Đạo và Đời

Ý nghĩa lễ vía Đức Phật A Di Đà

Wednesday, 03/01/2018 - 07:28:33

Phật tử thường đi lễ chùa và luôn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật.” Tuy niệm danh hiệu Ngài, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về câu niệm Phật này, cũng như mấy ai hiểu về lịch sử của Đức Phật Di Đà.

Bài HỒNG HÒA VI


Ngày thứ Tư tuần này, 3 tháng Giêng, 2018 Dương Lịch cũng đúng là ngày vía Đức Phật A Di Đà, 17 tháng 11, 2017 Âm Lịch. Dưới đây là một bài viết ngắn đăng trên trang Người Áo Lam về ngày vía 17 tháng 11 đặc biệt này.

Phật tử thường đi lễ chùa và luôn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật.” Tuy niệm danh hiệu Ngài, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về câu niệm Phật này, cũng như mấy ai hiểu về lịch sử của Đức Phật Di Đà.

Vậy danh hiệu A Di Đà có nghĩa là gì? A Di Đà dịch âm chữ Amita (viết tắt của tiếng Sankris là Amitaba và Amitayus), có nghĩa là Vô Lượng Quang và Vô lượng Thọ. Vô Lượng Quang có nghĩa là hào quang ánh sáng vô lượng. Vô Lượng Thọ có nghĩa là sống thọ, sống lâu, không thể tính đếm bằng số lượng thời gian.

Đức Phật Di Đà tiền thân là thái tử Kiều Thi Ca. Ngài từ bỏ ngôi vua xuất gia tu hành và chứng quả thành Phật. Khi xuất gia Ngài lập 48 hạnh nguyện lớn để độ khắp mười phương chúng sanh. Nếu nguyện nào chưa viên mãn thì Ngài quyết không thành Phật.

Thấy Đức Phật Di Đà mong muốn chúng sanh cõi Ta Bà vượt khỏi kiếp trầm luân con người- qua thân mạng của sự sanh, già, bệnh, chết; vì thấu hiểu nhân địa và hạnh nguyện của Phật Di Đà, cho nên Đức Phật Thích Ca đã khai thị pháp môn Tịnh Độ.


Hình ảnh Đức Phật A Di Đà tại chùa Nhật Jodo Shinshu Buddhist Mission ở Singapore. (Tripod.com)

Khi niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà, chúng ta tu tập chuyển thân và tâm trở về bản thể thuần khiết nhất của con người.

Kinh Đại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm là bộ kinh nói về phương pháp niệm Phật. Dân chúng từ thượng lưu trí thức cho tới thường dân, bất cứ ai chuyên tu pháp môn niệm Phật (Tịnh Độ) thì khi chết sẽ được vãng sanh về thế giới Tây Phương cực lạc.

Phương pháp tu của Tịnh Độ tông gồm có: Tự lực và Tha lực.

1. Tự lực có nghĩa là: Trì giới, trì tuệ và thiền định
2. Tha lực gồm có: Chánh hạnh và tập hạnh.
- Chánh hạnh gồm Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp. Chánh định nghiệp là một lòng niệm danh hiệu A Di Đà. Trợ nghiệp là một lòng tụng kinh Tịnh Độ, một lòng quán sát, nhớ cõi Tịnh độ trang nghiêm, một lòng lễ bái A Di Đà Phật và một lòng ca ngợi cúng dường Phật Di Đà.
- Tập hạnh là thực hành các điều thiện theo pháp tu của Tịnh Độ Tông.
Ngày 17 tháng 11 Âm Lịch hàng năm được chọn là ngày vía của Đức Phật Di Đà. Vào ngày này Phật tử thường chú tâm niệm hồng danh của Ngài.

Nhân ngày vía của Đức Phật Di Đà, chúng ta cầu mong mọi người thân tâm được an lạc, được hạnh phúc. Cùng hướng về Ngài, niệm danh hiệu Ngài, làm điều phước thiện, nguyện cầu cho thế giới tan biến mọi lầm lạc, oán ghét, khổ đau, chia rẽ. Chúng ta hợp sức và đoàn kết lại, để mọi người được an vui trong ánh hào quang nhiệm màu của Đức Phật Di Đà.
Nam Mô A Di Đà Phật

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT