Thế Giới

Vùng biên giới Mễ Tây Cơ tràn ngập với di dân từ các nước khác muốn đến Mỹ

Monday, 26/12/2016 - 11:30:46

Vào mùa thu, tình trạng kẹt cứng tại biên giới đã kéo dài thời gian chờ đợi, để gặp một viên chức di trú Mỹ, từ nhiều ngày cho đến nhiều tuần. Hôm nay 4,000 người từ bên ngoài Mỹ Châu La Tinh đang mệt lả ở Tijuana và Mexicali, hy vọng vào được đất Mỹ.

Nhiều di dân leo lên xe lửa để đi từ nam đến bắc Mễ Tây Cơ, với hy vọng tìm được đường chui qua biên giới nước Mỹ. (Getty Images)

 

Vào một buổi sáng trong tháng Giêng, năm người từ Nepal xuất hiện tại Casa del Migrante tại Tijuana, tìm một chỗ ngủ qua đêm. Đó là chuyện kỳ lạ, linh mục Patrick Murphy, giám đốc nơi tạm cư ấy, nhớ lại ông đã nghĩ như vậy.

Thành phố biên giới này là một cửa ngõ cho nhiều thế hệ người di cư chạy trốn cảnh nghèo đói và bạo lực ở Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ. Người ta mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Hoa Kỳ.

Nhưng Nepal nằm trên dãy núi Hy Mã Lạt Sơn cách Mễ Tây Cơ 8,000 dặm. Tại sao họ lại có mặt ở đây?
Trong vòng mấy tháng qua, theo một bài phóng sự đặc biệt đăng trên nhật báo Los Angeles Times trong tuần qua, thành phố Tijuana đã đông nghẹt những người di cư từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây từ Haiti, Ấn Độ, Bangladesh, và nhưng nơi khác nhau ở Phi Châu. Tất cả đều hy vọng tới được đất Mỹ.
Trong một đợt gia tăng mà các giới chức Mexico gọi là từ xưa đến nay chưa từng thấy, khoảng 15,000 di dân từ bên ngoài Mỹ Châu La Tinh đã đi băng qua Baja California trong năm nay, gấp gần năm lần số lượng được nhìn thấy trong năm 2015.

Trong số những người đang bị giam giữ ttong các trung tâm câu lưu di trú ở California trong tháng Chín, có hơn một phần ba đến từ bên ngoài Mỹ Châu La Tinh, theo các giới chức Hoa Kỳ cho biết.

Khi họ đi băng qua một con đường vòng co và nguy hiểm dẫn lên cột xương sống của Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mễ Tây Cơ, họ gây căng thẳng cho những nguồn lực dọc theo lộ tuyến ấy, và đặt ra những thách đố mới cho việc bảo vệ an ninh đường biên giới phía nam của nước Mỹ.

Họ đã mở ra một chương mới đầy ấn tượng, trong câu chuyện dài của việc di cư đến Tân Thế Giới. Trong khi thế hệ trước đây đến bằng tàu biển từ Âu Châu, hoặc trên những chiếc thuyền nhỏ từ khắp vùng biển Caribbean, thì những người mai mốt có thể trở thành dân Mỹ lại khai thác những mạng lưới, từ lâu được dùng để vận chuyển ma túy và những người di cư đường bộ vào Hoa Kỳ từ Mỹ Châu La Tinh.

Không giống như hàng triệu người đã đi trong nhiều năm qua từ Mexico và Trung Mỹ, trong số những người bây giờ đến biên giới phía nam của Mỹ, có nhiều người đang đi máy bay băng qua các đại dương, và mở cuộc hành trình của họ từ sâu trong đất liền ở Nam Mỹ, trên địa hình gian nan không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhiều người nói rằng họ đã cố gắng làm những chuyến đi ấy, bằng cách đi bộ, xe bus, tàu thuyền, và cưỡi lừa, băng qua 10 đường biên giới quốc tế. Lý do là vì họ cảm thấy không được hoan nghênh ở Âu Châu, và hy vọng gặp may mắn hơn ở Mỹ

Vào thời điểm họ đến tận cửa của Hoa Kỳ, họ đã phải vượt qua những khu rừng rậm đầy dẫy những loài rắn độc và những kẻ buôn lậu ma túy, những đường xa lộ được tuần tra bởi cảnh sát tham nhũng, và những vùng biên giới bị hoành hành bởi những kẻ buôn lậu săn mồi. Họ thì thầm kể những câu chuyện về cướp bóc, giết người, hiếp dâm, và chết đuối. Nhiều người rốt cuộc đã đến Mỹ sau nhiều tháng gian khổ, rời chỉ được chất lên máy bay và gửi trả về quê nhà.

Số người di cư đường dài đến đây ở Tijuana là ít ỏi, so với hàng trăm ngàn người Mỹ Châu La Tinh đi qua đây mỗi năm. Nhưng mức tăng vọt này đang thách thức các nhà chức trách trên cả hai bên ở đường biên giới. Họ phải đối diện với những nỗi khó khăn trong việc tiếp nhận rất nhiều người, nhiều ngôn ngữ và văn hóa.

Vào mùa thu, tình trạng kẹt cứng tại biên giới đã kéo dài thời gian chờ đợi, để gặp một viên chức di trú Mỹ, từ nhiều ngày cho đến nhiều tuần. Hôm nay 4,000 người từ bên ngoài Mỹ Châu La Tinh đang mệt lả ở Tijuana và Mexicali, hy vọng vào được đất Mỹ.

Số lượng lớn nhất trong làn sóng mới của những người di cư quốc tế này là đến từ Haiti. Hơn 5,000 người Haiti đã xuất tại các cửa ngõ nhập cảnh ở California mà không có visa, và bị coi là không thể được tiếp nhận”, từ tháng 10 năm 2015. Đây là một mức tăng lớn hơn số lượng 336 người đến đây trong năm tài khóa trước đó.

Đảo quốc nghèo khổ này đã bị hai thảm họa lớn tàn phá trong sáu năm qua: một trận động đất năm 2010 giết chết ít nhất 220,000 người, và biến hơn một triệu người thành vô gia cư, và một trận bão lớn trong tháng Mười, san bằng 80% diện tích một số khu vực ven biển.

Nhưng số lượng lớn những người Haiti xuất hiện ở California là một điều bất ngờ. Trong nhiều thập niên, những người tìm cách đến Mỹ đều phải vượt 700 dặm biển, trên những chiếc thuyền ọp ẹp, thường cập vào Florida. Các giới chức thắc mắc tại sao lại chọn một lột trình dài gấp 10 lần?

Những âm thanh của tiếng Pháp và tiếng Haiti Creole hiện giờ pha trộn với tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, trong những nhà tạm cư ở Tijuana. Chỉ mới cách đây một năm, những chỗ này đông nghẹt phần lớn những người di cư từ Trung Mỹ và Mexico vừa bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Dòng người tuôn đến đây đã làm choáng ngợp khả năng giúp đỡ của các tổ chức phi lợi nhuận địa phương.

Các giới chức ở đây cảm thông với tình cảnh của những người di cư. Nhưng họ không giấu nỗi thất vọng về một số nước láng giềng ở phía nam. Những nước này không làm nhiều hơn, để ngăn chặn dòng người đang làm chuyển hướng thời giờ và những nguồn lực cần thiết, để giúp đỡ những người Mexico bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, và những người Trung Mỹ xin tị nạn ở Mexico.

Trong số những người di cư từ Phi Châu, Á Châu, và Trung Đông, nhiều người bắt đầu cuộc hành trình của họ bằng cách trả hàng ngàn Mỹ kim cho những kẻ đưa lậu người, để sắp xếp việc đi băng qua những nước như Ecuador và Brazil. Ở đó, họ gặp điều kiện dễ dàng hơn để được cho nhập cảnh hợp pháp so với Hoa Kỳ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT