Phóng Sự

Xướng ngôn viên, ca sĩ Thanh Thảo

Sunday, 25/10/2015 - 05:44:38

Chị bày tỏ, “Đối với truyền hình của Mỹ, xướng ngôn viên rất cần sự tươm tất, lịch sự, không thể bê bối được, nhưng cái đẹp không quan trọng lắm, mà là kiến thức.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Xướng ngôn viên, ca sĩ Thanh Thảo

Bài BĂNG HUYỀN

Từ dáng vẻ sang trọng, thanh lịch, đến nét mặt xinh đẹp, cùng vẻ sắc sảo, thông minh, sự sâu sắc, nhạy bén mỗi khi xuất hiện trên chương trình của xướng ngôn viên Thanh Thảo (tên đầy đủ của chị là Tawni Thanh Thảo Nguyễn) đã lấy lòng được nhiều khán giả xem đài Viet Face qua những chương trình như Tin Tức Buổi Chiều (vào lúc 7 đến 8 giờ tối giờ Nam California mỗi ngày), Quan Điểm, Thanh Thảo Show (Phát hình từ 10 giờ 30 sáng đến 11 giờ sáng mỗi thứ Bảy) và những phóng sự đặc biệt do chị thực hiện, chẳng hạn như tường thuật Lễ Phong Thánh hai cố đức giáo hoàng tại Vatican, phóng sự về cô dâu Việt Nam tại Nam Hàn, v.v..

Thanh Thảo

Nếu đã từng gặp và tiếp xúc với chị ở ngoài đời, người đối diện sẽ thấy ở xướng ngôn viên Thanh Thảo có sự pha trộn đặc biệt giữa tính cách quyết liệt của người làm kinh doanh, làm truyền thông và cách nắm bắt tâm lý tinh tế, mềm mỏng của người phụ nữ Á đông.

Chị đã tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa Học Quản Trị Kinh Doanh từ đại học Phoenix, Arizona và tốt nghiệp ngành Thiết Kế Thời Trang từ học viện The Fashion Institute of Designs and Merchandising (FIDM) tại Los Angeles, California. Chị còn có bằng Real Estate Broker- Mortgage Loan Originator, là chủ nhân của văn phòng Summit Realty & Finance tại thành phố Fountain Valley, đây là công việc chính để chị mưu sinh và nuôi dạy 3 con ăn học thành tài. Bên lĩnh vực truyền thông, chị từng là biên tập viên và ký giả chuyên mục cho báo Người Việt và viết văn cho nhiều tạp chí khác nhau như Thế kỷ 21, Văn Nghệ.
Ở chị luôn toát lên một vẻ tự tin, quyết đoán mà có lẽ, đã được tôi luyện, va đập và rèn giũa nhiều mới có được. Theo lời tâm sự của chị thì cuộc đời chị đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Dù xinh đẹp nhưng chị không có may mắn được hưởng hạnh phúc vẹn tròn trong đời sống vợ chồng. Từng trải qua hai “lần đò” với nhiều đắng cay, phải làm mẹ đơn thân nuôi dạy 3 con nên người, nay các con đều đã trưởng thành, đạt được ít nhiều thành tựu trong đời sống và công việc. Chị đã từng làm chủ để rồi phải khai phá sản, làm lại từ đầu khi tuổi đời đã bước qua tuổi 50. Đây cũng là lý do để chị có ý tưởng khi thực hiện Thanh Thảo show trên đài Viet face.

Những chương trình đặc sắc do Thanh Thảo phụ trách trên truyền hình

Thanh Thảo kể, “Trước đây Thanh Thảo đã từng mở đài truyền hình trong hai năm (đài VATV) 2006 đến 2008. Lúc đó Thanh Thảo làm hết mọi thứ, vừa làm chủ, làm phóng viên, làm biên tập, lấy quảng cáo luôn.... Sau hai năm thấy không còn đủ sức để làm, không đủ tiền chi phí. Vì lúc đó, mua sóng để phát hình đắt gấp cả 100 lần bây giờ. Một ngày phát hình có 1 tiếng thôi, nhưng chi phí 1 tháng phải trả tiền để mua giờ phát hình là $52,000, chưa kể tiền chi phí phim trường làm đài, tiền nhân viên, cùng những thứ tiền khác. Khi thấy mình không thể đứng được nữa, đành phải đóng cửa và khai phá sản. Luật khai phá sản bây giờ buột mình phải học về tài chính để giúp mình hiểu những lý do nào khiến người ta đi đến bước đường cùng phải khai khánh tận.

“Thanh Thảo đã học ra là mình đã làm liều. Vì trước khi mở đài truyền hình, lẽ ra mình phải suy tính trước, còn khi làm không thành công thì phải ngưng chứ không đợi đến hai năm. Và còn nhiều lý do khác nữa. Thanh Thảo thấy đây là những kiến thức rất hay. Vì vậy mong muốn phải bày ra cho khán giả biết cần phải có những bước cẩn thận nào, nên hoạch định ra sao về tài chính, về kinh doanh. Cần phải cẩn thận ra sao để cuộc đời mình được an toàn về tài chính an tâm mà sống.

“Với tuổi của Thanh Thảo sau khi làm lại cuộc đời ở lứa tuổi đã ngoài 50. Thanh Thảo nghĩ nếu bây giờ mình bắt đầu lại từ đầu thì đã trễ, nhưng không phải vì trễ mà không làm. Cho nên mình cần phải hoạch định để dành bao nhiêu tiền đến lúc về già không cần phải nương tựa vào ai. Chính từ những tìm hiểu của mình giúp Thanh Thảo giới thiệu cho khán giả biết để họ cách hoạch định ngân sách gia đình giúp họ có cuộc sống tốt hơn khi về già. Đó là chủ trương chương trình Thanh Thảo show.

“Khi Thanh Thảo bắt đầu làm chương trình này có nhiều khán giả khen và thâu lại rồi bỏ lên you tube bên Tesax, hoặc email ngợi khen Thanh Thảo. Đây là những phần thưởng tinh thần vì Thanh Thảo chỉ muốn đóng góp những chương trình có giá trị cho khán giả.”

Thanh Thảo Show dài 30 phút, là chương trình Thanh Thảo xuất hiện một mình tự biên soạn từ đầu đến cuối toàn bộ nội dung. Chương trình có 12 bản tin thế giới và Hoa Kỳ về kinh tế. Trong đó có 6 bản tin thế giới về kinh tế của các nước thuộc khối châu Âu, của Hoa Kỳ, Trung Quốc, những nước có nền kinh tế trì trệ ra sao phải lệ thuộc vào thế giới. Phần tin về kinh tế ở Hoa Kỳ liên quan đến nhà đất, xe cộ, v.v.. Thỉnh thoảng Thanh Thảo Show sẽ có phần phỏng vấn nghệ sĩ để quảng bá những chương trình mang tính nghệ thuật thuần túy. Còn phần hoạch định về ngân sách gia đình torng Thanh Thảo Show có thêm phần trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi của khán giả gửi về.

Chị giải thích, “Thanh Thảo không phải chuyên gia chính thức ra trường về hoạch định ngân sách gia đình. Nhưng kiến thức thì đủ giúp người bình thường hiểu những điều căn bản. Phần nào cần phải tìm tài liệu để nói, thì Thanh Thảo luôn cho khán giả biết theo chuyên gia nào nói như vậy. Thường thì khán giả gửi cho Thanh Thảo câu hỏi. Sau đó Thanh Thảo biên soạn phần trả lời rồi nói cho khán giả vào chương trình tiếp theo. Nói chung đây là chương trình hữu ích giúp khá giả xem xong có một số kiến thức tổng quát về kinh tế và tài chính.”

Còn về Quan Điểm, Thanh Thảo nói, “Chương trình Quan Điểm là do ban giám đốc đài nghĩ ra ý tưởng rồi giao việc cho Thanh Thảo phụ trách từ lúc ban đầu. Lúc đó Thanh Thảo đảm nhận biên soạn nội dung chính chương trình chọn ra hai tin nóng bỏng nhất trong tuần để cùng các xướng ngôn viên khi đó gồm có Trọng Thắng, Nguyễn Mạnh Tùng, Anh Dũng và Thanh Thảo bàn luận.

“Khoảng hai năm nay, chương trình này đã được chia ra để mỗi người phụ trách một tuần và đảm nhận phần biên soạn tuần mà mình phụ trách, giúp chương trình có nhiều khía cạnh khác nhau hơn. Chương trình Quan Điểm mỗi ngày càng được khán giả ưa chuộng vì có khách mời. Mỗi tuần là khách mời khác nhau, vị khách mời có quan điểm của họ, hoặc họ đúc kết từ tài liệu nào đó để nói. Tạo nên nhiều sắc thái cho chương trình hơn. Hồi đầu chỉ có bốn xướng ngôn viên xuất hiện và bàn luận thôi.”

Nếu độc giả báo in, báo online có thể dành nhiều thời gian để đọc bài viết. Họ có thể đọc lại tới lần thứ hai, thứ ba. Thì khán thính giả của đài truyền thanh, truyền hình không làm được như vậy. Họ chỉ có một lần để nghe câu chuyện (trừ phi họ theo dõi chương trình phát lại hoặc theo dõi qua Internet). Làm sao để người nghe hiểu được đầy đủ câu chuyện ngay từ lần nghe đầu tiên.

Thanh Thảo hiểu rất rõ điều này khi thực hiện những chương trình phóng sự đặc biệt cho đài và biên soạn cụm tin khoa học kỹ thuật, y tế sức khỏe, điện ảnh nghệ thuật được viết ngắn gọn, súc tích. Cụm tin do Thanh Thảo phụ trách dài 15 phút nằm chung trong bản tin buổi chiều. Bản tin này dài 1 tiếng gồm 45 phút đầu là tin tức thời sự thế giới, Hoa Kỳ, Việt Nam... do biên tập viên của đài biên soạn cho xướng ngôn viên Thanh Thảo đọc, còn 15 phút cuối của bản tin do chính chị biên soạn.

Khi người viết hỏi, “Đọc những gì mình viết thì dễ dàng rồi, nhưng khi đọc phần tin tức do người khác biên soạn, chị có sự chuẩn bị ra sao?”

Thanh Thảo chia sẻ, “Thanh Thảo may mắn là làm việc lâu năm rồi, nên không phải chuẩn bị nhiều trong phần đọc tin. Nhưng điều quan trọng của người đọc tin là mình đang chuyển thông tin cho đại chúng biết về một chuyện gì đó. Mà truyền thông là mình phải làm là chuyển những điều phức tạp thành đơn giản. Đó là mục đích của người chuyển tin, thông tin. Điều quan trọng nữa mà Thanh Thảo thấy cần thiết là người xướng ngôn viên tin tức phải biết điều gì đang xảy ra trên thế giới trước khi mình vào phòng thu.
“Bản thân Thanh Thảo phải xem tin tức thời sự thế giới mỗi ngày trên các trang mạng và các đài của Mỹ cũng khoảng bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Mình phải xem để mình biết, khi mình có đủ chiều sâu cần phải nói gì thêm về bản tin mình đọc, thì mình mới có đủ kiến thức để giúp khán giả hiểu rõ hơn.

“Thanh Thảo nghĩ người xem tin không cần gì nhiều chỉ muốn biết thông tin. Khi mình nói bình luận thêm vào bản tin, thì mình phải cung cấp cho khán giả phần thông tin của bản tin đó chứ không thể là những câu nói bâng quơ. Mình phải nói thêm yếu tố nào mà bản tin mình đọc không có, dù rằng yếu tố đó không phải là phần chính của bản tin nhưng nó làm thêm màu sắc cho bản tin để khán giả hiểu rõ thêm bản tin.”

Theo Thanh Thảo thì người xướng ngôn viên có sự sâu sắc trong nhận định vấn đề không chỉ là sự theo dõi thông tin, cập nhật hằng ngày mà còn là kiến thức, khả năng viết và biên tập. “Thanh Thảo nghĩ khả năng viết được nhiều là nhờ thời gian làm cho báo Người Việt (trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2005, ngoài hai năm làm toàn thời gian, sau đó cộng tác viết cột báo, cùng với làm xướng ngôn viên truyền thanh và truyền hình).

“Chính nhờ viết những chuyên đề trên báo, Thanh Thảo phải đào sâu tìm tài liệu, cho mình kiến thức rất nhiều. Thanh Thảo nhớ hồi mới bắt đầu viết giống như Mỹ con viết vậy. Mệnh đề thì đặt lung tung, kiến thức thì rất hời hợt. Nhưng về sau khi mình vừa viết để mình đọc bên truyền thanh, truyền hình, thì mình cảm thấy chiều sâu kiến thức, văn chương, chữ nghĩa cứ ngấm vào mình dần dần. Tựa như mình đang đi ngoài trời mưa phùn không thấy ướt nhưng rồi đến một lúc mình thấy sao lạnh quá, thật ra mình đã bị ướt vì mưa phùn đã thấm dần dần vào mình.

“Kiến thức nó cũng vậy, cũng thấm dần dần theo thời gian với sự chịu khó học hỏi của mình. Thanh Thảo nghĩ bất kỳ cái gì đòi hỏi sự chuyên nghiệp, bậc thầy, thì phải có sự ngấm dần dần. Ca hát cũng vậy, viết văn cũng vậy. Xướng ngôn viên cũng vậy và làm địa ốc cũng thế. Đây là những lĩnh vực Thanh Thảo đều tham gia và thấy rõ ràng nó cứ từ từ thẩm thấu đến lúc nào đó nó trở thành một phần của mình rồi. Đó là một quá trình dài, không thể đốt giai đoạn được.”

Chương trình Quan Điểm với Đỗ Mạnh Tùng, Nguyễn Hoàng Dũng và Thanh Thảo

Cơ duyên bước vào nghề truyền thông

Kể về mình và cơ duyên đến với truyền thông, xướng ngôn viên Thanh Thảo tâm sự, “Thanh Thảo rời khỏi Việt Nam lúc 15 tuổi vào năm 1979 theo diện bảo lãnh chính thức sang Canada. Năm 1982 Thanh Thảo qua Mỹ dự thi hoa hậu áo dài Long Beach đạt giải á hậu 2. Từ đó bố mẹ gả chồng qua sống bên Mỹ. Để rồi cuộc đời Thanh Thảo xoay chuyển nhiều biến cố sau khi kết hôn.

“Lần đó Thanh Thảo dắt thằng bé lớn và đẩy con gái nhỏ đi trong hội chợ tết khoảng năm 1988- 1989, bác Lương Văn Tỷ là giám đốc của đài truyền hình Văn Nghệ Việt Nam có gian hàng trong hội chợ. Bác hỏi Thanh Thảo có muốn đến thử đọc tin truyền hình không thì hãy đến đài thử. Lúc đó Thanh Thảo hoàn toàn bất ngờ. Về nhà suy nghĩ hai, ba ngày sau đến đài thử xem sao. Sau khi đến đài thử giọng và được bác Tỷ nhận ngay vào làm.

“Song song với công việc xướng ngôn viên tại đài công việc chính của Thanh Thảo ngay từ lúc đó là làm về địa ốc và Loan. Sau bốn năm Thanh Thảo mới chuyển qua đài Little Sai Gon TV. Thanh Thảo có cộng tác thêm bên radio, làm tại đài Little Saigon Radio một thời gian cùng xuất hiện với Phạm Long trong chương trình chiều tối từ 6 giờ đến 12 giờ đêm, khoảng gần một năm. Sau đó có cộng tác với đài VNCR hai năm. Sau khi mở đài VATV bị phá sản, ngưng một thời gian Thanh thảo làm cho đài VBS một thời gian và đến năm 2011 làm toàn thời gian cho đài Viet Face TV từ đó đến nay và cộng tác mỗi tuần một, hai lần với đài VNCR.”

Nói về bí quyết nghề nghiệp, xướng ngôn viên Thanh Thảo cho biết hồi đầu làm cho đài truyền hình Văn Nghệ Việt Nam chị chỉ thích thôi, nhưng không nghĩ là sẽ gắn bó lâu dài với đài truyền hình. Đến khi chị chuyển qua làm cho đài Little Saigon TV, thì chị thấy yêu thích công việc này thật sự, nên đã ghi danh học mấy lớp về truyền thông tại Santa Ana College và ở Cal State Fullerton, có học luôn phần xuất hiện của xướng ngôn viên.

Chị nói, “Khi học về truyền thông Mỹ rồi thì thấy rõ ràng là kiến thức quan trọng lắm. Vì văn viết bình thường khác với văn viết cho truyền hình, phải thật súc tích, gọn gàng nhưng đủ ý. Phần tin mình phải viết gọn lại từ nữa trang chỉ còn hai hàng thôi. Khả năng viết tin tức ngắn gọn, súc tích Thanh Thảo có được là nhờ đi học một số lớp ở đại học bên này, nhưng đa số là tự học. Thanh Thảo đọc rất nhiều, xem những bình luận trên truyền hình Mỹ, trên mạng. Thảo rất thích xem những bài viết khi đi học được thầy sửa lại sao cho gọn nhất.”

Chị bày tỏ, “Đối với truyền hình của Mỹ, xướng ngôn viên rất cần sự tươm tất, lịch sự, không thể bê bối được, nhưng cái đẹp không quan trọng lắm, mà là kiến thức.

“Thanh Thảo thấy nhiều xướng ngôn viên của chúng ta bây giờ quan trọng bề ngoài quá. Vẻ đẹp ngoại hình của xướng ngôn viên không phải cho phần tin tức. Mà vẻ đẹp ngoại hình của xướng ngôn viên rất cần nếu họ làm chương trình chuyên về ca nhạc, hoặc về sắc đẹp, xướng ngôn viên có thể trang điểm rực rỡ như người mẫu. Còn xướng ngôn viên đọc tin tức thì cái chính là thông tin chuyển đến khán giả. Mình làm sao cho thông điệp mình dễ hiểu và người ta mến mình và muốn nghe, hiểu được ngay càng nhanh càng tốt.”

Trải qua thăng trầm gắn với ngành truyền thông, xướng ngôn viên Thanh Thảo nói chị thấy mình được nhiều hơn mất. “Thanh Thảo rất mê truyền thông, rất mê những gì liên quan đến nghệ thuật, làm truyền thông, Thanh Thảo thấy mình được thỏa chí, được đem những kiến thức mình có được chia sẻ với cộng đồng. Dù rằng chỉ có một người xem chương trình mình làm, giúp họ thoát được nghịch cảnh của họ rồi tìm được hướng khác để sống thoải mái hơn, thì đó là phần tưởng tinh thần của Thanh Thảo. Mình đã yêu công việc này thì không thể gọi là mất. Nhưng phải tốn rất nhiều thì giờ cho công việc này, phần thưởng về tài chánh thì không cao so với những nghề khác cũng bằng thời gian như vậy nhưng tài chánh thì nhiều hơn. Nhưng đã là đam mê thì không thể gọi là mất được.”

Ca sĩ Thanh Thảo

Những năm gần đây những khán giả yêu ca nhạc tại Quận Cam còn biết đến Thanh Thảo trong vai trò là một ca sĩ. Chất giọng bẩm sinh của chị là nữ cao màu sắc vốn tinh tế và sâu sắc. Độ rung và cách phân nhịp khá hoàn chỉnh, khi chị hát những bài thiên về các giai điệu cổ điển chất giọng thiên phú của chị có thể phô diễn được hết vẻ đẹp của tác phẩm.


Chị tâm sự, “Thanh Thảo rất thích hát nhạc opera, hát tiếng Anh, tiếng Ý, một số bài tiếng Tây Ban Nha. Nhưng Thanh Thảo còn rất yêu nhạc Việt. Vì có những ca khúc như Trường Ca Sông Lô của Văn Cao, Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành, Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước... đẹp lắm, nên đã chuyển những kỹ thuật đã học được của nhạc Opera qua hát nhạc Việt Nam, vì muốn những ca khúc hay, xưa cũ không bị mai một. Những người từng hát những bài hay như vậy họ đã không hát nữa, như cô Thái Thanh, cô Kim Tước... là những ca sĩ Thanh Thảo mê từ nhỏ. Thanh Thảo nghĩ nếu mình làm một nhịp cầu hát những bài này để thế hệ sau, em mình, con mình tiếp tục hát những bài này thì đó là một hình thức đóng góp cho văn hóa Việt Nam và nghệ thuật được bất tử.”

Chị kể, “Thanh Thảo học hát opera là rất tình cờ. Trong thời gian thất chí, đang làm thủ tục ly dị thì Thanh Thảo có xem một bộ phim Farinelli. Khi người này cất giọng hát cao như tiếng sáo, khi nghe Thanh Thảo thích lắm và nghĩ nếu mình hát được giống như vậy thì thích lắm và cũng muốn tìm đến âm nhạc để an ủi cho tâm hồn mình. Nên đã tìm đến ghi danh học hát opera với bà giáo Darlene Falco ở trường Đại học UCI vào khoảng năm 1997- 1998, học 6 tháng, sau đó học riêng với bà khoảng vài năm nữa. Từ đó Thanh Thảo tìm thấy được niềm an ủi bất tận trong ca nhạc, yêu lắm.

“Nhưng lúc đó chỉ toàn hát nhạc quốc tế, nhạc opera thôi, Thanh Thảo có hát trong các nhà thờ nơi bà giáo phụ trách chương trình nhạc của nhà thờ Tin Lành. Sau đó có học hát nhạc Việt với Lê Hồng Quang. Khi hát nhạc Việt, Thanh Thảo mới thấy nhạc Việt nếu hát đến nơi đến chốn, nó đẹp vô cùng. Như mình được khám phá thế giới mới qua những bài cũ. Hiện nay Thanh Thảo đã thu âm 1 Cd là Trở Về Mái Nhà Xưa. Còn DVD thì có 12 DVD qua những chương trình Thanh Thảo hát cho trung tâm Mưa Rừng, trung tâm Đỗ Thanh, và sắp tới là trung tâm Minh Chánh. Ngoài ra những chương trình văn nghệ do đài Viet face tổ chức, thì Thanh Thảo hát cho đài, Thanh Thảo có tham gia những chương trình nhạc gây quỹ giúp cứu trợ thiên tai trong cộng đồng.”

Chị bày tỏ, “Thanh Thảo rất yêu ca hát, nhưng thấy mình ra được 1 CD và hát một vài trung tâm có thu DVD là thích rồi. Còn thì giờ thì nhận hát thêm, chứ không chạy theo công việc đi hát. Vì nghề nuôi Thanh Thảo và gia đình là văn phòng địa ốc, nghề yêu thích nhiều nhất là truyền hình. Còn ca hát chỉ là thú vui, chứ còn muốn hành nghề thì hơi khó, vì khi hành nghề thì mình phải hát những bài mình không thích.”

Về lời khuyên cho những ai yêu thích công việc xướng ngôn viên, chị chia sẻ, “Nếu những ai đến với công việc xướng ngôn viên Việt ngữ mà còn đủ tuổi trẻ thì hãy ráng học đến nơi đến chốn. Học cho mình vì kiến thức không ai lấy đi được của mình, để chính mình phát huy khả năng và để chính mình làm ngọn đuốc soi đường cho những người sau làm theo đường đúng. Những người đi trước nhiều khi không có cơ hội, không có thời gian, hoặc vào thời truyền thông Việt ngữ còn quá phôi thai.

“Theo Thanh Thảo thì cái gì cũng phải càng ngày càng tiến, cái nào không phù hợp thì sẽ bị đào thải để chỉ còn lại những gì phù hợp. Thường thường thì những gì phù hợp nhất, tồn tại theo thời gian thì phải có giá trị chân chính. Mà để tạo được điều đó thì mình cần phải có kiến thức, chứ không thể là những chiếc máy đọc.”

Còn những ưu tư với nghề truyền thông, xướng ngôn viên Thanh Thảo nói, “Hiện nay các đài Việt ngữ có quá nhiều quảng cáo là điều không tránh được. Vì cái giá mua quảng cáo của cộng đồng Việt Nam còn quá rẻ, một ngày nào giá thành đắt hơn một chút thì đài không cần nhiều quảng cáo nữa, thì phần quảng cáo sẽ bớt đi, giảm được gánh nặng phải cho quảng cáo vào để đủ tiền trang trải chi phí của đài. Thanh Thảo từng làm chủ đài, Thanh Thảo hiểu rất rõ nỗi khổ đó. Không có người chủ nào muốn đài mình chỉ toàn quảng cáo thôi. Nhưng đó là sự sống còn. Thanh Thảo hy vọng là một ngày nào đó sự cạnh tranh giữa các đài không còn là sự giảm giá quảng cáo nữa mà phải là chương trình của đài tôi hay hơn, giá trị hơn. Còn đài nào không thể làm được những chương trình hay, giá trị thì nên ngừng lại, để cho những đài có khả năng thực hiện, thì tiền quảng cáo sẽ tăng lên.

“Theo Thanh Thảo về kinh tế học, sự cạnh tranh giảm giá là một việc làm phản kinh tế. Mình chỉ đại hạ giá 1 thời gian thì được, nhưng không thể nào dựa trên giảm giá để mà “giết nhau.” Thanh Thảo thấy đó là hành động không khôn ngoan, vì khi mình giảm giá, mọi người chết thì mình cũng chết theo.”

Chị cũng nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời cám ơn của chị, “Thanh Thảo rất cảm động trước sự đón nhận của quý vị khách hàng cũ, mới đến với văn phòng địa ốc của Thanh Thảo mới mở lại gần hai năm nay sau khi Thanh Thảo tạm ngưng bốn năm công việc này. Sự trở lại tin cẩn của quý vị là món quà vô giá đối với Thanh Thảo. Đây cũng là công việc Thanh Thảo dùng làm phương tiện sinh sống.

“Còn về lĩnh vực truyền hình, truyền thanh, Thanh Thảo rất cám ơn quý khán giả đã tin tưởng đặt câu hỏi, đã cho Thanh Thảo cơ hội đem đến cho quý vị những điều mà khả năng Thanh Thảo có được trong vấn đề thông tin, sự đóng góp của mình vào ngành truyền thông, bên truyền hình, truyền thanh và cả bên viết báo nữa.

“Đây là những phần thưởng tinh thần quý giá cho Thanh Thảo, trong âm thầm Thanh Thảo rất cảm ơn, nay có dịp xin được nói với quý vị. Đối với Thanh Thảo sự đón nhận của quý vị là ngọn lửa để Thanh Thảo tiếp tục có thêm ý chí, sức mạnh dấn thân trên con đường mình đã chọn, đóng góp một phần nhỏ cho cộng đồng này càng ngày càng phát triển theo đường lối tích cực, theo đúng sự tiến triển cần thiết của nó.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT