Hôm Nay Ăn Gì

Xôi ngọt đậu đen, đậu xanh

Monday, 15/08/2022 - 07:51:04

Cái cảm giác chạy vào chạy ra, tự dưng được người lớn kêu cho cục ram, hoặc tới giờ ăn, các bàn người lớn...


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Trong các đám giỗ, kị hay đám chạp mả, đám cúng ông bà của người Trung, ngoài mì Quảng, bánh chưng, bánh tét, bánh rò, bánh ú, canh môn, thịt heo luộc… có vẻ như phải kể thêm đến món xôi ngọt. Bởi nếu không có dĩa xôi ngọt thì tiếng bẻ bánh tráng nghe rốp rốp tuy có vui nhộn, giòn rụm nhưng mất hết ý vị! Vì sao?

Vì các món ăn, đặc biệt món cúng kính, giỗ quảy, chạp mả của người Trung nói riêng và người Việt nói chung có tính toán rất kĩ. Tính toán từ vấn đề phối hợp âm dương ngũ hành cho đến yếu tố sức khỏe, tính bổ dưỡng, tính chữa bệnh… mọi thứ dồn trong bữa tiệc. Bởi ngày xưa, trong điều kiện kinh tế nghèo khổ, không cần nói cho xa, những ai thuộc thế hệ 6x, 7x, thậm chí 8x từng sống ở nông thôn Việt nam, chắc sẽ thấu hiểu và có đầy đủ ký ức về những buổi đi ăn giỗ, thậm chí còn có thể nhớ như in cái cảm giác bụng đói cồn cào, nghe mùi ram chiên (chả giò), mùi ngũ quả xào mà cứ mơ mòng như đang được ngồi ăn.

Cái cảm giác chạy vào chạy ra, tự dưng được người lớn kêu cho cục ram, hoặc tới giờ ăn, các bàn người lớn ngồi đầy đủ, khui rượu, khai tiệc, con nít xúm xít ngoài hiên, chờ người lớn bày cho một bàn phụ bên cạnh, hay chỗ góc nhà với một bát canh khoai môn, một dĩa ram, thế là ngồi ăn ngon lành. Tuy ăn rất đã, rất thèm nhưng đứa nào cũng thảo ăn, từ tốn chứ không có cảnh chụp giật, ăn lấy để hoặc ăn vội tranh phần. Cái hay của con nít hồi đó là vậy!

Và cái cảm giác này cũng khiến tôi chạnh buồn, tôi sực nghĩ ra rằng thế hệ của chúng tôi, dường như đối với người lớn, trẻ con không phải là lẽ sống hoặc một điều gì đó thiêng liêng đối với họ. Đơn giản, đã đẻ ra thì nuôi, và nuôi thì phải cho ăn, còn cho ăn cách gì thì tùy mỗi người, nhưng “con nít không được ăn thịt chó.”

Chính vì vậy mà trong các bữa giỗ, con nít theo ông bà, cha mẹ trở thành điều gì đó hơi thừa thải trong con mắt người lớn, nhất là nghĩ lại những cái bàn ăn kê thêm, chỉ có vỏn vẹn bát cơm lớn, bát canh khoai môn và vài cục ram, coi như xong. Trong lúc ăn, may mắn lắm thì bên bàn người lớn thừa thứ gì đó, lại chuyển sang cho mà ăn. Nhưng chuyện này dễ dầu gì, bởi thời đó đói khổ, khốn khó, người lớn họ ăn cũng nhiệt liệt lắm, chứ có đâu mà chờ!

Điều đó khác xa với trẻ con bây giờ, chúng được cha mẹ thương yêu từ tấm bé, và đương nhiên con trẻ là lẽ sống của cha mẹ. Chính vì vậy mà con trẻ không bị thiếu thốn. Điều này khiến tôi lơ mơ hi vọng rằng trong tương lai, đất nước sẽ xuất hiện nhiều người tài, trong tương lai, sẽ có những thế hệ không bị tổn thương nhân cách từ nhỏ, trong tương lai, sẽ có những nhà lãnh đạo chính trực, thanh minh và hết lòng vì dân. Bởi vì, từ nhỏ, các nhà lãnh đạo ấy không bị thèm ăn, không bị hất ra ngoài lề cuộc đời, hay ngoài rìa mâm cỗ dòng họ, từ nhỏ, các nhà lãnh đạo ấy được đối xử bình đẳng, được tôn trọng và không bị ma mị theo kiểu “con nít không được ăn thịt chó” để rồi khi lớn lên, cho dù được học hành, có bằng cấp này nọ chăng nữa thì cái ăn, vật dục vẫn cứ thôi thúc người ta bất chấp mọi giá trị tinh thần. Đó là những gì thế hệ hôm nay đang trải qua.

Ơ hay, đang bàn về món ăn, đang định nói món xôi ngọt đậu đen trong đám giỗ, tự dưng lại đá sang chuyện thế hệ. Mà kì thực, theo ngôn ngữ nhà Phật thì mọi chuyện đều có mối duyên ràng buộc với nhau cả, khi bứt một sơi dây thì động cả cánh rừng, khi chạm một hạt bụi thì ba ngàn thế giới cũng đang rung chuyển, khi rơi một giọt nước mắt thì ba ngàn thế giới rưng rưng… Bởi vậy, chỉ một lát xôi ngọt tuổi thơ, không chừng nó quyết định cả tương lai của đứa bé. Bởi có những thứ tưởng chừng rất đơn giản, không thể đơn giản hơn mà lại hàm chứa quá nhiều trắc ẩn và quá đỗi đáng nói.

Như chuyện miếng xôi ngọt của thằng Định, tôi nhớ nó mãi. Nó là đứa không có cha. Không hiểu sao lúc nhỏ, tôi chơi với một đám bạn toàn không cha giống tôi. Thằng nào cũng nhem nhẻm bùn đất, trẻ quê mà. Nhưng được cái mới có tí tuổi mà đã thương nhau lắm, và thảo ăn, có gì cũng nhường nhau, có cây kẹo cũng mỗi đứa nếm một tí cho đở thèm, có trái ô ma sống cũng mỗi đứa ngoạm một miếng, có miếng xôi ngọt cũng vậy. Bữa đó bà thằng Định cho xôi ngọt cho bọn tôi, mỗi đứa một miếng, tôi vắng mặt, thằng Định thèm quá, ăn luôn phần của tôi, lát sau tôi chạy sang chơi, mấy đứa kia kể, tôi giận thằng Định. Ai dè, đó cũng là lần giận cuối cùng của tôi với Định.

Chưa có đứa nào đi học, tức là mới ngót nghét năm tuổi, vì năm sau tôi đi mẫu giáo, vậy mà con nít hồi đó già quá! Thằng Định leo lên chạng, lấy trộm cho được lát xôi ngọt, ôi chao, nó ngã ngay vào thành nồi cám heo đang nấu, cả nồi cám ụp lên người nó, nó khóc thét lên, cậu nó dội nước lã lên người nó, còn nó thì nhìn về phía tôi, cố đưa miếng xôi ngọt cho tôi, tôi thì khóc ầm lên vì sợ, hình như hồi đó sợ, sau này mới biết khóc vì thương bạn. Thằng Định không qua khỏi, thời đó thì có thuốc men gì đâu… Miếng xôi ngọt cứ ảm ảnh tôi, giờ mỗi khi ăn đám cúng, tôi nhớ đến gương mặt, ánh mắt, một cái gì đó như van vỉ, xin lỗi tôi lúc ấy... Làm sao một đứa trẻ năm tuổi có thể chín chắn đến như vậy chứ?! Tôi không thể phụ lòng bạn tôi, tôi không thể đạp qua sự tử tế của Định! Có lẽ đó là bài học đầu đời của tôi, nó khảm vào tâm trí và máu thịt tôi!

Hình ảnh miếng xôi ngọt tuổi thơ của tôi vừa dữ dội lại vừa huyền nhiệm, nó luôn là miền tâm tưởng mà ở đó tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải sống cho thật tử tế, để thằng Định không thấy buồn!

Và đây là cách để nấu xôi ngọt:

Chỉ cần bốn nguyên liệu cơ bản là đã có thể nấu một mẻ xôi ngọt: nếp, đậu, đường đen (đường bát), một ít gừng, một chút muối.

Đầu tiên, quý vị chuẩn bị khoảng nửa lon đậu đen, hoặc đậu đỏ tùy theo sở thích. Sau khi nhặt bỏ những hạt đậu hư, mốc, mọt… chúng ta cho nước vào đậu và ngâm chừng 5 đến 8 tiếng đồng hồ để đậu mềm ra. Nếp thì vo sạch rồi cho vào ngâm cùng một chút muối.

Sau khi đậu mềm, rửa sạch, đổ thêm nước và ninh đậu cùng một chút muối ở lửa vừa để đậu chín mà không bị nở ra. Khi kiểm tra đậu đã chín, cho lượng đường vừa khẩu vị ngọt của mình vào và ninh thêm khoảng 10 phút nữa để đậu ngấm đường, sau đó chiết đậu ra để riêng, giữ lại phần nước.

Bây giờ đến phần việc với nếp. Chúng ta chiết sạch nước đã ngâm nếp ra, vo sạch nếp rồi để ráo, tiếp tục ngâm nếp với phần nước đường đã chiết lúc nấu đậu trong khoảng thời gian tầm 1 tiếng đồng hồ, lúc này nếp sẽ chuyển sang màu nâu. Sau đó trộn đều nếp và đậu đã ninh chín ở trên và cho vào nồi hấp, nếu không có nồi hấp, quý vị có thể dùng nồi cơm điện để nấu chín phần xôi đậu này.

Trong lúc đợi xôi chín, chúng ta tán nhỏ bánh đường và cho thêm vào một chút nước. Có hai cách để hoàn thành món xôi này: Đun sôi nước đường rồi cho phần xôi đậu đã chín vào đảo đều để đường ngấm vào xôi, đậu, thêm chút gừng để có vị thơm. Đảo đều tay thêm khoảng một, hai phút nữa rồi tắt bếp, cho xôi đậu vào khuôn và rắt mè lên trên. Nếu quí vị muốn món xôi mềm hơn thì khi xôi vừa chín tới lúc hấp, ta cho đường vào, thêm chút gừng và đảo đều, đợi xôi mềm thì tắt bếp, cho ra khuôn và rắt mè lên.

Bí quyết của món này chẳng có gì nhiều ngoài việc ngâm nếp và đậu trước để đỡ mất thời gian khi nấu, cũng như món xôi ngon, mềm hơn, thêm vào đó là việc cho xôi vào khuôn ngay khi còn nóng để xôi dễ kết dính hơn.

Một món ăn tuy đơn giản những cũng tốn không ít công sức và thời gian.

Kính chúc quý vị có bữa ăn ấm áp cùng gia đình!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT