Thế Giới

Vụ kiện tái phân định địa hạt thất bại, đảng phái đấu đá?

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 02/11/2011 - 12:21:49

Cử tri và lá phiếu 2012 Vanessa White/Viễn Đông SACRAMENTO, California – Từ năm 1996 đến nay, các thành viên Đảng Dân Chủ chiếm ...

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


SACRAMENTO, California – Từ năm 1996 đến nay, các thành viên Đảng Dân Chủ chiếm đa số trong cơ quan lập pháp tiểu bang California. Từ năm 1992, họ là thành phần đa số đại diện cho California tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Hôm 26-10-2011, Tòa Thượng Thẩm California đã bác bỏ hai vụ kiện được Đảng Cộng Hòa ủng hộ, chống lại những tấm bản đồ mà Ủy Ban Công Dân Tái Phân Định Địa Hạt California (CRC) vẽ ra cho những địa hạt bầu cử Quốc Hội và tiểu bang. Những vụ kiện tụng chống lại những tấm bản đồ tuyển cử của CRC cung cấp đề tài để đem ra thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Cộng Hòa và Dân Chủ. Ủy ban CRC được thành lập trong năm 2008, do một sáng kiến của các cử tri, và được giao cho trách nhiệm xem xét những ý kiến bình luận do công chúng đóng góp, trong khi ủy ban vẽ ra những tấm bản đồ tái phân chia địa hạt bầu cử Quốc Hội, Hạ Viện Tiểu Bang, Thượng Viện Tiểu Bang và Ủy Ban Thuế của California. Những tấm bản đồ này sẽ được áp dụng cho những kỳ bầu cử trong 10 năm sắp tới. Mặc dù dựa trên những dữ liệu của cuộc thống kê dân số năm 2010, những tấm địa đồ mới này phải tuân thủ Đạo Luật Các Quyền Bầu Cử (VRA). Đạo luật này giữ cho những tiếng nói của các nhóm cử tri thiểu số không bị tan loãng đi.

Tuy nhiên, những vụ kiện do phía Cộng Hòa ủng hộ, được nộp đơn trong tháng 9 năm 2011, đã tố cáo rằng những tấm bản đồ ấy đã làm tan loãng tiếng nói của các cử tri Latino và cử tri người Mỹ gốc Phi Châu, cũng như bảo vệ cho những những nhà lập pháp đang tại chức.

Trước khi có CRC, các nhà lập pháp tiểu bang tạo ra những địa hạt bầu cử của riêng họ, đem lại cho họ quyền hình thành những đường ranh giới sẽ làm cho họ tiếp tục đắc cử.

Nhật báo Los Angeles Times trích dẫn lại lời của ông Mark Standriff, phát ngôn viên của Đảng Cộng Hòa, nói về những tấm bản đồ địa hạt đã được vẽ ra: “Tiến trình này đang trên đường thực hiện thì bị các thành viên đảng phái cướp mất”. Ông Standriff nói thêm rằng việc thúc đẩy hiện nay, do Cộng Hòa ủng hộ, nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về những bản đồ vẽ ra địa hạt bầu cử Thượng Viện Tiểu Bang sẽ đem lại cho các cử tri một “cơ hội để tu chỉnh lại những tấm bản đồ ấy”.

Để cho cuộc trưng cầu dân ý được đưa vào trong kỳ bỏ phiếu trong tháng 6 năm 2011, những người ủng hộ cần phải thu thập được 504.760 chữ ký, cho đến hạn chót là ngày 13-11-2011. Mặc dù người ta tin rằng những địa hạt được vẽ ra trong năm 2011 sẽ được sử dụng cho những cuộc bầu cử sơ bộ trong tháng 6 năm 2012, nếu thu thập được đủ số chữ ký, báo Los Angeles Times cho biết rằng Tòa Thượng Thẩm California thay vì vậy sẽ quyết định sử dụng những địa hạt do CRC vẽ ra, hoặc chính tòa án này sẽ tự vẽ lấy những tấm bản đồ địa hạt bầu cử.

Nếu những cuộc trưng cầu dân ý được đặt vào trong kỳ tổng tuyển cử năm 2012, thì các cử tri sẽ bỏ phiếu bác bỏ “No”, đòi buộc Tòa Thượng Thẩm California phải sử dụng những bản đồ tạm thời cho kỳ tổng tuyển cử 2012, hoặc các cử tri sẽ bỏ phiếu chấp thuận “Yes” và sử dụng những tấm bản đồ của CRC cho kỳ tổng tuyển cử năm 2012.

Một cuộc thăm dò công luận, do Field Poll thực hiện trong tháng 9 năm 2011, đã tìm thấy rằng có 42 phần trăm cử tri California sẽ bỏ phiếu quyết định giữ lại những tấm bản đồ địa hạt bầu Thượng Viện, trong khi đó có 29 phần trăm sẽ bỏ phiếu loại bỏ những tấm bản đồ ấy, còn 29 phần trăm thì chưa quyết định thuận hay chống. Báo Los Angeles Times trích dẫn lời ông Paul Mitchell, một nhà cố vấn chính trị thuộc Đảng Dân Chủ và là một chuyên gia về việc tái phân định địa hạt, nói: “Tòa đã bác bỏ những đơn kiện ấy, nói rằng những kế hoạch của CRC là có tính cách hợp pháp. Nó tạo ra một cảm giác rằng những kế hoạch này đã qua được những điều luật pháp quy định”.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý đang thu hút sự ủng hộ tài chánh, chẳng hạn như ông George Joseph, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Mercury Insurance, đã đóng góp 1 triệu Mỹ kim cho Đảng Bộ Cộng Hòa California (CRP), dẫn tới nỗ lực đòi trưng cầu dân ý. Đảng Cộng Hòa cũng đang ủng hộ thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác, chống lại những địa hạt bầu cử Quốc Hội do CRC vẽ ra. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu này không được ủng hộ nhiều cho bằng cuộc trưng cầu về địa hạt bầu cử Thượng Viện, và vì thế không còn là một điểm tập trung chú ý nữa.


* Một nhà ba phái bảy phe

Hoa Kỳ có một chính quyền lưỡng đảng, nhưng cũng có những người chỉ trích lập luận rằng kết quả vẫn giống nhau, bất luận những ứng cử viên của đảng nào đắc cử. Hệ thống chính quyền kiểu này là để giữ cho đất nước bị chia rẽ.

Trong bộ phim “The Obama Deception” năm 2009, cựu Thống Đốc Jesse Ventura của tiểu bang Minnesota gọi nền chính trị Hoa Kỳ giống như môn đấu vật chuyên nghiệp. Ông nói: “Đằng trước những ống kính camera và công chúng, tất cả chúng ta đều thù hận nhau. Thế nhưng sau hậu trường, thì chúng ta đều là bằng hữu, đi ăn uống với nhau. Chẳng qua là trình diễn cho vui thôi”. Những nhà chỉ trích lập luận rằng đất nước đang ở trong một cuộc chiến tranh, giữa những người lẽ ra phải phục vụ và những khu vực tài chánh tư nhân đang điều hành chính phủ. Để lôi cuốn các cử tri, những người ra tranh cử đều có những lập trường cứng rắn để phục vụ cho ý thức hệ của Cộng Hòa hay Dân Chủ. Tuy nhiên, khi đắc cử rồi thì lập trường của họ trở nên ôn hòa hơn, chấp nhận thỏa hiệp, và đôi lúc phản ảnh những lý tưởng của đảng đối thủ nhiều hơn là phản ảnh những lý tưởng của chính đảng mình.

Chẳng hạn, khi cựu Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush đang tại chức, những chính sách của ông đã mở rộng thêm chính phủ liên bang, thay vì đứng về phía hàng ngũ ý thức hệ Cộng Hòa chủ trương giới hạn lại nhân sự trong chính phủ. Tổng Thống Barack Obama cũng chống lại ý thức hệ Dân Chủ, khi ông ký Đạo Luật Kiểm Soát Ngân Sách năm 2011, cũng được gọi là thỏa thuận về nợ quốc gia, và cho phép làm hàng loạt những khoản cắt giảm chi tiêu, mà không đổi lấy chuyện tăng mức thuế đánh vào giới nhà giàu và các công ty. Tuy vậy, cả hai vị tổng thống này đều đi theo đường lối của đảng mình đối với những chính sách khác. Chẳng hạn như Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Sức Khỏe Vừa Tầm Khả Năng Tài Chánh (ACA) của Tổng Thống Obama được giả thiết là làm cho việc chăm sóc y tế vừa tầm túi tiền của dân chúng Hoa Kỳ. Việc cựu Tổng Thống Geoge W. Bush ký Đạo Luật Cấm Nạo Bào Thai Đã Lớn, hạn chế lại những vụ phá thai, là phù hợp với ý thức hệ Đảng Cộng Hòa.

Những quan điểm bị phân cực mà cả hai đảng có về một số vấn đề thì cũng đủ làm cho dân chúng bỏ phiếu chấp thuận những cách thức nào có lợi cho chính họ và cộng đồng của họ, dù họ trung thành với đảng này hay đảng kia.

Tuy nhiên, có những người chủ trương mở rộng hệ thống chính trị Hoa Kỳ để có thể dung nạp thêm những đảng khác ngoài hai đảng ấy. Ông Ralph Nader, một người tranh đấu bênh vực giới tiêu thụ và trước đây từng ra tranh cử tổng thống với tư cách độc lập, từ lâu đã chỉ trích hệ thống chính phủ lưỡng đảng. Trong một bài diễn văn đọc ở Washington D.C., sau khi cựu Tổng Thống George W. Bush tái đắc cử năm 2004, ông Nader nói: “Sẽ luôn luôn có sự tồi tệ ít nhất giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, cứ bốn năm, cứ hai năm một lần. Người ta không chi phối vào chuyện ít tệ hại nhất, vì vậy ảnh hưởng tác động riêng của họ là có tính cách tự hạn chế”.


* Ý tưởng để suy gẫm

Cộng đồng có cảm nghiệm được hay không sự dị biệt trong việc mình được đại diện bởi Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT