Hoa Kỳ

Xưởng đóng tàu Hải quân có thể bị chìm

Thursday, 22/11/2018 - 10:01:33

Triều cường dâng cao cũng làm chậm hoạt động sửa chữa của nhà máy, khiến kế hoạch bảo dưỡng chiến hạm của Hải quân bị ảnh hưởng. Hải quân Hoa Kỳ từng phải dùng bao cát đắp đê tạm ngăn triều cường, để bảo vệ các phao nổi và di dời một số thiết bị của nhà máy.

VIRGINIA – Cựu bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus đầu tuần này khuyến cáo, xưởng đóng tàu Norfolk nằm trên bờ vịnh Chesapeake, tiểu bang Virginia, có bị chịu thiệt hại đến mức "thảm họa" và tê liệt trong thời gian dài, do hậu quả của nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu.
Norfolk là một trong bốn nhà máy của Hoa Kỳ có đủ khả năng về thiết bị và nhân lực để sửa chữa, bảo dưỡng hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, nhà máy đã bị ngập nặng 9 lần do mưa bão và triều cường trong vòng 10 năm gần đây, khiến nhiều dụng cụ bị hư hại và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo ông Mabus, 5 phao nổi của xưởng đóng tàu Norfolk sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu một cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đây, do chúng không được thiết kế để chống chọi lại những cơn bão lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Năm 2016, các trận mưa do bão Matthew gây ra đã làm một tòa nhà ngập 0.6 mét, chi phí sửa chữa lên tới $1.2 triệu Mỹ kim.
Triều cường dâng cao cũng làm chậm hoạt động sửa chữa của nhà máy, khiến kế hoạch bảo dưỡng chiến hạm của Hải quân bị ảnh hưởng. Hải quân Hoa Kỳ từng phải dùng bao cát đắp đê tạm ngăn triều cường, để bảo vệ các phao nổi và di dời một số thiết bị của nhà máy.
Năm 2011, Hội Đồng Nghiên Cứu Quốc Gia công bố báo cáo cho rằng, 56 cơ sở của Hải quân, trị giá $100 tỷ Mỹ kim, sẽ bị đe dọa nếu mực nước biển dâng cao khoảng 1 mét, và họ chỉ còn 10 đến 20 năm để đưa ra giải pháp đối phó. Dù các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ đang xem xét nghiêm túc ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và tìm cách đối phó, nhưng những trở ngại về chính trị đang cản trở việc chi ngân sách cho hoạt động này. Dưới thời Tổng Thống Donald Trump, việc giải quyết vấn đề biển đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn, vì ông Trump cho rằng hiện tượng này chỉ "tồn tại trên lý thuyết.”

Tỷ phú Bloomberg tặng trường cũ $1.8 tỷ
MARYLAND - Vào đầu tuần, tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng thành phố New York, vừa tặng cho trường cũ của ông – Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, tiểu bang Maryland - khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử giáo dục bậc cao tại Hoa Kỳ. Số tiền $1.8 tỷ Mỹ kim sẽ giúp Đại học Johns Hopkins duy trì vĩnh viễn chính sách "need-blind,” nghĩa là năng lực tài chính của người ghi danh sẽ không ảnh hưởng đến quyết định xét tuyển, chỉ xem xét sau khi sinh viên được thu nhận. "Tôi muốn đảm bảo rằng ngôi trường từng cho tôi một cơ hội sẽ có thể mở vĩnh viễn cánh cửa cơ hội đó cho những người khác,” ông Bloomberg nói.
Ông Bloomberg đã theo học Đại học Hopskins nhờ vào chương trònh cho sinh viên vay tiền National Defense. Ông thừa nhận tấm bằng từ đại học này đã giúp ông đạt được "giấc mơ Mỹ.” Ông Ronald J. Daniels, chủ tịch Đại học Johns Hopkins, cũng cho biết thêm, từ mùa thu năm 2019, trường đại học này sẽ xóa các khoản cho vay đối với sinh viên và thay thế hoàn toàn bằng học bổng. Món quà khổng lồ của vị cựu sinh viên nổi tiếng cũng sẽ giúp miễn trừ khoản vay của sinh viên đang theo học, giảm gánh nặng tài chính cho họ. Bên cạnh việc thường xuyên hoạt động từ thiện, ông Bloomberg được cho là đang cân nhắc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2020.

Thị trấn Alaska bước vào đêm dài 2 tháng
UTQIAGVIK - Tại thị trấn Utqiagvik ở Alaska, khoảng cách giữa hoàng hôn và bình minh có thể kéo dài tới hơn 2 tháng. Vào ngày 20 tháng 11 vừa qua, người dân ở thị trấn này đã bắt đầu chuỗi 65 ngày sống không có ánh mặt trời. Sự kiện thiên nhiên này còn được gọi là “Đêm vùng cực.” Theo nhà khí tượng học Judson Jones, “đêm vùng cực” là thuật ngữ để chỉ những khu vực không có ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian dài hơn 24 giờ. Chuyên gia này cho biết: “Điều này xảy ra mọi năm. Nếu bạn sống ở gần 2 vùng cực, sẽ có những ngày mà mặt trời biến mất trong phần còn lại của mùa đông. Tin tốt là nó sẽ trở lại vào mùa hè và sẽ không lặn trong nhiều ngày.”
Một phần ba của Alaska nằm trên vòng cực Bắc. Mặc dù Utqiagvik không phải là thị trấn duy nhất ở Alaska xảy ra “đêm vùng cực,” nhưng nó là nơi đầu tiên diễn ra hiện tượng này, vì thị trấn nằm gần Bắc cực nhất. Một số thị trấn khác như Kaktovik, Point Hope và Anaktuvuk Pass cũng trải qua “đêm vùng cực” với thời gian kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Họ sẽ có buổi hoàng hôn cuối cùng vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.
Khoảng 4,400 cư dân tại thị trấn Utqiagvik sẽ phải chờ đến 1 giờ trưa ngày 23 tháng 1, 2019, giờ địa phương, để thấy lại Mặt Trời. Trong thời gian “đêm vùng cực,” Mặt Trời không bao giờ nhô lên cao hơn đường chân trời. Càng gần cực bắc, ban ngày càng dài hơn vào mùa hè và ngắn hơn vào mùa đông. Ngoài ra, trong thời gian “đêm vùng cực,” nhiệt độ tại Utqiagvik sẽ vào khoảng -10 độ C. Người Alaska rất quen thuộc với “đêm vùng cực.” Một số người thậm chí còn tổ chức tiệc nhân dịp “đêm vùng cực” bắt đầu, hoặc chia sẻ những hình ảnh thú vị về thời kỳ này trên mạng xã hội.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT