Thế Giới

Ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết

Friday, 27/01/2017 - 09:22:52

Theo phong tục người Việt, từ đêm giao thừa đến sáng mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu chúc mừng ông bà rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm.

Mỗi năm vào dịp Tết đến, trẻ em tại các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nam Hàn… lại hết sức mong chờ những chiếc bao lì xì nhỏ đựng tiền mừng tuổi. Việc tặng bao lì xì cho trẻ nhỏ vào đầu năm là phong tục đặc sắc không thể thiếu trong Tết cổ truyền tại nhiều nước châu Á Trong năm mới, câu nói được người Trung Quốc sử dụng nhiều nhất là: "Cung hỉ phát tài, hồng bao nã lai!" (Chúc mừng phát tài, hồng bao đến đây) - mang ý nghĩa chúc năm mới phát tài và nhắc nhở người được chúc đừng quên đưa bao lì xì.

Theo khái niệm truyền thống, tiền lì xì còn được gọi là tiền mừng tuổi. Vào thời nhà Minh - Thanh (1368-1840), đa số tiền mừng tuổi (khi ấy là đồng xu) được xâu chuỗi bằng một sợi dây màu đỏ rồi tặng cho trẻ em. Đến thời Dân Quốc (1912-1949), tiền mừng tuổi có nhiều thay đổi khi được bọc trong một tờ giấy màu đỏ. Và cho tới hiện tại, tiền mừng tuổi hầu như đều được để trong một chiếc bao giấy màu đỏ tươi, được trang trí bằng những hình ảnh tươi đẹp.

Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, các bậc trưởng bối sẽ chuẩn bị sẵn bao lì xì để phát cho con cháu trong gia đình hoặc người quen. Tiền mừng tuổi được cho là có thể trấn áp những điều "tà tuý" (có nghĩa là xấu xa, tà ác). Vì trong tiếng Trung, từ "tuý" (xấu xa, mờ ám) đồng âm với từ "tuế" (tuổi tác), thế nên người Trung Quốc xưa quan niệm rằng, những đứa trẻ được nhận lì xì sẽ trải qua một tuổi mới bình an vô sự.

Phong tục phát bao lì xì du nhập vào Việt Nam và trở thành một phong tục truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Chỉ cần là Tết, trẻ em, hay những người con còn trẻ tuổi, độc thân trong gia đình, sẽ là những người nhận được tiền lì xì đầu năm. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, màu của may mắn, kèm theo tiền lì xì ở bên trong và những lời chúc. Tất cả đều thể hiện sự may mắn, mang lộc tới nhà và sức khỏe dồi dào. Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày mùng 9, mùng 10.

Theo phong tục người Việt, từ đêm giao thừa đến sáng mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu chúc mừng ông bà rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm. Con em của những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà và ngược lại. Cảnh ông bà, cha mẹ, con cháu, chúc mừng và lì xì cho nhau, là khung cảnh vui vẻ, ấm cúng của mọi gia đình.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT