Đạo và Đời

Xin vâng

Thursday, 17/12/2020 - 06:28:53

​Mỗi lần khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời của thiên thần Gabrien chào Đức Mẹ, “Kính chào Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời.”


Tranh vẽ câu chuyện thiên thần Gabriel xuất hiện để truyền tin về phước của Đức Chúa Trời đến thiếu nữ Maria của họa sĩ Carl Bloch.


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Mỗi lần khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời của thiên thần Gabrien chào Đức Mẹ, “Kính chào Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời.” Lời chào này đã làm cho Maria, một người thiếu nữ độ tuổi 15 hay 16 tuổi, bối rối. Có lẽ ai trong chúng ta ở trong hoàn cảnh này cũng sẽ mang một tâm trạng tương tự bởi vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, và hơn nữa, hình ảnh bất thường của một thiên thần hiện ra làm ai chẳng bối rối.

​Điều làm cho Maria bối rối hơn nữa, đó là lời thiên thần truyền tin, “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Đấng Tối Cao.” Một lời truyền tin chấn động, vượt lên trên sự hiểu biết ngay cả đối với những người thông thái, chứ nói gì đến một thiếu nữ còn trẻ tuổi.

​Điều mà Maria bối rối nhất, đó là “Làm sao, tôi một thiếu nữ đồng trinh có thể thụ thai được?” Biết rằng Maria không thể hiểu được sự việc vừa được truyền tin, thiên thần vội trấn an, “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.”

Chả chắc Maria có thể hiểu được lời trấn an này, nhưng thực ra không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Thiên Chúa đã cho uy quyền của Ngài bao trùm Maria, nên người con Maria sinh ra sẽ là “Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa.” Ngài sẽ cai trị đời đời, và triều đại Người sẽ vô tận.

​Khi suy niệm về giây phút đợi chờ Maria nói lời, “Xin Vâng,”các thánh giáo phụ xa xưa bảo rằng toàn bộ chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa dường như đang được treo trên một sợi chỉ mong manh. Rất may mắn cho nhân loại, là Maria đã xin vâng, và ơn cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực.

​Ơn cứu độ là một ân sủng cao cả và là một món quà nhưng không đến từ Thiên Chúa, nhưng lại tùy thuộc vào sự cộng tác của con người. Nói một cách khác, Thiên Chúa không ép buộc con người, nhưng Ngài luôn sẵn sàng ban cho những ai muốn đón nhận. Thánh Bênađô thành Clairvaux nói rằng, “Thiên thần chờ đợi câu trả lời của Đức Mẹ và đã trở về với Thiên Chúa Đấng sai người ra đi. Chúng con cũng chờ đợi lời tràn đầy yêu thương của Mẹ.” Khi Đức Mẹ nói lời xin vâng, các thánh giáo phụ bảo rằng các tầng trời hân hoan vui mừng.

​Theo niên lịch phụng vụ, ngày 25 tháng 3 là ngày Giáo Hội mừng Lễ Truyền Tin, đúng 9 tháng trước Lễ Giáng Sinh, nhưng trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay, chúng ta được đọc bài Tin Mừng này bởi vì Đức Mẹ Maria đóng vai trò quan trọng trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập thể. Hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ đã giải thoát cho lời nguyền của Evà thuở xưa, và từ đó nhân loại được thông phần “đầy ơn phước Đức Chúa Trời.”

​Suy đi từ câu chuyện Truyền Tin, chúng ta nhận ra rằng sự cộng tác của con người vào ơn cứu độ của Thiên Chúa là rất cần thiết. Nếu xưa Đức Mẹ từ chối không xin vâng, không chừng 2000 năm sau, là ngày hôm nay, nhân loại vẫn còn đang trông chờ Đấng Cứu Thế. Ai trong chúng ta cũng có thể học nơi Đức Mẹ để nói với Chúa lời “Xin Vâng” của mình. Có thể chúng ta không hiểu hết được tác động của nó, nhưng chính chúng ta và nhiều người khác sẽ được hưởng nhờ lợi ích của những lời “Xin Vâng” hàng ngày được dâng lên Thiên Chúa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT