Thế Giới

Xuất hiện đoạn ghi âm ký giả Saudi bị chặt đầu

Wednesday, 17/10/2018 - 07:59:27

Đại Sứ Otaibi đã trở về Ả Rập Saudi vào ngày thứ Ba, trước khi nhóm điều tra chung của Ankara và Riyadh cùng khám xét tòa nhà lãnh sự quán. Một viên chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay cảnh sát phát hiện "bằng chứng chắc chắn" cho thấy ông Khashoggi đã bị sát hại tại đây.

ISTANBUL – Một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư đưa tin rằng họ đang sở hữu các bản ghi âm cho thấy sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở thành phố Istanbul, ký giả Jamal Khashoggi đã bị một nhóm người tra tấn bằng cách cắt đứt các ngón tay của ông. "Hãy làm chuyện này ở nơi khác, các anh đang khiến tôi gặp rắc rối,” Đại Sứ Saudi tại Istanbul Mohammed al-Otaibi nói trong đoạn ghi âm. Trong đoạn ghi âm khác, một người chưa rõ danh tính nói với Otaibi rằng: "Nếu ông muốn sống để trở về Ả Rập thì hãy im lặng.”
Tờ báo khẳng định ông Khashoggi sau đó bị nhóm người này chặt đầu. Tờ báo không cho biết các đoạn ghi âm này được thực hiện như thế nào, hoặc làm cách nào họ có được những bằng chứng này. Trước đó, truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời các viên chức ẩn danh của Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng có tồn tại các bản ghi âm và video chứng minh ông Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán và bị phân xác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sở hữu các bản ghi âm này.
Đại Sứ Otaibi đã trở về Ả Rập Saudi vào ngày thứ Ba, trước khi nhóm điều tra chung của Ankara và Riyadh cùng khám xét tòa nhà lãnh sự quán. Một viên chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay cảnh sát phát hiện "bằng chứng chắc chắn" cho thấy ông Khashoggi đã bị sát hại tại đây.

Canada, thị trường cần sa hợp pháp lớn nhất thế giới
OTTAWA – Từ 12 giờ 1 phút sáng thứ Tư, người trưởng thành ở Canada đã được phép mang theo và chia sẻ nhiều nhất 30 gram cần sa tại nơi công cộng, theo một dự luật được phê chuẩn hồi tháng 6. Công dân cũng được trồng 4 cây cần sa tại nhà riêng và tạo ra những sản phầm dùng cho cá nhân. Người sử dụng phải đủ 18 tuổi. Việc sản xuất, phân phối, sử dụng và bán cần sa cho trẻ vị thành niên là phạm pháp. Canada là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 hợp thức hóa việc sử dụng và bán cần sa trên cả nước. Tháng 12, 2013, Uruguay là quốc gia đầu tiên hợp thức hóa việc sản xuất, bán và sử dụng cần sa.
Đạo luật cần sa của Canada ra đời từ một chiến dịch do Thủ Tướng Justin Trudeau khởi xướng, nhằm ngăn người chưa đủ tuổi tiếp cận với cần sa và hạn chế tội phạm liên quan đến cần sa. Một số chuyên gia y tế ở Canada đã bày tỏ lo ngại trước việc nước này hợp pháp hóa cần sa. Tuy nhiên, việc mua bán và sử dụng cần sa vẫn được quản lý bởi những quy định nghiêm ngặt. Chính phủ cấm bán cần sa chung với rượu và thuốc lá. Người dân được khuyến khích mua cần sa tại những hãng bán lẻ do chính quyền quản lý hoặc những nhà sản xuất có đầy đủ giấy phép.

Trung Quốc bênh vực trại cải tạo ở Tân Cương
PAKISTAN - Các viên chức Trung Quốc mới đây đã lên tiếng bênh vực việc chính quyền giam giữ nhiều người Hồi giáo thiểu số tại Tân Cương, trong hội nghị được tổ chức tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Pakistan. Cuộc họp tại Islamabad là lần đầu tiên Bắc Kinh cung cấp chi tiết về mạng lưới trại cải tạo ở Tân Cương, giữa lúc nước này đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng thế giới về vi phạm nhân quyền. Hội nghị tại Pakistan cũng cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Bắc Kinh, từ không thừa nhận chuyển sang quảng bá cho các trại cải tạo, gọi đây là nơi giúp người Hồi giáo xóa bỏ tư tưởng cực đoan bằng cách dạy nghề. Cuộc họp tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Pakistan diễn ra hôm thứ Ba, được chủ trì bởi đại sứ Shen Zicheng và có sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội người Trung Quốc gốc Uygur ở nước ngoài.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc trước đây từng gởi thư cho các hãng truyền thông nước ngoài để bênh vực chính sách ở Tân Cương. Tuy nhiên, cuộc họp ở thủ đô Pakistan là bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực truyền bá các lập luận mới ở bên ngoài Trung Quốc. Sau hội nghị, ông Shen giải thích rằng các chính sách tại Tân Cương hiện nay là “các nỗ lực chống khủng bố và duy trì ổn định, thông qua việc giáo dục dạy nghề.” Tuy nhiên, các nhà vận động nhân quyền cho rằng các trại cải tạo là bất hợp pháp theo luật Trung Quốc, dù Bắc Kinh cố gắng hợp pháp hóa các cơ sở này. Một số người từng bị giam giữ cho biết, họ đã bị ép phải thề trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ước tính Trung Quốc có thể đang giam giữ khoảng 1 triệu người tại các trại cải tạo ở Tân Cương.

Trung Quốc phản đối tàu Mỹ ghé Đài Loan
BẮC KINH – Vào thứ Tư, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc một tàu nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Cao Hùng, Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang có nhiều căng thẳng. “Trung Quốc phản đối mọi liên lạc quân sự và chính quyền dân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan,” ông Lục nói. Phát ngôn viên này yêu cầu Hoa Kỳ dừng tất cả các hình thức trao đổi chính thức và tiếp xúc quân sự với Đài Loan, đồng thời kêu gọi Washington giải quyết các vấn đề liên quan tới hòn đảo này với sự thận trọng.
Tàu nghiên cứu khoa học Thomas G Thompson của Hải quân Hoa Kỳ đã cập cảng Cao Hùng, Đài Loan trong 4 ngày, bắt đầu từ thứ Ba, để tiếp nhiên liệu và trao đổi thuyền viên. Nhà chức trách Đài Loan cho biết đây là một phần trong dự án nghiên cứu hải dương quốc tế, với sự tham gia của cả Úc và Philippines. “Chuyến thăm của con tàu này không liên quan tới quân sự,” Ngoại Trưởng Đài Loan Joseph Wu cho biết.
Chuyến đi của tàu Thomas G. Thompson tới Đài Loan diễn ra đúng vào lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu nhau trong nhiều vấn đề, từ thương mại cho tới an ninh. Trước đó, Bắc Kinh đã đề nghị Washington hủy hợp đồng bán thiết bị và hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, trị giá $330 triệu Mỹ kim.

Máy bay Trung Quốc chế rơi liên tiếp ở Miến Điện
MAGWAY - Hai chiến đấu cơ F-7 do Trung Quốc sản xuất và đang được Không Quân Miến Điện sử dụng đã rơi liên tiếp vào sáng thứ Ba, khiến 3 người thiệt mạng. Hai chiến đấu cơ F-7 một chỗ ngồi của Không quân Miến Điện dường như đã đâm vào một tháp truyền hình vào sáng thứ Ba. Một máy bay rơi xuống cánh đồng trong khi máy bay còn lại lao xuống một ngôi chùa nổi tiếng ở vùng Magway, miền trung Miến Điện. Vị trí hai máy bay rơi cách nhau khoảng 16 cây số. Viên chức quốc phòng Myanmar xác định nguyên nhân khiến 2 máy bay gặp nạn là do sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị giảm.
Nhà chức trách cho biết cả 2 chiến đấu cơ đều vỡ vụn sau khi rơi xuống đất. Hai phi công đều thiệt mạng, trong đó một phi công không kịp bung dù, còn phi công thứ hai bung dù thành công nhưng chết khi tiếp đất. Hai phi công được xác định là hai đại úy ngoài 30 tuổi và thi thể của họ đã được thu hồi. Ngoài 2 phi công thiệt mạng, vụ tai nạn còn khiến 1 bé gái 11 tuổi tử vong, do bị mảnh vỡ máy bay văng trúng khi em đang ngồi trong nhà. Ngoài ra, một bé trai 10 tuổi khác cũng bị thương do mảnh vỡ của máy bay rơi trúng.
F-7 là chiến đấu cơ từ thời Chiến Tranh Lạnh, do Trung Quốc chế tạo dựa theo mẫu máy bay MiG-21 của Liên Xô. F-7 là dòng chiến đấu cơ giá rẻ và được Trung Quốc xuất cảng rất nhiều. Các vụ tai nạn máy bay gần đây đã khiến viên chức Miến Điện không hài lòng với máy bay Trung Quốc, và đã chuyển sa tìm mua thiết bị quân sự của Nga.

Bắc Hàn trao trả công dân Nam Hàn bị bắt
BÌNH NHƯỠNG - Công dân họ Pyo, 60 tuổi, bị Bắc Hàn bắt hồi tháng trước, đã được trao trả cho Bộ Hợp Nhất Nam Hàn vào chiều thứ Ba tại làng Panmunjom bên trong khu phi quân sự liên Triều DMZ. "Các cơ quan liên quan đang điều tra xem người đàn ông này vào Bắc Hàn bằng cách nào,” nhà chức trách Nam Hàn cho hay. "Chính phủ cám ơn việc Bắc Hàn trao trả công dân dựa trên lý do nhân đạo.” Hồi tháng 8 vừa qua, Bắc Hàn cũng cho hồi hương một người đàn ông Nam Hàn 34 tuổi, sau khi giam người này 16 ngày với cáo buộc vượt biên trái phép. Việc trao trả công dân được coi là hành động thể hiện thiện chí của Bắc Hàn sau các hội nghị liên Triều trong thời gian qua.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT