Văn Nghệ

Vòng Đai Xanh - Một cái chết được báo trước

Wednesday, 03/03/2021 - 01:56:09

Vòng Đai Xanh đã nói khá rõ về thái độ “thực dân mới” của Mỹ: xem thường nước chủ nhà và tự tung tự tác, xuất phát từ thái độ đáng xem thường, tắc trách của Saigon.

 

VÒNG ĐAI XANH -

MỘT CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

 

Văn Học Press & Việt Ecology Press

ISBN # 9781989993453

www.amazon.com, các hiệu sách

 

Bài HOÀNG NGỌC NGUYÊN

“Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh được xem là một tiểu thuyết chiến tranh, được viết rất thực bởi một quân y sĩ xông pha ngoài trận tuyến. Cuộc chiến tự vệ của người dân Miền Nam chống xâm lược của Cộng Sản Miền Bắc kéo dài đến 15 năm (1960-75), nếu không nói đến hoạt động khủng bố, phá hoại 2-3 năm trước khi chiến tranh chính thức khai mào, cho nên chúng ta không thiếu những tác giả viết về cuộc chiến đó, cảm khái từ những mất mát, đổ vỡ, tan hoang của con người, của tuổi trẻ, của gia đình, của xã hội, của đất nước vì chiến tranh. Không thiếu, nhưng chắc không thừa, không đủ khi nhìn đến “quy mô” của cuộc chiến, chiều dài của nó về thời gian và không gian, cùng với những biến chuyển phức tạp qua các thời kỳ. Mặt khác, phần lớn những tác giả của thời đó, thường là quân nhân (và một số người không phải là “fan” của cuộc chiến đó), chỉ có phương tiện, thời gian và cảm hứng để viết những tác phẩm ngắn. Và bình thường, những truyện ngắn thường chỉ phơi bày những bi kịch thời chiến mà không có bất kỳ phê phán “tội ác chiến tranh” nào. Tưởng như những người phản chiến mượn ngòi bút để thể hiện ý chí của mình. Chúng ta không có một đại tác phẩm như “Chiến tranh và Hòa bình” của Leo Tolstoy. Hay “All Quiet on the Western Front” của Erich Maria Remarque, hay “A Farewell to Arms” của Ernest Hemingway. Hay “The Naked and the Dead” của Norman Mailer...

            VĐX, một phần nào đó là một tiểu thuyết chiến tranh, ra mắt vào năm 1970. Tác phẩm này được trao Giải thưởng Văn học Toàn quốc năm 1971 - giữa khi tác giả đang lặn lội trong một đơn vị Biệt kích Dù vào sinh ra tử trong vùng cao nguyên rừng núi biên giới thuộc Vùng 2 Chiến thuật. Ngô Thế Vinh không thể từ bỏ đơn vị để về Saigon nhận giải và hiểu rõ hơn vì sao mình được vinh dự đó. Khó kiếm ra tài liệu cho biết rõ hơn giải thưởng này đã được tổ chức thế nào, giám khảo là những ai, và ai đã từng được giải thưởng đó... Trong trí nhớ rất khả nghi của một người cao niên tuổi già sức yếu, tôi nghĩ đến những bậc trưởng thượng trong làng văn học Miền Nam như Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn... Trong những người đã nhận giải, tôi còn nhớ được nhà văn Trang Châu, cũng là một y sĩ tiền tuyến. Giải thưởng của Ngô Thế Vinh là vào năm 1971, cho nên có thể kết luận đây là Giải thưởng Văn học Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lập ra từ năm 1969 (?), thay cho những giải đã có trước đó.

Tôi đã cố tìm đọc trong ấn bản mới nhất của VĐX để hiểu được lý do vì sao ban giám khảo đã chọn tác phẩm này để trao giải văn chương. Chẳng lẽ cứ “độc đoán” trao giải mà không cần một lời bình phẩm, khen ngợi? Cũng có thể sự lựa chọn VĐX là một quyết định cực kỳ tế nhị, các giám khảo đã đồng ý về sự lựa chọn, nhưng cũng đồng ý giữ im lặng, không giải thích quyết định của mình, để tránh đụng chạm hay phiền phức về sau? Một lời không nói có khi còn hơn vạn lời nói ra? Giải thưởng mang tên tổng thống, bởi thế sự lựa chọn người được giải cũng có thể được diễn dịch có sự đồng ý của ông. Nhưng cũng khó tưởng được Tổng thống Thiệu có thì giờ đọc, hay có thể thích một tác phẩm có nội dung như VĐX.

VĐX sẽ là một tác phẩm muôn đời gây tranh cãi bởi vì VĐX là một tác phẩm chính trị, một tiểu thuyết chính trị! Chính trị luôn luôn là vấn đề gây tranh cãi muôn đời. Huống chi vào thời đó, VĐX nêu lên một vấn đề chính trị đương đại có tính cách quyết định sự sống còn của đất nước Miền Nam cho dù không hẳn chúng ta trước đây đã nhìn thấy ở mức độ quyết liệt đó. Bối cảnh hay trọng điểm chính là một vùng đất rất chiến lược theo đúng nghĩa, rất trọng yếu cho an ninh, an toàn của Miền Nam, một tiền đồn then chốt cho chế độ Miền Nam, thế nhưng người Mỹ đã xem nhẹ tiền đồn Miền Nam của Thế giới Tự do như thế nào thì chúng ta cũng “thiếu cảnh giác” đối với tiền đồn của đất nước của mình như thế đó. Người Mỹ mất tiền đồn này (Miền Nam), họ chỉ nhún vai và quay qua hướng khác. Còn chúng ta? Mất tiền đồn này (tức cao nguyên trung phần của đất nước) thì chỉ có một con đường vong quốc trước mặt!

Có thể hình dung một giám khảo của giải thưởng này đã đưa ra một phát biểu ngắn gọn sau đây: “VĐX không phải là một tác phẩm văn học, văn chương. Nhưng đó là một tiểu thuyết chính trị hiếm có, đặc biệt hiếm có. Đặc biệt tế nhị vì nhìn thẳng vào thực tại đáng quan ngại của Miền Nam hiện nay.  Tiểu thuyết chính trị đã rất hiếm có thời nay vì thường phải đụng chạm với các thế lực lớn trong xã hội. Có khi không tránh được đụng chạm đến tôn giáo. Đến các địa phương. Tiểu thuyết chính trị VĐX chuyên chở một nội dung không có hư cấu tí nào mà nhìn thẳng vào một thực tại chính trị có tính sống còn của đất nước một cách xác thực nhằm đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng cho lãnh đạo, cho quốc gia như thế thì thật đặc biệt hiếm có. Một nội dung rất thẳng thắn, sâu sắc, trung thực một cách táo bạo nói lên tất cả sự dũng cảm của tác giả, nhưng không chỉ là sự dũng cảm mà là một tấm lòng lo lắng tha thiết đối với dân, với nước của một trí thức, một sĩ phu tưởng rằng chỉ có từ thời xa xưa”. Những giám khảo còn lại hẳn đồng tình với ông, vì đương nhiên họ đã cũng đọc hết tác phẩm này.  Người ta không thể ngoảnh mặt với vận mệnh dân tộc khi cảm thấy bờ vực không xa!

Khi nói đến chính trị là nói đến các thế lực đang tranh chấp và chia sẻ quyền lực, tiếng nói của người dân và vai trò phán quyết của công lý, pháp luật. Khi nói đến chính trị của thời đó là nói đến những năm sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sụp đổ (1963), một thời chiến tranh đang bùng phát khắp mọi nơi trên lãnh thổ Miền Nam, sau biến cố Vịnh Hạ Long (tháng tám năm 1964) và quyết định Mỹ chính thức đưa quân chiến đấu đến Việt Nam (tháng ba năm 1965) để giúp Miền Nam khỏi rơi xuống bờ vực và giành lại thế chủ động chiến trường. Nhưng chính trị của thời đó là sự tranh chấp quyền lực của các phe phái trong quân đội (các tướng tá sổng chuồng, từ “cách mạng” 1-11 đến “chỉnh lý” 30-1 và hàng loạt đảo chánh thật, đảo chánh giả, cho đến khi một số tướng lãnh lộ mặt thật ra, chính thức cầm quyền tháng sáu năm 1965), sự lạm dụng tín đồ, đặc biệt là học sinh-sinh viên, với hàng loạt xuống đường trong bốn năm 1964-67 khi người tu bỏ đạo để bon chen với đời, và tính ấu trĩ của đảng phái khi người ta không hề nghĩ đến chuyện làm sao đến với dân và làm cho người dân đến với nhau... Sự xung đột giữa những thế lực lớn này để nắm quyền lãnh đạo đã bất kể người dân đang ngày càng bất an, khốn đốn về thời cuộc, chiến tranh ở thôn quê, khủng bố ở thành thị, và chính trị ở Saigon, điêu đứng về công ăn việc làm và kinh tế lạm phát. Và bất kể một cuộc chiến có tính sống còn của đất nước, của chế độ, và tư cách, uy tín, danh dự phải giữ đối với một đồng minh trụ cột trong cuộc chiến này mà chúng ta đang lệ thuộc chẳng phải hầu như hoàn toàn mà là hoàn toàn mặc dù đồng minh này ngày càng mất tín nhiệm nước chủ nhà và xem cuộc chiến chống cộng này là cuộc chiến của họ!

Người dân Saigon bị cuốn hút vào chính trị Saigon – các tướng tá, các thầy, các cha và đồng đô la xanh, đô la đỏ, đặc biệt trong những năm đó. Họ cũng chẳng hiểu bao nhiêu chuyện “địa lý chính trị” phức tạp của Miền Nam, vùng nào thì người nào làm chủ (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Đại Việt Cách Mạng, Việt Quốc...), cho nên đương nhiên chẳng hiểu được chuyện chính trị ở vùng cao nguyên trung phần. Năm 1964 chẳng hạn, chẳng mấy ai biết hay bận tâm với biến cố người Rhadé nổi dậy ở một trại lính ở Ban Mê Thuột giết chết bao nhiêu lính và cả thường dân người Việt[i]. Người ta nghe loáng thoáng đến phong trào FULRO, nhưng chẳng mấy ai biết đây là tên gọi của Mặt trận Thống nhất Đấu tranh cho các Sắc tộc Bị áp bức - Front Unifié de Lutte des Races Opprimées[ii]. Tại sao phong trào của người Thượng mà mang tên tây? Câu hỏi này đáng cho những bậc thức giả chính trị phải tỉnh hẳn dậy!

Biến cố này xảy ra vào tháng chín năm 1964, giữa khi chính trường Saigon đang cực kỳ nhiễu nhương: các thượng tọa không lý gì đến chuyện “từ bi hỉ xả”, đành lòng để Dương Văn Minh bác đơn xin ân xá của Ngô Đình Cẩn, để cho Nguyễn Khánh xử bắn ông (5-5); hai tôn giáo chính chẳng có một lời hòa giải với nhau; Tướng Khánh lợi dụng Hội đồng Quân nhân Cách mạng đưa ra Hiến chương Vũng Tàu (15-8), trao cho ông ta quyền tổng thống. Việc không thành vì sư sãi và linh mục xuống đường, nên ngày 8-9 Khánh lập “tam đầu chế” Minh-Khánh-Khiêm (Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm), tồn tại chưa được hai tuần. Sau đó, hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Tấn Phát lại tổ chức “biểu dương lực lượng”, mở cơ hội cho Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ can thiệp và nhảy lên sân khấu chính trị. Ngày 25-9, nhóm “Young Turks” (sĩ quan trẻ) chính thức ra mặt, yêu cầu Khánh giải nhiệm Khiêm và 4-5 tướng khác... Khiêm và Minh đều phải rời khỏi nước cho các tướng trẻ yên tâm! Sau đó, ngày 26-9, người ta dựng lên Thượng Hội đồng Quốc gia. Lãnh đạo ở Saigon còn không lý gì đến chuyện nổi loạn này và nỗi lo lâu dài nó đặt ra, huống gì người dân. Làm sao họ có thể để ý vụ nổi loạn ở “xứ Thượng” – tưởng như chuyện xa vời, không liên quan gì đến mình. Đương nhiên, ít người hiểu ý nghĩa trầm trọng của vấn đề.

Phải nói cho ngay tình, tuy khẩu hiệu quen thuộc là “Kinh Thượng đoàn kết một nhà”, nhưng ai ở nhà nấy, không hề biết đến nhau, không sống chung trong một nhà cho nên chẳng cần nói chuyện đoàn kết. Quan hệ Kinh Thượng này còn xấu hơn quan hệ giữa người da trắng và da đen ở Mỹ. Người da trắng gọi người da đen là “nigger”, một số người Kinh gọi người Thượng là “mọi”. Người da trắng còn lập gia đình với người da đen. Người Kinh hầu như không lấy người Thượng – ra đường còn không nhìn những phụ nữ Thượng ăn mặc thế nào! Người da trắng biết gốc gác người da đen hơn người Kinh biết người Thượng. Chúng ta thường đơn giản chỉ nghĩ đến người Thượng như người sống tách biệt trong vùng rừng núi[iii]. “Nụ cười sơn cước” chỉ là chuyện hoang đường, mua vui. Ít người hiểu rằng trong dân Thượng có cả dân Chàm, Chân Lạp, Chiêm Thành... mang nỗi hận mất nước – con cháu Chế Bồng Nga. Cho nên “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” chẳng có trong quan hệ giữa Kinh/Thượng. Nguy hiểm hơn nữa, người Thượng vẫn xem phần đất mà họ đang sống trên đó là giang sơn của riêng họ, nhiều người vẫn muốn có một nước riêng (Đông Sơn) và người Kinh hãy tránh xa, đừng lui tới (Anh khách lạ, đi lên đi xuống). Chẳng ai nghĩ hay lo sợ vì mối quan hệ “a divided house cannot stand” này vì phần lớn chúng ta không thấy được hay thấy hết vị trí tiền đồn chiến lược của vùng Trung Nguyên này trong cuộc chiến một mất một còn chống sự xâm lăng của Miền Bắc.

Nói dài dòng, lòng thòng như thế chỉ nhằm nêu bật một điều: sự tỉnh thức của tác giả VĐX và hoài bão thức tỉnh mọi người của NTV qua VĐX. NTV đương nhiên cũng bị cuốn hút vào thời sự chính trị của Saigon tao loạn. Vào những năm đó, anh đang là sinh viên y khoa và là chủ bút/tổng thư ký của báo Tình Thương, một tờ báo sinh viên nhưng vượt cả những rào cản thường tình của một tờ báo sinh viên để dấn thân vào cuộc sống của đất nước, của xã hội. Đó là chuyện hiếm có chỉ thấy ở báo chí hung hăng tranh đấu nhảm nhí ngoài Huế. Nhưng Tình Thương không tranh đấu và không nhảm nhí. Hai chữ dấn thân có ý nghĩa nhập cuộc. Bởi vì Tình Thương không thể đứng ngoài hay đứng trên khi cuộc sống của người dân ngày càng bất an, vận mệnh đất nước mon men đến bờ vực. Có thể biến cố nổi loạn của phong trào FULRO vào tháng chín năm 1964 đã là “giọt nước tràn ly” đối với NTV. Như được thức tỉnh, anh bắt đầu tìm hiểu như một nhà báo, và hẳn phải bàng hoàng trước thực tại chính trị ở vùng cao nguyên biên giới này. Khi tốt nghiệp, anh trở thành quân y sĩ cho một đơn vị Biệt kích Dù hoạt động trên vùng cao nguyên này. Anh có thêm điều kiện, kinh nghiệm thực tế trong tìm hiểu đời sống chính trị và xã hội của người dân Thượng. Có thể đó là bối cảnh của sự ra đời của VĐX.

Lúc ban đầu, NTV không có ý định viết tiểu thuyết mà đặt trọng tâm vào thể tài phóng sự điều tra. Phóng sự điều tra dĩ nhiên phải thực. Nhưng thiên phóng sự điều tra này đương nhiên đụng chạm đến nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm, ví dụ như Mỹ với sức mạnh quân sự (USOM) và viện trợ kinh tế (USAID), đã “soán đoạt” chủ quyền của chính phủ Saigon ít nhất ở vùng này (bài hát thịnh hành hồi đó: “Cái nhà là nhà của ta, USAID, USOM làm ra”). Lính Mũ Nồi Xanh (Green berets) là một lũ kiêu binh, nghĩ rằng có thể làm giặc được, chỉ kém lính “lê-dương” (légion) thời thực dân Pháp. Binh đoàn này có thể thành công trong ngăn chận lính Bắc Việt xâm nhập vào vùng trung nguyên, nhưng cũng gây hãi hùng cho người dân trong những cuộc hành quân có tính cách “lùng và diệt” của họ. Các tướng già theo tây, tướng trẻ (Young Turks) Mỹ giúp khôn lớn xem chừng thích quyền hành hơn quyền bính, ham chính trường mà né chiến trường, cho nên liên miên đảo chánh. Các thầy dường như cũng chẳng biết gì chuyện đất nước có giặc - nhất là sau khi Thích Trí Quang được lên bìa tạp chí Time ngày 22-4-1966 với đề tựa “The Buddhist Bid for Power”. Dân Saigon sống lo sợ nghèo đói và VC khủng bố... Và quan trọng hơn cả, những người lãnh đạo đất nước chẳng có đường lối nào để đánh giặc, phó thác tất cả cho cố vấn Mỹ. Điều đó càng hiển nhiên hơn khi chúng ta nhìn vào chính trị ở vùng trung nguyên địa đầu này. NTV muốn nêu lên tất cả những điểm này. Anh thừa can đảm làm chuyện đó, nhưng làm sao những người kiểm duyệt có đủ can đảm thông qua những chuyện này? Bởi thế mà anh phải tìm cách nặn lại thiên phóng sự điều tra VĐX thành một tiểu thuyết.

Theo lời NTV, một trong những lý do, hay “động lực” chính, của ông khi dấn thân vào VĐX là “The Green Berets”. Tiểu thuyết này ra đời năm 1965, được xem là một thiên “anh hùng ca” của những người lính mũ nồi xanh đã bình định được khu vực biên giới cao nguyên này và đem an vui đến cho người dân, ngược lại với sự “bất lực, hèn nhát và nhũng lạm” của quân chính phủ Saigon cùng sự độc ác, tàn bạo của kẻ thù VC. “Green Berets” là tác phẩm phổ biến nhất – ít nhất là đối với hàng trăm ngàn lính Mỹ đang tham gia cuộc chiến ở Miền Nam vào lúc đó. Cái tai hại của cuốn sách là vô kể khi nó ảnh hưởng đến động thái của lính Mỹ ở VN. NTV xem cuốn sách này là một sự bịa đặt trắng trợn mang nặng tính thực dân một thời cần phải vạch trần. Ông mong VĐX phản biện sẽ cho người ta thấy sự thật hơn – ít ra từ tác giả là người trong cuộc.

Câu chuyện VĐX đơn giản một cách phức tạp – hay phức tạp một cách đơn giản. Một nhà báo ở Saigon quyết định lên vùng Thượng Trung Nguyên để tìm hiểu về người Thượng sống ở vùng tuyến đầu này (Nhà báo này trong thực tế không ngoài ai khác là NTV!). Cùng mục đích là Davis, một nhà báo Mỹ làm cho một tờ báo lớn (New York Times, Washington Post, Newsweek hay Time?) muốn nắm tình hình ở một nơi thử thách nhất cho chính sách “Mỹ hóa chiến tranh” 1965 của Tổng thống Johnson. Hai nhà báo đã sớm khám phá tính phức tạp khôn lường của chính trị ở môt nơi “nhỏ như lỗ mũi”, hầu như biệt lập, tách rời với “thế giới chung quanh” (chế độ Miền Nam của người Việt với thủ đô là Saigon). Người Thượng sống an phận, biệt lập, không muốn dính líu gì đến người Việt quốc gia và VC, và hoan hỉ với người Mỹ, viện trợ Mỹ, quân Mỹ chiếm đóng... Thậm chí, một số người chủ tâm ly khai (FULRO) còn nghĩ rằng Mỹ sẽ giúp họ lập nên một nước Đông Sơn riêng biệt. Việt Cộng đương nhiên muốn khuấy phá không ngừng để ép người dân Thượng sợ chúng và đi theo chúng, tránh xa người Mỹ. Bởi thế mới có cuộc thảm sát đến cả 600 người dân thường ở một nơi lính Mỹ không “bảo hộ”.

Trong khi đó, chính phủ Saigon cũng lúng túng, trở nên thụ động trước sự lấn áp của người Mỹ. Sự thiếu lãnh đạo, thiếu chính sách thể hiện ở hai ông tướng thường được nói đến như tư lệnh vùng: một ông tướng Trị không có tham vọng vì bất lực trước người Mỹ và tham nhũng; một ông tướng Thuyết tham vọng “vương tướng” nhưng không có quyết tâm hành động vì thiếu phương hướng. Theo lời tướng Trị: “... vai trò của vị tướng lãnh trên cao nguyên hiện tại là chánh trị chứ không phải quân sự mà tôi chỉ là một nhà quân sự thuần túy...”. Ông miệt thị người Thượng: “Sao tôi lại không biết cái chân lý bọn Thượng chỉ tuân lệnh và tri ân những ai đem thức ăn vào miệng chúng nhưng bọn Mỹ cũng biết điều đó, tụi nó muốn độc quyền tranh thủ nhân tâm bằng cách này”. “Tướng Thuyết đã không thành công khi đòi cứu trợ phải qua tay nhà cầm quyền VN”. Nhà báo cũng nhận định: “Chính phủ VN đã lầm lẫn khi trao toàn quyền cứu trợ đám người Thượng tỵ nạn vào tay người Mỹ”. Đúng thôi. Như thế thì người Thượng chỉ biết có người Mỹ, làm sao họ cần nhìn mặt người Việt ở đây? Đặc biệt, tác giả đã để ít nhất 1/3 số trang để nói đến chính trị Saigon nhiễu nhương thời đó. Người ta chỉ biết tranh chấp quyền hành, chẳng hề biết đến những bài toán lớn của đất nước. Mỹ muốn Saigon khoán trắng cuộc chiến cho Mỹ? Tốt thôi. Càng khỏe! Trong khi đó, người dân Saigon sống trong bất an, lo sợ: các tướng đảo chánh; học sinh, thanh niên và cả giáo dân nghe lời các thầy, các cha xuống đường; VC tăng cường khủng bố để trả thù người Mỹ leo thang... Báo chí thì ngột ngạt vì chế độ kiểm duyệt...

VĐX đã nói khá rõ về thái độ “thực dân mới” của Mỹ: xem thường nước chủ nhà và tự tung tự tác, xuất phát từ thái độ đáng xem thường, tắc trách của Saigon. Người ta xem quân đội Saigon như không có cho nên Green Berets mới trở thành kiêu binh. Vụ thảm sát mấy trăm người Thượng là một “tai tiếng” ghê gớm: “Còn đối với những người lính Mũ Xanh thì việc thí sáu trăm sinh mạng là một chứng tỏ đắc thắng của họ. Hậu thuẫn vững chắc của bọn này là những đơn vị Dân sự Chiến đấu Thượng và một lũ thông ngôn”. Mấy năm trước đó, cũng có vụ lính Thượng giết chết mấy chục người lính Saigon trong cùng trại. Người Mỹ tin rằng với chính sách “Mỹ hóa chiến tranh”, vùng này sẽ an toàn tuyệt đối, ngăn chận lính Bắc Việt theo đường mòn Hồ Chí Minh mượn ngõ đi vào Miền Nam. Họ cũng nghĩ việc truyền giáo sẽ làm tăng ảnh hưởng của người Mỹ trong khu vực, cho dù ông mục sư này vẫn quen ăn trên ngồi trốc và “mọi người vì mình”. “Lối suy nghĩ thực tiễn của ông (mục sư) vẫn mang nguyên bản chất của người Mỹ... Hình ảnh một vị thừa sai mắt xanh râu đỏ hùng hồn đứng rao giảng đạo về sự hiện hữu của Chúa cùng với những hy vọng hạnh phúc ở đời sau trước đông đảo đám con chiên phủ phục nghèo đói như kéo tôi lùi lại thời gian của hàng mấy thế kỷ văn minh”.

Điều phải nói ở đây là chẳng những người Mỹ không hề nhắc nhở cho người Thượng hiểu họ trước hết phải là người VN và phải chiến đấu như người Việt chống kẻ thù ngoại xâm là Miền Bắc. Trái lại, dường như họ còn khuyến khích người Thượng mơ tưởng nhiều hơn chuyện “thoát Việt”, xây dựng một đất nước riêng của người Thượng có Mỹ bảo hộ...

Câu chuyện VĐX “tạm” kết thúc có hậu một cách u buồn vì thực không có giải pháp. Phong trào phản chiến bùng phát ở Mỹ, và Tòa Bạch Ốc thời Nixon phải tính đến chuyện “giải Mỹ hóa”, hay “Việt hóa” chiến tranh. Cho nên cái trại Daksut tiền đồn này được vất trả cho Việt Nam (tử tế dữ!). Tác giả đã trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn vì chế độ kiểm duyệt ở Saigon khiến cho ông muốn bỏ nghề. Rồi sáu tháng nằm bệnh viện trên cao nguyên vì “tai nạn nghề nghiệp” (VC tấn công). Người bạn Davis bị tử thương bởi một vết đạn ở đầu và chết “ngay trên đường di tản”. Tác giả còn đơn độc thêm vì sự biến mất lẳng lặng của cô Nguyện, người bạn đời trong mộng, được xem là con chim sơn ca trong đời nhưng nay đã bỗng “cất cánh bay cao và chối từ quá khứ”. Trong sự chuyển giao VN hóa chiến tranh này, người Thượng thì hoang mang, chẳng biết phải dựa vào ai đây; người Mỹ không vui vì bỏ cuộc chơi; người Việt thì lúng túng. “Và điều quan trọng hơn nữa là cả người Thượng và người Kinh sau mấy lần đổ máu đều hiểu thấm thía rằng bởi trong cái mối tương quan môi hở răng lạnh, họ chỉ còn một cách là xích lại gần nhau để hợp tác xây dựng một cộng đồng quốc gia VN mới.

Kết luận đó là khoảnh khắc lạc quan hầu như duy nhất trong VĐX, có lý do “chính trị” của tác giả. “Cái viễn ảnh tốt đẹp của vùng Đất Hứa Cao Nguyên còn phải trải qua nhiều máu, mồ hôi và nưóc mắt”, tác giả cảnh báo. Nhưng, đau buồn thay, để “trải qua nhiều máu, mồ hôi và nước mắt”, chúng ta cần nhiều thì giờ, rất nhiều thì giờ, mà chúng ta trước đã hoang phí, và đến lúc đó vẫn chưa đủ ý thức về nhu cầu sống còn chúng ta phải chạy đua “mệt nghỉ” với thời gian.

Theo “Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo”, “Vào đầu tháng ba, lính BV đã bao vây Ban Mê Thuột ở Cao nguyên Trung phần. Sự tập trung đông đảo lính chính quy MB, cùng với những tin tức từ tù binh, liên lạc truyền tin của địch bị bắt được, cùng với những tài liệu tịch thu, cho thấy BV đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô vào vùng này. Các đơn vị CS cắt các trục giao thông chính ở vùng II. Ngày 10-3, quân BV mở tổng tấn công vào Ban Mê Thuột, tỉnh lỵ chính của Trung Nguyên, đến giữa ngày đã tràn ngập khắp tỉnh lỵ. Sư đoàn 23 bị tan rã, và BMT, thành phố chính của tỉnh Darlac, bị chiếm hoàn toàn ngày 13-3. Nhiều lính của Sư đoàn 23 Bộ binh rã ngũ để lo đưa gia đình đi chạy giặc. Theo một nhận định, phản ứng lo sợ chuyện nhà đến mức bỏ ngũ này của nhiều binh sĩ của Saigon là một “hiện tượng” đóng góp “nặng nề” cho sự sụp đổ của quân Miền Nam trong mấy tháng sau đó”.

            Đúng là “cái chết được báo trước!”

 

 

Giả sử những người giám khảo của Giải Văn Chương Toàn Quốc 1970 gởi riêng cho Tổng thống Thiệu một memo nói lên những quan tâm của họ về những cảnh báo họ cảm nhận từ VĐX về an ninh quốc gia?

Hay giả sử thay vì đưa tác giả  VĐX ra tòa về tội nói xấu quân đội VNCH làm hoang mang chiến sĩ, những người có trách nhiệm cùng ngồi lại để xem nếu VĐX đã bị tháo gỡ vì Mỹ rút, an ninh của tiền đồn này sẽ thế nào và ảnh hưởng đến an toàn của đất nước ra sao?

Chúng ta có đầy những sai lầm, thiếu sót, khiếm khuyết trong chính sách Trung Nguyên.

Thế nên! 

 

(Utah, Giữa Mùa Đại Dịch, 26.02.2021) 

 

Hoàng Ngọc Nguyên, tốt nghiệp Cao học Hành chánh (Sài Gòn), đã qua các trường Hertford College(Oxford) và David Eccles School (University of Utah). Theo đuổi “nghiệp báo” sớm, chính thức vào nghề với tờ The Saigon Post từ 1968 tới 1975. Tham gia nhóm nghiên cứu đổi mới kinh tế của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh trong những năm 80. Sang Mỹ, anh tiếp tục viết báo, cộng tác với Việt Tribune, Saigon Weekly, Bút Tre và hiện định cư tại tiểu bang Utah.  

 



[i] Biến cố này xảy ra vào khoảng cuối tháng chín năm 1964.  Trong The Vietnam War, An Almanac, xuất bản năm 1985, tổng biên tập là John S. Bowman, ở trang 92, tác giả ghi lại biến cố này như sau: “21-28 tháng chín 1964: Nam Việt Nam. Người dân bộ lạc Rhadé (hay Edé) ở cao nguyên trung phần, một trong nhiều nhóm được gọi là dân Thượng, chẳng có mấy cảm tình với cả chính phủ Saigon hay Việt Cộng, nổi loạn và đòi quyền tự trị cho những bộ lạc trong vùng rừng núi của họ. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ ngày 20-9 khi khoảng 500 người Thượng bộ lạc giết chừng 50 binh sĩ Quân đội VN tại một trại Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) gần Ban Mê Thuột, tỉnh lỵ của Darlac. Cuối cùng, Tướng Nguyễn Khánh đứng ra thương thảo kết thúc, nhưng phía quân sự Hoa Kỳ có một vai trò chính yếu trong việc giữ cho quân đội Miền Nam không tấn công đám nổi dậy. Những người Thượng nổi loạn này còn chiếm cứ một trại LLĐB ở Bonsarpa, gần biên giới Campuchia; một lần nữa, những cố vấn quân sự Hoa Kỳ thương lượng. Và đến ngày 27-9, máy bay trực thăng của Mỹ được phép di tản 60 người Miền Nam bị bắt làm con tin ở Bonsarpa. (Một nhóm dân Thượng khác đã đầu hàng ngày 26-9 sau khi cố vấn Hoa Kỳ thương thảo). Đến ngày 28, tất cả những người Thượng này đầu hàng. Khánh quy trách cuộc nổi dậy này cho “Cộng Sản và ngoại quốc” và xem chừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã bắt đầu tìm cách gây ảnh hưởng đối với một số người Thượng bằng cách khai thác sự chống đối lâu đời của người Thượng đối với chính phủ Saigon. LLĐB của Mỹ làm việc với người Thượng để huấn luyện họ chiến đấu chống lại VC nhưng Mỹ chẳng thực sự thành công trong việc giành sự ủng hộ của những sắc dân độc lập này bởi vì họ chỉ muốn để họ yên”.

 

[ii] The Encyclopedia of the Vietnam War, xuất bản năm 1998, tác giả là Spencer C. Tucker, trang 143-144, viết như sau về FULRO: “Mặt trận Đấu tranh Thống nhất cho Sắc tộc bị Áp bức: một phong trào dân tộc thiểu số của người Thượng (Le front pour la libération des Montagnards (FM), Khmer Krom (FLKK), và Chàm (FLC). FULRO chuyển biến từ phong trào Bajaraka (phong trào hợp nhất các sắc dân Bahnar, Jarai, Rhadé, và Koho) được hình thành để chống lại Chương trình Phát triển Điền địa của Tổng thống NĐD, tịch thu đất của người Thượng và ép buộc họ vào những khu tái định cư người dân tộc thiểu số.

“Người ta biết tiếng FULRO vào năm 1964 qua một cuộc binh biến tại những trại Civilian Irregular Defense Group chung quanh Ban Mê Thuột. Tại đây, Y Bham Enoul Enuol, người Rhadé, đưa ra một bản “Hiến chương FULRO” kêu gọi tranh đấu để lấy lại đất đai của người Thượng. Mặc dù Bộ Phát triển Dân tộc Thiểu số được chính quyền Saigon thành lập đáp ứng với cuộc nổi dậy này, trong nỗ lực giành lại sự ủng hộ của dân Thượng, Y Bham Enuol và người của ông ta bỏ chạy qua Campuchia do lo ngại vì chính phủ Saigon đe dọa sẽ bắt giam họ. Đến năm 1965, FULRO có một lực lượng khoảng 5.000-6.000 quân, cùng với khoảng 15.000 người lệ thuộc vào họ. Là chủ tịch của FULRO, Y Bham đại diện người Thượng trong thương lượng với hai chính phủ Campuchia và Saigon, Bắc Việt cũng như VC.

Sau vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, Y Bham Enuol tìm cách trở lại vùng Cao nguyên Trung phần để bảo vệ các làng người Thượng chống lại tấn công của VC. Chính phủ Saigon hứa rằng các đơn vị quân của FULRO sẽ được kết hợp vào các Lực lượng Vùng để bảo vệ các làng người Thượng và những người lãnh đạo FULRO sẽ được tham gia chính quyền. Không đồng ý với sắp xếp này, những phần tử FULRO quá khích lật đổ Y Bham Enuol vào tháng 12 năm 1968 và đưa ông cùng những người theo ông đến Phnom Penh. Thỏa thuận hội nhập các lực lượng FULRO vào những đơn vị trong vùng vẫn tồn tại. Với sự trở lại VN của các binh sĩ FULRO và sự lưu vong của Y Bham Enuol, FULRO đến đầu năm 1969 đã không còn được coi là một phong trào sắc tộc thiểu số.

FULRO lại nổi lên chống Việt Cộng vào khoảng những năm 1974-1975; Chính phủ Cao nguyên Lâm thời Dega với cánh tay quân sự là Mặt trận Giải phóng Cao nguyên Dega. Điều 2.000 binh sĩ của FULRO chiến đấu đến cùng trước một lực lượng CS có ưu thế toán diện, đến năm 1984 mới chịu bỏ cuộc. Nhiều người trở lại làng mạc, nhưng cũng có đến 200 thành viên trụ cột của FULRO không chịu quy hàng, họ chạy qua những trại tỵ nạn được thành lập sát biên giới Campuchia và Thái Lan. Sau đó, họ được đưa qua Mỹ, định cư tại hai tiểu bang North và South Carolina.

 

[iii] Trong Dictionary of the Vietnam War, xuất bản năm 1988, tác giả James S. Olson đã viết như sau về “Montagnards”: Người Thượng, hay người sơn cước (mountain people) là những bộ lạc sơ khai (primitive) sống riêng rẽ ở vùng Cao nguyên Trung phần của Việt Nam. Trước Đệ nhị Thế chiến, người Thượng tách biệt khỏi cuộc xung đột Đông Dương, ngoài những khoản triều cống định kỳ cho các vua nhà Nguyễn. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp tiếp tục đường lối “để mặc” này (general neglect). Nhưng khi Việt Minh bắt đầu tấn công trở lại nhằm vào thực dân Pháp năm 1946, Võ Nguyên Giáp tuyên bố cao nguyên Trung phần là quan yếu đối với sách lược đánh đuổi giặc Pháp và chiếm lấy Miền Nam. Trong những thập niên 40, 50, và 60, những thế lực quân sự đối nghịch đã tranh nhau lôi cuốn người Thượng - Miền Bắc cho thấy thành công hơn Miền Nam và Hoa Kỳ. Sau năm 1954, Hồ Chí Minh đưa hơn 10.000 người Thượng đến Hà Nội để huấn luyện trong ngành giáo dục, y tế, quân đội và tuyên truyền chính trị; thiết lập những khu vực tự trị, mở ngỏ cư trú ở miền bắc cho dân Thượng, và cho những bộ lạc sơn cước có đại diện tại Quốc Hội.  Miền Nam lại có một khảo hướng khác, tìm cách hội nhập người Thượng vào xã hội VN qua tái định cư, lập khu bộ lạc mới, và áp lực văn hóa. Sự kiện chính phủ Saigon đưa dân tỵ nạn Thiên Chúa giáo định cư ở vùng đất của người Thượng chỉ làm cho người dân miền núi cảm thấy bị chèn ép. Một số bộ lạc người Thượng, như Hre hay Rhadé, vẫn trung thành với người Mỹ và chính phủ Saigon, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ hơn là phổ biến. Đến năm 1975, người Thượng vừa mất đất vừa bị cô lập văn hóa, đối diện với sự tan rã trong lối sống làng mạc của họ. Hơn 200.000 người Thượng đã chết trong cuộc xung đột này, và 85% người Thượng phải rời bỏ đất đai, làng mạc của mình.

 

 

(Utah, Giữa Mùa Đại Dịch, 26.02.2021)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT