Đạo và Đời

Ý nghĩa lễ thọ hạnh Đầu Đà

Wednesday, 01/02/2017 - 07:00:32

Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ mới biết đạo hoặc chưa biết gì về Nam Truyền Phật Giáo thắc mắc không biết (Đầu Đà) là lễ gì? Ý nghĩa ra sao? Nên vì lý do đó, mạo muội góp một chút thông tin về việc lễ thọ hạnh Đầu Đà một cách ngắn gọn theo truyền thống Phật giáo.

Bài TỲ KHƯU ĐỊNH PHÚC

(Bài này được viết đầu tháng Ba, 2015 trên trang spunno.wordpress.com)

Hôm qua đến nay, rất nhiều chùa và Phật tử đăng tin, hình ảnh của lễ Rằm Tháng Giêng, đặc biệt là buổi lễ thọ Đầu Đà buổi tối.

Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ mới biết đạo hoặc chưa biết gì về Nam Truyền Phật Giáo thắc mắc không biết (Đầu Đà) là lễ gì? Ý nghĩa ra sao? Nên vì lý do đó, mạo muội góp một chút thông tin về việc lễ thọ hạnh Đầu Đà một cách ngắn gọn theo truyền thống Phật giáo.

Kinh văn ghi lại, đức Phật từng giảng dạy cho tôn giả Ananda rằng: việc thực hành Giáo Pháp của Như Lai là cúng dường Như Lai cao thượng và thiết thực nhất. Chúng ta tôn kính Ngài, đảnh lễ và cúng dường bằng những món ngon vật lạ, hương hoa mắc tiền nhưng những thứ đó không phải là sự cúng dường đúng nghĩa, với người con Phật, việc học và hành theo con đường của Ngài chính là cách cúng dường đến Thế Tôn ý nghĩa nhất.

Một tăng sĩ đang ngồi thiền tại công viên quốc gia Phu Hin Rong Kla ở Thái Lan. (Hình: Tevaprapas/ Wikipedia)


“Này Ananda, nếu có Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.”(1)

Trở lại lễ thọ Đầu Đà trong các buổi lễ lớn như Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Tư hoặc Rằm Tháng Sáu, đó là những ngày lễ lớn có ý nghĩa quan trọng và liên quan đến những sự kiện trọng đại trong cuộc đời hoằng pháp của Thế Tôn. Với chúng ta, những ngày kỷ niệm sinh nhật chẳng hạn thì tụ họp lại ăn uống, vui đùa nhưng với Phật giáo thì khi hội họp lại thì đức Thế Tôn dạy nên có hai việc phải làm, đó là: bàn luận đạo pháp – dhammi katha hoặc giữ im lặng của bậc Thánh – ariyo tunhibhavo (tức là thiền định).(2) Chính vì lẽ đó, các chùa tổ chức lễ thọ Đầu Đà, một đêm không ngủ cùng nhau nghe pháp, hành pháp và bàn luận đạo pháp.
Đầu đà là phiên âm từ chữ Pali là Dhutanga, nghĩa là một phương pháp tu tập nghiêm khắc.

Vimuttimagga – Giải Thoát Đạo nói về Dhutanga như sau: là đường lối tu tập nghiêm khắc, cốt để giữ giới cho thật thanh tịnh, đồng thời có nhiều triển vọng để đắc được Định khi ngồi thiền, và nhờ đó mà phát triển được Trí Tuệ, soi sáng các bước đi theo con đường giải thoát.(3)

Có tất cả là 13 hạnh Đầu Đà và mỗi hạnh với hiệu năng đối trị những phiền não khác nhau. 13 hạnh Đầu Đà được giải thích rõ trong Visuddhimagga – Thanh Tịnh Đạo là:

Hạnh phấn tảo y
Hạnh ba y
Hạnh khất thực
Hạnh khất thực từng nhà
Hạnh nhất toạ thực
Hạnh ăn bằng bát
Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong)
Hạnh ở rừng
Hạnh ở gốc cây
Hạnh ở giữa trời
Hạnh ở nghĩa địa
Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong
Hạnh ngồi (không nằm)(4)

Hạnh Đầu Đà thường được áp dụng trong các lễ là hạnh sau cùng của mười ba hạnh, tức là pháp tiết chế sự mê ngủ bằng cách chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Nói cách khác đây là một đêm không ngủ để tu tập cúng dường đức Phật. Lợi ích của hạnh Đầu Đà ngăn oai nghi nằm có ba, như là:
- Thói lười biếng bị cắt đứt,
- Dễ chú tâm vào đề tài thiền quán,
- Dễ tinh cần tinh tấn.
Tùy theo tình hình không gian và thời gian cũng như sự sắp xếp của các chùa, chương trình Đầu Đà sẽ gồm có nhiều tiết mục nhỏ khác nhau, như thuyết pháp, chiêm bái Xá Lợi, dâng hương đăng cúng Phật, hành thiền, đố vui Phật pháp, thảo luận đạo pháp, v.v.. Nói chung là lễ thọ Đầu Đà sẽ có hình thức sinh hoạt khác với những nghi lễ thông thường vì chỉ tổ chức vào buổi tối và phải nỗ lực tinh tấn thức trọn đêm mới đúng ý nghĩa tu học.

Pháp và Luật bốn ngàn tám vạn
Lời Thế Tôn ba tạng bảo lưu
Trải bao tuế nguyệt xuân thu
Cõi đời còn khổ chuông từ còn ngân.(5)

Chú thích:
(1) Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Níp Bàn (D.ii.162).
(2) Trung Bộ Kinh, Kinh Thánh Cầu (M.i.162).
(3) Vimuttimagga – Giải Thoát Đạo Luận (Thiện Nhựt chuyển dịch)
(4) Visuddhimagga – Thanh Tịnh Đạo Luận (Thích nữ Trí Hải chuyển dịch)
(5) Trường Ca Phật Sử (Chùa Huyền Không. Huế)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT