗ lực nhằm gây bất ổn cho chính phủ Duterte.

Ấn Độ: Hai máy bay quân sự rơi trong vòng vài giờ
RAJASTHAN – Chiến đấu cơ Su-30MKI và trực thăng Chetak của Ấn Độ bị rơi trong vòng vài giờ vào chiều thứ Tư, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ba người đã bị thương khi một máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ rơi xuống làng Shivkar Kudia, bang Rajasthan, phía bắc Ấn Độ chiều ngày 15 tháng 3. Chiếc Su-30MKI đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thì gặp trục trặc. Cả 2 phi công kịp thời nhảy dù an toàn.
Trước đó vài giờ, một trực thăng Chetak cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp do trục trặc kỹ thuật tại thành phố Allahabad. Phi công cố gắng đáp cánh xuống một cánh đồng, nhưng không thành công khiến máy bay bị lật. Tuy nhiên, may mắn là cả 2 người trên trực thăng đều sống sót. Không quân Ấn Độ đã lập ủy ban để điều tra nguyên nhân 2 vụ tai nạn này.
Chetak là trực thăng do Ấn Độ tự sản xuất, dựa trên thiết kế mẫu Aérospatiale Alouette III của Pháp, trong khi Su-30MKI được đánh giá là một trong những dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới. Tuy sở hữu nhiều loại máy bay hiện đại, nhưng Không quân Ấn Độ lại có điều kiện bảo dưỡng vũ khí trang bị kém, dẫn đến tai nạn và hư hỏng thường xuyên. Trực thăng do nước này sản xuất cũng bị đánh giá là không an toàn.

Trung Quốc dọa trả đũa nếu Nhật vào Biển Đông
BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Năm tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Nhật gây ra bất ổn tại biển Đông, sau khi Tokyo dự định đưa chiếm hạm lớn nhất của nước này đến vùng biển đang có nhiều tranh chấp. Chiến hạm chở trực thăng Izumo, chỉ mới bắt đầu hoạt động 2 năm trước, sẽ có nhiều chặng dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines, và Sri Lanka, trước khi tham gia cuộc tập trận chung Malabar với hải quân Ấn Độ và Hoa Kỳ trên Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hua Chunying nói, nếu Nhật kiên trì thực hiện “các hành động sai lầm, và thậm chí tính đến việc can thiệp quân sự đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả cứng rắn.” Trước đó vào hôm thứ Ba, Trung Quốc nói rằng nước này đang chờ lời giải thích chính thức, về việc tại sao Nhật lại đưa tàu chiến băng ngang qua biển Đông, và hy vọng rằng Nhật sẽ cư xử một cách có trách nhiệm.
Bà Hua cũng nói rằng, vấn đề biển Đông không liên quan đến Nhật Bản, và đất nước này nên nhớ lại cuộc xâm lăng đáng hổ thẹn trước đây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhật đã kiểm soát các quần đảo này trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến, cho tới khi đầu hàng vào năm 1945. Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông, và sự hiện diện quân sự của nước này tại đây đã gây lo ngại cho Nhật và phương Tây. Hải quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tuần tra bằng đường biển và đường hàng không tại biển Đông, nhằm bảo đảm tự do hàng hải.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT