Thế Giới

Xe bus 2 tầng gặp nạn, 18 người chết

Saturday, 10/02/2018 - 07:55:02

Các tài xế thường than phiền rằng họ có mức lương cơ bản quá thấp, từ $1,700 đến $2,100 một tháng, do đó họ buộc phải lái xe nhiều giờ hơn để tăng thu nhập. Theo một cuộc thăm dò tại Hong Kong, hơn 3 phần 4 giới tài xế xe bus tại đây làm việc từ 50 đến 60 giờ mỗi tuần.



HONG KONG – Ít nhất 18 người đã chết và hàng chục người khác bị thương, khi một xe bus 2 tầng gặp nạn vào hôm thứ Bảy, tại một khu vực nông thôn ở Hong Kong. Chiếc xe bus đang đi từ trường đua ngựa ở quận Sha Tin đến trung tâm Tai Po thì bị lật, làm bể một phần nóc xe. Chiếc xe được quản lý bởi hãng Kowloon Motor Bus, một trong các hãng xe bus lớn ở Hong Kong. Những người thiệt mạng bao gồm 15 nam và 3 nữ. Ngoài ra, ít nhất 62 người đã bị thương trong tai nạn, bao gồm 15 người bị thương nặng và 10 người nguy kịch. Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định.
Hành khách nói rằng tài xế đã bị trễ lịch trình và lái xe khá nhanh. Khi tai nạn xảy ra, xe bus đang chở đầy khách. Đây là tai nạn chết người nhiều nhất tại Hong Kong kể từ năm 2003, khi 21 người chết trong một vụ xe bus 2 tầng lao khỏi xa lộ. Vụ tai nạn mới nhiều khả năng sẽ làm dấy lên mối lo ngại về việc tài xế xe bus phải làm việc quá nhiều giờ tại Hong Kong. Các tài xế thường than phiền rằng họ có mức lương cơ bản quá thấp, từ $1,700 đến $2,100 một tháng, do đó họ buộc phải lái xe nhiều giờ hơn để tăng thu nhập. Theo một cuộc thăm dò tại Hong Kong, hơn 3 phần 4 giới tài xế xe bus tại đây làm việc từ 50 đến 60 giờ mỗi tuần.

Duterte dọa nổ súng nếu tài nguyên biển bị cướp
MANILA – Tổng Thống Philippines nói, ông không có ý định gây chiến tranh liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ ra lệnh cho Hải quân nổ súng nếu các nước khác lấy đi tài nguyên trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia. Trong cuộc họp báo tối thứ Sáu, Tổng Thống Rodrigo Duterte cho biết Philippines sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển Đông. Ông cũng khẳng định chủ quyền của Philippines với bãi ngầm Benham Rise, nằm trong vùng biển phía đông bắc quốc gia.
“Chúng tôi không thể chống lại Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Tôi sẽ chỉ giữ yên lặng,” ông Duterte nói. “Tuy nhiên, nếu quý vị lấy đi thứ gì từ vùng đặc quyền kinh tế, tôi sẽ ra lệnh cho hải quân nổ súng.” Theo hiệp ước Liên Hiệp Quốc 1982, các nước ven biển có toàn quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế. Tàu bè nước ngoài có thể qua lại vùng biển này, nhưng không thể đánh cá hay khai thác dầu hoặc khí gas tự nhiên.
Ông Duterte mới đây đã ra lệnh chấm dứt mọi hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài tại Benham Rise, vốn đã được chính phủ Manila đặt tên lại là Philippines Rise. Đồng thời, Tổng Thống Duterte cũng yêu cầu Hải quân và Không quân tăng cường tuần tra tại vùng biển này. Một số người tin rằng ngoài ngư trường lớn, vùng biển này có thể còn có mỏ dầu và khí đốt. Các viên chức Philippines đã bày tỏ lo ngại về sự xâm nhập tại Benham Rise, sau khi một tàu Trung Quốc đi qua lại trong vùng biển này vào năm ngoái.

Trực thăng Thổ bị bắn rớt ở Syria
ISTANBUL - Một trực thăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lực lượng dân quân người Kurd do Hoa Kỳ hậu thuẫn tại Syria bắn rơi, khiến 2 người thiệt mạng. "Một trong các trực thăng của chúng ta mới đây đã bị bắn rơi,” Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy nói với các thành viên trong đảng tại Istanbul. "Những điều này sẽ xảy ra, chúng ta đang trong cuộc chiến. Chúng ta có thể mất một trực thăng, nhưng chúng sẽ phải trả giá cho điều này.” Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ lý do trực thăng rơi, nhưng cho biết 2 binh sĩ trên khoang thiệt mạng và đội kỹ thuật đang điều tra. Nhiều nguồn tin thuộc lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) xác nhận vụ bắn trực thăng.
Ankara tháng trước mở cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm vào các dân quân người Kurd ở vùng Afrin, Syria, sát biên giới, mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến nhiều bên ở Syria. Đây là tổn thất máy bay đầu tiên được xác nhận của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, kể từ đầu cuộc nội chiến dai dẳng. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của Đảng công nhân người Kurd (PKK), lực lượng vũ trang đòi ly khai ở miền nam nước này, vốn bị Ankara coi là nhóm khủng bố. Trong khi đó, YPG lại được Hoa Kỳ hậu thuẫn, và được coi là có vai trò quan trọng trong chiến dịch chống Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

Bắt 2 phiến quân ISIS Anh chuyên giết con tin
SYRIA - Hai tay súng thánh chiến người Anh, thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ISIS, được biết đến với biệt danh "Beatles,” đã bị bắt giữ bởi các chiến binh người Kurd ở Syria. "Lực lượng Dân Chủ Syria SDF đã bắt 2 tay súng người Anh thuộc tổ chức ISIS vào đầu tháng trước ở miền đông Syria. Các viên chức Hoa Kỳ ở khu vực này đã được gặp 2 tù binh. Một tên được xác định là Alexanda Kotey, kẻ còn lại là El Shafee Elsheikh,” một viên chức Hoa Kỳ xác nhận hôm thứ Sáu.
Vào tháng 3,2017, một báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, Elsheikh, 29 tuổi, và Kotey, 34 tuổi, đã tham gia vào các cuộc hành quyết con tin phương Tây của nhóm khủng bố ISIS với các phương pháp vô cùng tàn ác. Kotey cũng chịu trách nhiệm chiêu mộ công dân Anh tham gia vào nhóm khủng bố này. Hai tay súng này là những kẻ cuối cùng của một nhóm gồm 4 phiến quân người Anh. Nhóm này được đặt tên theo ban nhạc nổi tiếng Anh quốc "Beatles," bởi giọng Anh đặc trưng của chúng.
Nổi tiếng nhất trong 4 người này là Mohammed Emwazi, có biệt danh là "John thánh chiến,” kẻ hành quyết thường xuất hiện trong những video chặt đầu của ISIS. Emwazi, công dân Anh gốc Ả Rập, đã trở thành khuôn mặt công khai của ISIS, và là biểu tượng của sự tàn bạo của tổ chức này. Emwazi từng xuất hiện trong các video sát hại các ký giả Hoa Kỳ Steven Sotloff và James Foley, nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ Abdul-Rahman Kassig, các nhân viên cứu trợ Anh David Haines và Alan Henning, nhà báo Nhật Kenji Goto và nhiều con tin khác. Theo các viên chức Hoa Kỳ, Emwazi đã chết trong một cuộc không kích do liên quân Anh-Mỹ thực hiện năm 2015, tại thành phố Raqqa của Syria.

Cựu thủ tướng Thái Lan kiện vụ tư dinh bị bán
BANGKOK - Cựu Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vừa gởi đơn kiện đến tòa án, yêu cầu ngưng lệnh tịch thu và bán đấu giá biệt thự của bà ở thủ đô Bangkok. Đơn kiện được luật sư Noppadol Laothong trình lên tòa khẳng định biệt thự Soi Nawamin 111, phía Bắc Bangkok là tài sản riêng của bà Yingluck, đang được chồng, con và nhiều người trong gia đình bà sử dụng, nên việc tịch thu và bán đấu giá sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người này.
Ông Noppadon cũng cho rằng, do chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án trong vụ kiện của bà Yingluck nên chính phủ không có quyền ra lệnh bán đấu giá tài sản của bà. Ông khẳng định lệnh tịch thu tài sản là hành động “bất thường.” Cơ quan hành pháp thuộc Bộ Tư Pháp Thái Lan hồi tuần trước ra lệnh tịch thu hơn 30 tài sản của bà Yingluck, trong đó có nhiều lô đất, nhà chung cư, biệt thự và 13 trương mục ngân hàng với tổng số tiền gởi hơn 1 triệu baht. Căn biệt thự, nơi cựu nữ thủ tướng và gia đình sống trước khi bà rời khỏi Thái Lan, trị giá khoảng 110 triệu baht (tương đương $3.5 triệu Mỹ kim). Đây được xem là tài sản có giá trị cao nhất trong các tài sản của bà được công khai.
Tối Cao Pháp Viện Thái Lan hồi tháng 9 năm ngoái kết án bà Yingluck 5 năm tù giam vì tội vô trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo, khiến chính phủ tổn thất nhiều tỉ Mỹ kim. Bà Yingluck đã trốn khỏi Thái Lan trước ngày bị tuyên án. Bộ Tài Chính Thái Lan đã yêu cầu bà phải nộp 35 tỉ baht tiền bồi thường thiệt hại. Cựu nữ thủ tướng đã 2 lần nộp đơn kháng án chống lại lệnh này, nhưng đều bị tòa án bác bỏ. Đầu năm nay, chính phủ Thái Lan xác nhận cựu Thủ Tướng Yingluck đang sống tại Anh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT