Văn Nghệ

Xem triển lãm 55 năm cầm cọ của họa sĩ Nguyên Khai

Friday, 24/06/2016 - 10:45:16

Bà đã thay ông gánh vác chuyện mưu sinh trong gia đình để ông yên tâm sáng tác. Dẫu rằng số tiền bán tranh của ông khi qua sống tại Mỹ rất ít ỏi so với thời gian sống tại Việt Nam trước 1975, nhưng với họa sĩ Nguyên Khai, vẽ đã là “nghiệp”, khó mà rời bỏ.

Bài BĂNG HUYỀN

Buổi triển lãm tranh đánh dấu 55 năm cầm cọ của họa sĩ Nguyên Khai đã diễn ra từ ngày 10-6-2016 đến ngày 12 tháng 6 năm 2016 tại Việt Báo Gallary (thành phố Westminster), trưng bày 28 tác phẩm, là 28 sáng tạo nghệ thuật đầy cảm xúc, đã để lại trong lòng người thưởng lãm những ấn tượng đa dạng.

Họa sĩ Nguyên Khai bên người bạn đời- hiền thê Lan Phương trước bức tranh Nguyệt Thực là tác phẩm mới nhất của họa sĩ Nguyên Khai, cũng là tác phẩm mà bà Lan Phương thích nhất trong số các tranh triển lãm lần này. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Thế giới tranh của họa sĩ Nguyên Khai trong triển lãm
Hầu hết các bức tranh trong triển lãm đều không bị lồng khung, phải chăng vì họa sĩ Nguyên Khai muốn màu sắc và đường nét trong tranh phải vượt thoát khỏi giới hạn của diện tích bức tranh?

Các tác phẩm trưng bày tạo cho người xem cảm giác tất cả màu sắc và những nhát bút mạnh mẽ đã được tung lên khung vải, không cầu kỳ về đề tài, cái gì đã làm cho họa sĩ Nguyên Khai xúc động đều có thể trở thành tranh.

Nhà văn họa sĩ vừa thả hồn bên phím đàn vừa ngắm tranh trong triển lãm. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



28 tác phẩm rất giàu chi tiết, nhưng cùng lúc lại vô cùng sắc xảo trong bố cục, khiến cho mỗi tác phẩm trở thành một thế giới kỳ ảo và người thưởng lãm có thể phải mất nhiều thời gian để khám phá những điều bất ngờ còn ẩn trong các mảng màu, những chuyển biến về phong cách cũng như thủ pháp tạo hình của họa sĩ Nguyên Khai.

Từ những tác phẩm thuộc thể loại mix media, có bề mặt trông như thể những công trình chạm nổi của điêu khắc, họa sĩ Nguyên Khai đã đưa vào mặt tranh những “ngoại vật” là những con chip điện tử, đục đẽo, gò đồng, gò sắt những kim loại, ống water heater... đính vào tranh một cách sáng tạo. Đem lại hiệu ứng thị giác lạ lẫm cho người xem. Tạo sự đa dạng cho ngôn ngữ tạo hình độc đáo, mạnh mẽ, thô ráp nhưng vẫn thể hiện được chất thơ của tự nhiên và những suy tư sâu thẳm trong ông.

Tranh mô tả lại sự rung chuyển của tòa tháp đôi trước khi bị sụp đổ vì khủng bố trong biến cố ngày 11/9/2001 tại New York. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tranh 3 D đề tài “nước” (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Hoặc với những bức tranh sơn dầu vẽ các thiếu nữ trong tà áo dài duyên dáng ôm đàn, hay bên ngựa, bên hoa Quỳnh, hoa Sen, hoặc những tranh về ngựa... được họa sĩ Nguyên Khai dùng những tạo hình mang tính khái quát, tượng trưng của hình thể, của chi tiết, những nét phóng khoáng, bay bổng với những bóng hình đầy chất thơ và ngập tràn tình yêu, xúc cảm cuộc sống. Để từ đó dẫn dắt người xem sống trong thế giới của những câu chuyện mà ông muốn kể.

Hay những tranh thuộc trường phái ấn tượng của Nguyên Khai, những bố cục màu sắc đã giản lược tối đa về hình, chỉ còn những mảng khối và đường nét dung dị, ấn tượng với người xem ở sự tinh tế và những kết hợp khéo léo của các sắc thái, kể cả đó là những màu sắc đối lập, để tạo những hiệu quả ảo giác bằng đường nét, không gian, sự hỗn độn hay hòa hợp, những sáng sủa hay nhập nhòa, tạo nên chiều sâu thu hút người xem, gợi nhiều hơn tả.

Một số tranh thuộc trường phái ấn tượng Impressionist của họa sĩ Nguyên Khai



Trong cái tĩnh của hình giữa cái động của màu, họa sĩ Nguyên Khai đã vẽ sự rung chuyển thật lặng lẽ nhưng cũng đầy ghê rợn trước giây phút bị sụp đổ hoàn toàn của vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của tòa tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, vào buổi sáng ngày 11/9/2001 khi hai chiếc máy bay do những kẻ khủng bố khống chế đã đâm vào hai tòa tháp. Ngắm nhìn tác phẩm này, mỗi người xem chắc hẳn sẽ có những xúc động khác nhau trước biến cố khủng khiếp mãi mãi sẽ không phai mờ trong ký ức của hàng triệu người, và có lẽ cả hàng tỷ người trên thế giới.

Trong tâm hồn họa sĩ Nguyên Khai, những ký ức, giấc mơ... cứ đến rồi đi, chồng lấp lên nhau theo từng quãng thời gian, cùng những ngậm ngùi về một nơi chốn tưởng đã khuất xa đã được chắt lọc, chưng cất lại trên tranh. Như qua tác phẩm ông vẽ những tòa nhà chọc trời tại New York cùng hình ảnh ngôi nhà thờ cổ tại đây có hình dáng rất giống nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn, là một sự giao hòa giữa hiện tại và quá khứ, đan xen hòa quyện.

Những người khách đến xem tranh đang thích thú chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bức tranh “Nụ Cười Đức Phật” (Nụ cười Ca Diếp). (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đó còn là những ám ảnh không ngừng về nỗi đau sau cuộc chiến Việt Nam đầy nghiệt ngã, huynh đệ tương tàn trong loạt tranh 3D- 3 chiều, đề tài “nước”. Những giọt nước trông rất thật được họa sĩ Nguyên Khai vẽ bằng kỹ thuật 3 D, để diễn tả nỗi đau của những giọt lệ rơi xuống trên quê hương.

Nghệ thuật của tranh Nguyên Khai
Chính vì muốn người xem tranh mở rộng trí tưởng tượng, tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai luôn là một cấu trúc phức tạp về mặt thẩm mỹ, khiến cho người xem tranh không bao giờ mất đi hứng thú khi thưởng thức chúng, để mỗi ngày nhìn cùng một bức tranh sẽ thấy nó khác ngày hôm qua, tranh ông luôn có sự chuyển động độc đáo này.

Phải chăng cũng vì ông không tin rằng mình là người kể chuyện giỏi nếu dùng lời nói hay chữ viết. Tất cả những gì ông muốn nói, ông chuyển thành hình ảnh, như một cách cố gắng nói chuyện trong thinh lặng, nhưng lại gợi lên được rất nhiều. Đây cũng chính là điều mà nhà văn- họa sĩ Đông Duy rất tâm đắc khi đến xem tranh nhân triển lãm 55 cầm cọ của họa sĩ Nguyên Khai.

Nhà văn họa sĩ Đông Duy chia sẻ, “Người họa sĩ nói chung là những người buôn ảo mộng, nếu tạo dựng được ảo mộng, bán được cái ảo mộng đó thì thành công. Trong nhiều năm qua, họa sĩ Nguyên Khai đã tạo ra nhiều ảo mộng rất thu hút. Thành công là giúp người xem vượt thoát khỏi thực tại. Tôi cũng là họa sĩ, khi nhìn bức tranh Nguyệt Thực và Yên Lặng của Nguyên Khai vẽ, tôi rất thích.”

Giải thích niềm thích thú với hai tác phẩm trên, nhà văn họa sĩ Đông Duy nói, “Tôi rất thích bức Nguyệt Thực, nó vượt ra ngoài nhận thức của mình. Tranh mà vẽ rõ ràng thì thua chụp hình. Bức Nguyệt Thực đưa người xem vào một thế giới khác. Tôi cảm như bị hút vào nó, trôi vào nó, gợi rất nhiều cảm xúc. Còn về bức tranh họa sĩ Nguyên Khai đặt tên là Yên Lặng, tôi nhìn bức tranh, cảm tưởng nó nổi sóng, tựa như sự mong manh của người đàn bà. Người đàn bà đôi khi họ có những mơ mộng tuyệt vời. Nhưng đôi khi họ cũng thực tế đến mức tàn nhẫn. Về mặt bố cục của tranh này, cách diễn đạt rất hay. Khi xem tranh này, tôi muốn đặt lại tên cho bức tranh là Ảo Mộng chứ không là Yên Lặng nữa.”

Đây chỉ là cảm nhận của nhà văn họa sĩ Đông Duy mà người viết đã ghi nhận được từ triển lãm, và chắc chắn còn rất nhiều cảm nhận của rất nhiều người xem tranh khác, mỗi người một ý, khi xem 28 tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai trong triển lãm. Mỗi người sẽ thấy ở từng tác phẩm những sắc thái và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Mỗi bức tranh của Nguyên Khai không còn giá trị độc bản, mà với mỗi người, sẽ có riêng những dị bản của riêng mình, cũng sẽ tự đặt lại tên bức tranh cho riêng mình và chẳng có cái nào giống cái nào.

Một số tác phẩm mix media của họa sĩ Nguyên Khai. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đằng sau thành công của họa sĩ Nguyên Khai
Những ngày diễn ra triển lãm, mọi người không chỉ đến xem tranh mà còn mong được gặp và chuyện trò với họa sĩ Nguyên Khai, người họa sĩ rất hiền lành, nói năng ôn tồn, nhẹ nhàng, điềm đạm. Nhưng ẩn đằng sau con người hiền lành ấy là cả một nội lực mạnh mẽ, quyết liệt. Dù bao nhiêu thăng trầm, sóng gió, gian truân trên con đường sáng tạo nghệ thuật, ông vẫn ung dung, tự tại, gắn bó với hội họa suốt 55 năm qua. Để có được điều này, không thể không nhắc đến sự hy sinh của bà Lan Phương, là hiền thê, người bạn đời của ông, cựu nữ hướng đạo sinh, cựu nữ sinh Trưng Vương, cựu giáo sư dạy Anh Văn khi còn tại Việt Nam và là nhân viên của chính phủ làm ở Department of Rehabilitation và Department of Community tại Hoa Kỳ từ khi qua Mỹ cho đến tuổi nghỉ hưu.

Bà đã thay ông gánh vác chuyện mưu sinh trong gia đình để ông yên tâm sáng tác. Dẫu rằng số tiền bán tranh của ông khi qua sống tại Mỹ rất ít ỏi so với thời gian sống tại Việt Nam trước 1975, nhưng với họa sĩ Nguyên Khai, vẽ đã là “nghiệp”, khó mà rời bỏ.

Bà Lan Phương tâm sự, “Nếu bảo rằng tôi đã hy sinh, đi làm để giúp chồng, thì hơi quá, thật ra tôi chỉ tiếp tục làm công việc tôi đã được huấn luyện để làm, đó là việc mà tôi rất thích. Chồng tôi vẫn tiếp tục làm việc mà anh ấy thích. Tôi chẳng phải hy sinh gì cả. Nhiều người nói sao tôi cứ để chồng ở nhà vẽ vời linh tinh, đâu có ra tiền đâu, mà còn tốn tiền để mua vật liệu làm tranh... Thật ra, tôi không phải hy sinh gì nhiều. Nhưng hỗ trợ cho anh thì có. Anh cũng rất sẵn lòng làm những việc giúp tôi, như đưa đón 4 đứa con đi học, ở nhà trông nom các con khi chúng còn nhỏ, tôi đi làm cũng an tâm hơn.”

Trong suốt cuộc trò chuyện với bà Lan Phương, điều mà người viết nhận thấy rõ nhất ở bà là sự mẫn cảm của người phụ nữ, những cảm nhận về hội họa, về nghệ thuật rất sâu sắc, đặc biệt là những tác phẩm của chồng. Chính tài năng và nhân cách của họa sĩ Nguyên Khai đã khiến bà hoàn toàn tự nguyện làm người... đứng sau.

Còn với họa sĩ Nguyên Khai, là người rất tinh tế, nên ông hiểu hơn ai hết những hy sinh của vợ mình. Ông bảo, ông rất quý và trân trọng người bạn đời suốt bao năm qua đã hỗ trợ để ông được sống trong thế giới nghệ thuật.

Chia sẻ niềm vui của những ngày triển lãm đánh dấu 55 năm cầm cọ, ông nói có rất nhiều người đến xem tranh, có người 90 tuổi thấy báo đăng về triển lãm, đã tìm đến xem tranh và xin chụp hình với ông để khoe với gia đình. Có người ở bên Texas nhân dịp về chơi vùng Little Saigon biết về triển lãm, cũng đã tìm đến. Có vài người yêu thích tranh đã mua vài bức của ông.

Ông tâm sự, “Sau 55 năm cầm cọ, tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ tranh. Vì với tôi vẽ tranh giống như ngồi thiền vậy, tinh thần thảnh thơi, suy nghĩ điều tốt, điều lành, đem cái đẹp đến cho mọi người.”
Quý vị có thể tìm hiểu thêm về họa sĩ Nguyên Khai và những tác phẩm của ông tại trang nhà www.nguyenkhaiart.com


Họa sĩ Nguyên Khai và nhà văn họa sĩ Đông Duy đứng bên bức tranh “Yên Lặng” mà ông Đông Duy yêu thích nhất khi xem triển lãm. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT