Hôm Nay Ăn Gì

Xáo don, ai về Quảng Ngãi…

Monday, 11/05/2020 - 06:09:10

Trong mấy ngày nay, câu chuyện về tử tù oan ức Hồ Duy Hải cùng với tiếng kêu tuyệt vọng của người mẹ suốt mười hai năm ròng rã

Don tức là hến ở xứ Quảng. (Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Trong mấy ngày nay, câu chuyện về tử tù oan ức Hồ Duy Hải cùng với tiếng kêu tuyệt vọng của người mẹ suốt mười hai năm ròng rã đi kêu oan cho con đã gây không ít sóng gió cộng đồng mạng, bởi lẽ chúng ta là con người, chúng ta không thể là gỗ đá và chúng ta biết yêu thương, biết trắc ẩn và biết rơi nước mắt. Thế nhưng có những con người, cụ thể là 17 con người, và cụ thể hơn là một con người đã đạp qua mọi thứ, kể cả nhân tính để dùng uy lực, đẩy Hải đến cái chết vô lý. Con người ấy sinh ra trên đất Quảng Ngãi, là đồng hương của Phạm Văn Đồng, ông Đồng ở xứ biển, còn con người đó ở xứ trung du - Nguyễn Hòa Bình. Mà nói tới Nguyễn Hòa Bình, tự dưng tôi nghĩ tới Quảng Ngãi và liên tưởng tới thân phận người dân, nghĩ tới những con don và những bát xáo don. Lúc này!

Quảng Ngãi, một vùng đất nghèo, mặc dù đất nước đã “lên đường,” nhiều thành phố đã bước sang kỉ nguyên mới của ánh sáng văn minh nhưng thành phố Quảng Ngãi vẫn cứ ỳ ạch, phố không ra phố, thị xã không ra thị xã mà ngoại ô cũng chẳng giống ngoại ô, đời sống cứ lờ đờ nước hến rất khó chịu. Và, hình như, nói như một vài người bạn Quảng Ngãi mà tôi gặp thì đây là xứ lờ đờ nước hến, nó lờ đờ từ con người sang cảnh vật và lờ đờ từ cảnh vật trở về với con người.


(Vietnamnet)

 

Nói như vậy không phải người dân hay cảnh vật Quảng Ngãi bị lờ đờ nước hến, bởi không hiếm trí thức Quảng Ngãi khi ra ngoài đã làm mưa làm gió trên văn đàn, làm mưa làm gió trên diễn đàn khoa học và tạo dấu ấn đẹp. Nhưng cũng với khuynh hướng làm mưa làm gió này, nếu rơi vào sân chơi chính trị thì dân Quảng Ngãi lại rất lạ, Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương và bây giờ là Nguyễn Hòa Bình đều có chung tính cách lờ đờ nước hến. Nghĩa là họ không tài năng, không có gì đặc biệt trong lãnh đạo nhưng một khi nắm quyền bính thì lại làm mưa làm gió, và càng làm mưa làm gió lại càng có nguy cơ ăn hại.
Trong số ba nhà chính trị lờ đờ nước hến từ Quảng Ngãi, có vẻ như Trần Đức Lương là dễ chịu hơn cả, ông ta cũng không làm mưa làm gió gì trên quê hương. Hay nói khác đi là Trần Đức Lương vừa mờ nhạt trên sân chính trị Hà Nội lại vừa mờ nhạt trên sân chính trị quê nhà, nghĩa là không hoành tráng từ lúc sống cho đến lúc chết như hai nhân vật kia. Nhưng bù lại, nếu như nói tìm một người chiếm nhiều tình cảm của dân Quảng Ngãi trong ba nhân vật này thì Trần Đức Lương được xếp đầu bảng.

Nếu như Phạm Văn Đồng làm cho nông dân điêu đứng vì những cánh đồng xanh mướt, sau đó rượng bông và mất mùa mỗi khi ông ta về quê thì Nguyễn Hòa Bình lại cho dân cái cảm giác một quan chức cấp trung ương to lớn và hoành tráng cỡ nào. Mỗi khi Bình về quê, có thể nói là xe đưa xe đón từ tận sân bay Đà Nẵng, hoặc sân bay Chu Lai. Nhưng hầu hết là về bằng sân bay quốc tế Đà Nẵng, cả đoàn vài chục chiếc xe của tỉnh ủy chạy ra đón “ngài” Bình về quê, công an, cảnh sát dàn đường từ ngoài thành phố về tận nhà cha mẹ, ông bà ngài Bình. Và hiện tại, nhà thờ họ của ngài Bình cũng bự nhất nhì Quảng Ngãi, chỉ kém khu tưởng niệm ngài Đồng chút đỉnh, nhưng nó còn xây tiếp nên chưa biết chừng nó còn bự hơn nữa.

Thử nghĩ, đời sống của người dân đầu tắt mặt tối với những đám ruộng luôn thiếu nước, xứ Nghĩa Hành là xứ chịu thiên tai khá nặng, đời sống phấp phỏng, hộ nghèo còn nhan nhản, thế nhưng bà con, họ hàng của ngài Bình thì giàu nứt đố đổ vách, gia tộc của ngài Bình được xem là hoàng tộc của Quảng Ngãi. Người dân Quảng Ngãi thì có đời sống trầm trầm, im lặng như con hến con don, tuy nhiên, nó ngậm đủ vị ngọt đắng và cả mặn chát của sông nước Trà Khúc, nó thẩm thấu cả khí thiên của núi Ấn. Đây là cái lạ của xứ này. Bởi không ai nói ai, và cũng không ai nêu tên ai, nhưng câu chuyện ký rau muống bổ ngang ký thịt bò hay ngậm miệng ăn tiền hay dâng vợ để thăng quan tiến chức của ai đó, dường như chiều chiều vào quán rượu, biết khui đúng chỗ thì người ta kể ra như một chuyện để vừa mua vui vừa suy ngẫm.


(Foody)

 

Điều này làm tôi nhớ đến bát xáo don Quảng Ngãi, số là cách đây ba năm, tôi có việc đi Quảng Ngãi, cái vùng đất rất gần nhưng hiếm khi tôi chọn đến mặc dù tôi là đứa xê dịch, một năm tôi đi ít nhất cũng được hai chục tỉnh khắp đất nước, trừ Quảng Ngãi và Đắc Nông, lạ! Lần đó, trong một chuyến đi làm phóng sự về vụ nông dân ứ dưa do thương lái Trung Quốc không ăn hàng, bỏ ruộng dưa, bỏ hợp đồng, nông dân khóc mếu… Đến trưa, một nông dân mời tôi ăn trưa, đương nhiên tôi nhận lời vì cũng muốn mời ông một bữa cơm trưa nhưng ông mời trước thì nhân tiện đây tôi đi và trả tiền, đại khái là vậy. Tưởng ông dắt vào quán cơm, ai dè ông chở vào quán don, nghe cái tên lạ, tôi thích thú, mãi cho đến khi người ta bưng bát xáo don lên thì hỡi ôi, đó là con hến, hay nói đúng hơn là bát hến luộc có một ít ớt bột, sả, gừng, nói chung là nhìn có vẻ lờ đờ, không cảm giác lắm, không những vậy, nó làm tôi nhớ đến bát bún hến hay dĩa cơm hến sinh động bên bờ Đập Đá, thành phố Huế.

Nhưng may sao khi ăn, bẻ một ít bánh tráng vụn ra rồi thả vào, dùng muỗng múc ăn thì quả thật, nó ngon không thể tưởng. Lạ ở chỗ nhìn màu nước lờ đờ rất chán, nhìn cảnh người ta bỏ bánh tráng vào rồi húp xì xụp thì càng buồn ngủ, nhưng ăn vào thì tỉnh ngủ ngay, vì nó ngon. Ông nông dân bảo “vì nó là của dân nghèo nên nó lờ đờ, nó ngon nhưng không phá cái ruột. Nó lờ đờ đúng lờ đờ chứ không phá bỉnh nên không gây khổ…”. Câu này đắt nha!
Trong bữa ăn, ông nông dân này nói mấy câu khiến tôi giật mình và tỉnh ngủ, đại khái, mỗi địa phương có một sản vật và sản vật nó thể hiện tính cách của địa phương hoặc giả sản vật nó mang tâm tính của con người ở đó. Ví dụ như Nha Trang là xứ trầm hương, xứ của con người sống có phần sang chảnh nhưng tĩnh lặng hơn so với Quảng Nam, xứ của gỗ quí và quế, xứ của thơm nhưng nóng nảy và hơi phô trương hay miền Bắc với nước chè, nụ vối, thâm trầm mà tinh khôn, tinh ranh… Nôm na là vậy.

Đến lúc này, tôi hỏi ông giữa Quảng Ngãi với con hến có mối liên hệ nào? Ông trả lời ngay rằng con hến tuy nó im lặng, nó lờ đờ bậc nhất trong các loài hà sản nhưng bù vào đó, nó thẩm thấu mọi tinh anh về thổ nhưỡng, phong thủy của xứ sở. Nó tuy lờ đờ vậy chứ nó phản chiếu hết mọi thứ, nó cũng giống như người nông dân xứ Quảng Ngãi, tuy hiền như cục đất, tuy nín nhịn nhưng thấu hết lẽ đời, biết kẻ nào như thế nào, biết luật nhân qủa… Chẳng hạn như Phạm Văn Đồng là dân xứ biển, ông ta ký công hàm, thì hậu quả là dân biển Quảng Ngãi chịu trận nặng nhất, những cái chết ngoài biển hay những thiệt hại ngoài biển do tàu Trung Quốc gây ra, nạn nhân chủ yếu dân Quảng Ngãi, cái này gọi là một người làm cả xứ gánh chịu chứ không riêng gì ba họ. Cũng giống như Nguyễn Hòa Bình, ông ta làm gì thì chưa rõ lắm chứ mấy năm nay, dân quê xứ ông mất mùa liên miên, phải cầu cạnh đến các đội ứng cứu, giải cứu, chưa bao giờ khái niệm giải cứu dưa hấu lại mạnh như bây giờ, chính xác hơn là kể từ khi Quảng Ngãi có Nguyễn Hòa Bình làm chánh án tòa án tối cao. Mà Nghĩa Hành là mất mùa dưa, lâm cảnh giải cứu nặng nhất, Nghĩa Hành là quê của Nguyễn Hòa Bình.
Ủa, mà chuyện này có liên quan chi tới món don? Thưa, don là cách người Quảng Ngãi gọi tên con hến, và người Quảng Ngãi cũng tự xem đó là món đặc sản quê hương, nó cũng mang hồn cốt và số phận của xứ miền. Có lẽ do vậy, mà mấy ngày qua, tự dưng các quán don ở Quảng Ngãi lại trở nên đắt đỏ, sự đắt đỏ này như một vô thức tập thể, rất khó nói. Nhưng nói cho cùng thì món don cũng khá thú vị và mát, đây là món ăn giúp người ta ngủ ngon, an thần.

Chỉ cần một ít don, tức hến, đã được luộc lấy vỏ và một ít nước don bán kèm, rửa sạch qua nước cơm, cho một củ sả, một trái ớt tươi, một chút bột ớt và một lát gừng, bỏ vào nồi nước don, thả don vào nấu, nước sôi chừng 3 phút thì vớt don ra ngoài, lấy phần nước bên trên, bỏ phần cặn gồm xác ớt, xác sả và một ít cát dưới đáy nồi. Sau đó cho thêm gia vị mắm muối, hành tiêu tỏi ớt vào nồi, nấu lại lần nữa, múc ra bát, bỏ thêm vài cọng hành ngò, rau thơm lên trên, bẻ bánh tráng sống thả vào là thành một bát xáo don khá là ngon ngọt, giúp thanh nhiệt, an thần. Kể ra cũng hay và thú vị!
Kính chúc quí vị có bữa ăn thú vị, vui vẻ và mau thoát ra khỏi tình trạng lờ đờ nước hến của thời ôn dịch có tên Vũ Hán này!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT