Bình Luận

Xúc động của người di dân Nam Mỹ

Wednesday, 07/08/2019 - 05:07:50

Bốn ngày sau ngày thứ Bảy, mùng 3 tháng Tám, 2019, ngày cư dân thành phố El Paso -80% là người di dân Nam Mỹ- bị cậu Mỹ trắng Patrick Crusius


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Bốn ngày sau ngày thứ Bảy, mùng 3 tháng Tám, 2019, ngày cư dân thành phố El Paso -80% là người di dân Nam Mỹ- bị cậu Mỹ trắng Patrick Crusius nhắm bắn bằng súng tiểu liên AK-47 trong lúc họ đi chợ WalMart; Crusiux giết chết 22 người, và gây thương tích cho 20 người nữa. Câu hỏi đặt ra là toàn bộ người Nam Mỹ -56.5 triệu người đang sống trên đất Mỹ- ngẫm nghĩ những gì, và xúc động đến mức nào?
Cô Karla Cornejo Villavicencio, 30 tuổi, đang cư ngụ tại tiểu bang Connecticut, mô tả cô chết điếng, rồi buồn mửa như những khi cô nhuốm bệnh. Sau đó, cô òa khóc, nhưng lại nhanh chóng nín ngay, vì từ bé cô đã được bố mẹ dạy khóc lóc là yếu hèn.

Villavicencio theo cha mẹ đến Mỹ năm cô 5 tuổi, và hiện đang là một trong những đứa trẻ đến Mỹ từ ngày còn thơ ấu đang được bảo vệ bởi sắc lệnh Deferred Action for Childhood Arrivals program (Chương trình hoãn trục xuất cho những đứa bé được cha mẹ ẵm theo trong lúc họ vượt biên).
Đang đi ăn tối với người bạn trai, bạn cô lái xe, cô ngồi bên cạnh; cô học giai đoạn chót của chương trình Ph.D. tại Yale. Không khóc nữa, cô suy luận việc tư nhân người Mỹ trắng tìm bắn giết người di dân Nam Mỹ chỉ là đoạn nối tiếp của việc chính phủ bắt và trục xuất cha mẹ cô. Được tạm dung bởi sắc lệnh DACA, nhưng cô vẫn có thể bị một người thuộc phái 'quyền lực da trắng' giết bất cứ lúc nào.
Cô nói, "Tôi có cảm giác mình đang trở thành con thú rừng, bị người săn tìm bắt, và nếu tìm được là bắn. Do đó có thể cô sắp bị bắn chết bất cứ lúc nào."

Villavicencio là người gốc Ecuadorean, trong lúc một người di dân khác - ông Dario Aguirre, 64 tuổi, một luật sư gốc Mễ, có quốc tịch Mỹ, có đảng tịch Cộng Hòa, đang hành nghề tại Denver. Ngày còn trẻ Aguirre phục vụ trong quân chủng Không Quân.
Aguirre nói với phóng viên truyền thông, “Thân chủ than với tôi là, người gốc Mễ sống trên đất Mỹ đang trở thành vô tổ quốc, giống như người Do Thái trước ngày lập quốc; trước kia chúng tôi yên thân trong bóng tối, giờ này đèn của người thợ săn rọi tìm bắn chúng tôi.”

Mới 5 tuổi, Aguirre được mẹ ẵm sang San Diego, trao cho bà ngoại nuôi trong một xóm nghèo lao động.
Mặc dù có quốc tịch Mỹ, nhưng Aguirre vẫn chán ngán trước cảnh thảm sát tại El Paso; ông nói với anh phóng viên tìm phỏng vấn ông, “Đối với nhiều người gốc Latino như tôi thì những tràng tiểu liên nổ trong chợ WalMart El Paso đã bắn vỡ giấc mơ lộng lẫy về Mỹ Quốc của chúng tôi.”
Trong lúc luật sư Aguirre vỡ mộng, thì luật sư Zachary Zuniga, hành nghề và cư ngụ ngay tại El Paso lại đi ghi tên vào một lớp học tác xạ và mua súng tự vệ và bảo vệ gia đình. Ông tuyên bố không thích cảnh thụ động của một nạn nhân nữa.


Luật sư Zachary Zuniga (Jim Wilson/The New York Times)

Theo thống kê của Pew Research Center thì vào thập niên 1980, chỉ có 14.8 triệu người Latino, sống trên đất Mỹ, và chỉ chiếm 6.5% dân số Mỹ; năm nay con số này lên đến 56.5 triệu người, chiếm đến 18% dân số Mỹ.
Tuy đông, nhưng họ vẫn yên phận sống bên lề cuộc sống của người Mỹ, làm những công việc lam lũ, lãnh những đồng lương thấp hơn lương tối thiểu, nên không bị ai ghét bỏ; nhưng từ hơn 2 năm nay -dưới tay ông Trump- họ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trump đem việc đuổi người Nam Mỹ ra khỏi lãnh thổ Mỹ làm đề tài tranh cử, ông gọi họ là bọn hiếp dâm, bọn du đãng; ông xây trường thành ngăn cấm người Nam Mỹ trốn vào Mỹ, và sử dụng cảnh sát di dân (ICE) lùng bắt và trục xuất người Nam Mỹ ra khỏi đất Mỹ.
Hôm thứ Tư, 7 tháng 8, ông xuống El Paso để vuốt ve, hàn gắn vết thương tang khó của 42 gia đình có thân nhân bị cậu Mỹ trắng Crusius bắn chết, hoặc bắn bị thương; Trump sẽ bảo họ đừng oán thù người Mỹ trắng mà phải yêu thương họ, góp sức với họ để xây dựng nước Mỹ mỗi ngày một vĩ đại hơn.
Trump còn bảo họ, những cuộc cầu nguyện tập thể như người El Paso đang thực hiện là hình thức tuyệt đẹp để tỏ lòng thương nhớ những người xấu số; ông muốn cùng dự với họ.


Một cuộc cầu nguyện tập thể cho 22 người chết oan. (Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Nữ giáo sư G. Cristina Mora, dạy xã hội học tại University of California, Berkeley, nhận định cuộc bắn giết tại El Paso sẽ khắc hằn trong tâm khảm người di dân cho đến trọn đời, và vấn đề không phải là họ có vượt biên trốn vào lãnh thổ Mỹ hay không, mà vấn đề là da họ có trắng được như mầu da của tổng thống hay không.
Dân Biểu Veronica Escobar nói Tổng thống Donald Trump sẽ “không được chào đón” tại quê hương El Paso của bà; bà nói, “Chúng tôi đang thương khóc người thân của chúng tôi bị người da trắng giết chết; chúng tôi xin tổng thống đừng đến.”
Bà đồng ý với nhiều chính khách Dân Chủ là Trump có trách nhiệm tạo ra cuộc bạo động giết người tại El Paso.


Bà Dân Biểu Veronica Escobar (Getty Images)

Bất chấp lời khuyến cáo của các chính khách Dân Chủ, Trump vẫn cứ đến El Paso; ông tuyên bố những điều ông chỉ trích người Mễ là đúng và không đưa đến việc cậu Crusius gây đổ máu tại El Paso.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có đủ hùng biện để thuyết phục cư dân El Paso tin là ông không có trách nhiệm tạo ra cậu Crusius, và tác phẩm đẫm máu hôm 3 tháng 8, 2019 của cậu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT